“Bùng luôn” tour! Trekking Pù Luông

Ngày 08/ 5/ 2010

07h01’ Theo lời khai của nhân chứng, hai người đi tiễn đoàn đã có mặt. Kể cũng lạ, trưởng đoàn hô hiệu lệnh xuất phát 07h30, đã biết TTC* không có Luật phạt tiền thì có bao giờ đúng giờ đâu mà chủ tịch và phụ tá “loong toong” lại nhiệt tình thế? Mấy kẻ “phụ lòng tốt” đoán già đoán non, cho rằng một người thì on the way đi làm, còn người kia thì chắc là ngồi chờ đi “cải lão hoàn đồng”… chứ nếu không thì … khó hiểu quá!

Quân Topas đến sớm, nhưng chợt nhận ra sai sót là trong báo giá quên không tính tiền bữa sáng, nên đã “lỉnh” đi nạp năng lượng, nhưng nghe đâu là cũng không hên lắm, nên khi gặp hai người đi tiễn chỉ thấy răng nhe ra, chứ không thấy cười!

Chủ nhiệm sau mấy đợt nhập thuốc “trường sinh bách bệnh” đang vượt qua phong độ cũ, giọng sang sảng, nói chuyện ngoài quán nước mà cứ như đang trên giảng đường đại học “Ha Vớt”, làm lũ sinh viên đang uống trà xanh thay bữa sáng ngồi xung quanh cứ há hốc mồm… được bữa no nê.

1

Thành viên thứ 4 của đoàn xuất hiện với chiếc ba lô “kéo” trông như vừa từ máy bay bước xuống, chuẩn bị cho chuyến trekking có vẻ rất “5 sao”!

Khi lái xe thông báo là có một “ca táp” vừa quẳng lên xe thì người nọ nhìn người kia xem không biết “thằng hâm” nào??? Đi trekking mà mang theo “ca táp” nếu không phải là lừa vợ thì chắc chắn “mạch” có vấn đề.

Ngồi uống đến tuần trà thứ … không đếm được (may mà uống trà xanh ngồi xổm, chứ cafe buổi sáng như nhân viên văn phòng thì có mà hết quỹ!), mới thấy thành viên thứ 6 đến. Chân ướt, chân ráo còn chưa kịp đặt “bàn tọa” đã order chủ quán vỉa hè:“cho một cafe đá”! Tiếng nói chuyện râm ran cũng không áp được tiếng bụng ai đó sủi ùng ục.

Thành viên cuối cùng của đoàn vì muốn tránh mặt chủ nhiệm, với lý do là gặp người nói nhiều hơn nên “mất điện”, nhất quyết không chịu đến điểm tập trung mà vẫy xe qua đường. Đoàn được lệnh “rút dù”, gạt nước mắt chia tay với chủ nhiệm và phụ tá. Đáng đời cái thằng hay “kèn cựa” với chủ tịch về “tốc độ và volum”, đã không được chứng kiến cảnh chia ly ngậm ngùi này! Cám ơn chủ tịch và phụ tá về sự chu đáo và quan tâm, đoàn chúng tôi ra đi chưa biết ngày nào mới gặp lại được chủ tịch, mong chủ tịch ở nhà bảo trọng!

Lái xe đang băn khoăn không biết làm sao nhận diện được kẻ “hành khất” bên đường thì Vân “chủ quỹ” đã phát hiện ra một đống xanh lù lù bên đường. Phải công nhận là mắt hắn tinh, chứ người thường nhìn thoáng qua dễ tưởng lầm là thùng rác “môi trường”, vì tuy không “đồng chất’ nhưng lại “đồng màu”!

Đúng là đối thủ của chủ nhiệm có khác, một người thì làm cả quán trà rộn ràng, còn người thì làm xe náo loạn. Vừa lên xe là đã chực nhảy bổ vào bạn đồng lứa “tao, mày”, người mà suốt cả hành trình vẫn không xác định được là gì…là “em” hay “mày” nữa???

Cái vụ thu tiền luôn luôn là mục “khó nhằn” nhất trong mọi chuyến đi. Đại gia Kiên không quen giữ tiền mặt trong người, hay là sáng ra bị vợ “lột” hết trước khi ra đi nhằm ngăn chặn hành vi xấu, vỗ túi quần rỗng kêu bồm bộp, sau đó hì hụi tìm kiếm tận đáy… Cả xe nín thở và rồi … thở ào ra khi nghe thấy tiếng reo khe khẽ: “Có thẻ ATM rồi!” Cuối cùng Kiên cũng tìm thấy được “mảnh phao” … Nhưng không biết lý do gì mà các máy ATM khi nghe đến cái thẻ ấy thì đều “out of service!”. Đã hết chuyện đâu, cái thẻ “dỏm” ấy là còn được đại gia Bằng bám vào nên nó lại càng “chìm” nhanh, thành ra là chặng đường mấy cây số ra khỏi thành phố ATM trốn sạch.

Xe đang bon bon bỗng phanh kít, mọi người thở phào khi thoát khỏi rắc rối trong gang tấc, còn đại gia Bằng thì hớn hở: “ tìm thấy ATM rồi à?” Tới Hà Đông, Kiên bị ảo ảnh sa mạc, nhìn bảng quảng cáo “xe máy” mà lại thấy hiện lên chữ “Bank” nên ôm thẻ lao tới … Tạm biệt thủ đô rồi, lên trên kia chỉ có khe núi, không biết cho thẻ vào có vừa không???

Màn chào hỏi được nối tiếp ngay bằng những dòng tâm sự lâu ngày không gặp nhau, dài tưởng như vô tận. Nào là “tao nhớ mày” “em vui khi gặp chị”… ai nghe cũng cảm động. TTC trông thế mà tình cảm sâu nặng. Cả xe đang hân hoan bỗng một phút im lặng khi nghe Phương – em út của đoàn hỏi: “Bon TTC” là gì? Ai đó đã chuyển đề tài, có lẽ chưa phải là thời điểm thích hợp để những thành viên mới hiểu rõ được “tổ chức” đầy danh tiếng này.

2

Bản Giang Mỗ là nơi dừng chân đầu tiên. Chờ hướng dẫn bản có mấy phút mà đã thấy cái nóng sờ soạng khắp người rồi, không biết chiều sẽ trecking thế nào đây. Cô gái Mường xuất hiện, không đẹp như cái tên Thơm, ngượng ngùng đưa mắt tìm anh Quân, người đã eo éo gọi điện hẹn hò từ sáng.  Chắc là vì thất vọng trước vẻ đẹp trời phú của cô hướng dẫn nên mãi mới thấy Quân bắt đầu màn chào hỏi. Không biết có phải tại cái nắng hay vì ấn tượng ban đầu mà mọi người không mấy nhiệt tình theo gót “sen” về bản. Hôm nay trong bản có đám cưới, chắc là nhà khá giả vì thấy có mấy người nấu ăn mặc đồng phục, trông “xịn” phết. Em Thơm nhiệt tình giới thiệu home stay của mình, biểu diễn cảnh xay lúa, giã gạo … để mấy nhiếp ảnh gia lia vội vài tấm tư liệu làm hàng quảng cáo. Miễn cưỡng leo lên nhà sàn và nghe những lời giới thiệu nhiều lần với chút thông tin nghèo nàn do hạn chế về ngôn ngữ tiếng Việt, cả đoàn nhấm nháy đứng lên, chưa biết phải cám ơn thiện tình của gia chủ thế nào. Mấy cái quạt làm bằng lá cọ đã cứu cánh mọi người. Cả chủ và khách đều vui vẻ. Đến lúc này mới biết, cái tên Thơm không phải là của cô gái mà là tên người chồng. Còn cô gái đó là Xiển. Thảo nào… người làm sao, tên hao hao cũng giống vậy. Lần sau ai lên Giang Mỗ có nhu cầu overnight homestay thì tìm em Xiển nhé!

Chia tay Giang Mỗ với hình ảnh cuối cùng là hai bà cụ người Dao bản bên đang cố chèo kéo mấy ông bà Tây mua mảnh vải thổ cẩm …

Dọc đường lên Mai Châu là những chuỗi cười không dứt, nội dung ra sao thì chỉ những người tham gia mới được hưởng, kể lại những kẻ khác lại thèm …

Cô chủ Nga, người đẹp vang bóng một thời của bản Lác nhìn Quân cười rất tươi. Đúng là sắc đẹp cho dù có tàn phai thì vẫn có sức hút hơn hẳn. Chả trách thấy Quân nhanh chân, mau miệng thế. Bản Lác cuối tuần đông khách quá, cả tây và ta nhan nhản khắp nơi, thành ra mấy kẻ chậm chân này đành ngồi tầng “trâu bò” (người Thái sống ở nhà sàn, nuôi trâu bò dưới sàn nhà) để dùng tạm bữa trưa.

Mới nhìn trời nắng đã thấy vã mồ hôi, nên kẻ “tiểu nhân” tôi vội đi tìm mua nón. Vòng quanh bản 2 lượt mới tìm được 1 nhà bán nón nằm… ngay đối diện bàn ăn trưa, nhưng lại không thấy người bán. Đồng bọn xui cứ cầm nón chạy là thế nào người bán cũng xuất hiện, nhưng tôi không đủ dũng cảm, vì mấy con Mực cứ nhìn mình chằm chằm, dường như cơ thể tôi đã “bốc mùi” tội phạm. Thôi đành dùng tạm cái mũ mang từ xứ sở văn minh tới vậy, mà như thế cũng tiết kiệm được ít tiền mua phong lan.

Cái nóng và nắng cuối xuân níu chân chúng tôi, khiến lý trí cứng rắn nhất cũng phải chờ tới tận gần 3 giờ mới đẩy được đoàn lên xe. Trước khi chia tay với thế giới văn minh, chúng tôi còn tạt qua hưởng nốt chút hơi “hiện đại” tại Mai Châu Logde. Đây là khu nhà khách của huyện ngày trước được cải tạo lại với 16 phòng (1 suite + 15 deluxe) và bể bơi. Trang trí nội thất ok, nhưng tôi thiếu sót chưa xem giá.

3

20km là quãng đường cuối cùng từ bản Lác đi theo dòng sông Mã đến bản Sại. Hành lý của chúng tôi đã được 3 xe máy chở đi. Ôtô quay đầu. 4giờ chiều chúng tôi bắt đầu sải những bước chân đầu tiên đầy hứng thú.

Mặt trời sắp về “hưu” nên cũng chỉ còn chút hung hăng yếu ớt, không còn tác oai được gì đối với những “anh hùng trên sa trường”. Chúng tôi vừa đi vừa trêu đùa, thậm trí Bằng “linh trưởng” còn vừa đi vừa biểu diễn trò tung hứng chai nước suối. Chúng tôi đi theo con đường 15C lổn nhổn đá xanh xen giữa màu đỏ của đất đồi. Đoạn đường đầu tiên không đẹp nên thợ săn ảnh Kiên có vẻ “hoang mang” khi tìm kiếm đối tượng. Bản thân tôi cũng hơi thất vọng vì con đường trecking chẳng qua chỉ là sự từ chối các phương tiện giao thông thô sơ để đi bộ.

Một nửa đường, khi đôi chân đã bắt đầu thấy mỏi và cảm giác mệt đã len lỏi vào từng người, thì bỗng rẽ trái, bỏ lại đường “cái” chúng tôi men theo đường “đực” để bắt đầu thực sự trecking. Đã dễ chịu hơn, đường “đực” hẹp hơn nhưng đẹp hơn…

4

Mặc dù đã được thông báo trước là đang mùa khô, nhưng dòng suối mà Quân tả rộng tới 10 mét khi nước lên đã làm tôi thất vọng. Trơ trọi những hòn đá to nhỏ, len lỏi ở giữa là một dòng chảy có màu xanh vì rêu, thỉnh thoảng có những vũng nước bị cô lập, giận dữ “tối sầm mặt”. Ông già tốt bụng đi cùng đường cảnh báo chúng tôi rằng cái màu đen trong vũng nước đó sẽ gây ngứa, nếu ai đó muốn giải nóng trong vũng “vịt đầm” này. Cả đoàn  buông người xuống những phiến đá to, hy vọng kiếm được chút không khí đỡ nóng hơn nơi con suối. Bằng “linh trưởng khôn” vẫn vục mặt xuống dòng chảy hạ nguồn, trong khi nơi thượng nguồn Kiên “người ngu” đang lội bì bõm.

Tiếp tục cuộc hành trình không còn nhiều hứa hẹn hấp dẫn phía trước, chúng tôi bỗng hớn hở khi phát hiện ra một “cửa hàng tạp hóa” bên đường. Vân “chủ quỹ” vơ vội hai hộp sữa và phát “lệnh mua” một “lố” luôn, nhưng cả “cửa hàng” chỉ còn hai hộp. Chuyển sang hãng đồ uống khác, trà xanh ko độ, chúng tôi cũng chỉ tìm được 5 chai… Mặc dù trả chi phí cao gấp 2 lần dưới xuôi, nhưng cô chủ bé nhỏ vẫn kiên quyết không chịu bán nốt lon nước me còn lại, mà từ chối rất “ngoan” rằng nếu đi tiếp chúng tôi sẽ mua được và đỡ phải mang vác. Chia tay với cô chủ nhỏ sau khi đã vơ vét tất cả 7 quả soài xanh chua hơn “mẻ để quên”, cùng với lời khen nức nở về độ thật thà của người dân tộc, chúng tôi rảo chân về đích. Được nạp thêm lon nước gần hết “đát” cộng với mấy miếng soài chua, (riêng Út Phương dạ dày đang làm món sữa tươi + soài mà không bị Tào Tháo để mắt tới, thật phúc lớn!) cái đích có vẻ gần hơn. Đám phụ nữ, đúng là phái mạnh đã về đích trước tiên. Những người dân bản tươi cười chào đón chúng tôi. Cảm giác thật ấm áp như những đứa con lâu ngày trở về quê, chúng tôi vui mừng khi đặt chân tới ngôi nhà sàn sẽ ngủ đêm đầu trong hành trình vượt núi.

5

Mệt mỏi và lời cảnh báo suối rất xa không làm chùn bước chân mấy thanh niên đang ham muốn tột bực – ngắm các cô gái Thái tắm suối. Họ vội vã khăn gói đèn pin lên đường. Chúng tôi “trút bỏ bụi trần” theo cách văn minh của người xuôi. Nước suối chảy vào bể ít nhiều đã lắng đọng bớt “tinh tú của thiên nhiên” nên hy vọng đêm sẽ không bị gãi.

6

Điện “quốc gia” hôm nay chắc bị công an bắn tốc độ trên đường nên hơn 8giờ tối vẫn chưa về đến bản. Đợi mấy gã trai tò mò đi xem tắm suối về, chúng tôi đành đốt nến ăn cơm. Trong ánh nến lung linh, giữa bản tình ca ri ri của những con dế gọi bạn tình, chúng tôi “giằng xé” miếng thịt gà leo núi và đã cảm nhận được sự thanh cao của bữa tiệc 5* ánh sáng mờ ảo. Bây giờ tôi mới hiểu, tại sao Tây thích đi trecking. Xa rời thế giới văn minh để trở về với bản năng con người là cơ hội tuyệt vời nhất.

Cơm no thêm chén rượu dân tộc làm máu hiếu chiến sục sôi. Đám thanh niên lao vào cuộc “sát phạt” còn “cụ già” thì chui vào màn tìm kiếm giấc mơ ngọt ngào nhưng… bất lực.

7

Đúng nửa đêm, điện về đến đầu bản. Mặc dù cả bản đã say giấc từ lâu, nhưng ánh sáng của chính phủ về vẫn được chào đón bằng tiếng “a có điện” rên lên trong cổ họng của cô chủ nhà. Cái lũ khách thiếu tế nhị, tưởng không có ánh sáng sẽ để gia chủ yên, ai dè chúng vẫn “đánh chém” nhau dưới ảnh nến,  đèn pin và đôi lúc cả điện thoại di động. Không thiếu những tiếng la sung sướng khi thắng trận và những tiếng rền rĩ khi trên giấy xuất hiện dấu (-). Có điện cũng có nghĩa là sự tra tấn của họ đối với gia chủ và “mấy cụ già” sẽ còn kéo dài. Tôi đã sung sướng khi thấy Út Phương lấy điện thoại ra cộng sổ nợ, tưởng đã đến lúc được “nhắm mắt, xuôi chân” ai dè, Quân đội trưởng không cưỡng lại được ham muốn kiếm tiền đã nhẹ nhàng thỏa hiệp gia hạn thêm đến 2 giờ sáng… Hy vọng có một giấc ngủ chập chờn cũng tiêu tan, không phải đến 2 giờ mà tới 3 giờ sáng mấy gã thanh niên mới chịu đi nằm. Vẫn chưa hết, Bằng “linh trưởng” hết rên rỉ nhớ vợ, lại lầu bầu … lý do không ngủ được của hắn là vì thua bạc nên tiếc tiền!

Ngày đầu tiên kết thúc đã lẹm vào ngày hôm sau 3 tiếng. Không biết ngày hôm sau sẽ lẹm vào ngày tiếp theo bao nhiêu đây???

Ngày 09/5/2010

Trời còn chưa sáng rõ mà dưới sàn nhà đã ngập trong tiếng cãi cọ của mấy con gà mái lắm điều.  Tôi nằm chờ tiếng gà gáy và ngạc nhiên khi hiểu rằng không phải chỉ có giống đực mới làm ông mặt trời tỉnh ngủ. Có lẽ gà mái trên núi nhiều quá, chưa lên tiếng mà những chú gà trống đã không làm hết việc, dại gì cất tiếng gáy nữa.

8

Buổi sáng vùng cao thật thanh bình. Ở đây con người chỉ còn là “trang sức hiếm hoi”, nhưng giản dị của thiên nhiên. Nên mặc dù dàn đồng ca “ngáy” của mấy thanh niên ngủ ngày đã cố hết sức cũng không áp được tiếng nước suối róc rách trong ống máng, tiếng ve sầu đầu hè…

Lũ trẻ tối hôm trước đã phân công nhau chăm sóc các “cụ” rất chu đáo, nào là Kiến điếu đóm trà nước cho các cụ lúc 4giờ sáng (ngủ sớm thì phải dậy sớm thôi!), Bằng thì hầu chuyện các “cụ”… ấy thế mà đến lúc mặt trời vào cù nách rồi, mấy kẻ mê sảng vẫn ú ớ …

Để tránh trời nắng, lẽ ra phải khởi hành từ sáng sớm, nhưng ăn xong bữa sáng thì nắng đã rải khắp con đường mòn rồi. Sáng nay sẽ là một chặng đường dài và vất vả. Từ bản Hang sẽ phải vượt núi để đến Eo Ken qua chặng đường hơn 10 km và phải leo lên độ cao gần 1.000 mét. Mới nghe đã toát mồ hôi hột!

Những nhà leo núi chuyên nghiệp chuẩn bị cho hành trình một cách rất cẩn thận: nước uống, mũ đội, khăn mặt, quạt lá cọ, máy ảnh… Bằng nhìn Quân bôi kem chống nắng mà tiếc của “không phải của mình”. Đúng là ánh nắng cũng chẳng còn chỗ bám trên da của Quân, nhưng nếu nắng có bạo dạn leo lên Bằng thì cũng trượt chân ngã chết! Chia tay với chủ nhà nhân hậu, chúng tôi không quên chụp cho nhau mấy bức ảnh trước khi lên đường.

9

Ra khỏi bản, nhìn con đường mòn “nấp” được dưới lùm cây bên đường, mấy kẻ giang hồ đã được phen mừng… hụt, cứ hí hửng tưởng “ăn tươi, nuốt sống” được cả hành trình. Ai dè, đó chỉ là khúc dạo đầu “êm dịu”.

Chúng tôi gặp lại con suối cạn hôm qua ở một khúc nào đó cao hơn, nhưng bộ mặt hôm nay đã biến dạng. Nước suối đỏ ngầu, không còn dòng chảy tự nhiên mà bị dồn vào các vũng nhỏ. Tiếng máy bơm ùng ục, xen lẫn tiếng người, phá vỡ sự yên bình của rừng núi. Đám phu đãi vàng đang cố tìm vận may trong dòng nước yếu ớt. Một cậu bé trần truồng đang “mãi võ” giữa vũng nước pha bùn, như sự thách thức ngoan cường của con người hiếu chiến trước thiên nhiên vĩ đại. Ai đó tranh thủ chớp một tấm hình kỷ niệm…

10

Chúng tôi lầm lũi bước đi. Giữa những ngọn núi sừng sững, mấy cái bóng nhỏ nhoi len lỏi trên con đường mòn đất đỏ, có lẽ không hơn gì mấy con kiến nhà đang cố gắng leo lên quả chuối xanh. Cái nóng và nắng cứ tranh nhau “cấu xé” một cách không thương tiếc những sinh vật điên rồ đang phơi thân chịu trận. Một cái áo được chuyển đổi mục đích, trở thành khăn quấn đầu Araphat, để cho cơ thể gợi cảm có cơ hội “trình làng”. Những body khác ghen tỵ lồng lộn trong những cái áo chật chội, cũng đòi ra so tài. Nhưng có lẽ mức độ tự tin không ai vượt qua được Chiến. Có lẽ vì đêm qua hắn là kẻ “đỏ bạc”, hôm nay sợ “đen tình” nên phải tận dụng mọi cơ hội phá bỏ “lời nguyền” đó.

Con đường càng đi càng khó “nhằn”. Những cái dốc thoai thoải liên tục được thay thế bằng độ cao tăng theo cấp số nhân. Có những con dốc gần như thẳng đứng khiến cho mấy cái lưỡi thè lè đung đưa chạm cả vào đầu gối.

Những cái đầu ướt sũng mồ hôi, thỉnh thoảng lại được tưới thêm ít nước suối chảy qua ống mương, chắc chắn sẽ trở thành là mảnh đất trù phú cho mấy hạt cây may mắn được con chim nào đó vô tình “vãi” lên.

Qua một bản nhỏ bên đường, không ai bảo ai, người nào cũng tự tìm kiếm cho mình một chỗ để đặt mông xuống. Bằng “linh trưởng” sau khi đề nghị Vân gọi trực thăng cứu hộ không được, quyết định ngồi lại bản chờ xe “buýt” về Hà Nội. Lũ trẻ trong bản từ đâu kéo ra nhiều thế. Có lẽ lâu rồi chúng mới được nhìn thấy người “ngoài hành tinh” khác vật vã qua đây. Trời nóng đến mức lũ chó lười biếng chỉ nằm trong bụi dứa dại, lè lưỡi nhìn chúng tôi. Có lẽ chúng cũng không hiểu nổi, tại sao trên đời lại có những động vật ngu hơn chúng???

11

Bằng đang há miệng chờ xe buýt tưởng chừng như không còn chút sinh lực, thế mà vừa thấy “máy bay bà già” lượn qua đã bật dậy lao theo. Thế mới biết, sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người quả là lớn, điều quan trọng là phải biết cách khơi dậy mà thôi!

Lên đến lưng chừng núi, khi hội ý tại điểm dừng chân, có người đã có đề xuất ý kiến đóng góp cho chính phủ là xây dựng một đường cáp treo cho mấy người dân tộc đi rừng đỡ vất vả.

Không buồn ngủ, chẳng cần manh chiếu mà cũng có người “lăn đùng ngã ngửa” ra thảm cỏ và lá khô… thế mới biết “leo dốc” không phải chuyện nhỏ, kể cả đối với những người tối nào cũng luyện tập. Quân tranh thủ “lấy lại sức”, khăn che kín mặt, nằm “hớ hênh” ngay giữa ngã ba đường.

Vượt qua được thêm mấy con dao quăng, chúng tôi quyết định “rúc đầu” vào bụi tre để thở. Bỗng nhiên Chiến Araphat  nhận ra đã để quên phương tiện kết nối với thế giới văn minh ở chạm cáp treo, nên hốt hoảng lộn ngược. Ai đó nhanh mồm giục hướng dẫn bám sát phòng khi mất dấu. Quân luôn là “mưu sĩ”, lầu bầu trách Chiến tiếc của mất khôn, lẽ ra cứ việc ngồi đây chờ gió trời, để hướng dẫn tìm vật mất mang về. Đấy là của người khác nên mới suy nghĩ “sâu xa” được như thế, chứ nếu vật đó là của Quân, chưa biết chừng hắn đã thả người xuống núi cho nhanh …

12

Bằng “dại gái” cứ mon men đến gần hai em, không thấy được welcome, hắn giở chiêu bài “nịnh đầm” hì hụi quạt gió. Quân thấy bở xán lại gần, thế là vừa được quạt mát lại vừa được gần người đẹp. Hóa ra là Bằng “dại cả “dai”!”

Phía trước vẫn còn rất dài, không thể hưởng thụ mãi được, chia tay với bụi tre mà cứ dùng dằng, lưu luyến mãi. Nước uống đã cạn, mà chẳng thấy ai có nhu cầu đi “hái hoa”. Lý do rất giản dị, mấy chai nước nạp vào, giờ đã hóa màu nước, vẽ lên áo phông của ai đó tấm bản đồ thế giới. Bằng hân hoan khi tìm thấy Hồng Kông, hắn còn có tham vọng tìm kiếm thêm mấy hòn đảo nữa … (ai thấy khó hiểu thì xin liên hệ với chính chủ để có lời giải thích rõ hơn!)

Quân vẫn luôn giữ trách nhiệm trưởng đoàn, đành hạ mình vào bản xin thêm nước. Dân bản vốn tốt bụng, quen nuôi bộ đội rồi, có bao nhiêu nước chè nước vối là dốc ra hết … thật may phúc!

Có được sự ủng hộ của đồng bào, lại thêm cái mát từ bể nước suối của Unicef nên mọi người có vẻ vững tâm hơn. Hảo hán Chiến còn dùng nước suối tráng dạ dày, muốn tỏ rõ sức mạnh của giới giang hồ. Những chai nước suối nhà được đổ đầy nước suối bản, giờ không chỉ được tưới từ mồm mà đã leo lên tận đỉnh đầu để…. “đi” xuống.

Chuyến viếng thăm “cửa hàng” bên đường lần này nghe chừng thu hoạch khá hơn vụ trước. Từ xa thấy Kiên giơ túi lên khoe, tôi đã nghĩ thầm: “soài ở đây to hơn và đỡ xanh hơn trước”! Đúng là nắng quá hoa mắt, đến khi hắn “xòe” ra thì lại là bí đao đóng lon! Quân đúng là “đại gia” không đúng chỗ. Khó nhọc lắm mới mua được lon nước thì lại đem tặng luôn cho một bé con ngồi chầu rìa, còn bà cụ hóng chuyện thì tặng … đống vỏ!

Cuối cùng thì mọi khó khăn đã lùi về phía sau. Cụ già cao tuổi nhất đoàn đã bứt phá vào phút chót, vọt lên “cán đích” trước tiên, cho đến khi an tọa ngồi phe phẩy quạt trên nhà sàn rồi mới thấy Quân lê gót tới.

Vận động viên leo núi nhà nghề Kiên, vừa chui vào góc bếp đã giở ngay mấy “chiêu” bí quyết gia truyền, hấp thu tinh khí đất trời, nạp thêm năng lượng. Kẻ học đòi Chiến, Bằng cũng ti toe làm theo, không biết dòng khí có chạy vào hay lại ngược ra hết?

13

Chiến thắng lẫy lừng – vượt qua chính mình được chào đón bằng bữa trưa thịnh soạn: cơm nếp nương với thịt lợn rừng nướng và phượng hoàng núi rán giòn. Những bàn tay leo núi đã quen sử dụng như tứ chi của linh trưởng, nay lại thành thạo nắm xôi, xé thịt …ném chính xác vào cơ quan “nghiền” liên tục không ngừng nghỉ.

Ăn gần hết bữa với tốc độ ngược lại với leo dốc mà trên mâm đĩa thịt lợn rừng vẫn chưa vơi đi bao nhiêu. No rồi nên Vân bắt đầu thấy động lòng trắc ẩn, muốn chia sẻ cho gia chủ số thức ăn đằng nào cũng thừa, nên hấp tấp dồn đĩa đem đi. Lúc trước khi đĩa thịt còn đầy thì Chiến ta ung dung, đang ăn thịt lại sợ mất phần cam, nên bỏ sang ăn cam trước, lúc thịt “đi rồi” lại nước mắt vòng quanh …

Căng da bụng rồi thì ai cũng “quay quay” như con cún để tìm chỗ nằm. Nhà sàn thì rộng, nhưng chỗ nào cũng nóng, mát được cái đầu thì mông lại tị nạnh. Cái nóng như thiêu đốt lồng lộn trên mái xi măng, không vào được nhà thì thổi hơi nóng xuống dưới sàn, thành ra mấy người nằm trên sàn giống như món “thịt xông hơi khô” …

Mệt mỏi, nhưng chỉ có Quân với bản lĩnh cao cường đã “đè” lên cái nóng, vừa ngủ vừa “hát”. Với cái tính hay ghen tị, nằm bên cạnh Bằng ta vật vã mãi không ngủ được, hắn ghen tức với tiếng ngáy vô tư của Quân. Hồi lâu, không kìm chế được cảm xúc, hắn gầm lên: “đùa dai quá đấy” và không hề nương tay khi hạ một “trưởng” đánh vật Quân sang tư thế nằm ngửa làm tắt luôn thứ âm thanh vui tai. Sự thỏa mãn sau khi hành hạ người bạn đồng hành cũng không mang lại cho Bằng giấc ngủ, hắn vẫn tiếp tục vật vã cho tới khi lệnh xuất phát được ban.

14

Ông mặt trời quá xấu hổ vì đã tra tấn những kẻ vô tội suốt nửa ngày, vừa thấy bóng những con người bất khuất thì vội chui ngay vào trong đám mây. Chúng tôi thật bất ngờ khi trước lúc hạ quyết tâm ra đi, cái nắng còn cố thiêu đốt đôi dép dưới sàn làm bỏng chân ai vô tình đặt lên, vậy mà khi ba lô đã yên vị trên lưng và bước chân mạnh mẽ giáng xuống đường thì không gian bỗng nhiên dịu xuống. Tính vốn đa nghi, tôi không dễ tin vào lòng tốt của ông trời nên cố gắng rảo bước, tranh thủ vượt qua quãng trống trước khi thấy màu xanh của rừng. Nhưng càng đi trời lại càng “dâm”, giống như gã trai si tình đã cố làm lành một cách vụng về.

Khi sự xấu hổ đã chuyển sang hối hận, ông trời đã không kìm chế được những giọt nước mắt ngượng ngùng … Đang đi, chúng tôi bỗng nghe thấy tiếng mưa đuổi theo phía sau. Ngoái lại nhìn thì thấy thung lũng bên dưới đang ngập trong mưa. Vì con đường phía trước vẫn le lói vài tia nắng, nên chúng tôi quyết định không để những giọt nước mắt làm mủi lòng, cắm cổ bước đi, hy vọng sẽ tìm được chỗ trú chân, nếu cơn thèm khóc còn dai dẳng. Ông trời là kẻ tâm tính thất thường. Cũng may, khi ông ấy thay đổi thì cũng đã gần 5 giờ chiều, nên những tia nắng cuối cùng cũng chỉ còn là những dải ánh sáng trang trí cho cánh đồng xanh mượt mà dưới thung lũng.

23

Chặng đường gần chục cây số buổi chiều ngắn hơn nhiều so với sáng, có lẽ vì chúng tôi đang rời xa  thiên đàng, đường xuống địa ngục có vẻ như dễ dàng hơn. Chúng tôi kiên quyết bước chân đi, đầu không ngoảnh lại, bỏ cả hướng dẫn phía sau … xăm xăm về đến đích.

Đón chúng tôi ở đầu bản Kho Mường là một người đàn ông hơn 40 tuổi, cao gầy, người bốc lên chút hơi men. Thấy anh ta cứ “xoắn xuýtt” lấy 2 cô gái vùng xuôi, trông giống “Tây ba lô” hơn là ta, chúng tôi cũng chột dạ. Vì tin tính thật thà của người dân tộc, chúng tôi lăn tăn “nửa ở nửa đi” … dùng dằng cho tới lúc anh ta bật ra được cái tên hướng dẫn Việt, chúng tôi mới bị thuyết phục. Bản Kho Mương nằm rải rác cheo leo bên sườn núi, hướng mặt ra một thung lũng phủ một màu xanh của lúa đang “thì con gái”. Bản có 64 nóc nhà, nhưng chỉ có 3 nhà được nhận người lạ vào ngủ. Vượt qua một ngôi nhà có treo biển “được phép” chúng tôi lại băn khoăn khi tiếp tục phải bước đi len lỏi giữa những chuồng trâu và dòng cống đen ngòm cùng lũ vịt. Một bà cụ tay dắt trâu, miệng đon đả mời chúng tôi vào nhà xơi nước… không biết trâu có ngồi “xơi” nước cùng khách hay không?

Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy một “phương tiện” giao thông đặt biệt đến thế. Hai đứa trẻ đẩy nhau trên một chiếc “xe đạp” tự tạo bằng gỗ, lao từ trên sân nhà xuống con đường gập ghềnh chúng tôi đang băng qua. Tôi vội vàng chớp hình … Thế kỷ 21, song hành với những con tàu trinh phục sao Hỏa, sao Kim …vẫn còn những chiếc xe đạp “thần kỳ” như thế này!

Người già nhất đoàn lại “cán đích” trước đoàn lần nữa. Gần nửa giờ sau những kẻ “tụt hậu” mới xuất hiện dưới ống kính …

Tranh thủ lúc trời còn chưa tối hẳn, chúng tôi lần mò ra suối. Lũ thanh niên thì mong được “dầm” mình trong làn nước hiếm hoi mua cạn, còn tôi chỉ là … thỏa trí tò mò!

Lội suối một lúc tôi hoàn toàn thất vọng, tôi không tin là có thể tìm được một chỗ nào đó đủ sạch để tắm, bởi vì thói quen tắm chung với vịt chỉ có người bản địa mới có. Vội quay về trước khi những hạt mưa nặng nề rơi xuống, tôi chui vào sử dụng cách tắm những năm đi sơ tán … múc nước đầy chậu và dội từ từ.

Bản Kho Mương hôm nay khá xịn. Điện đến sớm hơn mọi ngày. Đúng là mưa gió có khác, trời dịu mát không cần dùng đến quạt nên chính phủ cho điện sớm thế.

15

Bữa tối hôm nay rất đặc biệt. Mấy con vịt bơi tung tăng giữa dòng suối đã để lại ấn tượng rất đẹp trong lòng mọi người, đến mức nhất quyết phải gặp lại nó trên mân tối. Nhưng chắc vì nước suối mùa cạn chảy siết quá khiến lũ vịt được rèn luyện cơ bắp, nên khi lên mâm cả tứ chi phải xung trận mà vẫn đánh vật với đĩa thịt đã bị chặt nhỏ ra rồi.

Chủ nhà vốn đã rất nhiệt tình, thêm chút men nồng nữa thành ra chăm sóc chúng tôi quá thái. Bình rượu cần cứ sốt ruột nhảy nhót quanh mâm. Chúng tôi phải nhiều lần cám ơn sự ân cần của gia chủ mới giành được sự bình yên.

Trận “đỏ đen” lại được tiếp nối ngay sau khi chiếc “đòn bẩy” rời bỏ vị trí. Quân không quên trách nhiệm cao cả của thủ lĩnh, tìm mọi cách liên hệ với thế giới văn mình để bố trí hành trình quay trở về. Rút kinh nghiệm đêm trước, tôi chọn cho mình chỗ xa cửa ra vào nhất, hôm nay mát trời, không cần chỗ thoáng gió, đặt mình xuống là chìm ngay vào giấc ngủ không mộng mị.

Thành thật xin lỗi mọi người là tôi không biết có chuyện gì xảy ra tiếp theo, kể cả lúc đó có “người ngoài hành tinh” vào nhầm “chuồng” chắc tôi cũng không có phản xạ!

Ngày 10/05/2010

Dàn đồng ca của lũ gà vịt đã đánh thức những người thính tai từ lúc tờ mờ sáng. Đúng là không hề nghe tiếng gà trống gáy. Ông Trời đã thay đổi tính nết, chào một ngày mới với bộ mặt sầm sì nặng trịch và những cái hắt hơi làm cây cối nghiêng ngả.

Những kẻ ngủ say nhất cũng phải bật dậy khi chủ nhà miệng gọi, tay mở toang các cánh cửa sổ. Chúng tôi bị coi như lũ “thiếu sinh quân” mới xa nhà chưa quen kỷ luật.

Bữa sáng mỳ tôm có trang điểm những miếng thịt vịt không nhá hết tối qua, bị một tảng trứng rán che gần hết. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh trứng rán bơi! Phải chân thành cám ơn sự quan tâm của trưởng đoàn – lo lắng anh em tối qua ăn thiếu chất!

Nhìn thấy ông trời buồn sắp khóc, chúng tôi vội lục tìm áo mưa và cả áo khoác. Chiến hảo hán hôm qua cả ngày khoe “body” hôm nay thấy tròng vào chiếc áo len dầy cộp, chắc bị người ta dèm pha, chê bai nhiều quá!

Bằng nhanh tay chớp được “bô ảnh” quần cộc đang chụp hình áo khoác! Gió thổi mạnh, nhìn khóm tre bên nhà rũ rượi, ai đó thèm có một vòng tay ôm ấp.

17

Con đường đất sau một đêm mưa đã chuyển chất. Hôm nay sẽ là ngày các tay đua tranh tài “vồ ếch” và  “trượt chuối” đây.

Không biết ông trời hôm qua quá chén – nước thế nào, mà dù đã cố gắng nhịn,  vẫn không kìm chế được. Cuối cùng thì những giọt mưa cũng đã rơi. Ai đó cẩn thận vội vã mặc áo tơi … cho ba lô của mình. Bằng ngẩn tò te đứng nhìn Vân mặc áo mưa, miệng lầu bầu: “người nào chuẩn bị áo mưa là ích kỷ, vì … chỉ chuẩn bị cho mình mình mà không chuẩn bị thêm cho người khác!” Thế đấy, “Linh trưởng thông minh” lúc nào cũng vẫn là “linh trưởng”!

Đang đi bỗng cả đoàn nghe có tiếng “uỵch”, quay lại thì ra Chiến hảo hán vừa “in hoa”. Cái quần đùi trắng “bốc” của hắn đã được màu nâu đỏ của đất trang trí bằng những đường nét tinh tế. Ngày hôm qua hắn tráng dạ dày bằng nước suối, thì hôm nay hắn lại rửa tay bằng nước trà. Chai nước mới vơi đi một nửa thì bỗng thấy Bằng giơ tứ chi lên trời, mồm vẫn còn há hốc vì mải cười kẻ đi trước. Đáng đời! Cười người mấy phút trước, mấy giây sau … lại được cười!

Giờ thì tấm bản đồ thế giới được chuyển từ phía trước áo của người khác sang bộ phận “hậu cần” của Bằng. Hắn khoái trá tuyên bố: “Đây là lời cảnh báo cho nhân loại, nếu không bảo vệ thiên nhiên như “linh trưởng” thì sẽ có ngày hành tinh chúng ta sẽ biến đổi giống như tấm bản đồ sau “hậu part” này!”

Đế giầy ngày một nặng! Giờ đây trông ai cũng cao lên vài phân. Đứng từ xa nhìn Chiến và Phương đang “ngoáy mông” trên phiến đá, ai cũng thắc mắc không biết cặp này đêm qua mơ thấy gì mà hôm nay bỗng “hưng phấn” thế. Hóa ra đó là phương pháp giảm nhẹ cân cho đế giầy!

18

Trong cái rủi lại có nhiều cái rất hay! Trời mưa, đường trơn tạo cơ hội tốt cho những đôi bạn “dìu nhau cùng tiến”. Vượt qua mấy hẻm núi không đến nỗi “treo leo”, những ghềnh đá không cao lắm … tay trong tay, ối người thầm mong, làm sao có thêm nhiều quãng đường thử thách hơn thế!

Sau cú “dấu ấn con đường” Bằng có vẻ cẩn thận hơn. Hắn một chân “sao kim” một chân “sao thổ”, nghĩa là để tránh đi vào giữa con đường mòn giờ đã trơn “nhầy nhẫy”, hắn giang chân nhảy trên hai thảm cỏ bên đường. Tôi thấy hổ thẹn là không thể dùng ngòi bút để lột tả được hết cái độc đáo thú vị khi nhìn chân hắn nhảy nhót.

Tôi định “ém chuyện” trượt chuối của mình, nhưng làm thế không đáng mặt là “tiền bối”, nên đành công bố vụ “in thêm bản đồ” và sử dụng nước trà rửa tay. Kiên “công tử” mặc bộ đồ trắng nõn để leo núi trời mưa, đầy vẻ thách thức! Thấy ai đó chớp hình, hắn liền chìa ngay “cái back” tinh tươm của mình ra khoe khéo!

Hết mưa lại nắng hửng lên thôi! Thật sự mấy cái áo mưa cũng chỉ được sử dụng ít phút, vì ướt nước mưa còn dễ chịu hơn là mồ hôi trong áo mưa làm ướt. Bình thường mà phải “mặc áo mưa” đã mất hết hứng thú, nói gì đến leo núi mà “bí” thế thì chịu sao nổi.

22

Cũng chỉ tại cái đế giầy “bất đắc dĩ” làm tôi phải ngồi kỳ cọ, khi đứng lên tính đãng trí của người có tuổi tác dụng ngay. Lúc cảnh đẹp hiện ra, sờ tới công cụ thì mới phát hiện ra đã rời bỏ vị trí. May mà mới đi chưa xa, chứ sức già không sánh được với Chiến hảo hán hôm trước. Tuy vậy, vì  tiếc của, tôi cũng bật lại phía sau nhanh không kém hắn là mấy.

Sau hai ngày tích lũy kinh nghiệm, Chiến đã nhanh chóng phát hiện ra mấy quả dưa hấu chỉ lớn hơn quả cam sành dưới xuôi, nằm lấp ló trong một quán nhỏ bên rìa bản. Không cần mặc cả và lựa chọn, hắn order luôn tất cả  và yêu cầu chủ quán phục vụ ngay tức thì. Những miếng dưa hấu “ửng hồng” điểm hạt trắng, “chua thao thảo” sao lúc đó lại hấp dẫn đến thế. Ngồi trên những ống nứa, những thanh củi bên cạnh con trâu đang mơ màng ngủ, mọi người hỉ hả vừa thưởng thức dưa vừa thầm cám ơn Am Tiêm!

Chia tay với đống vỏ dưa bị gặm nham nhở, chúng tôi chui qua một cái cổng bản, với dòng chữ đầy xúc động: “hẹn gặp lại”. Những ruộng lúa bậc thang trải xanh mướt  phía trước. Tôi không kìm được sung sướng, muốn được làm người mẫu trên đồng. Sau khi xem mấy tấm hình Bằng chụp, ai đó đã nhận xét: “Bên cạnh bù nhìn đuổi chim, trên đồng xuất hiện bù nhìn hút chim kìa!”

Từ xa thấy Bằng lẽo đẽo đi theo mấy con dê, ai cũng nghĩ là hắn chuẩn bị chiêu đãi bữa trưa không bao gồm trong giá. Trước những bộ mặt hớn hở, hắn ta cung kính cúi nửa người giới thiệu với cả đoàn “sư phụ” của hắn. Thôi thế là xong, cả cái món tái lẫn nầm rồi!

21

Quân đội trưởng lầm lũi bước đi, miệng vẫn cố nói cười, nhưng có lẽ trong lòng đang bồn chồn lửa đốt. Càng đi càng thấy mất tăm bóng dáng … guồng nước. Sợ mang tiếng “treo đầu dê “ nên hắn cố căng mắt xem có cách nào cứu vớt được danh tiếng  hay không. Cuối cùng, khi Phố Đoàn đã ẩn hiện nơi cuối đường, hắn thở hắt ra, vô vọng. Chắc tại con suối đã nắn dòng, hay vì Unicef tài trợ quá nhiều khiến dân bản không còn cần tới guồng nước nữa?

Ánh sáng văn minh đã trườn về được Phố Đoàn một “tý”. Cửa hàng ven đường có nhiều đồ hơn và khi chúng tôi mua cân mậm thì dưới sàn vẫn còn đủ cho vài người nữa. Thấy Quân giơ máy ảnh nháy liên tục hai ông cháu ngồi bên cửa sổ nhà sàn, tôi móc ba lô lấy gói bánh quy đưa cho hắn. Đã tưởng bở là xuất trưa miễn phí, hắn ra vẻ rộng rãi nói để lên xe chia nhau. Chú bé con suýt mất phần!

Chiến hảo hán tay lăm lăm con dao bầu lại đứng khoe “body” nơi ngã ba chợ. Thấy mấy em gái che miệng ngắm mình, hắn mỉm cười bẽn lẽn, làm phóng viên tôi muốn “chớp” cái hồn oai hùng của hắn mà thất bại. Tưởng sau chuyến đi tích lũy được chút bản lĩnh giang hồ, Chiến chuyển sang nghề mãi võ chốn chợ quê, ai dè hắn lại đang “tiếp thị” bán dao cho ông thợ rèn cuối bản.

Cái đích chồn chân đứng chờ chúng tôi không được phải tự mò tới. Trút bỏ bộ quần áo bê bết bùn và ẩm ướt gió sương rừng núi, chúng tôi lại “hiện nguyên hình” là những nam thanh nữ tú đất kinh kỳ. Thế mà lên xe, đội trưởng Quân lại định câu kết với lái xe “làm tiền” những người “vồ ếch”. Hóa ra hắn là người duy nhất mang theo tất cả mùi “miền ngược” về xuôi.

Kìm nén sự xấu hổ khi chót quảng cáo quá lời, Quân bỗng nhiên bật lên như lò so. Vật cứu cánh xuất hiện từ phía chân trời khiến cho những giọt mồ hôi mấy phút trước còn thi nhau chảy xuống, giờ chạy ngược trở lại. Quân nuốt nước bọt ừng ực để lấy đà, “họ” lái xe. Mấy tay săn ảnh tranh thủ ghi vội hình ảnh … guồng nước! Máy tôi hết pin, vừa hay cũng không còn gì thú vị hơn … Đúng là người cao tuổi nên kinh nghiệm, biết lúc nào nên cho máy nghỉ!

Đội trưởng định cắt bữa trưa, vì quên không cho vào báo giá, không ngờ lại bị đội viên “thịt” mất  bốn đĩa gà rang. Nhầm lẫn, xin cải chính, bốn đĩa thịt gà ăn không hết đấy là “giải đen” vụ sinh nhật tháng trước chưa thoát. Nghe nói Tiệp và Lan Anh cũng có phần, thì xin thông báo là thịt gà vẫn còn, mọi người hãy đến quán có nhiều xe tải nhất trên đường mòn HCM chặng Cẩm Thủy – Xuân Mai thưởng thức tiếp nhé.

20

Trên xe mấy con bạc chia chác nhau số tiền vặt được của đồng đội. Tôi nghe nói số tiền còn thừa không chia hết sẽ dùng để chi trả mọi chi phí trong lần off line sắp tới. Mời cả họ tới dự nhé!

Chia tay với sự yên bình của rừng núi để về với cái hỗn lọan của đô thành, ai đó bất giác thấy buồn. Ngay mai lại rúc đầu vào công việc, biết bao giờ mới lại được giang tay, ngửa mặt cười giữa rừng đây???

Quế Nga, tháng 5/2010

*TTC: Travel Trainer Club – Chúng tôi là các học viên đã cùng nhau tham dự khóa tập huấn đào tạo viên của Dự án EU về Nguồn nhân lực

 

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *