Khi nói đến đi “phượt” là mọi người sẽ nghĩ ngay đến đám thanh niên thích mạo hiểm, chạy xe máy trên những con đường cua “tay áo” trên núi rừng Tây Bắc hay những nẻo đường trên cao nguyên Tây Nguyên…và chắc chắn sẽ không ai nghĩ rằng U60 vẫn có thể đi “phượt”!
Tôi đã 52 tuổi, cái tuổi bắt đầu rảnh rỗi để có thể chủ động đi chơi khi nào muốn. Vì vậy chúng tôi (hai vợ chồng cùng tuổi) vẫn đi “phượt” để thỏa mãn thú đi du lịch của mình.
Đi “phượt” có thể bằng xe máy, xe đạp hay đi bộ hoặc trekking tùy theo khoảng cách, địa hình hay điều kiện ở từng điểm đến. Chúng tôi thường đi xe máy khi đi những điểm xa, còn nếu đi trong một thành phố hoặc khu vực nhỏ trong ngày, chúng tôi sẽ đi bộ. Đi du lịch kiểu này cho phép chúng tôi dừng lại bất cứ chỗ nào mình muốn, có thể đi vào các ngóc ngách, nếu thấy hấp dẫn…
Nhưng chúng tôi không phải là những người ưa thích mạo hiểm, không thích thử sức những gì chưa biết rõ, không cố làm điều gì quá sức mình…Đi “phượt” nhưng chúng tôi luôn đặt “an toàn” lên trên hết. Trước mỗi chuyến đi chúng tôi có sự chuẩn bị khá kỹ. Thông thường với những chuyến đi dài ngày (30-40 ngày đi châu Âu) chúng tôi phải chuẩn bị trước một năm, với những chuyến đi ngắn ngày (5-10 ngày trong nước hoặc Asean), chúng tôi lên kế hoạch trước 3-4 tháng.
Với những điểm xa, chúng tôi thường chọn một điểm đến chính, rồi tìm mua vé máy bay rẻ để tới đó. Tại điểm chính này, chúng tôi sẽ thuê xe máy để đi thăm các vùng lân cận trong bán kính 150km, có nghĩa là có thể đi về trong ngày đến mỗi điểm khác với quãng đường khoảng 250km/ ngày.
Chúng tôi đã làm như vậy khi đi Tây Nguyên, chúng tôi bay đến Buôn Mê Thuột, rồi từ đó đi bằng xe máy các điểm tham quan trong tỉnh Đắc Lắc, sau đó đi xe minibus đến Pleiku, rồi lại thuê xe máy đi Kon Tum và các điểm tham quan tại Gia Lai. Chúng tôi cũng chọn bay đến Phú Yên, để rồi từ đó chạy xe máy ngược ra tới Quy Nhơn, xuôi vào nam tới Nha Trang và lên núi phía tây đến thị trấn Hai Riêng. Khi đi thăm mảnh đất tận cùng phương nam, chúng tôi cũng chọn Cà Mau là điểm dừng chính, để từ đó chạy xe máy đến Đất Mũi, Bạc Liêu, Sóc Trăng.
Cũng có những điểm tham quan lớn như Đà Lạt, Cần Thơ…chúng tôi đi xe bus từ Saigon tới rồi thuê xe máy chạy các điểm trong thành phố và vùng ngoại ô…Đấy là cách đi “phượt” của U60, không mạo hiểm nhưng cũng khám phá được nhiều…chẳng kém gì thanh niên đâu.
Nhưng để có chuyến đi an toàn và thú vị, chúng tôi phải đọc rất kỹ về những điểm mình lựa chọn sẽ tới, biết rõ cung đường, chất lượng đường (tham khảo những người mới đi), độ dài quãng đường… Mỗi điểm đến tiếp theo chúng tôi phải lên kế hoạch trước sẽ dừng lại bao lâu, đi xem những điểm nhỏ nào…
Khi thực hiện chuyến đi, chúng tôi phải kiểm tra kỹ xe máy mình thuê, xem chất lượng xe có an toàn để đi đường dài không. Những thứ không thể thiếu là mũ bảo hiểm, khẩu trang, mũ vải, kính dâm, áo chống nắng và áo mưa. Phải đổ đầy xăng tại thành phố và để ý các cây xăng dọc đường nếu chạy khoảng cách xa. Chúng tôi đã gặp trường hợp gần hết xăng khi chạy dọc bờ biển về Tuy Hòa mà không có cây xăng nào hết, hoặc đã phải đổ xăng chai khi chạy vào các bản ở Tây Nguyên…nhưng may là chưa phải dắt xe bao giờ!
Đi “phượt” phải chuẩn bị cả thức ăn và nước uống mang theo, vì nhiều nơi chúng tôi đến không có nhà hàng ăn và không thể chốc chốc lại dừng xe để mua nước uống. Chúng tôi thường mang theo một số trái cây dễ ăn và dễ bảo quản như quít, táo, mận (theo mùa) để có thể đảm bảo khẩu phần ăn có vitamin! Chúng tôi cũng luôn mang theo tấm nhựa trải xuống đất để có thể nghỉ ngơi khi cần thiết.
Cũng có lần chúng tôi phải bỏ cuộc vì đường đi lầy lội, quá trơn mà trời lại có nguy cơ mưa. Đó là lần chúng tôi đi xe máy từ thành phố Luang Phrabang đi động Pak Ou cách thành phố hơn 30km. Chúng tôi đã đi được 25km rồi, mà phải quay về, vì biết sẽ gặp rủi ro nếu đi tiếp.
Ngoài xe máy, chúng tôi cũng đi trekking trên các vùng núi Tây Bắc. Thường chúng tôi sẽ đi ô tô đến một điểm chính rồi bắt đầu đi bộ qua các bản dân tộc và ngủ lại đêm ở các bản trên đường. Những chuyến đi này, chúng tôi thường đi khoảng 3-4 ngày. Chúng tôi đã đi trekking các bản dân tộc xuyên từ Mai Châu về Thanh Hóa, hay đi trekking ở vườn Quốc gia Phú Quốc, Pu Mát, Xa Mát, Cúc Phương…
Đi trekking cũng đòi hỏi phải chuẩn bị rất kỹ. Quan trọng nhất là phải có sức khỏe dẻo dai, nên trước đó cả tháng chúng tôi phải đi bộ ở Hà Nội thật nhiều cho quen chân. Đi trekking phải chuẩn bị giầy vừa chân, có chống trơn, không thấm nước đế, mang theo nhiều nước uống thì nặng, mang ít thì dọc đường phải đi xin cũng ngại…mũ, nón, kem chống nắng, cả áo mưa…khá nhiều thứ nên cũng nặng. Thường chúng tôi đi khoảng 10-12km/ ngày, không quá nhiều để không thấy mệt mỏi.
Còn đi bộ tham quan trong thành phố, tôi sẽ chia sẻ với mọi người trong bài khác “Du lịch tự do, tại sao không?”