Mỗi lần nhìn thấy những con chim ngạo mạn đậu lên đầu những bức tượng, tôi lại nhớ đến một câu chuyện…
Ngày xưa, trên một quảng trường lớn có hai bức tượng khỏa thân, đứng ở hai phía của quảng trường. Bức tượng nam đứng ở đằng đông, mắt nhìn về phía tây, nơi có bức tượng nữ đang ngóng nhìn về phía chàng.
Hai bức tượng đã đứng hàng trăm năm trên quảng trường, đón những tia sáng đầu tiên rọi xuống, để rồi chứng kiến những giọt nắng cuối cùng tan biến trên quảng trường. Hai bức tượng cũng hưởng trọn tất cả nắng ấm mà mặt trời có thể ban phát cho nơi đây và hứng chịu những trận mưa to và bão tuyết…Những ngày nắng đẹp, quảng trường rất đông người qua lại, nhưng hầu như chẳng có ai quan tâm đến hai bức tượng cả. Hai bức tượng cứ âm thầm đứng đó, cách biệt với sự ồn ào cũng như tĩnh lặng của xung quanh, chỉ có hai đôi mắt nhìn nhau không bao giờ rời kia là những lời thì thầm nói chuyện.
Một ngày, thiên thần Gabriel bay quay quảng trường và cảm nhận được cái nhìn tha thiết của đôi tượng kia, thiên thần đã động lòng, bèn hạ xuống quảng trường. Người đến bên hai bức tượng và nói: “Ta cảm động trước tình cảm của hai ngươi, nên ta ban cho hai người một ân huệ. Hai ngươi sẽ có một ngày biến thành người, để các ngươi có thể tâm sự và làm tất cả những gì mình muốn”. Nói xong thiên thần vẫy cánh bay đi…
Thiên thần Gabriel vừa dứt lời thì hai bức tượng bỗng rùng mình và biến thành hai con người thật sự. Cô gái không để phí một giây, chạy ngay đến bên chàng trai, và không kịp để chàng định thần, nàng liền kêu to: “Chàng ơi, hãy giúp em một việc. Chàng hãy bắt hết lũ bồ câu về đây cho em, để em ỉa lên đầu chúng cho hả dạ. Bao năm qua em đã khổ sở vì suốt ngày bị chúng đứng trên đầu và làm bẩn rồi!”
Bạn phải chứng kiến những con bồ câu vô ý như thế này, mới có thể thấu hiểu nỗi khổ của cô gái…nổi khổ lớn hơn tất cả mong ước mà cả trăm năm đứng trên quảng trường, ngắm nhìn một cách tuyệt vọng chàng trai!!!
Lũ bồ câu không tha ai cả. Trên đầu bức tượng Multatuli ở Amsterdam, hai con bồ câu tranh nhau đứng. Multatuli là bút danh của nhà văn Hà Lan Eduard Douwes Dekker.
Trên đầu bức tượng nhà thơ, nhà ngôn ngữ học Séc Josef Jungmann, một con bồ câu đang đứng ngó nghiêng. Nó không biết rằng, dưới chân nó là một nhân vật hàng đầu của Cuộc hồi sinh Quốc gia Séc, người cùng với Josef Dobrovský, được coi là người sáng tạo ra ngôn ngữ Séc hiện đại.
Ở châu Âu, nơi bồ câu, hải âu, chim sẻ, quạ và nhiều loài chim khác làm chủ giang sơn của chúng ở khắp các quảng trường, công viên…thì những bức tượng luôn bị đe dọa. Lũ chim không chỉ làm mất đi sự tôn nghiêm, nét đẹp của bức tượng khi chúng chọn chỗ đứng nơi cao nhất – trên đỉnh đầu, mà chúng còn làm bẩn các bức tượng vì sự thiếu “văn hóa” của mình.
Lũ chim không kể cao thấp, từ những bức tượng ở dưới quảng trường đến những bức tượng cao tít tận nóc nhà, chúng cũng không tha.
Nếu những trận mưa trời không đủ làm sạch cho những bức tượng khỏi sự vô ý của lũ chim, thì những người làm công việc vệ sinh công cộng phải chăm lo cho những bức tượng, để chúng có thể trường tồn cùng thời gian.