Quyết định lên đường bởi cái địa danh không có cơ hội đi lần thứ hai. Trước ngày khởi hành tôi tự nạp thêm cho mình chút kiến thức ít ỏi về cái xứ sở không mấy nổi tiếng này. “Đánh bom”, “Những con Hổ Tamil”…hình như đem đến cho tôi sự tò mò phấn khích hơn là nỗi sợ hãi. Mấy ai có được cảm giác “mạnh” một cách tự nhiên phải không?
Sân bay Bangkok, chặng dừng chân nghỉ hơi lâu (10 tiếng), không giữ nổi những du khách ưa hoạt động và không tiếc tiền (vì ra khỏi sân bay quay lại là mất 20USD tiền lệ phí sân bay!). Chúng tôi đi xe về Bangkok chỉ để hưởng vài giờ cái nóng nực trên đường phố và cái cảm giác vui sướng tiêu tiền trong siêu thị. Nghe nói Sri Lanca chẳng có gì để mua, “sếp” khuyên chúng tôi nên tranh thủ mang thêm ít đồ sang đó bán lại lấy tiền tiêu vặt. Nghe cũng có lý, mua hàng tại siêu thị 4 sao Bangkok để bán tại chợ ngàn sao của Sri Lanca thì nghe chừng lợi nhuận chắc lớn lắm???
Trở lại sân bay nhìn thấy dãy người xếp hàng check – in dài như chờ lĩnh hàng cứu trợ ở Xômali chúng tôi thấy mệt mỏi. Xong được thủ tục vào phòng đợi thì chỗ lẩu Thái vừa nạp tại thủ đô coi như xong. Vậy là phải đợi xuất ăn cứu đói trên máy bay để sống sót mà tới đích. Gần 4 giờ bay thì chi phí vào khay thức ăn mất một phần, loay hoay tìm cách sử dụng tai nghe cũng làm rơi rụng mất mấy chục phút, còn lại cũng chẳng đủ để chợp mắt chứ nói gì đến những giấc mơ …Nên khi con chim sắt đã đậu yên trên sân bay mà vẫn chưa thấy mấy hành khách VN động đậy gì. Người của Dilmah đón chúng tôi tại cửa ra chắc phải buồn cười lắm khi nhìn thấy bộ mặt ngơ ngẩn trong bộ quần áo xộc xệch chân cao chân thấp bước ra. Ấy vậy mà khi được đeo vòng hoa phong lan vào cổ và chụp hình thì mấy khuôn mặt thồn thộn ấy cũng tinh nhanh ra phết.
Chúng tôi đi theo người lái xe và một người đẩy hành lý ra khỏi nhà ga, bụng thầm nghĩ: “Khách VIP có khác, hành lý cũng có người mang dùm!” Chỉ đến khi được hỏi tiền “bo” mấy khách VIP mới “ngã ngửa” … trong ví chỉ còn Bath Thái và đồng VN (Đôla Mỹ cũng có nhưng toàn đồng “to” không bo được!). Sau một hồi giải thích rồi mở cả ví ra để chứng minh, người khuân đồ vẫn không chịu buông tha, chúng tôi đành tặng anh ta 20.000ĐVN, một tờ giấy màu xanh mới cứng!
Đang phấn khởi vì “lừa” được gã tham tiền, dai như đỉa đói thì chúng tôi bỗng nghe có mấy tiếng nổ. Những con quạ hoảng hốt bay lên, (may mà sân bay có ánh đèn không lại tưởng nhầm là đang đứng ở bãi tha ma, quạ đâu mà nhiều thế!). Chưa hiểu chuyện gì xảy ra, chúng tôi tự thưởng cho mình quyền của Nguyên thủ quốc gia ưỡn ngực đứng nghe tiếng đại bác nghênh tiếp. Rồi những chiếc xe lao nhanh ra khỏi sân bay, tiếng còi của cảnh sát thổi loạn xạ và những dòng người xô nhau chạy đưa chúng tôi về thực tại, có chuyện gì đó nghiêm trọng đang xảy ra. Giữa đám người hốt hoảng, tìm đường thoát thân chúng tôi trở thành những người kỳ dị, bởi thay bằng chạy thục mạng thì chúng tôi lại do dự đẩy hành lý lúc xuôi dòng người lúc ngược lại. Đơn giản vì chúng tôi chưa hiểu chuyện gì xảy ra và chúng tôi không dám rời bỏ vị trí vì sợ lạc mất người lái xe. Nhưng rồi sân bay cứ vắng dần trong tiếng súng, những hành khách được thay thế bằng những người lính súng lăm lăm, miệng gào thét “Go out!” khiến chúng tôi bắt đầu cảm thấy hoang mang. Cảm giác sợ bị những viên đạn lạc găm vào bụng khiến tôi quyết định tiến về phía những người lính tìm sự che chở, nhưng đáp lại mong muốn rất bản năng đó chỉ là những câu “Go out!” vô cảm. Đành phó thác cho số phận, chúng tôi theo sau dòng người, thỉnh thoảng lại quay đầu lại, không phải vì lưu luyến nhớ thương ai, mà chỉ vì hy vọng mong manh có thể gặp được người lái xe ban đầu. Ra tới đầu đường, khi đang lơ ngơ vì chẳng còn biết đi đâu nữa, thì chợt có một chiếc xe lao tới, người lái xe nhảy vội ra miệng gào to: “Go, go…” ở nhà mà nghe tiếng chó sủa (chả là tiếng Anh phát âm là “gâu, gâu” mà) thì chắc phải tìm cách lánh xa, vậy mà lúc này sao lại lao vào nhanh đến thế. Cô gái đi cùng đoàn quẳng vội túi xách lên ghế trên rồi lao vào, rồi lại lần nữa lao vào, khi bị tài xế kéo ra…chẳng hiểu vì sao??? Hoá ra là bên này tay lái nghịch, bác tài tưởng cô định cướp xe chạy nên lôi ra, đâu có biết rằng vì quá hoảng sợ cô gái chẳng hề nhìn thấy trước cái ghế mình định ngồi có vô lăng. Tôi nhét vội chiếc valy vào cốp xe, không đủ dũng cảm để đóng cốp lại, lao ngay vào ghế sau, đè lên đống hành lý ngổn ngang, nhưng cũng không quên ôm theo túi hoa quả mang từ Bangkok (theo lời khuyên của Sếp, để kiếm kế sinh nhai nơi đất khách quê người!) Người lái xe toát hết mồ hôi sau khi đóng được cốp xe và ngồi vào sau tay lái. Thế là thoát, chúng tôi lên đường giữa dòng người đang miệt mài chạy và những chiếc xe nối đuôi nhau tìm đường thoát thân, để lại đằng sau tiếng súng, lúc xa lúc gần không biết phát ra từ đâu. Mấy phút sau, chúng tôi bắt đầu cười như ăn phải nấm dại, khi nghĩ lại cảnh vừa diễn ra…Lái xe ngạc nhiên, miệng lẩm bẩm: “Các vị thật may mắn!”. Chúng tôi hỏi lại tại sao, thì ông ta chỉ cười: “Bom!” Chiếc xe vẫn kiên nhẫn bò trên con đường đất đầy ổ gà, giữa những dãy nhà lụp sụp mái tôn và những khuôn mặt ngơ ngác, ngái ngủ của những người dân bản địa trong chiếc xà rông nhem nhuốc, chợt tỉnh dậy giữa đêm khi nghe tiếng súng nổ. Người dân nơi đây nghèo quá, trong ánh đèn xe lúc ẩn lúc hiện là những bộ mặt gầy gò, đen đúa…những ngôi nhà xiêu vẹo xác xơ. Tôi chợt hiểu tại sao Sếp lại khuyên chúng tôi mua đồ mang đi từ Bangkok.
Ra khỏi con đường đất nghèo đầy bụi, chúng tôi bắt đầu đối mặt với những cuộc khám xét dọc đường của những người lính trong trang phục rằn ri, tay lăm lăm cây súng, thỉnh thoảng lại nắn gân chúng tôi bằng tiếng lên đạn khô khốc. Tôi cảm thấy phấn khích hơn là sợ hãi, làm sao dễ dàng có được những giây phút trở thành diễn viên trong phim “hành động” như thế này! Còn sống sót trở về chúng tôi sẽ trở thành những siêu sao đắt giá, há chẳng phải là cơ hội hiếm hoi hay sao?
Giữa những giây phút căng thẳng qua các trạm gác, người lái xe bỗng cười lớn, rồi tự giải thích: “Tôi cười các vị. Các vị vừa đến Sri Lanca, không biết Colombo ở đâu, không biết tôi là ai, không biết tôi đang chở các vị đi đâu…vậy mà các vị vẫn bình tâm ngồi trên xe!”. Lúc này chúng tôi mới giật mình. Cứ tưởng người lái xe của mình tới đón, ai dè…Đúng là mắt mũi những lúc mất bình tĩnh thật thiếu tinh tường. Cứ thấy “nhọ, nhọ” như nhau, chẳng phân biệt được ai với ai. Mà làm sao có thể tin được có người lại tham tiền tới mức giữa lúc bom rơi đạn lạc như thế mà vẫn không từ bỏ cơ hội kiếm tiền. Đúng là chúng tôi may mắn gặp được anh ta, nhưng anh ta cũng may mắn vớ được chúng tôi, nhặt nhạnh được thêm chút ít trong cơn loạn lạc. Tôi chẳng biết nói gì hơn, ngoài câu đánh vào lương tâm con người (mà tôi hy vọng anh ta có): “Chúng tôi tin ông là người tốt!”. Đương nhiên là anh ta lại cười và hứa sẽ đưa chúng tôi tới đúng khách sạn…
Gần 2h sáng, chúng tôi tới khách sạn Trans Asia. Nhờ Trời, mọi việc đều xuôn sẻ. Nhận phòng khách sạn cùng với đội tiếp viên Hàng không Emiret, tôi còn tranh thủ ghi lại được hình ảnh của những nữ tiếp viên xinh đẹp trong trang phục khá độc đáo. Không có đồng Rupy nên chúng tôi quyết định tự mang đồ lên phòng để tránh tình huống khó xử như ở sân bay, mặc dù biết rằng “khách VIP” mà tự xách đồ thì hơi khó coi!
Tờ báo dắt dưới khe cửa vào buổi sáng đã giúp chúng tôi làm sáng tỏ sự kiện “đại bác chào mừng tối hôm qua. Thế giới thật sự giật mình, khi lần đầu tiên Các con Hổ giải phóng Tamin đã lái máy bay từ phía nam Ấn Độ, tới ném bom ở sân bay quốc tế Colombo và bay về mà lực lượng quân đội của chính phủ không phát hiện được. Hú vía! Chúng tôi thật may mắn thoát chết mà không biết.
8h30 sáng chúng tôi đã có mặt ở nhà hàng để ăn sáng. Thức ăn tương đối nhiều, đủ để bù đắp cho sự hao hụt năng lượng của cuộc trốn chạy rạng sáng vừa qua. Mải ăn, đến lúc ngửng lên thấy chẳng còn ai. Đang chuẩn bị chia tay với bàn ăn, tôi bỗng thấy mấy người phục vụ đem đến cho tôi một chén chất lỏng không màu. Tuy hơi ngạc nhiên trước sự phục vụ quá mức tại nhà hàng tự chọn, tôi vẫn thầm khen sự đối đãi “thượng khách” ở đây quả là chu đáo! Không chút do dự, tôi đưa chén lên miệng làm một hơi mà suýt … trả lại nhà hàng những gì vừa nạp, vì tôi vừa rửa hệ thống tiêu hoá của mình bằng chén dấm. Quá ngạc nhiên tôi quay lại tìm kiếm những người phục vụ và bắt gặp ngay cả chục cặp mắt đang theo dõi tôi với sự ngạc nhiên còn hơn tôi nhìn họ. Khi được hỏi tại sao lại mang đến cho tôi chén dấm này, thì họ cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy tôi đặt hàng chén dấm. Vậy là đã có sự nhầm lẫn gì đó, không biết tại ai, chỉ biết rằng tôi đã trở thành “vật thể lạ” của nhà hàng ngày hôm ấy. Không còn thời gian để tranh cãi và tìm kiếm nguyên nhân, cũng chẳng kịp rửa lưỡi, chúng tôi vội vàng ra xe. Vẫn kịp vào đội hình trước khi xe chuyển bánh.
Dilmah cẩn thận đã thuê cả xe cảnh sát dẫn đường (không biết có phải để bảo vệ thượng khách hay chỉ đơn giản là thuê xe cảnh sát cũng không tốn kém là bao, mà lại oai?). Colombo hiện ra dưới ánh sáng ban ngày không gây nhiều ấn tượng tốt hơn trong bóng đêm. Đường phố bụi bẩn, lộn xộn và nghèo nàn. Tuy không có nhiều xe máy như ở VN nhưng những chiếc xe tuc-tuc đánh võng và chen lách thì đội đua xe máy ở VN còn phải học hỏi nhiều.
Nhà máy chè tiếp đón chúng tôi thật long trọng. Hàng trăm công nhân xếp hàng kiên nhẫn chờ đến lượt để được choàng lên cổ chúng tôi vòng tết bằng những búp chè xanh non, giữa tiếng trống của điệu nhảy dân tộc… Tất cả chúng tôi đều cảm thấy xúc động trước tấm lòng nồng hậu chân thành của chủ nhà. Chuyến đi thăm nhà máy được bắt đầu từ văn phòng công ty, với đầy đủ thủ tục làm quen từ con người đến công việc, từ những sản phẩm thô đến quá trình chế biến…rồi các dây truyền, tẩm ướp, đóng gói trước khi xuất ra thị trường và kết thúc bằng bữa tiệc tự chọn ngoài khu vườn của công ty. Một buổi tham quan rất bổ ích và cũng rất thú vị, ngay đối với một kẻ ngoại đạo như tôi.
Trở về khách sạn, chúng tôi có khoảng 3 giờ để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho buổi khai mạc bắt đầu vào 6 giờ tối. Tôi tranh thủ lao xuống bể bơi để tìm kiếm giây phút thư giãn…Không giống như ở nhà mình, người phương Tây chỉ đến bể bơi để phơi nắng, chứ không thích vầy bì bõm (nhà mình nước hiếm, nóng quá đến bể bơi để hạ nhiệt và tranh thủ làm sạch mình!), nên tôi độc chiếm thế giới dưới nước cùng…lũ quạ. Cái xứ sở nóng bức và bụi bẩn này có thêm lũ quạ đen, suốt ngày quàng quạc càng làm cho bầu không khí như sẫm màu hơn. Cũng may là tôi đang thư giãn trong không gian 4 sao, nên nhìn lũ quạ gội đầu rửa mặt bên thành bể bơi cũng không cảm thấy khó chịu lắm. Chắc ngày nào chúng cũng tắm gội thoả thích rồi nên cũng không đến nỗi bẩn. Tôi loanh quanh một lúc rồi lên bờ vì cũng cảm thấy hơi “kỳ kỳ” trong khi những người khác đang “rang” cơ thể cho săn chắc đậm màu, thì chỉ có mình mình lại làm cho da dẻ bợt sắc và “nhạt” đi (ngâm nước lâu thì thịt phải nhạt chứ còn gì?).
Đúng 6 giờ chúng tôi có mặt dưới đại sảnh của khách sạn theo chương trình. Mọi người cũng đã có mặt khá đông đủ. Những người phục vụ khéo léo len lỏi giữa thực khách để mời những ly rượu và nước ngọt. Chúng tôi lịch sự từ chối lời mời đồ uống, bụng bảo dạ: “Uống nhiều tý nữa còn đâu bụng mà ăn!”. Tranh thủ chớp mấy kiểu ảnh, chúng tôi di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác, cẩn thận lựa chọn tư thế, ánh sáng, như thể những bức ảnh ngày mai sẽ được đăng lên trang nhất của tạp trí thời trang vậy.
Một giờ trôi qua, nhiều thực khách đã uống đến ly rượu thứ tư, thứ năm mà hình như bữa tiệc khai mạc vẫn chưa có ý định bắt đầu. Chúng tôi đành nhận một ly nước cam trước sự mời mọc nhiệt tình của chủ nhà và cũng để làm dịu cái dạ dày trống rỗng đã bắt đầu réo. Gần 8 giờ tối chúng tôi mới được mời vào hội trường rộng lớn, đi giữa tiếng trống, tiếng nhạc và những cô gái xinh đẹp mời khách những lá trầu theo phong tục truyền thống. Thực khách được xếp ngồi theo danh sách đánh số từng bàn. Chúng tôi ngồi cùng bàn với những người bạn đến từ Nhật Bản, Malaysia và một nhân viên của Dilmah.
Nếu chỉ là khách mời bình thường chắc tôi cũng chẳng quan tâm nhiều đến những bài phát biểu của ông chủ Dilmah, hai cậu con trai, những khách hàng lớn từ New Zethland, Ba Lan…nhưng vì phải dịch lại cho người bạn đồng hành nên tôi buộc phải chăm chú lắng nghe và cảm thấy thời gian trôi đi khá nhanh. Món ăn đầu tiên của bữa tối được đưa ra vào lúc 9h (ở VN đã là 10h30 đêm) và món thứ hai được mang ra sau đó gần một tiếng. Hệ thống tiêu hoá của chúng tôi chưa quen với cung cách phục vụ mới lạ này nên cứ réo rắt. Dịch vị tràn ra, đổ xuống dạ dày gần như trống rỗng đang tích cực co bóp làm phát ra những tiếng ì ọp…Mới qua món khai vị và bát súp loãng, người ta đã mang đến cho chúng tôi một cốc kem, bên trên là một búp chè xanh trang nhã. Không hiểu ẩm thực ở đây thế nào, nhưng phần vì sợ để lâu kem chảy mất, phần vì cũng phải nạp thêm cái gì đó vào cho dạ dày đỡ réo, tôi làm luôn một thìa. Khi vị ngọt của kem tan ra trên đầu lưỡi thì cũng là lúc cảm giác cháy bỏng ngang phè vì vị cay của hạt tiêu và những gì nữa… làm tôi tắt ngay ý định tận hưởng món ăn ngớ ngẩn này. Món ăn chính được đưa ra đúng lúc chuông đồng hồ đổ 12 tiếng, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Giờ thì chẳng còn hứng thú gì nữa, chúng tôi chia tay với món ăn “nửa đêm” và cả món “tờ mờ sáng”. Chưa bao giờ tôi lại có một bữa ăn kéo dài đến như thế. Những điệu múa, những bài hát xen lẫn những bài phát biểu làm chúng tôi quên đi tiếng kêu rên của cái dạ dày thiếu kiên nhẫn. Nhưng dù sao được tham dự một bữa tiệc như thế này cũng là một điều hiếm có. Chúng tôi chia tay nhau sau bức hình chụp chung với những người bạn mới. Ra về chúng tôi không chúc nhau: “Good night” mà lại chào: “Good Early Morning!”
Ngày hôm sau chúng tôi tham gia hội nghị từ 9 giờ sáng tới 5giờ chiều với những bài phát biểu không mấy ấn tượng với những thông tin không mấy cần thiết. Trở về phòng khách sạn chúng tôi chỉ còn đủ thời gian để thay quần áo chuẩn bị cho một buổi tối dài.
Cuộc thi pha chế coktail và mocktail giữa những thí sinh đại diện cho 14 nước diễn ra khá dài. Đợt thi đầu có vẻ hấp dẫn người xem, nhưng sau đó câu chuyện trao đổi giữa những người cùng bàn tiệc có vẻ cuốn hút mọi người hơn là những màn biểu diễn tay nghề trên sân khấu. Người ta mang đến cho chúng tôi mỗi người hai viên thịt tẩm bột to như hòn bi, nếu ăn một thì không bõ công nhai, ăn cả hai một lúc thì quá bất lịch sự. Và thực tế là mọi người đều ăn từ từ từng viên một vì ăn nhanh thì suốt cả tiếng đồng hồ sau đó còn biết làm gì nữa?
Để làm ấm bầu không khí, những điệu múa La Tinh được trình diễn trên sân khấu … làm mọi người quên đi cảm giác chờ đợi bữa ăn tối quá muộn. Cuối cùng thì cuộc thi cũng kết thúc, mọi người quay lại với nội dung chính của buổi tối khi phần trao giải được bắt đầu. Cũng biết là nước chủ nhà bao giờ cũng được ưu tiên, nhưng khi thấy giải đặc biệt thuộc về cô gái có khuôn mặt giống như “Mụ phù thuỷ” mũi khoằm (không cưỡi chổi) có thể nói là xấu nhất trong những người phụ nữ Srilanca, thì mọi người cùng ồ lên… Đã 10giờ đêm, bữa tiệc mới được bắt đầu. Quả thật khi nhìn thấy thức ăn được bày la liệt với đủ các loại sơn hào hải vị tươi sống (từ những con tôm hùm, cua bể, cá hồi, sò…đến những đặc sản núi như thịt cừu, thịt dê…) chúng tôi cảm thấy nuối tiếc vì khả năng nạp năng lượng của mình có giới hạn, nhất là lại quá muộn như thế này. Thực khách ào ra, cố kìm nén cái đói cồn cào, lịch sự kiên nhẫn chờ đến lượt. Trên sân khấu, những bài hát, điệu nhảy đã thay thế cuộc thi kích thích sự tiêu hoá bằng những nhịp điệu lúc dồn dập lúc lờ lững…Một vài vị khách hứng khởi khi dạ dày đã tạm êm, đung đưa người trên sàn nhảy…Buổi tối thứ hai kết thúc trong không khí vui vẻ và thoả mãn.
Trong câu chuyện với người bạn Kenya gốc Srilanca vào bữa sáng, chúng tôi có được một gợi ý nho nhỏ về việc tìm hiểu Colombo. Đúng là đã sang ngày thứ ba ở đây mà chúng tôi vẫn hoàn toàn chưa biết gì về thành phố này. Ấn tượng duy nhất chỉ là cái nắng vùng nhiệt đới và bụi bẩn của một thành phố nghèo nàn vùng trung Á…chúng tôi phải có cái nhìn khác, chứ không thể quay về VN cùng những hình ảnh đó được. Với lời gợi ý của người bạn mới quen, chúng tôi nhanh chóng quyết định sẽ tham gia chuyến tham quan mà Dilmah tổ chức cho phu nhân quan khách vào các buổi sáng. Mọi việc diễn ra rất đơn giản, nhân viên của Dilmah nhiệt tình đón nhận chúng tôi cũng giống như khi chúng tôi tham gia hội nghị (thế mà chúng tôi cứ có mặc cảm mình là kẻ “đảo ngũ”!)
Chúng tôi nhanh chóng làm quen với những thành viên trong đoàn và cô hướng dẫn viên khá đặc biệt. Lúc ngồi ở sảnh đợi, chúng tôi đã chú ý tới một người phụ nữ có chiều cao khiêm tốn khoảng 1m4 và cân nặng khoảng trên 100kg. Trong bộ trang phục dân tộc dài sát đất, cô gái di chuyển giống như một cuộn vải đang được vần xoay. Nếu như ai đó có quyền oán trách Thượng Đế đã thiếu công bằng khi tạo ra họ, thì cô gái này là người xứng đáng nhất trong số những người đó. Không chỉ có dáng hình mà cả khuôn mặt và đặc biệt là nước da (vì nó mà chúng tôi tranh cãi mãi, không biết đó là biểu hiện của bệnh viên da hay ung thư da???)
Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi gặp cô gái trên xe với tư cách là hướng dẫn viên. Rất tự tin, với tất cả những khiếm khuyết (không thể thiếu hơn được nữa) cô gái tươi cười (chúng tôi đoán vậy) tự giới thiệu và làm quen với đoàn bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Chúng tôi đi thăm đền thờ đạo Hindu của người Ân Độ và rất may đã được tham dự một đám cưới tại đây. Tôi đã có cơ hội bước chân vào một số đền thờ Hindu tại Malaysia và Singapore rồi nên không tìm thấy sự hấp dẫn ở đây. Nhà thờ đạo Hindu bao giờ cũng rất bẩn, vậy mà họ lại bắt du khách cởi giầy, nên ra khỏi cửa là cảnh tượng những thành viên trong đoàn hì hụi lấy giấy ướt lau chân, riêng tôi đành chấp nhận vứt đi đôi tất trắng vì không có khả năng giặt sạch.
Xe đưa chúng tôi đi vòng quanh khu chợ trung tâm, vô cùng đông đúc, khá lộn xộn và rất bẩn … trong bầu không khí nắng, nóng giữa màu da nâu đen…Chúng tôi không muốn dừng lại mà chỉ chiêm ngưỡng và cảm nhận qua cửa sổ của ôtô mà thôi.
Trở về khách sạn, chúng tôi vội vã tham dự hội nghị buổi chiều, để tiếp tục nghe những bài phát biểu không mấy hấp dẫn. Chờ mãi không thấy ai nói gì đến bữa ăn trưa, trong lòng không khỏi thắc mắc. Theo lịch làm việc chúng tôi nhận thấy hình như đang bị “cháy giáo án”. May mà có miếng pho mát của đội Hà Lan cứu đói, nếu không chắc cả hội nghị sẽ gục ngã trước khi được nạp năng lượng. 4h chiều, chúng tôi được chuyển đi bằng ôtô sang một khách sạn 5 sao vô cùng sang trọng. Đúng là “cháy giáo án” thật vì bây giờ chúng tôi sẽ được thưởng thức một bữa trưa vô cùng độc đáo, trong một buổi giới thiệu về chè của Dilmah. Có lẽ tôi không đủ khả năng để mô tả cảm giác vừa ngạc nhiên, vừa ngưỡng mộ, vừa thích thú…trước những gì tôi được chứng kiến ở đây. Tất cả thực khách đều được mặc chiếc tạp dề Dilmah với màu xanh đặc trưng cùng với một thông điệp: chúng ta đều là thành viên của Gia đình Dilmah và tự hào về những gì Dilmah đang có và sẽ có.
Các loại nước chè của Dilmah được dùng cùng với các món ăn nhẹ của mọi miền trên thế giới, các loại coktail pha chế với chè…được đem ra để mọi người cùng trải nghiệm. Chúng tôi tự cảm thấy xấu hổ vì đã không làm tròn bổn phận của một thành viên gia đình Dilmah, không chịu uống thử bất cứ loại chè nào, mà chỉ chăm chăm tấn công mấy đĩa hoa quả. Chưa bao giờ tôi ăn nhiều dâu tây đến thế, mà cũng không hiểu nổi tại sao mình lại ăn nhiều mà thực sự không thấy ngon lắm.
Chúng tôi rời bữa tiệc trong sự nuối tiếc vì sự tàn phá nặng nề một gian phòng đã từng được bày biện vô cùng đẹp mắt trước khi chúng tôi có mặt. Thế mới biết khi cái bụng đói người ta không còn cảm nhận và tôn trọng cái đẹp!
Về đến khách sạn, chúng tôi chỉ còn đủ thời gian để thay bộ đồ dân tộc mà Dilmah đã chuẩn bị cho các thành viên gia đình để tham dự một đêm vui chơi trên bãi biển của một khách sạn 5 sao. Xuống đến sảnh, gặp nhau trong bộ váy sarong chúng tôi bắt đầu cảm thấy gần gũi hơn, cảm giác của những người một nhà…
Dilmah đã thuê được mấy chục chiếc xe ôtô đời cổ để đưa chúng tôi đi. Tôi nhất định phải chọn cho mình một chiếc xe mui trần và cảm giác thật tuyệt vời khi chiếc xe chạy dọc bờ biển, trong tiếng sóng vỗ ì ầm và những ngọn gió biển mơm man… Những điệu múa dân tộc, rồi các nghề thủ công…đã đón chúng tôi trước khi bước ra bãi biển. Không khí của lễ hội giữa không gian rộng lớn của trời và biển, những bàn tiệc sang trọng dưới ánh nến lúc tỏ lúc mờ trên bãi cát hoang sơ…sự kỳ diệu của tình người ngay cả khi ngôn ngữ bất đồng sẽ mãi là ấn tượng không bao giờ phai nhạt.
Chúng tôi đã tham gia cả kéo co, đập niêu…cả những điệu nhảy disco tưởng như không có tận cùng. Đã quá nửa đêm mà dường như mọi người đều chưa muốn về. Những đợt sóng biển vỗ vào bờ buồn bã, bởi biển đẹp là thế mà cũng không quyến rũ được những con người đang cuồng nhiệt trong điệu nhảy trên bãi cát kia…
Chúng tôi đi ngủ khi ông mặt trời đã chuẩn bị dậy đánh răng rửa mặt!
Ngày tiếp theo chúng tôi quyết định tìm hiểu mảnh đất này thay bằng việc ngồi nghe những điều không mấy bổ ích. Vậy là chúng tôi lại nhập vào hội “đảo ngũ” để đi thăm những trung tâm thủ công mỹ nghệ truyền thống và có một bữa ăn trưa tại nhà hàng nằm giữa vùng đồng quê êm ả. Cứ nghĩ đất nước nghèo thì chắc đồ thủ công sẽ phát triển, nhưng tôi quá thất vọng khi đi hết cả buổi sáng mà chẳng tìm thấy một thứ gì đáng mua cả. Tìm cho mình chỉ là một việc, điều quan trọng là cho người thân, tôi luôn mong muốn có được những món quà độc đáo cho những người mình yêu quý từ những nơi mình đặt chân tới. Nhưng ở Côlômbô thì gần như không thể.
Về đến khách sạn chúng tôi cũng định đến ngay hội nghị để tham dự tiếp phần buổi chiều, nhưng vì mải mê thử bộ dạ hội tối mà người ta vừa mang tới, nên loanh quanh thế nào lúc chúng tôi đặt chân tới phòng họp cũng đúng là lúc đến lượt VN lên chụp ảnh lưu niệm. Quả thật là quá may, người ta lại xếp theo thứ tự ABC nên VN được đứng giáp cuối, nếu không thì chẳng biết thanh minh thế nào với ông già Fecnando…
Tối nay chúng tôi không được phép muộn giờ vì để đến được bãi biển thiên đường dành riêng cho “thượng khách” chúng tôi được sử dụng hai toa tàu cổ kính thế kỷ 19, với đầu tàu thở phì phì dày đặc khói và cả hơi nước. Thật tiếc vì tàu lại chạy trong bóng tối. Con đường chúng tôi đi qua chạy dọc theo bờ biển. Trong bóng đêm, sự bao la của biển cả chỉ đem lại cho chúng tôi chút gió mặn, còn tiếng sóng vồ vập vào vách đá dù có cuồng nhiệt đến mấy cũng không át nổi tiếng bánh tàu rít trên đường ray và tiếng xình xịch nặng nề. Chút ánh sáng le lói hắt ra từ những ngôi nhà siêu vẹo bên bờ biển, không giúp chúng tôi có thêm được hình ảnh gì bên ngoài.
Tàu đến bến, chúng tôi chậm chạp di chuyển để đến chân một cầu thang sắt với sự thắc mắc trong đầu. Và câu trả lời là cầu tụt từ độ cao 3 mét, khiến cho tất cả thượng khách đều nhận được những vết xước xát sau khi đáp một bộ phận nào đó của cơ thể xuống đất. Tiếng trống và những điệu nhảy trong ánh lửa bập bùng của những bó đuốc trên bãi biển khiến tâm hồn những kẻ ham chơi cảm thấy nhộn nhịp. Sự chuẩn bị chu đáo cho một bữa tiệc lớn trên bãi biển hoang sơ thật là ấn tượng. Có lẽ những ngôn từ nghèo nàn và lối viết văn thiếu cảm xúc không nên diễn tả lại những gì đã xảy ra, bởi người nghe sẽ không thể cảm nhận được thực sự không khí của buổi tối này. Chúng tôi vừa ăn vừa nhảy, vừa cảm nhận sự mênh mông của thiên nhiên vừa cảm nhận sự rộng lớn của tình con người. Biển cả lớn vậy mà biết nhường nhịn lắm, khi tiếng nhạc tiếng trống nổi lên thì những con sóng dường như im lặng, để khi tất cả yên lặng biển mới khẽ rì rào. Một buổi tối thật tuyệt vời bởi những con người hạnh phúc được sống giữa sự nhân từ và hoà hợp của thiên nhiên. Đã bước sang ngày hôm sau rồi mà hình như nhiều người vẫn còn quyến luyến với bãi biển tràn ngập niềm vui này.
Chúng tôi trở về khách sạn trên chiếc xe ôtô thường ngày. Thành phố nửa đêm đã ngủ say yên lành như một đứa trẻ.
Buổi sáng cuối cùng, chúng tôi có vài giờ làm việc với Dilmah và thưởng thức bữa trưa tại nhà máy. Trước khi chia tay Côlômbô, chúng tôi đi lại một vòng thành phố bằng chiếc xe túc túc 3 bánh rất thông dụng và cảm nhận cuộc sống thật quý giá khi đặt được chân xuống đất, bởi ngồi trên xe cảm giác phải chia tay với sự sống đến quá gần. Đúng là lái xe túc túc là những tài xế anh hùng!
Những giây phút cuối cùng, chúng tôi nằm thư giãn bên bể bơi, hít thở không khí thoáng đãng và lắng nghe tiếng nổ ở đâu đó…Giữa bầu không khí thanh bình nơi đây khó có thể tưởng tượng được cách đó không xa lắm có những người vừa chết trong tiếng nổ đó…
Côlômbô với hai nửa khác nhau dành cho hai tầng lớp hoàn toàn đối lập. Những đường phố nhỏ, rợp bóng cây xanh thấp thoáng những khu biệt thự sang trọng thanh bình, yên ả, khó có thể nhận ra đây là đâu! Còn đằng kia, những ngôi nhà lụp xụp mái tôn dưới ánh nắng chói chang đầy bụi bặm và những khuôn mặt đen đúa bởi những năm tháng vất vả khó khăn. Những khu chợ chật chội chất đầy những hàng hoá rẻ tiền. Những người phụ nữ trong bộ váy dân tộc nhẫn nhục đứng chờ xe buýt, ngơ ngác nhìn theo những chiếc xe sang trọng lướt qua. Những ụ cát nằm ngang giữa đường cùng những bộ rằn ri và những khẩu súng trường vô cảm…Tất cả đó là Côlômbô, một thủ đô Srilanca đầy ấn tượng. Một mảnh đất mang đến cho tôi cảm giác vừa thương, vừa sợ, vừa ngưỡng mộ, vừa vui tươi…
Chúng tôi ra sân bay Srilanca sớm hơn mức cần thiết vì không muốn rời thành phố vào giữa đêm. Vật vờ ngoài sân bay mấy giờ chúng tôi, tận dụng để nhắn tin cho người thân, vừa để giết thời gian, vừa để sử dụng cho hết số tiền đã nạp. Chỉ tội nghiệp những người ở nhà vì bị đánh thức giữa lúc đang ngon giấc.
Chia tay Srilanca, điểm dựng chân Bangkok mấy giờ không có gì ấn tượng, trở về nhà với những kỷ niệm khó quên về tình cảm giữa những con người không cùng dòng máu.
Quế Nga, Srilanca tháng 4 – 2007