“Miền Trung – Thiên đường đích thực”

Ngày 24/8/2007

Mặc dù đã có lời tuyên bố của trưởng đoàn qua “loa khuếch đại” của Quân Topas, nhưng 6h30 tối, trên quảng trường Nhà hát lớn mới chỉ có hai thành viên lớn tuổi nhất đoàn có mặt (người già thường hay thận trọng mà!). May mà có thùng quà của TTC to “vật vã” bên cạnh, nếu không lại giống hai người bạn “già” hẹn hò nhau tâm sự giữa chốn … đông người. Rồi vẫn cảnh người đưa kẻ tiễn ngậm ngùi, khiến những người đến trước trong bụng rắp tâm phạt tiền kẻ tới sau, chỉ vì quá xúc động trước cảnh chia tay của kẻ khác mà quên cả ham muốn “làm tiền” đồng đội. Lan Anh thủ quỹ cũng vì thế mà thoát nạn. Cả hội cùng ồ lên “vẫn cũ à?” khi chiếc xe vừa phanh “ự!” và cô nàng nhanh nhẹn tụi khỏi xe…

Lẽ ra thì chúng tôi cũng có thể khởi hành đúng 7h theo dự kiến, những còn một khoản miễn phí chưa kịp đến, nên đành chờ. Nhà tài trợ Wanano cũng biết rằng họ đã chẳng còn gì để mất nên có đến muộn chút ít thì luật phạt tiền của TTC cũng không thể “móc” thêm được gì. Thế cũng hay, đi hơn về kém.

Xe vừa chuyển bánh, chưa xong màn chào hỏi đã thấy có thắc mắc về bữa ăn tối rồi. Rõ ràng là chương trình không thấy “include” bữa tối vậy mà… không biết có phải vì các “Sếp” mải tận tâm công việc quá, hết giờ làm ra thẳng bến đợi chưa kịp chăm sóc bản thân hay vì vừa nhìn thấy cặp bánh mỳ đầy nhân của trưởng đoàn nên nảy sinh lòng tham??? Chỉ thấy rằng cả xe nhao nhao bàn bạc về bữa tối, nào là xôi giò, phở Hà Nội, bánh mỳ ba tê hay bữa tối hoành tráng tại Ninh Bình…Trưởng đoàn ngồi im, tay ôm khư khư cặp bánh mỳ, hai tai như đang nghe nhạc (thấy đeo tai nghe mà không biết có nghe thấy tiếng nhạc không hay đang mải phân tích âm thanh tranh giành khẩu phần bữa tối!) Sau khi có quyết định sẽ lót dạ bằng bánh mỳ không “người lái” mua ở đường rẽ Văn Điển để cầm cự qua được… Văn Điển tới bữa tối Ninh Bình, mọi người có phần yên tâm. Mấy Sếp chuyển từ nghề “móc túi khách hàng” sang “móc túi bạn đồng hành”, bắt đầu sắp xếp dụng cụ hành nghề và lao vào cuộc chiến. Ra đến đường cao tốc, đèn trên xe phải tắt để tạo điều kiện cho lái xe an toàn, mấy “con bạc” sát phạt nhau trong bóng tối không phát huy được khả năng “lần sờ” rên lên vì phút sung sướng đột nhiên bị ngừng lại. Chiến – nhà xe đành phải chiều lòng mấy đại khách bằng cách giơ cao điện thoại di động (giống như Đam San móc trái tim mình ra làm ngọn đuối soi sáng đường cho dân bản xuyên rừng…) đem đến nguồn sáng tuy yếu ớt những cũng đủ để các “con bạc” không bị lầm đường lạc lối.

Túi bánh mì ế xuất lò từ đầu giờ Dần, nằm phơi mình trên xa lộ tới giờ Giậu mới có người sờ đến đã nhanh chóng được các “đại gia” đón tiếp một cách nồng hậu. Trong nháy mắt những cái bánh đã nằm yên vị trong sự ngạc nhiên của những dạ dày chuyên tiếp đón nguồn thực phẩm cao cấp. Thế mới biết những món ăn giản dị đôi khi cũng làm hài lòng cả “long khẩu” (miệng vua) trong những tình huống thích hợp. Lúc đầu cũng có ai đó vẫn còn nhòm ngó chỗ “nhân” của trưởng đoàn, cứ đòi cắt thành 15 phần, nhưng trong thâm tâm ai cũng hiểu “nhân” của trưởng đoàn mà cắt ra nhiều phần như thế thì chẳng bõ “gió thổi bay” không có cơ hội cảm nhận được sự tồn tại, nên không chờ có ý kiến phản hồi từ trưởng đoàn, không ai còn cố nữa. Mà cũng không thấy ai thắc mắc không biết cặp bánh mỳ ấy đến “đích” bằng cách thầm lặng nào?

Ngọn đuốc Đam San cháy mãi rồi cũng tắt, những “con bạc” đành rời chiếu, tìm chỗ qua đêm. Có được chút bánh mỳ lót dạ, câu chuyện chuyển từ ẩm thực sang các đề tài đa dạng khác. Quãng đường gần trăm cây cũng không quá xa nhưng đủ dài để chỗ bánh mì nạp vào lúc chập tối được đẩy qua bộ phận khác. Các nhà “FAM” xuống xe đầy hào hứng nhanh chóng chọn cho mình một chỗ ngồi để chờ đợi giây phút thưởng thức đặc sản địa phương. Không biết có phải vì đam mê ẩm thực hay vì cái dạ dày nhàn rỗi đang đòi công ăn việc làm, mà mọi người không quan tâm đến chỗ thả neo. Cái cửa hàng mặt tiền rất rộng nhưng lại có một căn phòng “bít hậu”, gió đứng thập thò bên ngoài, muốn vào những lại ngại không có đường ra nên mấy thực khách vừa nạp năng lượng vừa thưởng thức “sauna”. Nhưng phải nói là đặc sản địa phương hấp dẫn, được lòng nhiệt tình đáp lại một cách mãnh liệt, nên chỉ đến khi da bụng căng rồi mới thấy có người kêu nóng…

Giờ thì ổn rồi, cơm đã no… chúng ta lại lên đường. Những câu chuyện không chủ đề rộ lên rồi lại xẹp xuống, nhỏ dần theo thời gian cho đến khi không gian yên tĩnh chỉ còn lại tiếng ngáy đều đều của ai đó, tiếng cựa mình xột xoạt, tiếng ú ớ không rõ lời của kẻ đang trong mộng… Ngủ trên xe quả thật là một sự thử thách đáng nhớ. Cái ghế “King side” đi ngày thường là quá ổn, vậy mà qua đêm cứ như thiết kế thiếu thiếu cái gì. Chỉ có Lan Anh bé nhỏ, nằm “cuộn tròn” là vừa, còn cứ cỡ trên 50 cân là lúc co, lúc duỗi, lúc nằm nghiêng, lúc lại ngửa mà chả thấy tư thế nào phù hợp cả. Lâm Nguyên thò cả chân vượt biên giới sang lãnh thổ người khác, chẳng thèm bận tâm xem nước lãng giềng có cần dùng chân mình làm gì không? Chỉ có đôi Tiệp – Vân là có vẻ biết nương tựa vào nhau, nên ngủ “im ro” không mộng mị…

Nửa đêm hay đã rạng sáng, không kịp liếc đồng hồ (mà có liếc thì với cặp mắt kèm nhèm nửa tính nửa mơ cũng chẳng nhìn ra là mấy giờ) xe dừng lại ở cây xăng để hành khách tìm đầu ra. Không hiểu cây xăng này được xây theo standard nào mà chẳng thấy cái cần tìm đâu cả. Vậy là đành tiện đâu ta làm đấy… Cũng may là mùi xăng chắc chắn sẽ át được, nên cũng không mấy ai cảm thấy áy náy. Lên xe, nhẹ bụng nên ai nấy đều có vẻ thoải mái, tiếng trò chuyện râm ran dường như thời gian không mấy ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của mọi người. Nhưng rồi tất cả lại chìm vào giấc ngủ chập chờn trong các tư thế vô cùng “cổ quái”…

Ngày 25/8/2007

Ngắm bình minh trên đèo Ngang. Xe dừng lại để làm thủ tục đón chào một ngày mới. Mặc dù vẫn còn lơ mơ nhưng cũng không ít người vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của ánh mây nửa hồng nửa vàng, kéo một vệt trên nền trời tái tái. Mấy nhiếp ảnh gia thi nhau trổ tài, cố chớp được vẻ đẹp “tiềm ẩn” ấy, vì không phải lúc nào cũng có cơ hội được chiêm ngưỡng cái cảnh bình minh ủ ruột này.

2

Bữa ăn sáng được đón tiếp tại nhà hàng hoành tráng nhất của Đồng Hới. Nhưng có lẽ ở đây người ta không quen phục vụ nhiều thực khách, nên mới đến bát mỳ tôm thứ 9 là đã thấy nhà hàng tuyên bố phải “chuyển kênh” vì hàng chưa về kịp.

No cơm, ấm cật là lại rậm rật… mà lên xe thì chân tay lại không được khua khoắng, thế mới phản khoa học chứ. Nhưng phải tuân thủ chương trình không thì vỡ hết… Lơ mơ thế rồi cũng đến được đích. Chỉ có điều “cán bộ đường lối” của đoàn vào đến Huế thì mất hết phương hướng, nên chỉ qua sông Hương là không còn biết quay phải hay trái nữa. May mà đường đi ở miệng nên gần 11h đoàn FAM cũng mò được tới Abalone.

5

Chủ nhà Hào tất bật chạy qua chạy lại trong màn chào hỏi, mấy thành viên đến trước đã kịp trút bỏ quần áo để tận hưởng những khoái cảm của resort rồi. Nhận phòng xong ai cũng hối hả xách đồ về phòng vì thời gian cho việc riêng tư không được xông xênh cho lắm. Cánh cửa ban công của các phòng mở ra một khung cảnh đầy thơ mộng với đầm sú vẹt mùa khô và những ngọn gió trong lành. Chắc chắn không ít người đang mơ ước có được một người bạn tâm đầu ý hợp bên cạnh khi đứng dựa lưng vào cánh cửa lơ đãng nhìn ra xa…

3

12h gần như đã có mặt đông đủ. Ai cũng dám mắt vào đồng hồ, căng thẳng nhìn kim chân dài nhích từng nấc. Những khuôn mặt hỉ hả như dãn ra cùng một lúc khi ba kim chập một mà vẫn còn vài kẻ chưa thấy tăm hơi đâu. Cơ hội để “thịt” đồng đội đâu có nhiều? Kia rồi, hai kẻ nộp mạng đầu tiên, mà một trong số đó là “loa phóng thanh” của Luật phạt và kẻ còn lại là “mật vụ” đoàn. Đúng là người “găm” đầy kinh nghiệm có khác, trông thấy những bộ mặt hoan hỉ từ xa, A Bang đã cảm nhận được mối nguy hiểm nên thay bằng đến gặp đoàn tại lễ tân thì hắn lại lượn một vòng quanh cây si và ngồi xuống gốc chờ đợi một cách lãng mạn. Đúng bài, vì khi có người giơ đồng hồ ra là 12h03 thì A Bang liền kêu toáng lên là hắn đã ngồi mơ mộng được hơn 4 phút! Cũng may là còn có người quân tử  (tên làm sao, người hành sự đúng vậy…) Quân Topas đã không ngần ngại rút ví ra thực thi pháp luật (chắc cũng buốt ruột lắm nhưng cũng phải giữ thể diện chứ!) Còn nàng thủ quỹ chính và phụ thì chơi luật “giang hồ” vì cậy mình nắm giữ tài sản quốc gia nên mặc dù ra muộn tới mức hình phạt đã tăng gấp đôi vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Con đường tới bữa ăn trưa cũng khá dài. Lẽ ra sẽ là rất hợp lý nếu chúng tôi thực hiện đúng thời gian, nhưng vì tới Abalone muộn nên chương trình thăm lăng Minh Mạng bị đẩy lùi xuống chiều, đó là một trong những lý do khiến chúng tôi cảm thấy Biệt phủ Thảo Nhi quá xa (lý do khác có lẽ là vì quá đói!).

4

Tả cảnh về Biệt phủ xin nhường lời cho những bức ảnh của các nhiếp ảnh gia trong đoàn. Chỉ muốn chia sẻ cảm giác xúc động của đoàn trước sự đón tiếp nhiệt tình của gia chủ và những món ăn rất “cố đô” mà nhiếp ảnh gia phải kìm hãm sự sung sướng của thực khách để “chớp” trước khi vẻ đẹp bị tàn phá…Khai vị món “Chim Phượng”, chào đón món “Đèn lồng”, rồi “Thiên Nga gãy cánh”… nhiều quá không nhớ hết nổi và cuối cùng là gần 100 quả bưởi giải khát trên đường. Có lẽ Biệt Phủ Thảo nhi đã gây được ấn tượng rất mạnh đối với tất cả thành viên FAM, chả thế mà trên đường quay ra đã thấy Trinh đặt ăn cho khách tại đó.

Được ăn no rồi chỉ mong tìm được chỗ để … ngủ. Nhưng chuyến tham quan lăng Minh Mạng cũng là cơ hội tốt để tìm khoảng trống cho cái dạ dày vừa được nhồi chặt. Về lăng Minh Mạng chắc mọi người đều đã biết rất rõ, chỉ không biết có ai còn nhớ cảm giác thư thái khi đi dạo trong khuôn viên không?

6

Rời ngoại ô thành phố chúng tôi đến thẳng nơi sang trọng nhất của Huế, khách sạn La Residence và Imperial, rồi lại chuyển qua thăm homestay loại hình nhà nghỉ dịch vụ thấp nhất. Quả là một “mớ” các loại dịch vụ. Có lẽ mọi người đều thất vọng khi đi đến thăm homestay, sự hình dung lúc trước khác xa với những gì tận mắt chứng kiến.

Nhà hàng Lá Thông có vẻ sốt ruột khi chúng tôi về quá giờ hẹn gần 1 tiếng. Bữa cơm thứ hai có lẽ sẽ không còn nhiều ấn tượng như bữa cơm đầu. Nhưng chắc chắn không ai quên được sự đón tiếp nồng hậu của bà chủ quán bé nhỏ và đội ngũ nhân viên nhà hàng. Xin cám ơn nhà hàng Lá Thông.

Sau một đêm “vật vã” trên xe và một ngày “vi hành” tìm tòi mới lạ của Huế, chúng tôi trở về  Abalone để tiếp tục chương trình “Abalone by night” bên cạnh bể bơi. Chỉ tội nghiệp cho gia chủ Hào, phải phục vụ vừa là “đại khách” vừa là đồng môn này. ấn tượng nhất là sự xuất hiện của tảng đá giữa đêm khuya (gần 12h đêm tại một nơi cách trung tâm Huế hơn 15 cây số). Chuyện là thế này, mấy đại gia uống rượu với đá, gia chủ không nghĩ rằng thực khách lại ngồi “dai” đến thế, nên không chuẩn bị nhiều, khi cuộc vui đang lên cao trào thì đá hết, đành phải uống rượu với nước nhúng tay (tay bốc đá, giờ chỉ còn nước đá tan vẫn còn lạnh, tận dụng vậy!). Ai đó hưng phấn muốn dùng xe đạp vào trung tâm kiếm vài tảng…chẳng dè gia chủ làm thật, áy náy quá, áy náy quá!!! Đó còn chưa kể đến món sơn trà trộn mực một nắng và cá (?) nướng, mà gia chủ đã chỉ huy quân phục vụ ngay “tắp lự” theo sự ngẫu hứng của những thành viên TTC (có đặc tính tự nhiên như ruồi!).

7

Đặt lưng xuống giường chắc là đã bước sang ngày mới. Good Early Morning cả nhà (thay bằng Good Night!)

Ngày 26/8/2007

Morning call, ăn sáng, tập trung, lên xe… không ai mất tiền cả. Chuyến đi này ngân sách của đoàn chẳng gia tăng được gì, buồn quá!

Chương trình thăm Phá Tam Giang mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm, vì vậy chúng tôi được Cảng vụ Thuận An phục vụ bằng hai chiếc tàu (cây nhà lá vườn), một bằng gỗ (vừa chạy vừa nhả khói), một canô “trung tốc” cả hai đều quá chật chội để phục vụ nửa đoàn. Cảm nhận về cảnh đẹp của Phá Tam Giang thì mỗi người một khác, những ai chưa có dịp đến thăm có thể ghé qua những bức ảnh của “thợ nhà” để tìm nguồn cảm hứng, nhưng đứng ở góc nhìn của người làm du lịch thì e rằng sản phẩm mới này hơi khó kiếm được thị trường vì còn thiếu nhiều yếu tố.

8

Trên canô sau một hồi loay hoay tìm kiếm, cuối cùng thì mọi thành viên đều có một chỗ đứng khá ổn trên tàu để có thể enjoy cảnh biển trời. Còn trên tàu gỗ, trong cabin lờ mờ tối, một sòng bạc “dã chiến” đã nhanh chóng hình thành và hoạt động hết công suất cho đến khi chuyến đi kết thúc.

Trước khi rời Huế, chúng tôi ghé thăm khách sạn Thái Sơn. Với giá cả bình dân nằm gần trung tâm thành phố hy vọng Thái Sơn sẽ có những khách hàng từ thành viên của TTC. Tạm biệt Huế, tạm biệt những chủ nhà nhiệt thành, mến khách, hẹn sẽ có ngày trở lại! (Nghe TTC hẹn vậy chắc nhiều gia chủ toát hết cả mồ hôi!)

Hành trình trên đường dài không có gì mới lạ, vẫn là sự “sát phạt” đồng đội trên “sòng”, những câu chuyện tâm tình giữa những đôi bạn cùng ghế, những cái đầu chụm lại ngủ chung, những tư thế ngủ đầy màu sắc trìu tượng…

“Cán bộ đường lối” của đoàn cứ chia tay với quốc lộ 1 là “tịt”, nên mặc dù có Trinh hoa tiêu và Thuỷ hướng đạo sinh mà xe cũng phải chạy vòng vòng mới tới được nhà hàng 4U trên bờ sông Hàn. Trưởng đoàn có sáng kiến tặng nhà hàng quà lưu niệm (bức tranh Đông Hồ) ngay khi bước vào, để chủ nhà phải suy nghĩ lại khi off mới có 30%. Quả là cao kiến! Chỉ khi nhìn thấy trên mâm có cả tôm hùm con lẫn tôm hùm mẹ, mọi người mới thấy được rõ tác dụng của cao kiến này. Mong rằng trưởng đoàn luôn đưa ra được nhiều cao kiến như thế. Đại diện của Mai Linh cũng qua nghênh tiếp đoàn, đem đến cơ hội có thêm người trợ giúp khi các doanh nghiệp có nhu cầu đặt ăn cho khách tại đây chất lượng lại cao mà giá lại…thấp.

Không biết nhà hàng có nhã ý muốn nhấn mạnh đến sự ưu đãi off 30% cho đoàn hay không, nhưng chỉ thấy khi xe đã nổ máy rồi cô nhân viên phục vụ mới hớt hải chạy ra gọi thủ quỹ vào để … lấy lại số tiền 30% đó. Dù vậy cũng rất cám ơn 4U.

12

Sau bữa cơm ngon lại được ngắm biển Mỹ Khê, Cửa Đại đầy thơ mộng chẳng còn gì bằng. Định tiện đường ghé vào The Nam Hải luôn, nhưng liên lạc viên Vân mãi không gặp được người nghênh tiếp, vì vậy mà chiếc xe 30 chỗ đã cắm đầu vào cổng rồi lại phải lùi ra. Chạy được vài cây thì lại quay đầu ngược lại. Số là người đẹp Hoa sau khi chia tay với đoàn tại Furama Resort đã bắt taxi đuổi theo và hạ trại tại The Nam Hải chờ đoàn. Thật may đã có người đón tiếp nên một công đôi việc. Khách sạn 6 sao có khác, thật tuyệt vời! Xin nhường lời cho những bức ảnh.

Sau chút thời gian ngắn ngủi nơi thiên đường, chúng tôi phải “cắm cổ” chạy vì đã quá hẹn với du lịch Hội An hơn 1 giờ rồi. Một số thành viên chia tay đoàn tại khách sạn Pacific Hoian. Vì không còn nhiều thời gian nên làng rau Trà Quế được ưu tiên trước. Lâu không được xem những công việc đồng áng, không chỉ có Tây mà những người làm tour cho Tây cũng thấy thích thú. “Vợ chồng nông dân” Hùng – Lan Anh tay cầm cuốc, chăm chăm cười tươi làm dáng để … chụp ảnh, suýt nữa thì bổ cuốc vào chân nhau. Không biết bác nông dân Đàm Tiệp lên khuôn hình làm sao mà lại để bao tiền căng phồng “thò lò” dưới tà áo  nâu chân chất.

9

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất của tour làng rau không phải là những luống rau được vun trồng cẩn thận, mà là món Tam (?) gồm có thịt  luộc, tôm và rau thơm cuốn bằng lá hẹ. Thật không ngờ là Hoàng Handspand lại khéo tay đến thế, chỉ tội không có năng xuất, vì cuốn được cái nào là thấy biến mất luôn. Đầu bếp này dù giỏi đến mấy chắc cũng khó có người dám mướn!

Chia tay làng rau một vài người còn tranh thủ mua ít sản vật địa phương (mua tại gốc tiết kiệm được “ối” tiền!), nhưng vì chỉ chuyên trồng, không chuyên bán nên có nhóm ba người phải chung nhau 1 túi hạt é, mua thì nhanh mà chia nhau thì khó quá… chỉ còn cách đổ ra sàn xe ôtô rồi mỗi người nhặt một hạt mới công bằng được.

No bụng rồi ai cũng muốn nghỉ ngơi, nhất là còn cả một chương trình dài buổi tối, nhưng đã có hẹn với Palm Garden rồi nên buộc phải dong buồm lên đường.

Thiên đường thứ hai này không gây “sốc” nhiều như The Nam Hải, nhưng không ít người cũng ước ao có được vài ngày thư giãn nơi đây (nhất là lại được… miễn phí!).

Pacific Hội An dường như không quan tâm đến “Đại khách”, không có  Welcome Drink, không trao name card… Chúng tôi có khoảng 1 giờ cho việc cá nhân và chuẩn bị cho nhiều giờ “làm việc” nữa.

10

Bữa tối tại Vĩnh Hưng quá hoành tráng khiến những thành viên TTC mặc dù rất “hiếu chủ” , cũng cảm thấy áy náy. Không chỉ rất nhiều món ăn ngon mà thân chinh chủ nhà chiêu đãi khách bằng những bài hát rất “chuyên nghiệp”, làm bữa tối trở nên… hơn cả tuyệt vời. Trưởng đoàn góp vui bằng bài hát “Năm anh em…” ban đầu nghe có vẻ không hợp nhưng cũng làm bầu không khí vui hơn, gần gũi hơn. Đáp lại nhiệt thành của gia chủ, các thành viên TTC cũng vui hết mình, với bài hát “Lời của Tiệp – Lan Anh” … và những điệu nhảy múa tập thể “tự do” kết chặt mối quan hệ giữa TTC với Vĩnh Hưng. Chia tay dùng dằng mãi chẳng nỡ về, khiến cho  gia chủ cũng mệt mỏi (vì phải chào tạm biệt quá nhiều lần!), mà mấy bác lái thuyền thì phải chờ dài cả cổ… Đấy là chưa kể đến “đại khách” Trinh, đã dùng cả xe Jeep của gia chủ đi lượn phố, lại còn muốn ngồi lỳ suốt đêm trong vườn tiệc, khiến gia chủ suýt nữa phải tiếp các thực khách khác kém quan trọng hơn trong… phòng ngủ.

Trên cao trăng vằng vặc sáng, dưới nước đèn thả dập dìu… ngồi thuyền trên sông Thu Bồn giữa đêm 14 thật tuyệt vời! Lẽ ra ngay từ đầu chúng tôi phải quyết định kéo dài thời gian quý giá này trước khi thuyền cập bến, để sau đó không phải có những tiếng thở dài tiếc nuối… (Quân ơi, hẹn ngày rằm sau mình uống rượu ngắm trăng trên sông Thu Bồn nhé!)

ý tưởng ngồi uống tại Tam Tam giữa phố cổ Hội An rất hay, nhưng không phù hợp với nhóm người quá đông, nên chúng tôi phải thay đổi phương án, chia tay phố cổ để về làm ca sĩ vườn. Một số người không đủ sức tiếp tục “chiến đấu” đành về phòng ôm gối… ngủ, những thanh niên khoẻ mạnh chinh phục đêm khuya bằng giọng ca và những khả năng tiềm ẩn của mình.

Ngày 27/8/ 2007

Cù Lao Chàm. Đây mới thật sự là “Thiên đường nơi trần thế”! Biển nước trong xanh, những chú cá nhỏ luồn lách giữa những dải san hô nhiều màu… bờ biển cát dài hoang vắng… gió lao xao qua những tán lá dừa… và những tâm hồn mơ mộng. Nhiều người đã ngay lập tức quyết định chuyển kỳ nghỉ tương lai của mình từ khách sạn 6 sao sang bãi biển ngàn sao này.

1

 Những bức ảnh có thể nói được nhiều hơn những mô tả tỉ mỉ nhất. Cù Lao Chàm mang đến cho mỗi người một ấn tượng. Những giây phút mơ màng đung đưa võng… ai đó ngồi trên tảng đá, nghe sóng vỗ ì ọp dưới chân, thả hồn với trời biển… những dấu chân in trên bãi cát hoang vắng… cả bức ảnh bên chiếc cầu gỗ đơn sơ… sẽ mãi mãi là những hình ảnh không bao giờ quên được.

13

Bữa trưa trên đảo cũng rất đặc biệt. Những món ăn hải sản có thêm sóng và gió biển đem đến cho thực khách hương vị thật của nó.

Chiếc tàu cao tốc (với giá 1,7tỷ) đưa chúng tôi vượt khoảng cách 40km (?) trong vòng 35 phút từ Cù Lao Chàm về bờ. Cảm giác đứng trên mũi tàu để gió biển vờn trên tóc và nắng biển thả sức “lần sờ” làm làn da đen sạm, ngắm nhìn biển nước mênh mông, sâu thẳm… thật phóng khoáng!

Trả phòng Pacific Hoian xong, mãi mới tìm được người để tặng quà lưu niệm. Thật không hiểu nổi, làm sao một khách sạn có đội ngũ nhân viên sell như thế lại có thể kinh doanh thành đạt?

Chúng tôi tranh thủ chút thời gian còn lại ghé thăm khách sạn Hội An vì sự đón tiếp quá nhiệt tình của họ.

Chia tay với Hội An, mang theo chiếc nón lá của làng rau Trà Quế, mang theo tình cảm chân thành của Vĩnh Hưng, khoảnh khắc đêm rằm trên sông Thu Bồn và những giây phút lãng mạn trên Cù Lao Chàm, chúng tôi lên đường trở về Bắc. Một số thành viên chia tay đoàn vì những lý do khác nhau. A Bằng đi theo đoàn thêm vài chục cây số…

Con đường dọc bãi biển Cửa Đại đẹp quá khiến “cán bộ đường lối” cứ thế “phi”, qua cả lối rẽ mà không hay biết. Cũng có vài người nhận ra, nhưng vì thiếu tin tưởng bản thân nên không dám “mở mồm”. Đến khi xe tới bán đảo Sơn Trà thì mọi người vội vã giục A Bằng (chả là xe riêng của hắn chờ ở cầu sông Hàn). Xe bắt đầu rẽ lên đường núi, hai bên chỉ còn núi đá và cây dại lúp xúp, chúng tôi “xô” vội A Bằng xuống đường. Còn đang lơ ngơ chưa hiểu việc gì xảy ra, A Bằng đã thấy mình trơ trọi một mình giữa “đồi không núi quạnh”. Theo đà, xe cứ thế leo tiếp lên cao, bỏ lại đằng sau một “con chim” bỏ đàn bơ vơ… Chạy thêm một đoạn nữa chúng tôi hiểu rằng mình đã đi sai đường, nhất là sau khi hỏi lại một công nhân làm gần đó, xe quyết định “cài số lùi”. Quay lại cả đoàn cảm thấy “nhẹ cả người” khi có cơ hội cứu giúp đồng đội của mình. Nhìn A Bằng thất thểu đi ai cũng thương, nhưng cũng có người bĩu môi nói: “Trông thế mà cũng tiếc tiền!” (vì nghĩ hắn không dám đi taxi, tiết kiệm tiền nên đi bộ về cầu sông Hàn!) Nghe tiếng còi xe gọi, mặt A Bằng đang ủ rũ bỗng nở ra như hạt ngô bỏ vào chảo cát nóng. Lên xe được thể cả đoàn nhao nhao thể hiện sự chia sẻ đồng cảm. Không thấy A Bằng “rỏ” nước mắt xúc động, nhưng ai cũng tin là trong lòng hắn những giọt nước mắt cám ơn đang chảy … ngược.

Thế mà chúng tôi cũng chạy sai đường đến cả chục cây số. Trở về sông Hàn mà không sao qua được sông, lại phải hỏi đường. Thấy có một người bên đường xe dừng lại hỏi, người đàn ông băng qua đường đến đập tay vào cửa xe. Khi cánh cửa vừa mở, ông ta nhảy tót lên xe và nói: ” lên cầu!” (khi chị Huyền hỏi xem ông ta định đi đâu?) Sang được bờ kia sông Hàn, người đàn ông nhảy xuống, Lan Anh đã kịp ngắm dung nhan của ông ta và tuyên bố là ông ta chỉ có một nửa bán cầu não! May mà ông ta chưa có tình cảm sâu nặng với TTC, nếu không…

Lại tiếp tục hỏi đường, có những lúc 4-5 người cùng tỏa ra tìm kiếm thông tin. Người ngoài chắc không hiểu nổi chiếc xe này từ “hành tinh nào tới”, khi thấy có một người đàn bà vượt qua hơn trăm mét để gặp “chú công an”, còn những người đàn ông khác thì tìm gặp nào xe ôm, nào bà bán quán, thậm trí cả một người đang lơ ngơ đứng bên đường để… hỏi đường. Cứ cà nhắc thế mãi chúng tôi cũng tìm được lối ra đường quốc lộ. Giờ thì ổn rồi, “xe ta bon bon” ra bắc thôi…

Câu chuyện bắt đầu từ lời kể đầy phẫn nộ của Thanh Buffalo về câu nói thiếu văn hoá của “cán bộ” sell Pacific Hoian. Đúng là một tổ chức phi chính phủ, phi kinh doanh, phi lợi nhuận, phi nhiều thứ… nhưng lại “ham” khám phá, “ham” tìm kiếm sự mới lạ… (nhu cầu nghề nghiệp mà!) thì ngoài cách tìm nguồn tài trợ để thực hiện được “ham muốn”, cũng khó có cách nào khác. Vả lại các nhà tài trợ cũng cảm thấy vui mừng được tài trợ TTC, vì có được hiệu quả hơn nhiều cách tiếp thị khác. Sự tiếp đón nhiệt tình của những nơi TTC đến đã chứng tỏ điều đó. ấy vậy mà Pacific Hoian lại để lại cho TTC một ấn tượng không đẹp thì quả là không… khôn ngoan trong kinh doanh rồi! Nhưng cũng bắt đầu từ câu nói đó mà những thành viên TTC  trong chuyến FAM quyết định (không chờ ý kiến của Chủ nhiệm) đổi tên CLB là Bon TTC và chức danh Chủ nhiệm tạm thời đổi sang thành Bang chủ CB. Với vị trí một thành viên tôi không có quyền nói rõ hơn về việc này, xin mọi người thứ lỗi.

Nhà hàng Thanh Tâm tại Lăng Cô có nhã ý giảm 50% giá thực đơn cho đoàn FAM. Bếp trưởng Vân có sáng kiến sẽ đặt ăn 22 xuất (tính cả những người đã đảo ngũ) với giá 200.000đ/ người, sau đó qua nhà hàng xin hoãn vì bữa tối quá sớm, không phù hợp thời gian, đề nghị nhà hàng cho xin lại phần 50% miễn phí! Nhưng khi xe chạy vào đến tận sân nhà rồi mà chẳng thấy bóng dáng bà chủ đâu. Rồi “gậy ông lại đập lưng ông” cả xe mua đến nửa chỗ hàng hóa của Thanh Tâm, vậy mà lái xe cũng không được chén nước. Khôn ngoan là thế mà cũng tự chui đầu vào rọ!

Kiến bò bụng, mặc dù liên tục được nạp bưởi của Biệt phủ Thảo Nhi, chúng tôi quyết định dừng xe tại Quảng Trị để ăn tối. Giờ là lúc phải sử dụng túi tiền riêng, nên không ai bảo ai cùng đồng thanh tìm nhà hàng có nhiều xe tải đỗ (theo  các cụ dạy, lái xe đường dài sành ăn lại tiết kiệm!). Tội nghiệp cho Thanh Buffalo, muốn ăn cá mà lại không tranh thủ lúc người ta chiêu đãi, vừa lên tiếng gọi món cá kho thì đã thấy bếp trưởng cau mày: “Trưa ăn nhiều rồi còn gì!”, đã thế Thanh lại còn cãi: “Con cá nhỏ tí ăn được gì đâu.” Thế là bếp trưởng nghiêm giọng ngay: “Đi đường xa tránh ăn đồ tanh, dễ đau bụng.” Chẳng biết Thanh có hiểu ý “sếp” không, nhưng thấy quay lại bàn, mặt vẫn buồn lắm. Bữa tối đơn giản ấy cũng vui, Lâm Nguyên xin tăng cường đĩa trứng rán, hơi xấu hổ khi nghĩ mình ăn nhiều, nhìn sang mâm bên cạnh đã thấy Hùng có thêm đĩa trứng thứ hai từ bao giờ.

Mấy ngày đi liên tục, tiền trong túi tưởng bị lãng quên nên nhảy nhót đòi quyền lợi. Shopping Man – Phúc không kìm được lao vào “oanh tạc” cửa hàng, khiến cho gia chủ không kịp trở tay, nói giá, lấy hàng líu cả… chân. Ngồi ăn mà cứ thấy Phúc bồn chồn, không chờ được sự tiếp kiến của đĩa trứng thứ hai, hắn đã vội vã trở lại “chiến trường” để những đồng tiền được tự do nhảy ra khỏi túi. Lên xe cả đoàn mới nhận thấy mình mua hàng còn nhiều hơn cả khách du lịch bình thường.

