Tiếp tục hành trình khám phá phương nam, nhưng hôm nay chúng tôi lại từ Cà Mau đi về hướng đông bắc để tới Sóc Trăng bằng xe máy, với hành trình khoảng 120km. Hôm nay chúng tôi khởi hành rất sớm, ra khỏi khách sạn là 6:30. Trời vẫn giữ cái tính khí thất thường, lúc mưa lúc nắng, nên chúng tôi phải dừng lại trú mưa mấy lần. Khoảng gần 10h lại gặp trận mưa to, thấy quán cơm tấm bên đường, chúng tôi ghé vào trú mưa, tiện thể giải quyết luôn bữa trưa vì nhìn trời còn “nặng” lắm. Ấy thế mà đĩa cơm vừa bưng ra thì trời đã ráo hoảnh, bừng sáng như chưa từng lã chã…Đành ăn nốt bữa trưa sớm trước hai tiếng vậy. Ảnh dưới là con đường vào TP Sóc Trăng.
Chúng tôi không dành thời gian để chạy dọc ngang thành phố mà đến thẳng những điểm đã “nhắm” trước vì không có nhiều thời gian. Gần 11h chúng tôi mới đến chùa Mahatup hay còn gọi là chùa Dơi, cách TP Sóc Trăng 2-3 cây số. Cổng chùa không có các tháp như nhiều chùa Khmer khác, nhưng là có hai con rồng xanh hướng ra.
Chùa Dơi, Sóc Trăng nằm trong khuôn viên rộng lớn đến 4ha, có tường bao quanh phía trước (do tôi chỉ nhìn được có vậy, không đi tới các phía xung quanh) rất đặc trưng văn hóa Khmer. Ảnh dưới là bức tường bao quanh chùa, được trang trí bằng những vòng tròn hoa, có lẽ tượng trưng cho các bánh xe pháp luân.
Xe máy phải gửi vào bãi phía đối diện cổng chùa, cạnh đó là khu du lịch chùa Dơi mang nét văn hóa khác hẳn và nhiều hàng quán bán cá khô, đặc sản địa phương và đồ lưu niệm. Ảnh dưới là quán bán hàng trên phố đối diện cửa chùa.
Có lẽ vì chúng tôi đến chùa vào ngày thường, lại gần giờ ăn trưa nên không có nhiều du khách. Có một con đường khoảng 50 mét nhỏ giữa những hàng cây cao dẫn tới Chính điện và nhà sala phía đối diện. Chúng tôi vào thăm Ngôi chính điện trước, nơi có diện tích không lớn lắm và trang trí rất khác so với chùa miền Bắc. Đây là kiến trúc đặc trưng của các chùa theo Phật giáo Khmer. Mái chùa thường có ba lớp mái, lớp dưới cùng che kín hành lang bao xung quanh gian điện.
Giữa điện là bàn thờ Phật Thích Ca khá đơn giản, xung quanh điện không còn có thêm bức tượng nào khác nữa. Những bức tượng khác nhau trên bàn thờ là các tư thế khác nhau của Đức Phật Thích Ca.
Những cây cột lớn vững chắc được dựng lên thành hệ thống đỡ mái, tạo hình tam giác cân khiến mái chính điện cao, sau đó là hai lớp mái dưới, dốc ít hơn. Các cột trong gian điện được trạm hoa bốn cánh, là hình thức hoa văn được dùng trang trí nhiều trong các ngôi chùa Khmer.
Các bức tường xung quanh gian điện được trang trí bằng những bức tranh lớn từ sát trần xuống tới sàn nhà. Các bức tranh kể về cuộc đời Đức Phật Thích Ca từ khi sinh ra đến lúc Ngài nhập Niết Bàn, có vẻ hơi giống như trang trí trong các đền Hindu ở Ấn Độ.
Đặc biệt bên trong Chính điện có một cái trống lớn, được trang trí khá công phu, nhưng tôi không tìm hiểu được lai lịch của nó. Thường trống ở các vùng phía bắc được sơn màu đỏ và để bên ngoài chính điện, trong lầu riêng, đối diện với lầu chuông, ở chùa này, trống được đặt ngay trong gian chính điện.
Chúng tôi đi sang gian sala (nơi chuẩn bị đồ cúng lễ và sinh hoạt của các sư trong chùa) nằm ngay đối diện với Chính điện và ngạc nhiên thấy mấy chú chó nằm ngủ ngon lành ngay trong gian chính của sala. Ở gian thờ này những cây cột lại được trang trí rồng vàng trên nền đen, trông khá dữ, đối lập với sự thanh thản, an lành trên khuôn mặt Đức Phật khi Ngài nhập Niết Bàn.
Còn gian bên trái của sala đang bày cỗ, có lẽ một gia đình nào đó đang chuẩn bị lễ cúng. Tôi thấy có khá nhiều thức ăn, nhưng lúc đó chỉ thấy có ba bốn người ngồi. Có lẽ họ phải chờ sau chính Ngọ mới đến chùa.
Ở góc vườn gần Chính điện có một ban nhạc dân tộc của chùa đang chơi những giai điệu tôi nghe không quen tai, trên một sân khấu nhỏ dựng tạm. Mặc dù chỉ có vài người khách đến cúng lễ và có lẽ chỉ hai chúng tôi là du khách, nhưng ban nhạc vẫn miệt mài chơi…
Và lần đầu tiên tôi được thấy một hình thức cúng lễ độc đáo. Ba con chó được khoác trang phục, nghiêm trang như các vị vua chúa, đang đón nhận sự dâng hiến của các tín đồ. Con chó đen ở giữa đã bị “bịt mồm” bằng một tảng thịt to tướng. Giờ thì tôi đã hiểu, tại sao mấy con chó lúc nãy có thể nằm thư giãn đàng hoàng trong gian điện ngay đối diện với Niết Bàn của Đức Phật. Ở chùa này chó cũng được coi như vị thần!
Thức ăn cúng xong vứt rải rác khắp khuôn viên của chùa, không biết để cho chó ăn hay chỉ đơn giản là cúng “chúng sinh”… nhưng đã khiến cho môi trường bị bẩn với lũ ruồi muỗi bay tấp nập từng đàn. Khuôn viên của chùa rất rộng, nhưng các công trình xây dựng nằm gần nhau tạo thành một quần thể nhỏ, còn trong khuôn viên rộng lớn có nhiều cây to, cổ thụ thấp thoáng những bảo tháp nằm rải rác…
Mỗi bảo tháp, nơi đựng tro của các vị sư hoặc có thể là người dân địa phương ở Sóc Trăng, được trang trí một cách khác nhau tạo nên sự đa dạng và khá hấp dẫn. Một số được trang trí bằng bức phù điêu các vũ nữ Apsara, tượng Phật bốn mặt giống như ở các ngôi đền Angkor.
Có tháp lại được trang trí bằng các vũ nữ Kẽn naarr đỡ mái bảo tháp (trong truyền thuyết của Phật giáo Khmer), giống như trang trí xung quanh tường sát mái các chùa Phật Khmer.
Theo lời kể của cụ già đi lễ chùa thì ngôi chùa này được ông Thạch Út đứng ra xây dựng vào từ năm 1569 và đã trải qua 19 đời Đại Đức, nhưng đã được trùng tu nhiều lần. Sau lần hỏa hoạn năm 2007, chính điện của chùa đã được xây dựng lại vào năm 2009. Theo tiếng Khmer, Maha là lớn, tup là kháng cự, Mahatup có nghĩa là trận kháng cự lớn. Ngày trước, vùng đất Sóc Trăng này đã xảy ra cuộc chiến khốc liệt của phong trào nông dân nổi dậy chống thực dân phong kiến và chỉ có ở vùng đất ở chùa Dơi người dân mới giành được chiến thắng, vì thế người dân tập trung về đây sinh sống. Họ tin rằng vùng đất này là vùng đất lành, nên dựng cột xây chùa thờ Phật để sinh hoạt tôn giáo.
Một chiếc thuyền được trang trí theo phong tục của người Khmer gọi là ghe Ngo được làm bằng gỗ cây Sao, có hình dáng nhỏ như con rắn, được sử dụng trong các lễ “Tắm Phật” hoặc trong các cuộc đua thuyền. Thông thường mỗi cộng đồng sẽ làm một chiếc ghe Ngo được trang trí đẹp và kỳ công kỳ công dùng trong lễ hội cúng trăng Oc – Om – boc. Chiếc thuyền này có lẽ lâu rồi không còn được dùng đến nữa, trông khá cũ và chiếc trống cũng đã thủng một miếng!
Sau khi đi thăm mọi nơi trong chùa xong, chúng tôi mới nghĩ đến lũ dơi và đưa mắt tìm kiếm. Trên ngọn những cây lớn là hàng trăm ngàn con rơi to đang treo lơ lửng. Thỉnh thoảng một con sải cánh bay, khiến tôi liên tưởng đến chú đại bàng lớn đang liệng trên bầu trời.
Chùa Dơi có hai loài dơi hiếm ít nơi có được, đó là dơi ngựa to và nhỡ. Trước đây khi ở Phú Quốc, tôi có nghe nói thỉnh thoảng có những đàn dơi ngựa lớn bay từ Campuchia sang, có tới hai ngàn con, bản thân tôi đã lội rừng và đầm lầy để tìm kiếm chúng cho dự án bảo tồn dơi ngựa của Úc, nhưng mắt tôi chưa bao giờ thấy chúng trên cây, mà chỉ thấy cái đầu của con dơi ngựa rất to, hơn cả đầu gà trong nồi cháo đậu xanh ở nhà hàng Phú Quốc. Tôi đã từng nghe một chuyên gia bảo vệ loài dơi ngựa người Úc kể rằng, loài dơi này khôn như chó, nếu nuôi nó từ bé, nó cũng sẽ trung thành và hiểu ý chủ như con chó trong nhà vậy. Ở chùa Dơi, các nhà sư cũng nuôi dơi nên chúng cũng khôn và trung thành lắm. Nhưng không hiểu sao tôi không có nhiều thiện cảm với lũ dơi, bởi cái mặt nó trông rất dữ. Hình ảnh này tôi lấy từ Internet để mọi người có thể hình dung được con dơi ngựa như thế nào.
Chúng tôi đứng ngắm lũ dơi khá lâu, chủ yếu là mong chụp được bức ảnh rõ nhất có thể, nhưng thất bại vì máy ảnh không chuyên nghiệp. Chụp vội một bức hình trước khi ra về, nét mặt nhăn nhó vì thất vọng với máy ảnh không chịu đầu tư tốt …trở lại với iphone để hành nghề!
Bước chân khỏi chốn thanh tịnh, yên bình bên trong ngôi chùa Dơi Sóc Trăng, chúng tôi trở về thực tại, với cuộc sống đời thường cùng những hàng quán bán trước cửa chùa chẳng có gì liên quan gì đến tín ngưỡng.