Một thoáng Đài Loan

Không có nhiều thời gian tham quan và tìm hiểu kỹ về Đài Loan, với 7 ngày chạy dọc từ Đài Bắc – Đài Trung đến Kao Hùng, tôi không nghĩ mình đã biết gì nhiều về Đài Loan, bởi mới chỉ thoáng quá mà thôi.

1a

Ấn tượng đầu tiên của tôi là xe máy. Trên các con phố xe máy xếp thành hàng dài. Trong thành phố không thấy có nhiều tòa nhà “hào nhoáng”, mà chỉ cảm giác khá thanh bình, không giống như Hong Kong. Có lẽ vì chính trị nên Đài Loan không được thuận lợi như Hong Kong hay Ma Cao, tôi không nhìn thấy nhiều khách du lịch “tây” như ở những nơi kia, chủ yếu là khách Nhật, Hàn và Trung Quốc đại lục.

2a

Dân cư trên đảo Đài Loan là người Hán và thổ dân Đài Loan. Người Hán đã đến Đài Loan từ thế kỷ 17 và chính quyền đầu tiên của người Hán được lập trên đảo Đài Loan năm 1662, sau đó là sự cai trị của nhà Thanh, rồi của người Nhật và từ 1949 chính phủ Trung Hoa Quốc Dân rút đến Đài Loan. Giờ đây Đài Loan đã trở thành một trong những quốc gia phát triển ở châu Á, mặc dù không được nhiều quốc gia công nhận về chủ quyền.

3a

Trước khi đến với những điểm tham quan hãy cùng tôi dạo phố. Một ngôi chùa nhỏ nằm ngay trên phố, khiến tôi nhớ đến những ngôi chùa tại Saigon với tòa nhà đồ sộ và mảnh sân nhỏ xíu sát ngay đường.

4a

Một khu chợ nhỏ, chắc chỉ bán cho dân cư sống quanh đó, giống hệt như ở nhà mình, nhiều thứ cũng bày bán ra ngoài cửa hàng.

6a

Bạn có thể vào chợ ăn trưa với các món ăn bình dân như ở nhà mình với giá không đắt, khoảng 80-100 nghìn/ người.

5a

Những món ô mai, mứt và bánh kẹo được sản xuất thủ công truyền thống trông thật hấp dẫn.

12a

Cửa hàng này bán các loại bánh quy, kết hợp phong cách đông – tây rất được người Đài Bắc ưu thích. Chỉ nhìn dòng người xếp hàng mua bánh cũng thấy được việc kinh doanh này phát đạt thế nào.

10a

Buổi tối, bạn nên đi chơi chợ đêm Shilin (đi đến ga tàu điện ngầm MRT Jiantan), nơi bạn có thể mua sắm nhiều thứ, từ đồ ăn đến giầy dép và quần áo. Rất nhiều cửa hàng bán giầy da đủ loại, giá cả không cao hơn ở nhà mình nhiều. Tôi mua một đôi giầy da thấp với giá khoảng 600 nghìn VNĐ và đi được khá bền.

37a

Đến Đài Bắc, Đài Loan ai cũng cố gắng dành thời gian đi thăm mấy nơi, như Bảo tàng Cố cung, đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch. Bảo tàng Cố cung được xây dựng năm 1925, nhưng phần lớn hiện vật “quốc bảo” được Tưởng Giới Thạch mang từ Tử Cấm thành – Bắc Kinh vào năm 1949. Bảo tàng trưng bày gần 700.000 hiện vật cổ vật bằng ngọc, ngà, men sứ, đồ đồng, các bức tranh phong cảnh, chân dung quý hiếm của Trung Quốc, trong đó chiếm phần lớn là thuộc 4 triều đại Tống – Nguyên – Minh – Thanh. Vé vào cửa là 250 Tệ Đài.

7a

Tuy có rất nhiều khách tham quan, nhưng trong bảo tàng rất trật tự. Mỗi đoàn sẽ sử dụng tai nghe riêng để được hướng dẫn giới thiệu kỹ từng khu vực, thậm trí từng hiện vật quý. Bạn có thể chụp ảnh nhưng không được dùng flash và gậy chụp tự sướng!

8a

Khu Đài tưởng niệm  Tưởng Giới Thạch nằm trên Quảng Trường đài  tưởng niệm, nơi có Nhà hát quốc gia và Trung tâm hòa nhạc quốc gia, được khởi công xây dựng năm 1976 sau khi Tưởng giới Thạch qua đời và hoàn thành sau 5 năm. Có 89 bậc thang dẫn lên bức tượng của oog Tưởng, tượng trưng cho tuổi thọ của ông ấy.

9a

Chúng tôi đi xe từ Đài Bắc đến Đài Trung, Đài Loan khoảng 2 giờ và không thể bỏ qua thắng cảnh nổi tiếng Hồ Nhật Nguyệt, ở huyện Nantou, Đài Trung, hồ nước tự nhiên lớn nhất vùng này, với diện tích 7.73km2, nằm ở vùng núi có độ cao 748 m so với mực nước biển, nơi sâu nhất là 27 m.

13a

Tên Nhật Nguyệt xuất phát từ hình dáng của hồ. Nếu đứng ở giữa hồ, nhìn về phía tây của Nhật Nguyệt, hồ có hình dáng như một vầng trăng khuyết, còn nhìn về phía đông, hồ lại có hình dạng tròn tựa như mặt trời.

14a

Chúng tôi đi tàu thủy du lịch trên hồ, ngắm cảnh khoảng 1 giờ, thuê chung với một đoàn khách nên mỗi người chỉ mất khoảng 150 Đài Tệ.

15a

Những con tàu du lịch sang trọng đưa khách đi tham quan hồ, làm tôn thêm vẻ đẹp của hồ.

18a

Chúng tôi đi bộ dạo quanh mấy con phố. Cũng không có gì đặc biệt, mạc dù khu vực này có rất nhiều khách du lịch.

16a

Đúng là chẳng ai như chúng tôi, mới sáng sớm đã mò ra trung tâm thương mại. Đúng 9 giờ, tiếng chuông vang lên, các cô gái trẻ, xinh đẹp xếp hàng ra chào khách. Xúi quẩy rồi, hôm nay gặp đám khách hàng Việt mở hàng, chỉ vào xem chứ không mua gì cả!!!

17a

Buổi chiều, chúng tôi đi thăm Văn Võ Miếu –  đền thờ Khổng Tử (Văn Miếu) và Quan Công (Võ Miếu) nằm ở bờ phía bắc của hồ Nhật Nguyệt.

39a

Trước khi bị Nhật chiếm đóng, bên hồ Nhật Nguyệt có hai đền thờ, nhưng do người Nhật xây đập thủy điện ở đây, mực nước hồ Nhật Nguyệt lên cao, các đền thờ này phải di tản. Với số tiền người Nhật bồi thường và quyên góp thêm, ban quản trị hai chùa đã xây dựng một đền thờ lớn duy nhất, mang tên Văn Võ Miếu.

19a

Văn Miếu thờ Khổng Tử và hai đồ đệ của ông, là Mạnh Tử và Zihsih. Võ Miếu thờ Quan Công và một tướng lãnh yêu nước Nhạc Phi. Đối với nhiều vùng, Quan Công còn được thờ cúng như vị thần cai quản mưa nắng dưới trần.

38a

Đền có kiến trúc của Trung Quốc đại lục, do người Hán di cư mang đến, Văn Miếu xây  cao hơn, thể hiện thái độ trọng văn hơn trọng võ.

37a

Chúng tôi đi xe đến Kao Hùng khoảng 200km mất khoảng 2,5 giờ. Đường phố Kao Hùng rộng hơn ở Tai Pei. Kao Hùng là thành phố công nghiệp, hải cảng lớn nhất của Đài Loan và là một trong những hải cảng lớn nhất thế giới. Nhưng dân số cũng chỉ hơn triệu rưỡi người, còn xa mới bằng Hà Nội!

20a

Kao Hùng rộng lớn hơn Đài Bắc, nhưng xe máy cũng nhiều không kém.

21a

Đến Kao Hùng thì phải thăm Long Hổ Tháp, một trong những ngôi chùa có kiến trúc đẹp nhất ở Đài Loan. Người Hán ở Kao Hùng chủ yếu là người Phúc Kiến từ đại lục di cư sang vào TK 17 và mang theo nghi lễ tôn giáo của họ sang đây.

22a

Ngôi chùa có hai tòa tháp chính là tháp Long và tháp Hổ, mỗi tháp cao 7 tầng, cửa ra vào một bên là Rồng, một bên là Hổ . Với ngụ ý vào Rồng ra Hổ tượng trưng cho cát tường, thịnh vượng và may mắn.

23a

Trên Đầm Liên Trì có cả một quần thể các đền thờ và vọng lâu. Mùa hè sen mọc khắp đầm. Rất tiếc tôi đến vào tháng 12 nên không còn được ngắm sen nở… Đền Khổng Tử được xây dựng lần đầu từ TK 17, sau nhiều lần trùng tu và diện mạo hôm nay là từ lần trùng tu cuối cùng năm 1970.

25a

Phía bên kia bờ hồ là Kao Hùng hiện đại, với tòa nhà chọc trời Tuntex, nơi mua sắm sầm uất và cả những khách sạn hiện đại bậc nhất Kao Hùng.

27a

Một ngôi đền trên đường vào Tháp Long Hổ. Đồ thờ cúng và lưu niệm được bán rất nhiều ở đây trong những lều quán đã che khuất một phần diện mạo rất phức tạp của ngôi đền.

26a

Thành phố Kao Hùng sầm uất hơn Đài Bắc, cũng như Sài Gòn nhộn nhịp tấp nập hơn Hà Nội, bởi đó là đầu môi giao thương, buôn bán. Rất nhiều cửa hàng đồ hiệu lớn, và cũng rất nhiều khu chợ nhỏ sầm uất.

29a

Bên cạnh những khu phố hiện đại, đôi khi bạn sẽ bắt gặp những ngôi nhà cũ, với kiến trúc kỳ lạ, giống như nhà mình “cơi nới” vậy.

28a

Phật Quang Sơn ở làng Đại Thọ là một quần thể kiến trúc Phật giáo đồ sộ do Pháp sư Tinh Vân – một bậc danh tăng thế kỉ 20 lãnh đạo các chúng đệ tử sáng lập vào năm 1967.

30a

Pháp sư Tinh Vân sau này đi khắp nơi giảng đạo, do vậy Phật Quang Sơn có đến 200 chi nhánh trên thế giới, trong số đó có nhiều đạo tràng quy mô, uy nghiêm không kém gì khu chùa Phật này.

31a

Ở đây có đến hàng nghìn bức tượng Phật được sơn son thiếp vàng. Chưa bao giờ tôi được chiêm ngưỡng số lượng tượng Phật nhiều như ở đây. Tất cả các bức tượng đều to lớn, đặt ngoài trời và trông lúc nào cũng như mới.

32a

Phật Quang Sơn mở cửa đón khách du lịch vào tất cả các ngày. Nếu bạn thực sự là người quan tâm đến Phật giáo, thì sẽ có những tăng ni sẵn sàng hướng dẫn bạn đi tìm hiểu về toàn bộ khu chùa này.

33a

Phật Quang Sơn là một quần thể kiến trúc hùng vĩ, tựa vào khe núi, quay lưng về hướng tây nhìn về hướng đông, đối diện Cao Bình Khê – con sông lớn thứ hai của Đài Loan.

34a

Bên trong Kim thân Đại Phật tôn trí 100 vạn bản Tâm Kinh do hàng trăm người sao chép tay. Báu vật trân quý cốt lõi của chùa chính là xá lợi răng Phật hiếm có trên đời.

35a

Những người theo Phật giáo có thể đến đây để theo học các khóa Phật học. Đây là trường Đại học Phật giáo lớn nhất Đài Loan.

36a

Tôi vẫn mong muốn có dịp trở lại Đài Loan để tìm hiểu một phần khác của quốc đảo này, mà ít người biết đến, đó là văn hóa truyền thống của người dân bản địa Đài Loan.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *