Trải nghiệm Phú Quốc

Phú Quốc hôm nay đã trở thành hòn đảo du lịch với những khu resort sang trọng, những khu vui chơi giải trí cao cấp thì sẽ ít người nghĩ đến những trải nghiệm như chúng tôi đã có được cách đây 5 năm.

1

Tháng 4 năm 2013 chúng tôi đã có một chuyến khảo sát rừng phía bắc đảo Phú Quốc để nghiên cứu về khả năng sử dụng năng lượng xanh trên đảo (dự án do chính phủ Đan Mạch tài trợ), vì vậy chúng tôi phải đi bộ trong rừng, khảo sát về thực vật, về ánh nắng mặt trời, mức độ gió, sóng biển và ngủ đêm trong rừng để tìm hiểu thực tế.

6

Có 12 sinh viên và giáo viên của trường đại học UCN Đan Mạch, 2 chuyên gia Đan Mạch và tôi, cùng mấy cán bộ Vườn quốc gia Phú quốc và kiểm lâm. Chúng tôi có ba ngày lang thang trong khu rừng và bờ biển phía bắc đảo và tất nhiên cũng đến cả làng chài Rạch Tràm, một trong số làng chài lớn nhất ở phía bắc đảo này.

2

Từ thị trấn Dương Đông, theo con đường lớn Bắc – Nam hơn 25km, rồi  rẽ vào đường đất đỏ hơn 10km nữa chúng tôi đến làng chài Rạch Tràm. Cũng giống như những làng chài khác, mọi ngôi nhà ở đây đều được cất bằng những mảnh tôn, trên lợp lá hoặc lại là những tấm tôn, tất cả nằm trên mấy cây cọc gỗ nhỏ, không có gì vững chãi. Một phần làng chài nằm trên bờ Rạch Tràm, phần kia hướng ra biển.

5

Chúng tôi đi thăm làng không phải với tư cách khách du lịch, mà muốn tìm hiểu về nhu cầu dùng điện và khả năng sử dụng năng lượng mặt trời ở làng, vì đây là ngôi là nằm xa trung tâm Dương Đông. Hiện tại, dân ở đây dùng điện ít lắm, chỉ để thắp ngọn đèn ăn cơm tối, rồi đi ngủ vì giá điện chạy bằng máy phát điện nhỏ rất đắt. Nếu có thể dùng năng lượng mặt trời hay năng lượng sóng biển thì sẽ giúp cuộc sống nơi đây rất nhiều.

4

Sau đó chúng tôi lên hai chiếc xuồng để đi dọc con Rạch Tràm, đi vào rừng Tràm trắng, để bắt đầu cuộc hành trình trong khu rừng phía bắc đảo.

7

Lúc đầu, tôi cảm thấy ái ngại cho các bạn Đan Mạch, vì nghĩ rằng họ không quen với việc đi bộ trong rừng nhiệt đới (không phải là nguyên sinh, chỉ là rừng tái sinh cây nhỏ) có nhiều muỗi, vắt và những con côn trùng nhỏ bé khác, hơn nữa vì hầu như không có người qua lại, ngoại trừ mấy cán bộ kiểm lâm, nên chúng tôi không chắc chắn sẽ gặp phải những gì phía trước.

13

Nhưng khi quan sát những người bạn đồng hành, tôi hiểu rằng họ đã chuẩn bị tinh thần rất kỹ trước khi tham gia chuyến đi này. Tôi không thấy bất kỳ ai tỏ ra ngạc nhiên hay lo lắng khi phải lội qua một đoạn sình lầy, hay khi nghe cán bộ kiểm lâm nhắc có nhiều vắt ở rừng cây dầu.

8

Vừa đi họ vừa ghi chép, chụp ảnh và dừng lại thảo luận rất sôi nổi. Gặp bất kỳ hiện tượng lạ nào, như một tảng đá lớn bỗng nhiên nằm chắn giữa đường họ cũng quan sát tỷ mỷ và đưa ra nhận xét.

9

Hai thầy giáo luôn hướng dẫn sinh viên rất cẩn thận. Những việc họ làm khiến tôi thay đổi suy nghĩ, sử dụng năng lượng xanh không chỉ tính toán số giờ có mặt trời hay sức gió, sức sóng, mà thực vật ở trong rừng cũng cung cấp những dữ liệu về thời tiết, khí hậu và ngay cả đá, cát cũng “nói” lên điều kiện tự nhiên có thể cung cấp loại năng lượng sạch nào. Đúng là “Tây” họ học khác mình!

10

Chúng tôi cứ đi như thế, suốt mấy ngày trong rừng Phú Quốc, có đoạn leo lên sườn núi, đoạn lại lội qua rạch, không thấy ai tỏ ra khó chịu cả, mà chỉ thấy những nụ cười rất tươi!

12

Cũng có lúc chúng tôi được đi dọc bờ biển. Đó là những khoảnh khắc tuyệt vời, bởi bở biển phía bắc đảo chưa bị khai thác làm du lịch, không có ai ngoại trừ chúng tôi.

15

Buổi trưa được nghỉ ở bờ biển thì thật tuyệt vời. Bữa trưa picnic với bánh mỳ, thịt nguội, trứng luộc và dưa chuột được đặt trên những tấm vải bạt. Tây – ta mạnh ai người ấy ăn, ăn chậm là hết!

16

Mọi người tranh thủ tắm biển, tắm nắng nhưng không quên nhiệm vụ, vẫn thảo luận, vẫn ghi chép.

18

Nếu bạn chỉ nhìn thấy riêng bức ảnh ba cô gái này, chắc sẽ rất thắc mắc…

14

Một số người tranh thủ sau bữa ăn trưa đi nhặt rác trên bờ biển và trong rừng! Đúng là họ sống ở đất nước văn minh vào loại nhất thế giới, nên đi đến đâu họ cũng có ý thức về môi trường.

19

Nhưng tôi cũng muốn nói nhỏ với các bạn rằng, những túi ni lông lớn đựng rác gom được này, chúng tôi phải “tha” về tận làng chài Rạch Tràm. Mang về đến nơi, dân tình nhìn thấy hốt hoảng, bởi họ có thói quen vứt rác xuống biển, giờ có người lại nhặt rác mang lên. Thật sự trong làng không có điểm gom rác, và nếu có gom cũng chẳng có xe rác đến chở đi, vì làng cách đường cái hơn 10km. Vậy là chúng tôi phải mang lên xe để chở về thị trấn!

20

Chiều ngày đầu tiên chúng tôi trở lại làng Rạch Tràm bằng thuyền.

22

Đường vào làng từ phía Rạch Tràm cũng khá thú vị, chúng tôi phải vượt qua cây cầu khỉ bắc trên rễ những cây Đước lớn, vừa đi vừa “nhún nhảy” vì rễ cây khá mềm. Chúng tôi đi bộ về trạm kiểm lâm để nghỉ ngơi.

24

Buổi tối, chúng tôi ăn cơm tại trạm kiểm lâm, các món ăn do “đầu bếp” kiểm lâm đạo diễn khá rôm rả. Hải sản tươi mua ở làng chài, tuy không có cá to, nhưng “sạch”, rau thì hái trong rừng, trên đường đi thực địa…toàn là thực phẩm an toàn tuyệt đối.

25

Đối với tôi khó khăn nhất là ngủ đêm trên võng ngoài trời. Chính quyền địa phương không cho phép chúng tôi được ngủ đêm trong rừng quốc gia, vì sợ nguy hiểm và cũng không an toàn cho cả rừng, vì chắc chắn chúng tôi phải đốt lửa vào bữa tối. Vì vậy chúng tôi đã ngủ đêm trong khu rừng trồng toàn Tràm vàng, gần trạm kiểm lâm Rạch Tràm.

26

Tôi cũng không biết sẽ ra sao nếu ngủ giữa rừng và không có nước ngọt để tắm. Chúng tôi chỉ xách theo đủ nước uống và một ít để đánh răng, chứ rửa mặt có lẽ cũng không đủ. Ngủ gần trạm kiểm lâm chúng tôi còn có nước ngọt để sinh hoạt.

43

Khi trời còn sáng, chúng tôi đào một cái hố làm “nhà vệ sinh”. Mỗi người sẽ tự xác định cho mình khi bước chân ra khỏi võng, mình sẽ đi về tay trái hay tay phải và bao nhiêu bước để đến được “nhà vệ sinh”, phòng khi giữa đêm trăng thanh, gió mát lại bị lạnh bụng, hay ăn quá nhiều hải sản tươi!!! Chứ nửa đêm mà lần mò về trạm kiểm lâm, không khéo chó trong trạm tưởng kẻ trộm thì không biết chó đuổi hay “Tào tháo đuổi” nhanh hơn! Rất may là không ai phải dùng đến nhà vệ sinh này. Tất cả mọi người đều rất tốt bụng.

27

Chúng tôi mỗi người một chiếc võng được may theo tiêu chuẩn võng của lính Mỹ ngày xưa, nghĩa là đáy có hai lớp để ngăn muỗi, trên có màn. Mỗi người chọn cho mình hai cái cây thích hợp và tự thiết kế chỗ ngủ. 8 giờ tối chúng tôi đã chui vào võng rồi, không có điện và nhiều muỗi, có đốt lửa cũng chẳng xua được lũ muỗi rừng háu đói này. Tôi thật sự bái phục các bạn đồng hành, bởi chỉ sau 2 giờ nằm võng là tôi đã không chịu nổi vì mỏi lại không xoay người được, nên tối đầu tiên tôi chỉ thực sự nằm võng có hai tiếng, sau đó tôi trở dậy, soi đèn pin và tìm được một phiến đá tuy nhỏ nhưng khá bằng phẳng. Tôi thảo võng đem đến chỗ phiến đá, trải võng ra và lót túi ngủ bên dưới, trên vẫn phải sử dụng màn của võng…Tôi biết ngủ như vậy là mạo hiểm vì có thể có rắn rết hay bọ cạp (rừng Phú Quốc có bọ cạp đấy), nhưng tôi không thể ngủ với cái lưng cong như con tôm suốt đêm được. Vậy mà sáng ra, tôi thấy những người bạn đồng hành của mình rất sảng khoái bước ra khỏi màn. Có người còn ngủ “nướng” tới lúc những tia nắng chiếu xuyên qua màn…

29

Ngày cuối cùng, chúng tôi đi về phía suối Đá Ngọn. Khu vực này không còn rừng cây rậm rạp nữa, mà chỉ có những bụi cây lúp xúp, thỉnh thoảng có những cây Sim rừng cao hơn đầu người, mùa này không có quả.  Những cây Sim rừng Phú Quốc rất đặc biệt, nó rất cao, có cây tới gần 3m, cành lá không um tùm thành bụi mà cao và mảnh mai thưa thớt. Quả Sim rừng cũng không ngọt đậm mà hơi chát (hay là vì tôi ăn phải quả chưa chín) nhưng lại làm rượu Sim rất ngon. Đặc sản của Phú Quốc.

44

Chúng tôi đi qua cả nhưng khoảng rừng bị cháy trụi, do người dân đốt rẫy của họ cháy lan sang. Những người bạn đồng hành của tôi đứng lại nhìn quanh luyến tiếc.

33

Mấy hôm mang theo vợt bắt bướm, nhưng đi trong rừng rậm không có cơ hội, hy vọng hôm nay đi lên suối có thể vợt được vài chú. Chúng tôi đang làm bộ sưu tập tiêu bản bướm và côn trùng để cho Vườn QG PQ.

31

Suối Đá Ngọn là một kỳ quan của Phú Quốc, rất tiếc là giờ đã không mở cửa cho khách du lịch đi khám phá nữa, bởi vì con suối này dẫn nước ngọt đổ vào hồ Dương Đông, nguồn cung cấp nước chính cho phía bắc đảo. Khách du lịch vào tham quan có thể sẽ làm ô nhiễm môi trường vì suối Đá Ngọn rất lớn và kéo dài nhiều cây số, sẽ rất khó quản lý rác thải do khách du lịch vứt ra.

32

Nước suối lúc chảy thành dòng lớn, lúc thoát ra từ những hố nhỏ trong tảng đá lớn, khiến mọi người rất tò mò. Tất cả đều có thể tác động đến những thứ năng lượng xanh mà chúng tôi dự kiến sử dụng ở Phú Quốc.

28

Chúng tôi vẫn ăn trưa bằng món ăn truyền thống, bánh mỳ, súc sích và trứng luộc. Nhưng không thấy ai có ý kiến gì. Ngồi trên những tảng đá lớn, ngắm nước chảy luồn bên dưới chân, nghe tiếng róc rách ở xa gần…có lẽ mọi người cũng không còn để ý xem mình đang ăn gì nữa.

34

Con đường len lỏi giữa đá và nước cũng không dễ dàng gì, nhưng mang lại cảm giác thú vị mỗi khi mình vượt qua. Mọi người rất tài, như những người chuyên đi rừng vậy, nhảy qua những con suối lớn, đá khá trơn mà không ai bị ướt giầy cả!

36

Chúng tôi không có nhiều thời gian để đi ngược lên những ngọn thác, mà chỉ có thể đến thác đầu tiên. Giờ đã giữa mùa khô nên suối không còn nhiều nước lắm, nhưng cũng đủ gây khó khăn cho chúng tôi leo trèo. Nhưng cảnh vật thiên nhiên nơi đây thật tuyệt vời, để đến được nơi này thì quãng đường khó khăn chúng tôi đã vượt qua thật cũng xứng đáng!

35

Những giây phút bên dòng suối mát và thác nước nhỏ thật sung sướng…

42

Chúng tôi ra về trên chiếc bobo nhỏ của trạm kiểm lâm hồ Dương Đông. Vì bobo nhỏ nên đoàn phải chia làm mấy đợt. Nhiều người xung phong về cuối để nán lại thêm ít thời gian hòa mình vào thiên nhiên.

38

Trong khi chiếc xuồng đầu tiên rời bến, vẫn còn có người đang tranh thủ thưởng thức dòng nước suối mát chảy ra từ những hố nước sâu trong tảng đá.

37

Hai bạn trẻ này sẵn sàng trở thành Robinsơn ở suối Đá Ngọn!

39

Kết thúc chuyến đi khá vất vả nhưng cũng đầy thú vị, mỗi người một tâm trạng.

40

Những trải nghiệm trong mấy ngày ở Phú Quốc thật tuyệt vời. Tôi đã học được rất nhiều điều từ những người bạn đồng hành Đan Mạch.

41

Không chỉ có kiến thức khoa học, những người bạn Đa Mạch này có kỹ năng “tồn tại” trong thiên nhiên tốt hơn mình rất nhiều, khả năng chịu đựng và thích nghi với môi trường của họ cũng rất tốt. Và hơn tất cả là tình cảm đồng đội, tinh thần học hỏi và luôn quan tâm giúp đỡ nhau. Tôi sẽ luôn nhớ đến các bạn!

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *