Mới 5 giờ chiều nhưng hầu như cả đoàn đã có mặt bên bàn ăn, họ phải giải quyết bữa tối sớm để còn kịp chuẩn bị cho chuyến bay đi Seoul vào nửa đêm. Nhưng chừng 20 phút đã trôi qua, những thân hình vẫn ngồi im như bị thôi miên, thỉnh thoảng có một vài tiếng rì rầm nho nhỏ, không đủ để phá tan bầu không khí chờ đợi căng thẳng. Bỗng có ai đó khẽ reo : “Anh Bảy đến rồi kìa!” khiến cho bao con mắt cùng hướng ra phía cửa, vài cái đầu quay 90 độ quá nhanh của những người ngồi ngược phía, đã gặp phải khó khăn khi bắt chúng quay về vị trí ban đầu.
Một khối hình chữ nhật di chuyển chậm chạp, song đầy vẻ chắc chắn của một cơ thể chưa già nhưng đầy uy quyền từ từ xuất hiện trước ngưỡng cửa. Đôi mắt như kẻ chỉ bị khuôn mặt phì nhiêu ép từ bốn phía, khẽ “đóng mở” thể hiện vẻ hài lòng trước sự ngưỡng mộ và tôn thờ của kẻ khác. Da mặt căng đỏ, dật dật không biết là do tốt máu hay là kết quả của một bữa tiệc quá dài trước đó, khiến cho bộ comple xám xịt may bằng thứ vải đắt tiền như được khoác lên một “manơcanh” phế phẩm. Vị quan chức đến bên bàn ăn mỉm cười đầy “độ lượng” và nhấc ngay ly rượu gần nhất giơ cao khai mạc bữa tiệc. Những cánh tay vụng về, lúng túng mặc dù đã có cả nửa giờ để chuẩn bị, nhưng vẫn bị bối rối trước “cái vía” của người này, nhấc vội ly rượu trước mặt để bắt kịp tiến độ. Bàn ăn như được tiếp thêm sức sống bỗng trở nên rôm rả hơn trong những lời chúc sức khoẻ và sự làm ăn phát tài, cũng như những thành công trên con đường chính trị của anh Bảy. Ai cũng muốn thể hiện tấm lòng chân thành của mình.
Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên phải để quý vị biết là phần lớn trong số những người ngồi tại đây đều có chức vụ ngang với “anh Bảy”, họ là những quan chức ở các địa phương khác nhau, họp lại để đi chung một chuyến học tập nước bạn. Không ai trong số họ phải nhờ vả gì anh Bảy cả, chỉ có điều họ là thành viên của đoàn, còn anh Bảy thì được bầu là trưởng đoàn, vậy thôi. Nhưng như thế mới biết anh Bảy có một cái “uy” thật lớn!
Chuyến bay đi Seoul êm ả, mọi việc thủ tục tại sân bay cũng ổn thoả, xe và hướng dẫn Hàn Quốc đón đoàn ngay tại cửa ra. Mọi người vội vã đổi tiền và mang hành lý ra xe. Con đường từ sân bay Incheon đi qua Seoul tới thẳng Everland có vẻ không mấy hấp dẫn hay tại giấc ngủ chập chờn ngắn ngủi trên máy bay khiến mọi người không còn sức, nên những lời giới thiệu của cô phiên dịch chỉ được một vài khuôn mặt tỏ ra có nhận biết. Người hướng dẫn vẫn tiếp tục nói, không phải chỉ vì đó là nhiệm vụ của cô ấy, mà cô ấy thực sự muốn chia sẻ với mọi người những gì tốt đẹp có thể học được ở đất nước phát triển này. Nhưng vô ích, những cái đầu thi nhau gật theo độ trơn nhẵn hay mấp mô của mặt đường, cô gái đành ngắm nhìn phong cảnh hai bên đường lòng đầy thất vọng, phải chăng đây là sự rất bình thường của quan chức nước nhà mỗi khi phải đi ra nước ngoài “học tập”?
Chừng một giờ rưỡi xe dừng bánh, cũng phải mất một vài phút để chia tay với những giấc mơ. Cô phiên dịch muốn “đánh thức” cảm xúc của những người bạn đồng hành trước vẻ đẹp rực rỡ của mùa thu nhưng không mấy người hưởng ứng. Cái lạnh đã làm mọi người tỉnh ngủ hẳn, và điều đầu tiên mà ai cũng nghĩ tới là phải đi tìm ngay một nhà vệ sinh…
Bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở của cô phiên dịch, chỉ có vài người đi theo, còn nhóm người đi cùng “anh Bảy” thì đủng đỉnh, họ còn bận chụp những bức hình làm kỷ niệm, rít những hơi thuốc dài và phẩy tàn rơi xuống mặt đường sạch sẽ. Cô phiên dịch phải chạy đi chạy lại năm bảy lần mới “lùa” được hết cả đoàn vào cổng công viên. Hình như hôm nay là ngày tốt hay sao mà nơi đây đông người đến vậy. Cô gái chỉ lo những người trong đoàn sẽ bị lạc vì họ đến đây lần đầu, không biết tiếng mà công viên lại quá rộng và đông người, nhưng khi dặn dò, giải thích về đường đi lối lại thì chỉ có vài ba người nghe thôi, thật khó. Rồi tính kiên nhẫn của cô cũng hết dần, đành phải kệ họ thôi, chấp nhận vất vả lúc “gom quân” vậy. Nhưng lo lắng của cô là thừa bởi vì ngoài một vài người nhiệt tình đi theo cô, số còn lại cùng với anh Bảy sau khi chụp rất nhiều kiểu ảnh loanh quanh gần cửa ra vào đã kéo nhau đến một quán cafe và tiêu hết số thời gian cho phép bằng mấy ly cà phê nóng. Và hình ảnh khu vui chơi giải trí Everland nổi tiếng của Hàn Quốc được gói gọn trong mấy tấm hình và hương vị lạ của ly cà phê không tên tuổi.
Bữa ăn trưa đầu tiên tại Hàn Quốc là chủ đề chính trong nửa giờ đầu khi xe rời công viên, tất cả đều là những lời ca thán đầy tức giận về một hai món ăn không hợp khẩu vị và sự phục vụ không được như ở nhà. Đúng là những người Hàn Quốc thật sơ xuất khi không biết rằng đây toàn là các quan chức Việt Nam đang đi học tập kinh nghiệm nước bạn nên đã không đón tiếp được chu đáo…
Con đường đến Kyongju khá dài, nhưng chất lượng đường tốt nên các giấc ngủ không bị ảnh hưởng khiến cho cô phiên dịch có dịp nghỉ ngơi ngắm cảnh và tiếc nối khi đi qua những cây hồng, cây lê quả chín rụng đầy gốc mà không thấy bóng dáng con người. Hàn Quốc là một đất nước có nhiều rừng núi, mà dân cư chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn, những khu công nghiệp hay hải cảng vì vậy dọc con đường đi thi thoảng mới thấy những mảnh ruộng nhỏ nằm dưới chân núi và thấp thoảng xa xa một vài mái nhà truyền thống nằm thanh bình giữa những vườn cây. Núi chập trùng, nhưng màu xanh phủ kín, không hề có hình ảnh của những kẻ “chốc đầu” thường thấy ở những dãy núi Việt nam. Phải 4 tiếng sau đoàn mới về đến khách sạn.
Kyongju thật đặc biệt, thành phố cổ này đã từng là kinh đô từ thế kỷ thứ X, trong thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của vương quốc Shila, nhà nước thống nhất đầu tiên trên bán đảo Triều Tiên và đã bị lãng quên trong nhiều thế kỷ sau đó. Giờ đây người Hàn Quốc đã khôi phục lại những di tích cổ, nhưng họ muốn giữ nguyên vẹn vẻ cổ kính vốn có của cố đô nên không cho phép xây dựng những toà cao ốc và những khu phố hiện đại, vì thế mà vào tới địa phận của Kyongju đã một lúc rồi cũng chưa nhận ra. Những cánh đồng lúa đã chín lâu ngày nằm rải rác dưới chân núi, những hồ nước nhỏ êm đềm bên những luống rau đã có vẻ cằn vào cuối thu và những cánh đồng nho đang chuẩn bị cho một mùa đông giá rét, làm nổi bật những ngôi đền cổ không lớn lắm, nhưng thật hấp dẫn.
Xe đưa đoàn đến nhà ăn trước, mặc dù có vẻ hơi sớm, nhưng có lẽ vì bữa trưa không ăn được nên sự sắp đặt này thật phù hợp. Bữa ăn theo kiểu Hàn Quốc đã được bày sẵn trên những chiếc bàn 4 người. Có lẽ chuyên để phục vụ khách ngoại quốc nên nhà hàng này có gian riêng kê bàn và ghế, còn gian bên cạnh thì thực khách sẽ dùng bữa trên sàn nhà bên chiếc bàn thấp cổ truyền và ấm cúng.
Các loại kim chi đủ màu sắc được bày rất khéo trong những chiếc đĩa nhỏ kín mặt bàn, khiến người ta dễ tưởng tượng ra một bữa đại tiệc. Một nồi lẩu đang sôi đặt giữa bàn và khi mọi người đã ngồi vào chỗ thì người ta mang ra cho mỗi khách hàng một bát cơm đựng trong một âu tròn nhỏ xíu có nắp. Mọi thứ la liệt trên bàn biến đi rất nhanh, sạch trơn như chưa từng tồn tại và đương nhiên là những lời phàn nàn cũng đến thật nhanh, ào ạt. Chỉ khổ cô phiên dịch, chẳng biết giải thích sao cho vừa lòng quan lớn, bởi cô không được thưởng thức sơn hào hải vị thường xuyên như những người bạn đồng hành, nên khó có thể cảm thông với họ khi đón nhận bữa ăn như thế này.
Sau bữa tối đầy “tai tiếng” cả đoàn thả bộ về khách sạn cạnh đó. Những gì mà khách sạn 4 sao này mang đến phần nào xoa dịu sự khó chịu dai dẳng trong những con người cố chấp. Tưởng rằng khó khăn đã qua, có thể yên tâm cao ngối ngủ đêm đầu tiên thì bỗng một chuyện khủng khiếp xảy ra. Cô phiên dịch loay hoay không biết làm thế nào để ngăn cơn thịnh nộ của mấy vị quan chức khi một vài người trong số họ phát hiện ra hành lý của mình bị lục và mất đi một vài món đồ. Đã quá muộn để quy trách nhiệm cho hàng không hay sân bay, nhưng giải thích thế nào mấy ông quan cũng không hiểu, họ đổ lỗi cho công ty du lịch, đổ lỗi cho lái xe…khiến cho mọi việc trở nên vô cùng phức tạp. Một cuộc cãi vã thiếu tổ chức xảy ra ngay tại hành lang khách sạn giữa những bộ pizama (trong mỗi phòng đều có 2 bộ pizama và các vị quan của chúng ta đã không bỏ lỡ cơ hội được dùng nó) và người lái xe Hàn Quốc của đoàn. Cô phiên dịch không dám truyền đạt nguyên vẹn những “lời hay ý đẹp” của cả hai bên, mà phải đóng vai trò của nhân viên hoà giải, cố gắng làm dịu sự căng thẳng có thể đưa đến một cuộc chiến tranh bất cứ lúc nào. Sau cùng thì sự thông minh và kiên trì của cô cũng được đền bù xứng đáng, khi có một người trong số họ nhìn ra được sự thật và xin lỗi lái xe. Đám đông bắt đầu giải tán và một ngày mệt mỏi cũng qua đi.
Những tưởng mưa tạnh thì trời hửng sáng, ai dè mây đen vẫn quần tụ đầy trời. Sáng hôm sau vừa gặp nhau trong thang máy, một vị thường đi cùng “anh Bảy” đã đề nghị cô phiên dịch đổi hành trình quay về Seoul và đặt vé cho họ về Việt Nam ngay, với lý do là không thể chịu đựng hơn được nữa. Lúc đầu cô phiên dịch tưởng mấy người qua một đêm bỗng có tính thích đùa nên không bận tâm, vả lại ai mà tưởng tượng nổi mấy ông đó lại kém hiểu biết đến vậy, đi du lịch nước ngoài theo đoàn thì làm sao có thể tự tiện thay đổi mọi chuyện theo ý được.
Bữa ăn sáng tại khách sạn 4 sao thật “đã” và chắc là làm vừa lòng những người coi thực phẩm là quan trọng nhất trong đời, nên không thấy có lời phàn nàn nào sau đó. Nhóm người của “anh Bảy” đã dành trọn vẹn thời gian trước khi đi chơi cho bữa sáng nên không có dịp chiêm ngưỡng cảnh đẹp tuyệt vời của vườn cây, hồ nước và cánh rừng sau khách sạn. Đang giữa mùa thu, trời bắt đầu lạnh, xen giữa màu xanh bất tận của núi rừng là những đám lá vàng, lá đỏ rực rỡ, trông xa như những đoá hoa khổng lồ. Bầu trời trong xanh, những tia nắng ban mai yếu ớt lúc mờ lúc đậm cố gắng chen qua tán liễu sà xuống mặt hồ trong xanh như muốn xoá đi làm sương mù mỏng manh giăng kín mặt nước. Cảnh đẹp ấy tưởng chừng chỉ có thể gặp trong thơ, hay trong những bức thư tình đầy lãng mạn, vậy mà nó thật gần, ngay đây thôi, chỉ đặt đĩa thức ăn xuống bàn, đứng lên là người ta đã có thể được ngắm nhìn và cảm nhận được…Vậy mà có bao người đã bỏ qua.
Đáng lẽ ra khoảng thời gian đầu tiên của chuyến đi phải được dành cho những lời giới thiệu về lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh của Kyongju, thì cô phiên dịch lại phải giải thích về những nguyên tắc cơ bản khi đi du lịch theo đoàn, bởi vì nhóm “anh Bảy” (đã hình thành một nhóm người “bâu” quanh) lại đưa ra yêu cầu muốn về nước sớm. Cũng dễ hiểu thôi, với họ phong cảnh, con người … của một đất nước khác đâu có hấp dẫn, cái duy nhất họ muốn là những bữa ăn đặc sản, mà chuyến đi du lịch bình dân này làm sao có thể mang lại cho họ được.
Điểm dừng chân đầu tiên là đền Pukungsan, một ngôi đền đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, xây dựng từ thế kỷ thứ X, trong thời hoàng kim của Kyongju, tuy nó đã bị thời gian và các cuộc chiến tranh tàn phá, nhưng nền đá cao hơn nửa mét của ngôi đền vẫn còn nguyên vẹn, riêng phần trên của ngôi đền bằng gỗ được phục chế lại trong năm 1970. Ngôi đền không có vẻ đẹp lộng lẫy, cũng không đồ sộ, những bức tượng Phật có kích thước bình thường, chỉ đặc biệt ở chỗ là cả Phật ông lẫn Phật bà đều có một bộ ria mép cong vút vẽ rất ngộ trên nền sơn son thiếp vàng. Ngôi đền không mấy hấp dẫn, nhất là khi đã được nghe về tiếng tăm lừng lẫy của nó.
Rất nhiều học sinh Hàn Quốc thuộc các lứa tuổi khác nhau đến thăm đền. Có lẽ đây là chương trình học ngoại khoá của hệ thống giáo dục tiên tiến nhưng lại chứa đựng bản sắc và truyền thống dân tộc mà chúng ta phải học tập. Những cô bé, mà theo hướng dẫn Hàn Quốc, thì đã 15, 16 tuổi rồi trong bộ váy đồng phục của trường vui vẻ nắm tay nhau vừa chạy vừa chụp hình và nhiệt tình tham gia những “bô” ảnh kỷ niệm với những người ngoại quốc. Sự hồn nhiên trong sáng đầy nhiệt huyết của chúng thật khác xa với vẻ mặt già trước tuổi của những cô cậu trung học Việt Nam trong những cái quần bò bó chẽn hở rốn, gấu lua tua…Không phải học những gì cao siêu ở đâu hết, ngay tại đây thôi, cuộc sống đời thường và những gì trong hơn một ngày qua họ được chứng kiến là những bài học không gì sánh được. Những thế hệ thanh niên như thế sẽ không những giữ vững đất nước mà còn có thể đẩy nó tiến xa, rất xa. Nhưng hình như không mấy người nhận ra điều đó, chỉ thấy đâu đây có lời than phiền về con đường lên đền quá dốc…
Viện bảo tàng quốc gia Kyongju là một quần thể gồm 4 toà nhà lớn có kiến trúc Hàn Quốc là nơi lưu giữ rất nhiều di vật thuộc thời kỳ phát triển thịnh vượng nhất của vương quốc Shila và kinh đô Kyongju. Rất tiếc là nhóm anh Bảy (vẫn là họ) không hứng khởi khi vào đây nên họ đưa ra thời hạn 20 phút cho mấy kẻ “dở người” muốn có cơ hội tìm hiểu đôi chút về một nền văn minh đã từng rực sáng một thời. Bảo tàng đầy ắp học sinh, nhiều đứa trẻ nhỏ xíu, lưng đeo ba lô, ngồi bệt xuống đất, bên cạnh bảng giới thiệu và cố gắng ghi chép vào quyển vở những điều vừa khám phá được. Lòng tự hào dân tộc phải được giáo dục ngay từ tuổi ấu thơ như thế này, còn khi đã có chức rồi, học làm sao vào được nữa?
Khi nhóm người “lập dị” vội vã rời bỏ những gian trưng bày với sự luyến tiếc để trở về ôtô cho đúng hẹn, thì mấy người kia còn đang lơ mơ bên cốc cà phê rẻ tiền trong quầy “ăn nhanh”, tranh thủ rít vài hơi thuốc và để những khoảng trống lớn dần trong đầu họ.
Chặng tiếp theo dài chừng 120 km đến thành phố lớn thứ hai và là hải cảng lớn nhất Hàn Quốc, thành phố Pusan. Đương nhiên là những giấc ngủ chập chờn đã chiếm gần hết quãng thời gian trên đường. Nhóm anh Bảy bắt đầu tách ra ngồi xuống cuối xe để rít những đợt khói, mặc dù trên xe đã có biển “cấm hút thuốc” và như vậy họ cũng không bị quấy rầy vì những lời giới thiệu của cô phiên dịch. Đường đi xuống phía nam có vẻ hấp dẫn hơn. Nắng chan hoà, nhưng ngọn núi xanh nhấp nhô thỉnh thoảng lại hiện ra những thành phố trên sườn núi trông xa như trong tranh vẽ.
Pusan là thành phố công nghiệp và là hải cảng lớn nên rất nhộn nhịp, đông đúc. Không có những toà nhà có kiến trúc đẹp, phố xá cũng chẳng có gì hấp dẫn, chỉ thấy những chuyến xe chở công tơ nơ chạy ngược xuôi và những bãi cảng hàng hoá chất ngút ngàn…
Xe dừng lại dưới chân ngọn hải đăng của Pusan, mọi người hào hứng xuống xe để hít thở cái không khí ấm áp và nồng nồng mùi biển, còn anh Bảy thì lại làm cho bầu không khí đó ô nhiễm bởi những luồng khói thuốc lá phì ra tưởng như vô tận từ cái “cơ quan ngôn luận” luôn làm sai chức năng của mình.
Chân ngọn hải đăng là một công viên nhỏ, rất nhiều người già đến đây để chơi cờ, tán gẫu, hay đơn giản chỉ là thư giãn, ngắm cảnh biển. Những con chim bồ câu được nuông chiều quá mức đã không e ngại khi “tặng” cho du khách một “bãi” trên vai hay thậm trí cả trên đầu, cũng chẳng buồn vỗ cánh hay cất bước chân đi khi có ai đó tới gần.
Nhóm anh Bảy đã nhanh chân tìm được chỗ ngồi trong đám các cụ già và không sao thuyết phục họ rời đó để lên đỉnh ngọn hải đăng ngắm cảnh. Có lẽ họ chỉ khác những người già kia bộ dạng bên ngoài, còn trí tuệ không chừng còn kém cả các cụ, thôi đành vậy.
Thang máy chỉ khoảng cách ngắn dần bắt đầu từ 90 mét, khi con số 0 xuất hiện thì cánh cửa mở, ánh sáng tràn ngập và một cảnh quan thật đẹp hiện ra. Thành phố Pusan không còn gì để dấu, từ những con phố chật hẹp, những khu nhà chen chúc, những con đường không có một cây xanh đến hải cảng bận rộn tấp nập, tất cả đều nằm trong tầm mắt của những kẻ hiếu kỳ. Một nhóm đông người đang vây quanh chiếc máy tính đoán số, nhưng rất tiếc là người ta chỉ làm chương trình để xem cho người Hàn, người Nhật và Đài Loan, chắc họ không chờ đợi người Việt tới, đành bỏ mất cơ hội được biết trước tương lai mà chỉ mất có 5000 won (tương đương với 65.000đvn).
Bữa ăn trưa với nhứng món ăn Tàu và chiếc bàn quay có lẽ đã làm hài lòng thực khách nên không thấy có ý kiến gì khi lên xe. Lại có khoảng 1 giờ để nghỉ ngơi khi chiếc xe chạy từ đầu này thành phố đến đầu kia (Pusan thật lớn!), điểm dừng thứ 2 là khu thể thao Á vận hội 2002.
Có lẽ đây là nơi mà anh Bảy và mấy người có vẻ hứng khởi nhất. Phải mất gần một giờ cho các kiểu ảnh, lúc thì nghiêng người bên con gấu được tết bằng hoa, lúc lại ngả mũ đứng chéo chân như tài tử điện ảnh bên chiếc xe phân khối lớn của cảnh sát…lúc này trông họ như trẻ ra, tràn đầy niềm vui và sức sống. Mấy tấm ảnh chắc sẽ được treo trong phòng truyền thống đến hết nhiệm kỳ.
Và sau đó lại là những giấc ngủ, xe bắt đầu chia thành 2 nhóm. Chỉ có nhóm ngồi phía trên là sôi động, người này thắc mắc, người kia hỏi, khiến cô phiên dịch không có thời gian nghỉ, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên cô cảm thấy vui, không phải trong cát có vàng sao?
Đêm thứ hai êm ả và mọi chuyện có vẻ quen dần. Bữa sáng nhét đầy bụng với bao nhiêu món khoái khẩu và một giấc ngủ dài chừng 4 giờ (từ Kyongju đi Suwon khoảng 350 km) đã khiến nhóm anh Bảy hài lòng. Những người ngồi phía đầu xe bắt đầu quan tâm đến phong cảnh xung quanh, họ phát hiện ra cả những bao cát nhỏ được xếp gọn gàng bên lề đường phòng khi tuyết rơi nhiều gây nguy hiểm, họ nhận xét về cách làm đường của người Hàn Quốc…những câu hỏi của họ cũng giúp cô phiên dịch biết thêm nhiều điều. Không khí trên xe có vẻ vui hơn, những người không thuộc nhóm anh Bảy đã tìm thấy mình và lấy lại được sự tự tin và tính độc lập, ánh “hào quang” của anh Bảy không còn ảnh hướng được tới họ nữa.
Bữa trưa tại Suwon với món ăn Hàn Quốc lại gây nên sự bất bình dữ dội của anh Bảy. Nhìn nét mặt đỏ dần và những tràng dài tuôn ra không ngừng thì chẳng cần hiểu tiếng, những người Hàn Quốc phục vụ trong nhà hàng cũng hiểu tâm trạng của thực khách. Nhưng đến khi người của anh Bảy tới giật tờ hoá đơn mà cô hướng dẫn Hàn Quốc vừa trả tiền, để xem thì thật không còn gì để nói. Cô phiên dich một lần nữa lại phải làm thêm chức năng “ngoại giao” uốn “ba tấc lưỡi” để chữa cháy. Thật không thể tưởng tượng nổi miếng ăn lại có vị trí quan trọng đến như vậy trong cuộc đời anh Bảy và mấy vị đồng “niêu”.
Hăng hái bao nhiêu trong bữa ăn thì anh Bảy và nhóm bạn lại uể oải bấy nhiêu khi đến thăm “Làng văn hoá dân tộc”. Chỉ mới đi được chừng 10 phút mấy tấm thân phì nộn đã thở hổn hển và lắc đầu quay ra, chắc tại mấy cái bụng quá nặng khiến đôi chân ít được sử dụng không kham nổi, thôi đành hẹn gặp lại, bởi bây giờ đoàn không thể vì mấy vị đó mà bỏ qua những điều đáng xem được. “Làng” được dựng trên khu đất rất rộng, có cả rừng lá đỏ lá vàng, cả núi sẫm màu trùng điệp, cả hồ nước trong xanh…với những ngôi nhà truyền thống qua các thời đại vua khác nhau, bao gồm cả nhà dân bình thường, nhà quan lại giàu có, đình chùa miếu và cả chợ thôn dã. Cuộc sống cổ truyền được dựng lại với cảnh cưới xin, lễ bái và mua bán trong chợ búa đời thường, thật thú vị.
Gần hai tiếng sau quay ra, cả đoàn phớt lờ những lời cằn nhằn của mấy vị phải ngồi chờ lâu bên cổng, họ xứng đáng được thế.
Về Seoul trên con đường ngày một đông dần. Đường rộng, mỗi bên có tới 6 làn xe chạy, xe nào đi đường ấy, không có chuyện chạy ra chạy vào như ở VN, một con đường kẻ xanh chỉ dành riêng cho xe buýt không cho phép xe con chạy vào, với bất cứ lý do nào. Người Hàn Quốc có ý thức rất cao trong việc chấp hành kỷ luật giao thông và họ ưu tiên cho các phương tiện giao thông công cộng.
Khi đoàn tới Lote World thì một người mới xuất hiện, anh ta là một cán bộ dưới quyền anh Bảy đã công tác nhiều năm ở Seoul nên đến gặp đoàn để giúp đỡ trong việc…mua sắm. Khu vui chơi giải trí trong nhà lớn nhất thế giới này dường như không mấy hấp dẫn đối với anh Bảy, nhất là khi gặp được “đồ đệ” anh có vẻ phấn chấn hơn. Họ nhanh chóng tìm được chỗ ngồi và hàn huyên hay học hỏi kinh nghiệm gì đó, sốt ruột chờ những người khác tới giờ để đi ăn tối. Thầy nào tớ đấy, cái người mới tới, tự hào về bằng cấp đầy mình và những năm tu nghiệp ở thế giới văn minh cảm thấy hãnh diện được phục vụ sếp trong việc “săn lùng” của hiếm địa phương.
Từ trung tâm về tới khách sạn đi mất hơn 1 giờ, ngoại ô mà. Seoul thật hay, nằm ôm dưới chân những ngọn núi, nên thành phố có những nơi đèn sáng rực rỡ, có những đoạn lại chỉ lờ mờ như đom đóm đêm mưa, thành ra nhiều lúc tưởng chừng đã ra khỏi thành phố, vậy mà vẫn chỉ là loanh quanh trong đó.
Khách sạn Glory nằm trên đỉnh đồi, đường dốc và hẹp nên chỉ vì không cua đúng chỗ mà chiếc xe đã phải chạy thêm 20 phút để về đúng vị trí ban đầu. Đang ở khách sạn 4 sao tại Kyongju, về Seoul phải ở khách sạn này không ít người cảm thấy thất vọng, và một điều ngạc nhiên là lễ tân và các nhân viên phục vụ khách sạn này hầu như không nói được tiếng Anh.
Sau bữa sáng sơ sài, là chương trình tham quan Seoul bắt đầu từ trung tâm thành phố, dinh Tổng thống với toà nhà có mái màu xanh, nhà khách chính phủ nơi được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt. Khi xe rẽ vào phố tất cả máy ảnh và máy quay phim phải dừng lại, nếu ai đó cố tình vi phạm cả xe sẽ bị ảnh hưởng vì nhân viên đặc vụ có thể làm hỏng toàn bộ các cuộn phim đang chụp dở có trên xe.
Điểm thăm thứ hai là Bảo tàng quốc gia và Cung điện Kugungsa. Anh Bảy và mấy người chỉ loanh quanh chụp hình phía bên ngoài và đầu cổng rồi thấy biến mất, hoá ra là họ tìm đường ra xe ngồi… cho ấm, đáng tiếc là vị học vấn kia cũng không “bơm” được nguồn cảm hứng cho anh Tám. Không tìm được xe (vì không có bãi đỗ nên xe phải hẹn giờ mới tới và lại đỗ ở điểm khác) họ đành lê chân theo đoàn. Bảo tàng quốc gia Seoul rất hay, nơi đây trưng bày hình ảnh sinh động về lịch sử, văn hoá truyền thống, phong tục tập quán, các dân tộc và cuộc sống đời thường của người Hàn Quốc, nhưng vì thời gian quá ngắn, luôn bị thúc giục bởi mấy người “sôi thịt”, nên cả đoàn chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” không có thời gian tìm hiểu kỹ. Và điều đáng tiếc nhất là đã không thể vào thăm cung điện lớn nhất Seoul với hơn 500 toà nhà…
Chùa Chongsang thì chỉ có vài người xuống xe và vào xem. Trong chùa không có tượng như ở Trung Quốc hay Việt Nam, mà chỉ có tranh vẽ. Trên nóc chùa có treo rất nhiều túi nhỏ như lá bùa hay sớ gì đó. Không biết hôm đó là ngày gì mà vào giờ sáng chùa đã đông nghịt người lễ, giầy dép để hết bên ngoài và trong chùa mọi người đều quỳ làm lễ.
Cảnh trí xung quanh chùa không có gì hấp dẫn, không có tượng, bảo tháp, hòn non bộ hay cây cảnh, chỉ có một bát hương bằng xi măng rất to bên ngoài để người ta dâng hương.
Và đã đến giờ ăn trưa. Cuộc đời thật ngắn nếu người ta chi phí quá nhiều thời gian cho việc nạp năng lượng.
Chương trình mua sắm lưu niệm và ngọc tím tại cửa hàng nằm trong chương trình đương nhiên không thực hiện được vì đã có sự cố vấn của “thổ dân”.
Cứ tưởng mấy vị quan không ham mua sắm … nhầm rồi. Tiền thì nhiều mà đối tượng để họ biếu xén chắc cũng không ít hơn số đã cống biếu họ nên nhóm anh Bảy phải đặt hàng riêng.
Ngày hôm sau nhóm anh Bảy tách ra không đi theo đoàn nữa, họ được “thổ dân” chỉ đường tới chốn ăn chơi, nghe đâu chỉ hết có 65 USD một bữa ăn mà lại còn được nhìn thấy cả chỗ hở và lẫn chỗ…kín của những cô gái Âu châu, toàn là “của độc”. Thì ra đó là sở thích của anh Bảy và đoàn tuỳ tùng, chả thế mà họ cứ ngủ gật khi vào thăm các di tích lịch sử, văn hoá và ngay cả những khu vui chơi giải trí cũng không làm họ hứng phấn. Tầm mắt của họ bị thức ăn và những cô gái ngăn cản mất rồi, thương thay, thương thay!!!
Không khí trong đoàn nhẹ nhõm hẳn khi không có nhóm anh Bảy trên xe, ai cũng có cảm tưởng như không khí hôm nay sạch sẽ, trong lành hơn mọi ngày. Tất cả đều vui vẻ và phấn trấn khi được đặt chân vào sân vận động World Cup 2002, được ngồi trên khán đài chỉ để chụp mấy tấm hình kỷ niệm. Seoul hôm nay như gần gũi hơn, đẹp hơn bởi vì họ được thoải mái ngắm nhìn mà không bị hạn chế về thời gian. Thật là một ngày tuyệt vời!
Chuyến đi đã tới lúc kết thúc, chuyến trở về khác lúc đi nhiều quá. Anh Bảy và mấy người cùng anh rời Seoul với những thùng catton nặng đầy hàng, đương nhiên là dán rất cẩn thận. Anh cười “độ lượng” và giải thích (mặc dù chẳng ai “khảo” mà đã “xưng”) về mấy món qùa “nhỏ” để tặng mấy “ảnh” mang hương vị Hàn Quốc. Chắc sau chuyến đi học tập này về anh Bảy và mấy người đó đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, chắc sẽ tiến được bước nữa trên bậc thang danh vọng…
Quế Nga, Seoul, tháng 10/ 2002.