Xe chạy qua Đông Hà, những tiếng “hú” dài đầy luyến tiếc khi loang loáng qua cửa sổ xe là những cửa hàng đầy ắp hàng hóa… Giá mà có thời gian thì phải biết… dân Đông Hà đã mất đi một cơ hội kiếm tiền  hiếm có.

Gần 10 giờ tối chúng tôi mới đến được Sun Spa Resort. Vô cùng xúc động trước sự đón tiếp nồng nhiệt của nhân viên và sếp của khách sạn, chúng tôi đã uống cạn hết welcome drink để chứng tỏ lòng nhiệt tình đáp lại.

14

Có 15 phút để thay đồ và trở lại lobby để tham gia “đêm chia tay”. Chưa bao giờ có một đêm trăng sáng đến vậy. Mấy chiến sĩ dũng cảm (Quân và Hiếu) không kìm được trước sự quyến rũ của biển đã thả mình trong nước, để mặc cho những con sóng mơn man cơ thể… Chúng tôi ngồi uống rượu không ly trên bãi cát, dưới ánh trăng vằng vặc và những ngọn gió thổi vô tình… Cùng nhau ngồi đó, nhưng không ít tâm hồn đã lang thang ra xa. Một đêm như thế này, làm sao tâm hồn không xao xuyến…

Gần 12giờ, một thành viên đảo ngũ đã tìm được đường quay trở lại với đồng đội. Không ai muốn đi ngủ, vả lại ngày mai còn có nhiều giờ để say sưa trên xe mà.

Ngày 28/8/2007

Giá như Ông Trời chiều lòng chúng tôi thêm một chút buổi sáng, thì chuyến đi  này thật sự “trên cả tuyệt vời”. Nhưng sáng ra mọi dự định lớn nhỏ đều không thực hiện được. Những giọt mưa rơi trên bãi biển xoá đi những gì đã có đêm trăng hôm qua. Chỉ còn biết “chép miệng” tiếc rẻ, không được ngâm mình trong bể bơi hay thả hồn để những con sóng vỗ về, thủ thỉ…

11

Đáp lại lòng nhiệt tình của Gia chủ, chúng tôi làm một vòng khảo sát khu biệt thự của Sun Spa dưới những giọt mưa rơi vô tình. Không so với khách sạn 6 sao, mấy khu Bungalow cũng là nơi lý tưởng cho kỳ nghỉ tuần “trăng mật”. Cả đoàn chỉ có Lan Anh và Vân là có cơ hội sẽ “vỡ mật” ở đây thôi!

Chia tay với Sun Spa, mang theo túi quà kỷ niệm (chắc chắn nhiều người trong đoàn sẽ luôn mang bên mình hộp đựng card của Sun Spa), chúng tôi khởi hành trở về nhà. Không có chuyện gì đặc biệt trong chuyến đi hôm nay, ngoại trừ bữa ăn trưa được Mr. Hiếu vừa là thành viên vừa là “khổ chủ” chiêu đãi. Cám ơn “Nhà Rông Nhất quán”  đã dành cho đoàn những đặc sản của Nghệ An.

17

A Bằng đi xe riêng coi bộ khá oai, nhưng lại buồn vì không được “buôn” chuyện. Mới xa rời đồng đội có ít thời gian mà đã trở nên quá “quê”. Thèm được “hóng hớt” nên hắn cứ dẫn đường phía trước “si nhan” rẽ quán để cả đoàn nghỉ chân. Mấy người chồng gương mẫu cứ muốn mang về cho nhà vài túm nem chua đặc sản xứ Thanh, nhưng vì “hoa tiêu” không chuẩn nên chọn phải nhà hàng có món nem “chín nhanh” (chả là lúc mới đến thì nhà hàng nói nem này mai mới ăn được, khách chờ vài phút đi lấy nem khác. Sau khi chờ hơn 1/4 giờ không thấy nem đâu, chủ nhà lại chào mấy cái nem ban đầu, nhưng giờ nó đã có thể ăn ngay được rồi!)

Đã quá giờ nạp năng lượng cuối ngày, nhưng ai cũng muốn về nhà sớm hơn, có thể vì mệt do tiêu tốn quá sức cho cả chuyến đi, cũng có thể vì nhớ vợ con hay nhớ ai ai nữa… nên cả đoàn nhất trí bỏ qua bữa tối. Chúng tôi về đến Nhà hát Lớn đã hơn 9 giờ. Cảm giác thân thương khi đặt chân về chốn Hà thành làm ai cũng nao nao, nhưng những gì chúng tôi có được trong mấy ngày qua sẽ mãi là những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt.

Quế Nga, tháng 8/2007

*TTC: Travel Trainer Club – Chúng tôi là các học viên đã cùng nhau tham dự khóa tập huấn đào tạo viên của Dự án EU về Nguồn nhân lực

 

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *