Nhà thờ Gỗ Kon Tum, Tây Nguyên

Một trong số ít điểm đặc biệt khác hẳn với những gì bạn thấy được ở Tây Nguyên, đó là Nhà thờ Gỗ Kon Tum, một nhà thờ Công giáo có kiến trúc đẹp đặc biệt không chỉ Tây Nguyên mà đối với cả Việt Nam.

Nhà thờ chính tòa Kon Tum nổi tiếng với cái tên “nhà thờ Gỗ”, được xây dựng năm 1913 do các linh mục người Pháp khởi xướng, hiện nay dùng làm nhà thờ chính tòa, nơi đặt ngai tòa của vị giám mục giáo phận Kon Tum. Tôi thật sự kinh ngạc khi bước vào khuôn viên của nhà thờ.

Nhà thờ Gỗ có kiến trúc rất đặc biệt, đó là sự kết hợp giữa kiến trúc La Mã với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na. Phía trước có cây nêu truyền thống của người dân tộc Ba Na.

Nhà thờ Gỗ được xây dựng hoàn toàn bằng phương pháp thủ công với chất liệu bằng gỗ, chủ yếu là gỗ cà chít (là gỗ sến, thuộc loại cây quý trong sách đỏ). Các bức tường của nhà thờ đều được xây dựng bằng cách trộn vữa với rơm, một kiểu làm nhà truyền thống ở miền Trung Việt Nam. Nhà thờ đã được những người thợ có tay nghề cao từ Bình Định và Quảng Ngãi vào xây dựng.

Mặt tiền nhà thờ cao 24 mét, trên đỉnh tháp là cây thánh giá bằng gỗ quý, thể hiện sự uy nghiêm và vĩnh cửu của thánh đường. Chúng tôi đến vào buổi sáng nên khi chụp ảnh bị ngược sáng, rất khó có thể có được một bức ảnh đẹp mặt tiền của nhà Thờ.

Khung sườn của nhà thờ gồm bốn hàng cột gỗ cao 12 mét chạy dài từ mặt tiền đến phòng áo, phía sau. Hành lang dài bên ngoài chạy dọc theo giáo đường.

Những hoa văn trang trí dọc hành lang bên ngoài.

Bên trong thánh cung – giáo đường có rất nhiều bức tranh Thách tích.

Nhà thờ là một công trình lớn bao gồm có giáo đường lớn ở giữa, phía sau là nhà khách và nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo. Nhà thờ cũng có cô nhi viện và cơ sở làm một số nghề thủ công như may, dệt thổ cẩm, làm nghề mộc.

Khi chúng tôi đến thăm, một số người đang làm lễ bên trong thánh đường, một vài người chỉ đơn giản ngồi trong im lặng dưới chân bức tượng Đức Mẹ hai tay nâng bế Chúa Hài Đồng được làm từ một thân gỗ nguyên sơ đặt ở khuôn viên bên ngoài. Người dân tộc ở Tây Nguyên rất sùng đạo. Họ tin ở giáo lý Công giáo, nghe lời Cha hơn bất cứ sự tuyên truyền, giải thích của mọi tổ chức khác, trong đó có chính quyền địa phương.

Cuối thế kỷ XIX các nhà truyền giáo Pháp đi theo con đường buôn bán giao thương của người dân tộc với người Kinh có tên là con đường “Muối, gốm sứ và cồng chiêng” từ Quảng Ngãi lên Kon Tum đã đặt chân lên Tây Nguyên. Để bắt đầu truyền đạo, năm 1870 họ xây dựng ngôi nhà bằng tre và gỗ nhỏ, sau đó các tín đồ đông dần lên linh mục Giuse Decrouille được giao cai quản xứ đạo Kon Tum đã quyết định xây dựng nhà thờ mới bằng gỗ này. Và phải mất 5 năm từ 1913 đến 1918 nhà thờ Gỗ mới hoàn thành.

Không chỉ có mình chúng tôi mà tất cả những ai đã đặt chân đến đây đều thán phục và ca ngợi nhà thờ Gỗ Tây Nguyên này.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *