Mọi người chỉ nghĩ đến bờ biển dài quanh năm nắng đẹp khi đến Phú Quốc, rất ít người biết rằng, Phú Quốc lại có những con suối đẹp hiếm thấy, kể cả vùng núi Tây bắc cũng không sánh được. Suối Đá ngọn với 7 tầng thác như “người đẹp ngủ trong rừng” chưa có “Hoàng tử” nào đến đánh thức.
Chúng tôi đi xe máy vượt qua con đường đất đỏ bụi mù đến trạm kiểm lâm hồ Dương Đông, Phú Quốc. Một đàn chó đã chờ chúng tôi từ sáng, chúng sẽ cùng chúng tôi vượt rừng để đến suối Đá Ngọn hôm nay. Chó Phú Quốc nổi tiếng là tinh khôn và tôi sẽ được trải nghiệm về điều đó.
Chúng tôi đi bộ khoảng 3 km xuyên qua các hình thái rừng và đá khác nhau để đến suối Đá ngọn, Phú Quốc. Ở cây số đầu tiên chúng tôi băng qua khu rừng thưa, độ dốc không đáng kể, nền đường là cát và đá, chủ yếu là cây bụi thấp như mua, sim… thỉnh thoảng đan xen một số cây tạp và cây họ tre xen lẫn những bãi đá.
Sau khoảng 20 phút đi bộ, chúng tôi đến một bãi đá rất rộng khoảng 700m chiều dài (chúng tôi phải vượt qua). Những tảng đá lớn bị nước chảy bào mòn, tạo nên các hình thù lạ mắt trên bề mặt, khiến tôi liên tưởng đến vùng đất nhan thạch núi lửa tràn qua.
Những cây Tràm Trắng – loài cây thường sống trong vùng ngập mặn lại mọc ra từ những kẽ đá ở đây. Tràm Trắng Phú Quốc thường nhỏ cây và mọc cả vùng đá khô lẫn ngập nước.
Nhan thạch phun ra có lẽ gặp các luồng gió lạnh khác nhau thổi nên tạo ra những lớp đá có hình dạng rất độc đáo. Chỗ này đá được tạo nên như những đợt sóng thủy triều.
Chỗ khác mặt đá lại giống như chỗ bột đang cán dở dang.
Hay chỗ này lại giống như một chiếc bánh mỳ bị nướng quá lửa vậy
Còn đây lại giống như những đường trượt dài, khá phẳng…
Nếu đây không phải là đá, chắc tôi sẽ không dám bước chân vào. Nó giống như một đầm lầy đầy cạm bẫy. Rõ ràng là nhan thạch nóng gặp những điều kiện khác nhau khi trào lên trên mặt đất!
Đoạn đường tiếp theo sau bãi đá đến suối khoảng hơn 1km, chủ yếu xuyên qua rừng cây tạp và cây họ tre, mây, thỉnh thoảng có những tảng đá lớn, càng gần suối càng nhiều đá. Đường khó đi hơn, hơi dốc và lổn nhổn đá.
Chúng tôi trông thấy một khu đất được đánh dấu – đó là một ngôi mộ và 2 giếng đốt củi – di tích cũ của những người bản địa sinh sống ở đảo Phú Quốc trước đây.
Mấy chú chó Phú Quốc vẫn theo sát chúng tôi. Trời nóng, chúng tôi uống nước liên tục, những chú chó đang sục xạo tìm nguồn nước. Cuối cùng, chúng tôi đã đến chân suối đá ngọn.
Chưa biết con suối này lớn tới đây, nhưng nhìn những phiến đá rộng đến hai ba trăm mét bề ngang bị dòng nước qua năm tháng bào phẳng, tôi đã cảm thấy “choáng”.
Lúc này đang cuối mùa khô, con suối gần như đã cạn, chỉ còn lại vài vũng dưới chân những tảng đá lớn.
Mặc dù nước suối chảy thành dòng rất nhỏ, nhưng nó vẫn mang nước từ nguồn về nên nước dưới các tảng đá lớn rất mát và sạch.
Nếu như chỉ có một mình, tôi sẽ không bỏ lỡ cơ hội ngâm mình trong vũng nước nhỏ để làm giảm cái nóng nhiệt đới không mấy thân thiện này.
Tôi chợt nhớ tới một khu nghỉ tắm suối nhân tạo ở huyện Di Lặc, Vân Nam (TQ), nơi tôi đã từng được tắm trong các bồn xây bằng những hòn sỏi to ngoài trời. Ở đây có rất nhiều bồn tắm như thế, hoàn toàn tự nhiên…
Lũ chó sung sướng nhảy xuống những hố nước để uống và làm giảm cái nóng bức. Chúng may mắn hơn chúng tôi.
Lũ chó có lẽ đã được uống no nê, giờ bắt đầu chạy lên phía trước, đứng ngóng chúng tôi từ tảng đá trên cao. Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình, chinh phục suối Đá ngọn 7 tầng. Tôi biết sức mình có hạn nên đích đến của tôi hôm nay chỉ là ngọn thác đầu tiên.
Lũ chó lúc chạy len phía trước, lúc chậm lại đằng sau, chúng luôn tranh thủ vùng vẫy trong các hố nước dọc đường. Càng lên cao, mặt trời càng có vẻ thiếu thiện cảm với chúng tôi…không thấy gió biển thổi, chỉ hơi nóng ẩm ướt và mồ hôi. Thỉnh thoảng sau những vách đá dựng đứng chúng tôi lại nhìn thấy một hố nước. Những cây doi rừng Phú Quốc nở từng chùm hoa to gấp đôi doi nhà.
Những tảng đá cứ chồng lên nhau tưởng như vô tận, lúc lên cao, đoạn lại xuống thấp, để rồi dẫn đến một vũng tắm bằng phẳng đẹp lạ lùng.
Tôi phải cố gắng leo lên một đoạn dốc không dễ dàng bởi không có điểm tựa và dây leo gì để bám, tôi đã suýt định bỏ cuộc. Nhưng leo lên được con dốc thì trước mắt tôi lại là một cái hồ nước nhỏ bên dưới.
Có lẽ không khí ẩm khiến cho phong lan phát triển rất tốt ở đây. Tôi thấy rất nhiều phong lan mọc xung quanh thân cây và cả loài phong lan hoa nhỏ cũng mọc đầy khe đá.
Suối Đá Ngọn ở đảo Phú Quốc mang hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Mỗi bất ngờ đều là một sự thú vị bởi cái đẹp không giống bất kỳ nơi nào tôi đã đi.
Tôi thật sự như lạc giữa chốn tiên bồng, muốn dừng lại ở mọi nơi tôi đặt chân đến, tất cả đều vô cùng quyến rũ, ngay cả những nơi khô khốc, chỉ toàn những tảng đá lớn, đè lên nhau…
Chỗ này toàn những khối đá lớn, nhưng lại khá vuông vắn, xếp lên nhau có vẻ trật tự. Mỗi tảng đá to bằng cả ngôi nhà.
Ở đây tôi cũng nhìn thấy những xoáy nước, có lẽ là do nhan thạch phun trào gặp không khí mà tạo thành, cũng có thể cho nước chảy đá mòn cả nghìn triệu năm qua.
Chúng tôi đã bắt gặp ở đây những cây Hoàng đàn giả đầu tiên, loài cây thường sống ở độ cao hơn 500 mét, nhưng ở Phú Quốc loài cây này di cư xuống thấp hơn, có cây còn bạo dạn xuống tận khu rừng ngập mặn gần rạch Tràm. Thiên nhiên Phú Quốc quả thật rất kỳ lạ!
Ở những đoạn không dốc nhiều và đá tương đối nhỏ, nước suối còn lại khá nhiều, không có những vũng to đủ để tắm, chỉ để lội cho mát chân thôi.
Cuối cùng thì tôi cũng đến được thác nước đầu tiên, trong bảy ngọn thác và cũng là đích tôi muốn đạt tới. Thật tội nghiệp, vào mùa khô, thác nước đã mất đi mất đi vẻ đẹp của nó. Chỉ có một dòng chạy nhỏ, bám chặt vào khe đá…và hồ nước nhở dưới chân thác giờ chỉ còn là vũng nước nông.
Nhưng khi tôi trở lại đây vào đầu mua khô thì cảnh vật nơi đây đã khác hẳn. Người bạn đồng hành của tôi đã thật sự sung sướng dưới thác nước này.
Khi cả đoàn định tiếp tục lên đường thì phát hiện có dấu hiệu “sự sống” giữa vùng rừng đá hoang vu này. Có lẽ người đàn ông đã sống trong một hang nhỏ ở đây đã bỏ đi từ vài tuần trước. Trong hang vẫn còn phích đựng nước sôi, ít gạo, nến và vài thứ đồ nhựa. Theo luật bảo vệ rừng thì khu vực này nghiêm cấm người dân vào, kể cả chặt củi, chứ đừng nói gì đến sinh sống. Mấy cán bộ kiểm lâm phải dỡ lán và mang hết đồ dùng đó về trạm.
Chúng tôi quay về vì một phần phải mang chỗ đồ đạc không của ai kia về trạm, một phần tôi cũng không còn sức để đi tiếp nữa. Như vậy tôi mới đi được một phần bảy quãng đường. Tôi hy vọng sẽ có dịp đi xa hơn nữa, nhưng cả ba lần tôi đều chỉ đến được thác này, chỉ khác là bây giờ nó khô cạn.
Ba con chó Phú Quốc trung thành tranh thủ nghỉ ngơi trước khi bắt đầu chuyến quay về cũng không kém phần vất vả. Trên đường đi tôi đã chứng kiến chúng vây bắt con kỳ nhông và đuổi theo lũ khỉ rừng…
Leo lên những tảng đá thật vất vả, nhưng trèo xuống lại rất nguy hiểm, chưa kể trên vai bây giờ lại phải gánh thêm đồ đạc từ cái lán giữa rừng.
Tôi tiếc nuối cho con suối mùa này khô cạn. Mùa mưa con suối sẽ trở nên mạnh mẽ và hấp dẫn chừng nào? Tôi sẽ phải quay trở lại nơi này và tôi đã làm được điều đó.
Ra gần hạ lưu, con suối mở rộng dần, không còn dốc và những tảng đá lớn nữa, nước nhiều hơn.
Những quãng đường cuối cùng…chúng tôi đã ra đến cửa suối, nơi nước suối chảy về hồ Dương Đông, Phú Quốc .
Chúng tôi không phải quay lại con đường mòn xuyên qua rừng gỗ tạp và cánh đồng đá buổi sáng. Một chiếc xuồng của trạm kiểm lâm Dương Đông sẽ đưa chúng tôi trở về, trên hồ Dương Đông – nơi cung cấp nước ngọt chính cho dân cư trên đảo.
Những ngọn gió trong lành thổi từ hồ nước. Một ngày về với thiên nhiên đầy ấn tượng. Cám ơn các anh cán bộ kiểm lâm trạm Dương Đông, Phú Quốc đã dành cho tôi món quà thật đặc biệt.
Tạm biệt những chú chó thông minh và dũng cảm, giá như tôi có được một người bạn như vậy cùng trở về đất liền.