Làng Nôm – một quần thể kiến trúc cổ thuần Việt

Mặc dù cách Hà Nội không xa, chỉ khoảng 50km, mà mãi tới giờ tôi mới đến thăm làng Nôm (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) hay còn gọi là làng Đại Đồng, một trong số rất ít ngôi làng còn giữ được một quần thể kiến trúc cổ. Mà cũng phải nhờ ông Google chỉ dẫn mới biết được đấy!

1a2

Cổng làng Nôm được xây dựng khá đặc biệt từ năm 1855. Mặt trước cổng gồm bốn cột, trên hai cột cao hơn ở giữa có đặt bát đèn lồng, trên có hình bốn con chim phượng quay về bốn hướng Đông Tây Nam Bắc. Trên hai cột thấp hơn bên ngoài có hai con nghê. Hai bên cổng vẫn còn dấu tích của câu đối xưa, nhưng đã mờ không nhìn rõ.

1a

Mặt sau của cổng có bốn cột, hai cột ở giữa lại thấp hơn, trên có đặt hoa sen biểu tượng của sự viên mãn tròn đầy, hai cột bên ngoài cao, trên đặt bát đèn lồng, bên trên giống như trạm khắc đuôi rồng.

1a1

Giữa làng là một hồ nước rất lớn, có một chiếc cầu gạch cổ bắc qua. Xung quanh là bảy ngôi đền thờ của các dòng họ lớn trong làng.

1a3

Rất nhiều ngôi đền vẫn còn nguyên vẹn sau hơn trăm năm. Một vài ngôi đền đã được trùng tu, tôn tạo lại, nhưng vẫn giữ được kiến trúc ban đầu.

1a4

Chúng tôi đi vào trong làng, men theo các lối đi nhỏ hẹp. Đường làng được lát gạch đỏ và có rãnh thoát nước. Nhà nào cũng có cổng và tường bao quanh.

1a5

Trong làng còn giữ được nhiều ngôi nhà ba gian cổ, ngõ xóm tuy hẹp nhưng sạch sẽ.

1a6

Đình làng Nôm có lịch sử lâu đời và được ghi chép cẩn thận, nằm ở phía đối diện cổng vào làng, phía bên kia hồ nước. Đình làng tuy không lớn lắm, nhưng được dựng bằng những cây gỗ lim lớn vững chắc và khá cao.

1a7

Bên ngoài cửa đình có tượng hai con voi quỳ. Theo bảng giới thiệu ở đình thì nơi đây được xây dựng làm miếu thờ tự theo dụ chỉ của quan Tam Giang từ thời Bà Trưng Vương, trải qua các đời vua Đinh, Lê, Lý, Trần đều được gia phong.

1a8

Cạnh đình có một cái ao nhỏ và những cây đa cổ thụ che bóng mát cả sân đình – “cây đa, giếng nước, sân đình” truyền thống của làng quê miền bắc. Con đường bên cạnh ao đình dẫn tới cổng phía sau của làng được xây dựng mới.

1a11

Thủy đình nằm bên trái của Đình làng Nôm. Thủy Đình tám mái được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, trên một sàn đá xanh nổi lên giữa hồ nước. Đầu cầu được trang trí cầu kỳ và có cột đèn đá.

1a12

Một cây cầu đá xanh dẫn tới thủy đình được chạm khắc công phu, theo kiến trúc của cây cầu đá cổ của làng.

1a9

Giếng nước cổ của làng nằm phía trước bên phải của sân đình. Giếng làng ngày xưa rất quan trọng và thiêng liêng đối với người dân, đó là linh khí, là mắt rồng của làng nên họ bảo quản và giữ gìn khuân viên nơi đây vô cùng sạch sẽ, nắp giếng được đậy kín lại nhằm bảo vệ nguồn nước giếng khi không sử dụng. Xung quanh giếng dân làng đã xây bức tường rất nghiêm trang, thể hiện sự tôn kính.

1a10

Còn đây là cây cầu đá nổi tiếng của làng Nhôm bắc qua sông Nguyệt Đức. Đi qua cầu sẽ đến chùa Nôm và chợ Nôm…

1a13

Cây cầu đá cổ hơn 200 năm này được làm hoàn toàn bằng đá xanh vẫn rất vững vàng sau ngần ấy thời gian. Bề rộng mặt cầu gần 2m, làm bằng đá nguyên khối và được gắn khít với nhau, có 9 nhịp cầu, tượng trưng cho số 9 may mắn. Đầu các mấu nhịp cầu đều được chạm khắc công phu, nhìn từ xa trông giống đầu rùa. Đây là một công trình kiến trúc cổ độc đáo còn nguyên vẹn, không thấy có ở các làng cổ khu vực đồng bằng sông Hồng.

1a14

Một cái giếng đá cổ vẫn còn lại dấu tích ngay bên ngoài bức tường của chùa Nôm. Tuy không còn được sử dụng nhưng phiến đá miệng giếng vẫn còn nguyên vẹn.

1a15

Đi thẳng từ cầu đá, qua giếng cổ là đã nhìn thấy cổng chùa Nôm uy nghi. Theo người dân kể thì trước đây khu vực này là rừng thông và chùa Nôm được xây giữa rừng thông cổ thụ, nên được gọi là Linh thông cổ tự. Theo ghi chú trên hai tấm bia lớn còn lưu lại tại đây, thì chùa đã được xây dựng lại vào năm 1680 và được trùng tu nhiều lần sau đó.

1a16

Cổng tam quan của ngôi chùa được gìn giữ rất tốt, còn nguyên vẹn, và có lẽ là cổng chùa cổ vào loại lớn nhất nước. Cánh cửa và các cột của cổng tam quan đều được chạm khắc tinh tế. Bên trong cổng có một cầu thang dẫn lên lầu nhỏ bên trên cổng.

1a17

Bước vào sân chùa là một hồ nước nhỏ, hai bên là gác chuông và gác trống ba tầng. Sắp Tết nên cây đào cổ thụ đã trổ bông.

1a18

Rất hiếm chùa cổ miền Bắc có được gác chuông và trống lớn như ở đây.

1a19

Chúng tôi bước vào gian điện thờ thứ nhất – thờ Tam Bảo, theo phong cách chùa miền Bắc dòng Đại Thừa.

1a20

Bàn thờ Tam Bảo được bài trí giống như các chùa miền Bắc, nhưng các bức tượng nhỏ.

1a21

Hai bên hành lang dài trong chùa có hơn trăm bức tượng Phật lớn nhỏ bằng đất nung, có tượng cao tới 3 mét, nhưng cũng có bức chỉ vài chục cm. Các bức tượng ở đây được khắc họa với những cử chỉ, nét biểu cảm trên khuôn mặt rất sống động của Đức Phật A Di Đà, Bát bộ Kim cương, Thập bát La Hán… những bức tượng ở đây tiêu biểu cho nghệ thuật khắc tượng thế kỷ 18 (theo vị sư trong chùa giới thiệu).

1a22

Nghe sự trụ trì kể thì chùa Nôm đã bị ngập lụt vài lần và các bức tượng cũng bị ngâm trong nước, nhưng vẫn nguyên vẹn, không hề bị hư hỏng. Có lẽ do bàn tay khéo léo của những người thợ đã làm nên các pho tượng này, từ lúc chọn đất, đắp tượng rồi nung đến khâu sơn tượng đều làm rất cẩn thận.

1a23

Dưới chân phần lớn các bức tượng đều có ghi tên các vị Phật, Bồ Tát, La Hán… không phải chùa nào cũng làm được như vậy. Nhiều người Việt đi lễ chùa không biết tượng là ai, nên thường cúng chung “Nam Mô A Di Đà Phật”, thay bằng xướng danh từng vị một.

17

Mỗi vị có một dáng điệu khác nhau, người thì khổ hạnh, vị thì trầm mặc, trong khi có vị khác lại suy tư…

1a25

Không gian trong chùa rất rộng lớn. Tôi chưa từng đến một ngôi chùa cổ nào lớn như chùa Nôm. Thật sự kinh ngạc khi bước chân vào chùa.

1a26

Gian nhà thờ Tổ và nhà khách nằm ở phía sau, có lẽ là khu vực mới được xây dựng thêm từ năm 1998, tất cả các cây cột bằng gỗ và gian thờ rất thoáng đãng. Những vị khách đến thăm chùa đều tự nguyện góp công đức giữ gìn chùa.

1a27

Một bức tượng Phật lớn được đặt trong gian thờ lớn, phía trước gian thờ Tổ.

1a28

Lầu Quan Âm Bồ Tát được xây dựng ở giữa đầm sen, vừa uy nghi lại vừa thanh tịnh. Phía trước cầu là hai tháp đồng chín tầng.

1a29

Cảnh quan trong chùa thật đẹp và bình an. Chúng tôi lang thang mãi trong khuôn viên của chùa mà không muốn ra về.

1a30

Có rất nhiều bảo tháp được xây bằng đá ong ở vườn gần đầm sen, là nơi an nghỉ của các vị sư tu hành tại chùa.

1a31

Chợ Nôm nằm ngay trước cửa chùa Nôm là chợ phiên họp 12 lần trong một tháng, vào các ngày có đuôi 1,4,6,9 có từ thời Lê, được trùng tu lại vào thời Nguyễn. Trước kia, chợ Nôm chính là phiên chợ nổi tiếng để trao đổi buôn bán nguyên liệu cho thợ đúc đồng của cả khu vực. Khi đó cả làng Nôm có tới hai phần ba số hộ làm thợ buôn bán đồng, chủ yếu là thu gom đồng cũ.

1a32

Chợ Nôm được dựng lại vào năm 1997, với hai dãy nhà cấp 4 và năm khu bán đồ tạp hóa, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều cây cột đã vỡ đến mức không còn giữ được trọng trách “cột đỡ” nữa rồi.

1a33

Chúng tôi đến không vào phiên chợ nên vắng vẻ, chỉ có mấy quán bán hàng ăn trưa cho khách vãng lai. Giờ chợ cũng giống như những chợ quê khác, là nơi trao đổi, buôn bán các sản phẩm nông nghiệp và hàng tiêu dùng, nhưng vẫn giữ lịch phiên chợ cũ.

1a34

Ra về tôi vẫn giữ hình ảnh ngôi làng cổ kính, sạch sẽ với những mái đền đã được sửa sang nhưng không làm mất đi vẻ đẹp truyền thống và những đứa trẻ đang vui đùa. Chúng sẽ là những chủ nhân tương lai của làng và sẽ nối tiếp cha ông gìn giữ giá trị văn hóa quý giá, hiện còn rất ít ở làng quê Việt Nam.

1a35

 

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *