Khu bảo tồn bản nhà sàn Thái Hải

Vì muốn thay đổi không khí, chúng tôi quyết định lên Thái Nguyên để ăn Tết cùng với đồng bào Tày, Nùng trong một bản làng được bảo tồn khá đặc biệt, bản Thái Hải. Câu chuyện về sự hình thành và phát triển của bản Thái Hải rất lý thú và có phần hơi “hoang đường” trong thời buổi “thị trường” với khái niệm “tiền của tôi” như hiện tại.
0-3
Từ thành phố Thái Nguyên đi đến cầu vượt Đán rồi rẽ trái vào đường Thịnh Đức, đi thêm khoảng 4km sẽ nhìn thấy cổng chào Làng nhà sàn Thái Hải. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe những điều gần như “hoang đường” sau khi giới thiệu cho các bạn về khu nghỉ dưỡng rất thú vị này. Nếu đi xe riêng, hãy yên tâm vì có một bãi đỗ xe rất rộng ngay cổng và bạn sẽ được đón tiếp từ đây với thái độ rất thân tình và niềm nở.
0-1
Đến bản, bạn có thể lựa chọn cho mình một trong mười tám ngôi nhà sàn dành cho khách du lịch, mỗi nhà có chỗ cho khoảng chục người, tùy theo gia đình hay số lượng người trong một đoàn. Chúng tôi đi hai gia đình có năm người và một con chó nên ở riêng một nhà sàn.
0-4
Các nhà sàn được dựng đúng theo truyền thống người Tày, Nùng là đều nằm trên sườn đồi nơi có nhiều cây cối, vì theo kinh nghiệm của đồng bào, nơi có nhiều cây cối thường không bị sạt lở đất. Bên cạnh nhà sàn ở đây có nhà vệ sinh và nhà tắm rất sạch sẽ, có nước nóng, thậm trí bạn phải bỏ dép ở bên ngoài để đi dép riêng của khu vệ sinh.
0-5
Xung quanh mỗi nhà sản là vườn cây nửa được trồng nửa phát triển khá tự nhiên. Khu nhà sàn chúng tôi ở nhìn xuống vườn rau xanh tốt, nghe nói rau được trồng không sử dụng hóa chất kể cả thuốc trừ sâu và phân bón. Thật sự rất lý tưởng. Rau sạch để cung cấp cho khách du lịch và cả người dân bản, họ sống tự cung tự cấp mà!
0-6
Con đường đi trong bản rợp mát dưới bóng tre và bất cứ lúc nào bạn bắt gặp ai đó trên đường bạn đều nhận được lời chào vui vẻ và nụ cười rất hạnh phúc. Dường như đây là thế giới của những con người mãn nguyện!
0-2
Chúng tôi được một cô gái đưa đi tham quan mọi thứ xung quanh, giới thiệu cho chúng tôi chơi các trò chơi dân gian như đánh đu, đi trên cây tre đung đưa hay đi cà keo…
0-8
Có một hồ nước khá đẹp ở trong khu vực bản và người ta nuôi rất nhiều cá chép vàng lớn. Bạn có thể đi thuyền đạp vịt xung quanh hồ hay mua bỏng ngô để dụ cá đến, hoặc chỉ đơn giản như chúng tôi đi bộ vòng quanh và qua hồ bằng một cây cầu nhỏ.
0-9
Người Tày sống gần gũi với thiên nhiên và thích ở nơi rộng rãi, nên nhà sàn được làm hoàn toàn bằng gỗ, tre nứa và xung quanh nhà thường có hàng rào, vườn rau. Nhà sàn của người Tày khá to, rộng, thường có 6-8 cột, nhà có nhiều gian thường được chia theo số lẻ có thể là 3, 5, hay 7 gian, tùy theo số lượng thành viên gia đình. Nhưng số gian bao giờ cũng là số lẻ vì người Tày cho rằng nhà có số gian lẻ là nhà cho người sống, còn số chẵn chỉ khi  xây nhà mồ cho người chết và số bậc cầu thang lên nhà sàn cũng phải là số lẻ 7-9 hay 11 bậc. Bên ngoài gian bếp có một “sân trời” nhỏ, sàn bằng tre để phơi bát đĩa khá sạch.
0-12
Chúng tôi vào chơi một gia đình trong bản. Bà cụ chủ nhà có lẽ là người già nhất ở đây, đã hơn 75 tuổi, cụ theo gia đình về bản sống cách đây hơn 10 năm. Cụ nói về đây ban đầu cũng vất vả, nhưng không khó khăn bằng lúc trước sống ở quê, phải lên núi cả buổi mới kiếm được gánh củi. Còn giờ nhà nào cũng có điện, nhà vệ sinh sạch sẽ và nước sạch đầy đủ.
0-10
Ngày tết nên cả nhà đông đủ, trẻ con người lớn quây quần trước TV màn hình phẳng, gần đó trền sàn bếp treo lủng lẳng rất nhiều lạp sườn. Cô cháu dâu xinh xắn làm hướng dẫn viên trong bản, rót nước vối ra bát mời chúng tôi.
0-11
Mặt bằng sinh hoạt trong nhà sàn của người Tày cơ bản là giống nhau. Các gian trên tầng một được ngăn bằng các vách gỗ, được chia thành 2 khu rõ rệt dành cho nam và nữ. Phần ngoài dành cho nam giới, là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, nơi ở của chủ nhà, con trai chưa vợ và cũng là nơi tiếp khách.
0-14
Phần bên trong là nơi sinh hoạt của phụ nữ với gian bếp. Mùa đông có một bếp lửa ngay bên ngoài phòng khách đốt lửa gần như suốt ngày để đun nước uống và sưởi khi trời lạnh, tạo sự ấm cúng trong nhà.
0-13
Phần dưới sàn là nơi nuôi gia súc, nơi phụ nữ nhuộm vải chàm và là chỗ đàn ông mài dao, sửa nông cụ. Dưới những ngôi nhà này có nhiều các dụng cụ như cối giã gạo, xay gạo…khiến những đứa trẻ thành phố rất tò mò và háo hức thử.
0-15
Chúng tôi ăn ba bữa ở ba nhà khác nhau nhưng về cơ bản là vẫn đông đủ cả bản, vì họ luôn ăn chung với nhau, trong những ngày tết và cả những ngày bình thường. Chỉ khác là ngày thường thì họ sẽ ăn tập trung tại nhà ăn của bản, còn ngày tết thì đi vòng mỗi gia đình một bữa. Trong bữa ăn, nam giới và phụ nữ ngồi ăn riêng, ở hai khu vực khác nhau, trong gian tiếp khách.
0-16
Buổi tối, trước khi ăn cơm, chúng tôi ngồi xem mấy cô gái chơi đàn và hát bài hát dân tộc. Cây đàn các cô gái chơi gọi là đàn Tính, có bầu đàn làm bằng nửa quả bầu khô. Bầu đàn này rất quan trọng vì quyết định âm thanh của cây đàn. Phải chọn quả bầu già, tròn đều, vỏ không bị nám hoặc lồi lõm thì tiếng đàn mới có âm vang hay. Cần đàn được làm bằng gỗ, thẳng và nhẹ, một đầu xuyên qua bầu đàn, đầu còn lại uốn cong hình lưỡi liềm.
0-17
Trong Bản có bốn gia đình lớn đảm nhận “sản xuất” bốn sản phẩm cổ truyền đó là chè, rượu, thuốc dân tộc và đồ thủ công đan tre, thổ cẩm. Tất cả sản phẩm ở đây đều do đồng bào tự trồng như chè, tự lên núi hái thuốc và nấu rượu, ngâm với các loại thuốc cổ truyền. Bạn có thể đến từng nhà để xem người dân sản xuất và mua sản phẩm ngoài cửa hàng gần cổng.
0-18
Buổi tối chúng tôi tham dự liên hoan văn nghệ với thanh niên và nhiều người lớn tuổi trong bản. Họ biểu diễn một số màn kịch như chăn trâu, trồng cấy, rồi họ múa sạp và khách du lịch có thể tham gia.
0-19
Mọi người nói với chúng tôi rằng họ tổ chức ngày hội này không phải để dành riêng cho khách du lịch mà là để họ vui tết, nếu không có khách du lịch thì ngày tết họ vẫn chơi như thế này, đây là truyền thống.
0-20
Giờ thì tôi muốn kể cho mọi người câu chuyện có vẻ “hoang đường” ở bản. Bà chủ bản là người con của dân tộc Tày vì muốn gìn giữ văn hóa đã mua lại ba mươi ngôi nhà sàn của đồng bào Tày ở Định Hóa, những người buộc phải di dời chỗ ở vì quy hoạch xây dựng của địa phương,  mang về nơi này và dựng lên một bản làng mới. Để bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, bà đã mời những người dân có mong muốn đến ở nơi này và cùng họ khai hoang, xây dựng một khu bảo tồn…
0-21
Thời kỳ khó khăn đã qua, giờ khu bảo tồn đã trở thành một bản làng thật sự của hơn 200 dân cư, cùng sống, làm việc, ăn uống và chia sẻ mọi điều với nhau trong một thế giới “cộng sản” – đúng với nghĩa đen của nó. Mỗi gia đình lớn (gồm 3 thế hệ) sống trong các ngôi nhà sàn lớn, những cặp thanh niên mới lập gia đình sống trong dãy nhà tập thể. Mỗi người một việc theo sự phân công phù hợp với khả năng, người chăn nuôi, người trồng rau, người dọn dẹp, người nấu ăn, người làm việc điều hành công việc chung, người làm hướng dẫn du lịch, người phục vụ nhà hàng…Họ cùng nhau ăn uống ba bữa tại nhà ăn lớn tập thể. Tiền lương không sử dụng mà được giữ lại, để chi phí sinh hoạt, y tế, học hành cho con cái và tích lũy về già!!! Đây là nhà ăn tập thể, nơi tất cả mọi người trong bản cùng ăn ba bữa ở đây. Nếu bạn đi đoàn lớn đến cả trăm người thì cũng sẽ được phục vụ ăn ở đây.
0-22
Tất cả các gia đình ở đây sẽ được cung cấp đầy đủ quần áo, chăn màn, đến cả bàn chải đánh răng, xà phòng giặt…nghĩa là họ không phải đi chợ để mua nhu yếu phẩm mà chỉ để “xem chợ” thôi. Trẻ con đến tuổi đi nhà trẻ (từ 6 tháng đã có thể gửi) sẽ được đưa đến trường của Thái Hải và học đến hết cấp I, lên cấp II sẽ có trường liên kết. Nếu ốm đau sẽ được đưa đi bệnh viện và chi phí thuốc mên sẽ do Thái Hải cung cấp. Một hai trường hợp đặc biệt đối với người có khả năng thì Thái Hải sẽ cho đi học thêm chuyên môn và ngoại ngữ ở Hà Nội và thậm trí có bạn đã tốt nghiệp ở Singapore về. Đây là một “vườn gà sạch”.
0-23
Tóm lại đây là một xã hội “cộng sản” theo đúng nghĩa, khiến những người thực dụng như tôi phải suy ngẫm mãi mới hiểu được. Quả thật là điều phi thường, khi mà mọi người đều tự giác làm việc, rất vui vẻ và hạnh phúc, nhưng họ không có tiền, vì họ không cần đến chúng, họ ăn mặc giống nhau, trong bộ quần áo dân tộc và cả những chiếc vòng bạc đeo cổ và đeo tay cũng giống hệt nhau. Cả ba bữa họ đều ăn giống nhau, mọi đồ dùng được cung cấp như nhau, chỉ có công việc thì mỗi người theo khả năng…một cộng đồng hoàn hảo!
0-24
Tôi không có ý định tìm hiểu kỹ hơn nữa về những người dân ở đây, những người được sống trong một “vở kịch” suốt cuộc đời mình. Tôi chỉ thấy không gian ở bản rất tuyệt vời, sạch sẽ và thân thiện, một nơi lý tưởng để nghỉ cuối tuần. (nếu may mắn như chúng tôi, không gặp phải những đoàn khách lớn!)

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *