Quốc gia Hồi Giáo Malaysia

Đến thăm một đất nước láng giềng Hồi giáo là một chuyến đi thú vị, bởi vì tôi chưa biết gì nhiều về đạo Hồi và Hồi giáo ở Malaysia có lẽ “ít cực đoan” hơn các nước Trung Đông, nên dễ dàng hơn đối với những người “ngoại đạo” như tôi có cơ hội tìm hiểu.
14
Khi mới đến Malaysia lần đầu tôi ngại không dám chụp ảnh những người phụ nữ đạo Hồi, vì đã nghe đến những luật lệ khắt khe dành cho phụ nữ. Vào thăm nhà thờ Hồi Giáo quốc gia ở Kuala Lumpur, mặc dù đã chùm khăn và mặc áo choàng theo yêu cầu, tôi vẫn thấy “sờ sợ”, chỉ dám đi xem qua loa bên ngoài và liếc nhìn vào bên trong phòng nguyện. Trong chuyến đi sau cùng này, mặc dù đã đi Malaysia nhiều lần, nhưng tôi vẫn không thể “bạo dạn” hơn bước vào chốn linh thiêng của tôn giáo khắt khe này, chỉ dám chụp mấy cái ngoài đường vậy thôi.
17
Malaysia có khoảng 19,5 triệu người theo đạo Hồi, chiếm 61,3% dân số (theo thống kê năm 2013) và Hồi giáo được coi là quốc giáo và là tôn giáo của 9 tiểu bang Malai có Vua. Malaysia là liên bang của 13 tiểu bang và ba thành phố thuộc liên bang. Các tiểu bang Penang, Malacca, Sarawak và Sabah không có vị vua cai trị, nhưng vua được chọn của liên bang sẽ đóng vai trò là người đứng đầu Hồi giáo ở các tiểu bang đó, cũng như trên Lãnh thổ Liên bang Kuala Lumpur, Labuan và Putrajaya. Có rất nhiều nhà thờ Hồi giáo ở mọi nơi trên đất nước và nhiều nhà thờ rất đẹp, như những cung điện vậy. Ảnh dưới là nhà thờ Hồi giáo Jamek ở trung tâm Kuala Lumpur, Malaysia nhìn từ góc nào cũng thấy đẹp, thật sự là một cung điện.
16
Hồi giáo được các thương nhân đến từ Ả Rập giới thiệu vào bán đảo Sumatra từ TK thứ 7. Sau đó Hồi giáo cũng được các nhà buôn Hồi giáo Ấn Độ đưa đến Malaysia vào thế kỷ 12. Nhà vua Sultan đầu tiên của Melaka đã cải sang Hồi giáo sau khi kết hôn với một công chúa từ Pasai (ở Indonesia ngày nay). Hồi giáo đã được các công ty kinh doanh dọc bờ biển Malaysia và Indonesia tiếp nhận một cách hòa bình, thu hút bằng niềm tin hơn là chinh phục. TK 15-16 Hồi giáo đã trở thành tôn giáo lớn mạnh ở các tiểu bang Malaysia. Nếu như ra đường tất cả những người phụ nữ đều như thế này thì thế giới không còn hấp dẫn nữa!
6
Những nhà thờ Hồi giáo luôn hấp dẫn tôi bởi kiến trúc đẹp và sự “bí ẩn vô hình”. Nhà thờ Hồi giáo Kapitan Keling được các nhà buôn Hồi giáo Ấn Độ xây dựng vào TK 19  tại George Town, Malaysia. Năm 1801, ngài George Leith, Thống đốc bang Penang, đã bổ nhiệm nhà lãnh đạo Hồi giáo Cauder Mohudeen làm thủ lĩnh cộng đồng “Keling” Nam Ấn và cấp một mảnh đất để xây dựng nhà thờ Hồi giáo. Năm 1930 nhà thờ này được cải tạo lại và mở rộng, vì theo truyền thống, người ta không xây dựng lại nhà thờ Hồi giáo mà chỉ sửa chữa và mở rộng.
3
Lần sửa chữa này người ta đã nâng gấp đôi chiều cao của phòng cầu nguyện trung tâm, cải tiến hệ thống thông gió và thiết kế để sử dụng nhiều ánh sáng tự nhiên hơn, nội thất có sàn đá cẩm thạch trắng và trần nhà cao. Vòm cửa được thiết kế hình móng ngựa, mặt tiền của tòa nhà và nội thất được trang trí họa tiết hình học, vì hình ảnh con người và động vật bị cấm trong đạo Hồi.
3-1
Vì phòng nguyện chỉ là một gian nhà lớn, trống không, được trang trí trên trần nhà và các viền tường sát trần, bên dưới trải thảm để các tín đồ có thể quỳ lạy. Khách du lịch có thể bước vào bên trong, nhưng phải rửa sạch chân tay, mặc quần áo dài và phụ nữ phải chùm khăn che đầu. Bạn không nên chụp ảnh bên trong phòng nguyện, nhất là khi đang làm lễ, thường sẽ có bảng cấm chụp ảnh đặt ngay ở cửa vào phòng.
3-2
Mặc dù hiến pháp cho phép tự do tôn giáo, nhưng Hồi giáo là “tôn giáo của Liên bang Malaysia” và  nhà Vua được coi là người bảo vệ đức tin của đất nước. Dòng Hồi giáo Sunni là hình thức chính thức, hợp pháp ở Malaysia. Các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện năm lần một ngày và bạn có thể nghe thấy tiếng cầu kinh trên loa phát ra từ các nhà thờ Hồi giáo gần nơi bạn đang có mặt.
38
Các cơ quan chính phủ và tổ chức ngân hàng Malaysia đóng cửa hai giờ vào thứ sáu hàng tuần để các nhân viên Hồi giáo có thể thực hiện việc cầu nguyện thứ sáu tại các đền thờ Hồi giáo. Cơ quan nào không tuân thủ sẽ bị phạt tiền. Tất cả các địa điểm công cộng, như trung tâm mua sắm, khách sạn, chung cư, thường có các không gian được gọi là “Surau”, để thực hiện các bài nguyện Hồi giáo. Ảnh dưới là giờ tan học của một trường cấp 2 ở cao nguyên Cameron, Malaysia.
1
Chính phủ Malaysia có những chính sách nghiêm khắc đối với các giáo phái Hồi giáo khác, bao gồm cả lệnh cấm dòng Shia, nhằm “tránh bạo lực giữa hai tôn giáo. Hồi giáo là trung tâm và có nhiều dấu ấn trong văn hoá Mã Lai. Trong từ vựng tiếng Malay có một số lượng đáng kể các từ có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập là ngôn ngữ phổ biến của cầu nguyện và các nghi lễ Hồi giáo. Tuy nhiên, còn có các từ ngữ của các nền văn hoá khác như Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Hà Lan, Phạn ngữ, Tamil, Anh, Pháp cũng có thể được tìm thấy bằng tiếng Malay. Hồi giáo đã ăn sâu trong đời sống người Malaysia từ các nghi lễ Hồi giáo được thực hành như văn hoá Mã Lai.
18
Phụ nữ Hồi giáo ở Malaysia thường mặc tudung – khăn chùm đầu và ngực, nhưng không che mặt. Những người lớn tuổi thường mặc áo dài, nhưng thanh niên ăn mặc khá thoải mái.
4
Tuy nhiên, bạn có thể bắt gặp những người khách du lịch Ả rập mặc hijab- khăn chùm đầu, ngực và che kín mặt chỉ để lộ đôi mắt. Tại một số cơ sở của Malaysia như Đại học Hồi giáo Quốc tế, việc mặc tudung là bắt buộc; tuy nhiên đối với những sinh viên không phải Hồi giáo thì phải đội khăn che đầu.
7
Trang phục của cảnh sát Ma laysiadành cho phụ nữ cũng rất đặc biệt. Trước khi đội mũ quân phục, người phụ nữ Đạo Hồi vẫn phải chùm khăn che đầu. Ảnh dưới là một cảnh sát du lịch đang muốn tôi trả lời bảng hỏi điều tra về tinh thần phục vụ khách du lịch của cảnh sát Malaysia. Vì cô đi xe đạp tuần tra phố cổ Malacca, nên cô đội mũ bảo hiểm thay vì mũ cảnh sát.
8
Nhà thờ Jamek là nhà thờ cổ nhất Kuala Lumpur, nằm ở ngã ba hai con sông Klang và Gombak, được xây dựng năm 1909, người dân còn gọi là nhà thờ Hồi giáo thứ sáu. Vì nằm giữa các khu nhà cao tầng nên nhà thờ trông như một món đồ chơi sang trọng.
19
Nhà thờ Hồi giáo này được xây dựng trên địa điểm của một nơi chôn cất người Malay cổ ở ngã ba sông. Kiến trúc sư là Arthur Benison Hubback đã thiết kế nhà thờ theo phong cách kiến ​​trúc Mughal Hồi giáo Ấn Độ, ông cũng thiết kế một số tòa nhà theo phong cách tương tự, như nhà ga Kuala Lumpur, Malaysia.
20
Nhà thờ có 2 tháp chính giữa các nhà nhỏ khác; màu hồng và trắng trang trí các bức tường, được xây bằng gạch và thạch cao, miêu tả “máu và các vết băng bó”. Nhà thờ có 3 vòm, trong đó có chiều cao lớn nhất lên đến 21,3 mét. Phòng cầu nguyện nằm bên dưới các vòm. Ảnh dưới là nhà ga xe lửa cũ của Kuala Lumpur, Malaysia giờ bỏ hoang, do cùng kiến trúc sư Hubback thiết kế. Nhìn tòa nhà đẹp như cung điện thế này bị bỏ hoang, rêu và cây cỏ dại đã bắt đầu xâm chiếm khu nhà, tôi cứ loanh quanh, luẩn quẩn không bỏ đi được, vì thật sự không hiểu, tại sao người ta lại bỏ phí một tòa nhà đẹp như thế này?
21
Chúng tôi đến nhà thờ nổi “Floating mosque” Tanjung Bungah nằm ở phía cực bắc đảo George town – Penang, Malaysia được xây dựng năm 2005-2007 để thay thế một nhà thờ cũ gần đấy.
22
Phải nhìn nhà thờ từ phía biển mới thấy nó “nổi”, nhưng chúng tôi không ra được biển để có thể ngắm nhà thờ nổi này. Có một nhóm các tín đồ nữ đến lễ ở đây, lúc ra về cũng tranh thủ chụp ảnh. Có lẽ họ đến đây từ địa phương khác.
23
Một trong số nhà thờ Hồi giáo cổ nhất ở Malaysia là Kampong Kling tại Malacca. Ban đầu nhà thờ được các nhà buôn Hồi giáo Ấn Độ xây dựng bằng gỗ vào năm 1748, sau đó năm 1872, nhà thờ được xây dựng lại bằng gạch, vẫn giữ nguyên thiết kế ban đầu.
33
Kiến trúc của nhà thờ là sự giao thoa giữa Sumatra, Trung Quốc, Hindu và Malay. Các tòa tháp, hồ cảnh và vòm lối vào được xây dựng cùng thời gian với tòa nhà chính. Nhà thờ Kampung kling được đặt tên theo nơi thương nhân Ấn Độ cư ngụ, đó là Kampung Kling. Khách du lịch không được phép bước vào bên trong đền. Phụ nữ cầu nguyện ở gian riêng.
34
Các mái đền có kiến trúc giống chùa Trung Quốc, gạch lát pha trộn giữa phong cách Anh và Bồ Đào Nha, các cột đối xứng trong phòng cầu nguyện chính được trang trí theo trường phái Corinthian (Hy lạp và Roman cổ đại), đèn chùm ở Victorian, các trang trí trạm khắc gỗ theo phong cách Hindu và Trung Quốc và các cột đèn Moorish đúc bằng sắt xung quanh hồ cảnh.
36
Bên cạnh là một nghĩa trang nhỏ. Tôi thấy một số đoàn du khách châu Âu đi cùng hướng dẫn người Âu, họ giới thiệu rất lâu về nhà thờ Hồi giáo này, vì đây là một nhà thờ rất đặc biệt.
35
Phụ nữ Hồi giáo ở Malaysia không bị hà khắc như các nước Trung Đông. Ngoài việc không phải che mặt, tôi thấy họ lớp trẻ ăn mặc khá thoải mái và cuộc sống tự do như những người khác.
28
Tôi nhìn thấy rất nhiều gia đình lớn đi chơi và các ông bố rất chiều vợ và con cái. Ảnh dưới là những chiếc xe đạp đặc trưng của Malacca, Malaysia.
32
Nếu như ở một số nước Hồi giáo Trung đông, phụ nữ ra đường phải có đàn ông đi kèm, hoặc ít nhất cũng có các bà mẹ hay người lớn tuổi đi kèm các cô gái, thì ở Malaysia tôi thấy họ hoàn toàn tự do. Mấy cô gái này đang loay hoay tìm chỗ chụp ảnh “tự sướng” trên đồi Famosa – Malacca.
29
Còn bốn cô gái này đang trên phố cổ George town, Malaysia.
12
Bạn gái này thì tạo dáng giữa phố đi bộ đông đúc Kasturi Walk ở Kuala Lumpur, Malaysia.
11
Thậm trí, ba cô gái nay còn ngồi “dãi thẻ” giữa đường đi bộ trước quảng trường trung tâm Kuala Lumpur, thản nhiên coi smart phone, như ngồi trong vườn hoa vậy. Điều này khiến tôi hơi ngạc nhiên, cứ nghĩ chỉ có người “ngoại đạo” mới thế!
9
Tôi nhận thấy có rất nhiều nhóm phụ nữ và thanh niên trẻ đi chơi với nhau, không hề có nam giới đi cùng và họ đi chơi giống như mình vậy, không phải giữ ý gì, cũng nói chuyện to và cười đùa thoải mái.
31
Tôi trông thấy mấy cô gái đạo Hồi vào thăm một ngôi đền Hindu ở Kuala Lumpur, Malaysia. Họ cũng chụp ảnh bên các bức tượng thần Hindu và theo dõi nghi lễ trong đền. Một tín đồ Hindu làm việc bảo vệ đền hỏi xem mấy cô gái từ đâu đến, các cô trả lời: “Từ Malaysia”, rồi cười hỏi lại “Còn anh là người ở đây à?” Người kia đáp lại: “Tôi là người Nepan”. Vậy là khách du lịch thì là người Malay, còn tín đồ của đền lại là người Nepan.
10
Chúng tôi đứng xem một ban nhạc đường phố, với một ca sỹ nữ người Hồi giáo đang say sưa hát giữa một đám đông, khiến tôi phải chạy vòng quanh mãi mới chen vào chụp nhanh bức ảnh. Có lẽ họ là người Ấn, vì ca sỹ nam và đội nhạc có nước da sẫm màu, nhưng cô gái có vẻ người Malay…tôi không dám chắc!
24
Và một điều khiến tôi tò mò và hơi ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người Malay ăn trầu giống như các cụ nhà mình, mặc dù họ còn rất trẻ. Có lẽ đây là phong tục…tôi chưa có dịp tìm hiểu kỹ, chỉ thấy có rất nhiều người bán và người mua, họ bán trong các hộp giấy nhỏ hay cái rổ, có chỗ đã têm sẵn trầu, chỗ bán lá riêng.
25
Những cô gái đạo Hồi ở Malaysia được đi làm việc như những người bình thường. Buổi sáng, rất nhiều người kiên nhẫn xếp hàng chờ mua một loại bánh giống bánh bao, để mang đi làm.
26
Còn cô gái này đang vội vã như bắt đầu chuyến đi công tác xa.
27
Đạo Hồi ở Malaysia khiến cho những người “ngoại đạo” như tôi cảm thấy không quá “ngại”, nên tôi có cơ hội hiểu biết hơn đôi chút. Chắc chắn nếu có cơ hội đi Trung Đông, bạn sẽ thấy sự khác biệt lớn. Chỉ cần nhìn trang phục của phụ nữ Hồi giáo, bạn đã thấy ngại ngùng rồi.
39
Nhưng tôi vẫn hy vọng, một ngày nào đó, tôi có cơ hội tìm hiểu đạo Hồi kỹ hơn ở chính cội nguồn của nó.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *