Tòa Giám mục Kon Tum, Tây Nguyên

Một trong những điều đặc biệt khi đi du lịch ở Tây Nguyên là bạn có thể nhìn thấy nhiều nhà thờ Công giáo trên mọi nẻo đường. Đa số nhà thờ đều có kiến trúc khá đơn giản, không đủ hấp dẫn khách du lịch dừng lại chụp ảnh, nhưng ở Kon Tum, nơi Công giáo tìm đến đầu tiên để bắt đầu công việc truyền đạo thì bạn sẽ thấy nhà thờ cổ có kiến trúc rất đẹp. Một trong những địa điểm nên đến đó là Tòa Giám mục Kon Tum.

Tòa Giám mục Kon Tum có tên gọi đầy đủ là Chủng viện thừa sai Kon Tum, nằm ở số nhà 146 đường Trần Hưng Đạo, được thành lập nhờ công của vị Giám mục người Pháp tiên khởi của Giáo phận Kon Tum, Đức Cha Martial Jannin Phước.

Tòa Giám mục nằm trong một khuôn viên xanh, khá rộng và rất ấn tượng, bởi con đường vào nhỏ nằm giữa những cây hoa Đại già.

Và một toà nhà có kiến trúc rất đẹp, sang trọng nhưng lại rất tao nhã, với chiều ngang khoảng 100 mét và cao ba tầng.

Ngay trước tòa nhà là bức tượng của Đức Cha Martial Jannin Phước.

Tòa Giám mục là một công trình kiến trúc độc đáo, theo kiểu phương Tây kết hợp với lối kiến trúc dân tộc bản địa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên, được xây dựng vào năm 1935 – 1938. Tầng một được xây bằng gạch và bê tông, còn hai tầng trên là hệ kết cấu khung gỗ, giống kiến trúc cổ của rất nhiều thành phố tại Đức, Pháp, Đan Mạch mà tôi đã viết trong một bài trước đây. Tòa nhà được lợp mái bằng ngói.

Tầng hai là dãy hành lang dài dẫn đến các phòng học, phòng truyền thống, khung gỗ rất đặc biệt và sàn nhà cũng lát bằng gỗ.

Xung quanh Tòa Giám mục là một khu vườn rộng, góc bên phải tòa nhà có biểu tượng nhà Rông của người Bana.

Trước năm 1975 Tòa giám mục là nơi tu hành và đào tạo giáo sĩ cho các giáo phận. Từ sau năm 1975 Tòa giám mục ngưng hoạt động, chỉ là chỗ dành cho các Cha ở. Vào những ngày lễ lớn, các Cha sẽ đến các buôn làng để cử hành Thánh lễ và tổ chức lễ Phục sinh, Giáng sinh cho các giáo dân ở các giáo phận.

Bên trong Tòa Giám Mục Kon Tum còn có một phòng trưng bày các hiện vật của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, qua đó mô tả lại quá trình hình thành và phát triển Công giáo từ năm 1848 đến nay.

Năm 1848 khi vua Tự Đức lên ngôi đã ban hành chỉ dụ cấm đoán Công giáo, nên một nhà truyền giáo trẻ người Việt là Nguyễn Do đã tìm đường lên vùng Tây Nguyên lánh nạn và thấy ở đây thiên nhiên thuận lợi, người dân tộc hiền lành nên đã quyết định ở lại và hai năm sau hai linh mục người Pháp và bẩy thầy giảng người Việt cùng nhiều tín đồ đã lên đây lánh nạn, rồi định cư và lập ra khu Công giáo Tân Hương nằm ngay trong trung tâm thành phố Kontum bây giờ. Đó chính là khởi điểm của sự phát triển Công giáo ngày nay trên Tây Nguyên.

Tòa Giám Mục Kon Tum là một địa điểm đặc biệt bạn nên đến khi đi Tây Nguyên.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *