Chúng tôi bắt đầu một ngày mới bằng chuyến tàu điện ngầm để đến trung tâm thành phố, nơi chúng tôi sẽ tham quan Tháp Eiffel sau đó sẽ đi dọc theo con đường dẫn ra sông Seine để tới Nhà thờ Đức Bà Paris.
Điểm đầu tiên chúng tôi đi qua đó là Cung điện Chaillot là một công trình kiến trúc rất khác so với những công trình kiến trúc khác ở Paris, có vẻ như hơi “thô”. Nằm bên cạnh quảng trường Trocadéro, trên đồi Chaillot, tòa nhà này được xây dựng nhân dịp Triển lãm Thế giới vào năm 1937 bởi các kiến trúc sư từng đoạt giải Khôi nguyên La Mã là Léon Azéma, Jacques Carlu và Louis-Hippolyte Boileau.
Bên trong công trình này là nhiều bảo tàng, nhà hát: bảo tàng Con người, bảo tàng Hàng hải, Nhà hát quốc gia Chaillot… Chúng tôi chỉ đi xem bên ngoài mà không vào thăm các bảo tàng bên trong, vì không đủ thời gian.
Đây cũng là địa điểm chính để ngắm nhìn tháp Eiffel, nhưng lại bị ngược sáng!
Chúng tôi không may mắn vì đã không được chiêm ngưỡng đài phun nước này hoạt động, có thể vì chúng tôi đến đây quá sớm hoặc vì trời lạnh đã hơi đóng băng nên đài phun nước ngừng hoạt động.
Khu đồi Chailot này có lịch sử khá hay, từ thế kỷ XVII đây là địa điểm của tu viện dòng Thăm (Ordre de la Visitation) những đã bị phá bỏ sau Cách mạng Pháp, do vậy đồi Chaillot trở nên trống trải và có nhiều ý tưởng đã hình thành như Napoléon từng muốn xây dựng một cung điện hoàng đế để chào mừng con trai mình, mang tước hiệu Roi de Rome; nhà điêu khắc Antoine Etex muốn xây một đài phun nước và một cây đèn. Nhưng không dự định nào được thực hiện.
Chúng tôi đi bộ dọc theo những ô cỏ xanh để đến Tháp Eiffel, Paris. Tháp cao nên khi ở dưới chân thì chẳng thấy gì nữa, chúng tôi đi vòng quanh nhưng không lên tháp. Ở xung quanh khu vực này có rất nhiều người da đen bán đồ lưu niệm, chủ yếu là những chiếc Tháp Eiffel nhỏ xíu. Họ đựng trong một chiếc khăn vuông, trải ra trên cỏ để bán hàng. Khi nào có cảnh sát đến thì họ kéo dây và chiếc khăn vuông biến thành tay nải nhỏ, khoác lên vai và đi thôi.
Chúng tôi tiếp tục đi theo hướng ra sông Seine. Trên đường chúng tôi đi qua một đài kỷ niệm những người đã chết trong chiến tranh.
Đi qua trước cổng Cavalerie – trường quân sự kỵ binh Pháp nằm ở phía Đông-Nam của Champ-de-Mars, Paris.
Công trình được xây dựng dưới thời vua Louis XV để làm trường quân sự. Nơi đây đã đào tạo nhiều sĩ quan cho Quân đội Pháp, trong đó có cả Napoléon Bonaparte. Ngày nay, École Militaire là trụ sở của nhiều cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Pháp.
Chúng tôi đi qua điện Invalides tham quan xung quanh và đã quyết định không vào bên trong để dành thời gian tham quan những nơi khác. Công trình này được vua Louis XIV cho xây dựng vào cuối thế kỷ XVII, mục đích ban đầu là bệnh viện dành cho các thương bệnh binh của quân đội hoàng gia.
Ngày nay, Invalides tiếp tục duy trì một phần nhỏ cho chức năng dưỡng đường quân y, phần lớn còn lại là bảo tàng vũ khí và lăng quân đội. Đây là nơi an nghỉ của hoàng đế Napoléon Bonaparte cùng nhiều nhân vật nổi tiếng khác như Vauban, Turenne, Napoléon II.
Chúng tôi đã đến sông Seine, con sông gắn liền với hình ảnh của Paris, bởi những công trình kiến trúc nổi tiếng nằm dọc hai bên bờ sông.
Cầu Alexandre-III có lẽ là cây cầu đẹp nhất trong số nhiều cây cầu bắc qua sông Seine,được hoàn thành năm 1900 cùng với Cung điện Lớn và cung điện Nhỏ là quà tặng của Hoàng đế Nga III cho nước Pháp nhân dịp Triển lãm quốc tế tại Paris năm đó và cầu được đặt tên của vị Sa Hoàng Nga.
Nhà Quốc hội Pháp đặt trụ sở tại cung điện Bourbon bên bờ sông Seine, được nữ Công tước Louise Françoise de Bourbon—con gái vua Louis XIV—cho xây dựng từ năm 1722 và tiếp tục được người cháu nội là Hoàng thân Louis V Joseph de Bourbon-Condé mở rộng trong nhiều năm. Tới thời kỳ Cách mạng Pháp, cung điện được chọn làm trụ sở của quốc hội và giữ vai trò này hầu như liên tục đến tận ngày nay.
Bên cạnh chức năng quan trọng, Palais Bourbon còn là một công trình kiến trúc nổi tiếng. Mặt ngoài cung điện phía sông Seine với hàng 12 cây cột là tác phẩm của kiến trúc sư Bernard Poyet thời Đệ nhất đế chế. Họa sĩ Eugène Delacroix cũng từng nhiều năm trang trí cho các căn phòng của Palais Bourbon. Sau nhiều lần tu sửa và mở rộng, toàn bộ cung điện hiện nay chiếm một diện tích 124 nghìn mét vuông, phục vụ khoảng 3 ngàn người làm việc. Thư viện của Palais Bourbon, được thành lập dưới thời Cách mạng, cũng là nơi lưu trữ nhiều tài liệu giá trị, trong đó có những bản thảo của Jean-Jacques Rousseau và tài liệu gốc của vụ án xử Jeanne d’Arc.
Tòa nhà của Viện Hàn Lâm Pháp trước đây là trường Quatre-Nations, được xây dựng theo chúc thư của hồng y Jules Mazarin năm 1661, dành cho 60 quý tộc từ các nước đã phục tùng hoàng gia theo hiệp ước Westphalie năm 1648 và Pyrénées năm 1659. Hồng ý muốn được an táng tại nhà thờ nhỏ của ngôi trường này và tặng lại cho trường thư viện Mazarine của mình.
Jean-Baptiste Colbert yêu cầu kiến trúc sư Louis Le Vau thiết kế bản vẽ công trình nằm bên tả ngạn, đối diện với cung điện Louvre qua sông Seine. Tới ngày 21 tháng 1 năm 1662, việc thiết kế hoàn thành và 11 tháng 3, bản vẽ được đưa tới vua Louis XIV. Louis Le Vau ước tính công trình sẽ tiêu tốn 2 triệu li vơ, nhưng cuối cùng chỉ hết 20 % con số dự đoán.
Nhà thờ Đức Bà Paris chính là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris. Câu chuyện “Thằng Gù Nhà thờ Đức Bà” của V. Huygo đã khiến cho rất nhiều người mơ ước được đặt chân đến đây, và tôi là một trong số đó. Nhưng tôi sẽ nói về Nhà thờ Đức Bà trong một bài riêng.
Điện Panthéon là một công trình lịch sử nằm trên đồi Sainte-Geneviève, ở trung tâm khu phố La Tinh, nơi tập trung những di tích nổi tiếng như nhà thờ Saint-Étienne-du-Mont, thư viện Sainte-Geneviève, Đại học Paris I Panthéon-Sorbonne và Paris II Panthéon-Assas.
Năm 1764 vua Loui XV đã đặt nền móng để xây dựng nhà thờ để tạ ơn thánh Genevie đã chữa khỏi bệnh cho ông và là nơi bảo quản thánh tích của thánh Genevie, sau Cách mạng điện Panthéon trở thành nơi chôn cất và tôn vinh những nhân vật lịch sử và làm rạng danh cho nước Pháp.
Trong số những người được chôn trong điện Pantheon có Voltaire, Rousseau, Victor Hugo, Emile Zola, Jean Moulin, Louis Braille và năm 2002 tại đây đã tổ chức lễ rước long trọng đưa thi hài nhà văn Alexandre Dumas vào chôn cất trong điện. Trên tấm vải nhung màu xanh có ghi “Một người vì tất cả, tất cả vì một người” câu nói bất hủ của các chàng lính ngự lâm trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Ba chàng ngự lâm pháp thủ” mà không có đứa trẻ nào không say mê.
Điện Panthéon còn nổi tiếng với thí nghiệm Con lắc Foucault. Năm 1851, nhà vật lý Jean Bernard Léon Foucault trong khi tìm nơi thực hiện thí nghiệm chứng minh sự tự quay của Trái Đất đã sử dụng điện Panthéon, vì chỉ có tòa nhà này mới đủ độ cao cần thiết để treo con lắc. Từ năm 1995, một con lắc Foucault mới đã lại được hoạt động trong điện Panthéon.
Pantheon-Assas là trường Luật hàng đầu ở Pháp. Kể từ khi thành lập vào năm 1971, trường đã đào tạo ra hai tổng thống, bốn thủ tướng và ba mươi bảy bộ trưởng ở Pháp và trên toàn thế giới. Bốn mươi cựu sinh viên của trường Pantheon-Assas đã là thành viên của các nghị viện khác nhau.
Nhà thờ Thánh Stephen Mont cũng nằm tại trung tâm Latin của Paris, nơi đây có thánh đường Thánh Genevieve, vị Thánh bảo trợ của Paris. Trong nhà thờ cũng có các lăng mộ của Blaise Pascal và Jean Racine, còn Jean-Paul Marat được chôn cất trong nghĩa trang của nhà thờ.
Nhà thờ bắt đầu từ tu viện thánh Genevieve, nơi vị thánh cùng tên đã được chôn cất vào thế kỷ VI. Năm 1222, Đức Giáo Hoàng Honorius III cho phép thành lập một nhà thờ dành cho Thánh Stephen, sau đó là vị thánh bảo trợ của nhà thờ cũ của Paris. Nhà thờ được mở rộng và rất phát triển vào thế kỷ XVII-XVIII.
Khu vực cuối cùng chúng tôi đến trong ngày là vườn Luxembourg với diện tích gần 23ha, được tạo ra từ năm 1612 theo lệnh của hoàng hậu Marie de Médicis, bên trong khu vườn còn có cung điện Luxembourg, ngày nay là trụ sở Thượng nghị viện Pháp.
Khắp vườn được trang trí bằng những bức tượng miêu tả các vị thần Hy Lạp hay các con thú được đặt trên bãi cỏ. Trong số đó có bức tượng Nữ thần Tự Do được nhà điêu khắc Frédéric Auguste Bartholdi, cũng là tác giả của phiên bản lớn tại New York, tặng cho bảo tàng vào năm 1900. Đến năm 1906 thì bức tượng được đem ra đặt ngoài vườn. Nơi đây cũng có đặt nhiều tượng danh nhân như nhạc sĩ Beethoven, thi sĩ Paul Verlaine, văn hào Georges San.
Sau khi vua Henri IV mất vào năm 1610, nhà vui Louis XIII kế vị mới hơn 8 tuổi nên hoàng hậu Marie de Médicis trở thành nhiếp chính cho tới khi vị vua trẻ trưởng thành. Không còn thích thú sống ở lâu đài Louvre, Hoàng hậu Marie dự định xây dựng một cung điện kiểu Ý để nhớ về quê hương của mình. Năm 1612 bà mua lại dinh thự Petit Luxembourg từ người bạn là François, công tước Luxembourg, nơi trước đó, bà tường cùng các con đi dạo trong khu vườn của dinh thự này. Năm 1615, cung điện Luxembourg được xây dựng trong khu vườn và Hoàng hậu Marie về sống ở đây từ năm 1625.
Trời đã gần tắt nắng, mặt nước đã có một lớp băng mỏng, những còn vịt trời và hải âu vẫn kiên nhẫn dò dẫn trên lớp băng. Chúng tôi thật sự chưa muốn trở về khách sạn, vẫn đi dạo chơi trong khu vườn tuyệt đẹp này.
Paris còn có nhiều điểm nổi tiếng nữa, ngày mai chúng tôi sẽ lại tiếp tục hành trình. Một ngày thật ấn tượng ở Paris.