Sau khi đã làm xong thủ tục tôi cùng các bạn trong đoàn đi qua cửa kiểm tra an ninh ở sân bay Thượng Hải. Nếu như tại sân bay Quảng Châu người ta chỉ yêu cầu nam giới bỏ chân ra khỏi giầy thì ở đây người ta đặt một cái bảng rõ to ngay trước lối vào: “Đề nghị cởi giầy”, thể hiện tuyệt đối sự bình đẳng nam nữ.
Theo bảng chỉ dẫn, chúng tôi vào phòng chờ. Vì vốn tiếng Trung quá ít ỏi nên mắt tôi luôn luôn phải dán vào màn hình để theo dõi chuyến bay. Gần tới giờ cất cánh, tôi bỗng thấy khách hàng ùn ùn đứng dậy và ra tập trung ở cửa để xuất phát, nên không cần phải chờ thông báo bằng tiếng Anh, tôi gọi cả đoàn làm theo. Đoàn người đông đúc, đứng chen chân, kiên nhẫn chờ. 20 phút trôi qua, chẳng thấy động tĩnh gì, bỗng tôi nghe thấy có thông báo gì đó, đương nhiên là bằng tiếng Trung, rồi thấy khách lại ào ào rời chỗ đứng toả ra các hàng ghế và tôi đã không để ý thấy rất nhiều người đi sang phòng khác. Trong phút chốc, xung quanh yên lặng trở lại, chỉ còn trơ mấy người Việt Nam đang ngơ ngác. Tôi đến gặp người mặc đồng phục, có lẽ là nhân viên hàng không. Sau một dây truyền giới thiệu tôi mới tìm được một người nói tiếng Anh không sõi lắm. Thì ra bộ phận điều hoà của máy bay có vấn đề đang được sửa chữa nên chuyến bay sẽ bị chậm lại, chưa biết bao lâu!!!
Sau khi giải thích lại với đoàn và nói mọi người trở về chỗ ngồi, tôi tất tả đi tìm cửa hàng ăn mua tạm một ít bánh để mọi người “chống đói”. Tôi phải vơ hết tất cả chỗ thực phẩm có trong quầy mới đủ cho cả đoàn ăn qua loa, lót dạ. Khi cái bụng đã êm, tôi lang thang tới chỗ có vài nhân viên, cũng muốn tìm hiểu thêm thông tin, nhưng mãi chẳng thấy ai có khả năng “tiếp chuyện” mình cả, thì bỗng thấy một khách hàng quay lại, đó là một người Hồng Kông nói được tiếng Anh. Cũng cảnh “ăn đợi nằm chờ” nên dễ chia sẻ với nhau, anh ta phàn nàn vì thời gian chờ đợi không “kỳ hạn” này làm lỡ hết việc, tôi nhân đà hỏi luôn xem hãng hàng không sẽ xử lý thế nào về bữa trưa của khách. Thấy tôi hỏi vậy, anh ta ngạc nhiên trả lời rằng bữa trưa “nhẹ nhàng” đã được mời dung, ngay khi có thông báo chuyến bay bị chậm giờ tại phòng “delay”.
Làm sao tôi có thể biết được, khi người ta không hề thông báo lại bằng tiếng Anh, mà trình độ nghe hiểu tiếng Trung của tôi lại chỉ tới mức nghe được giờ bay, chứ chậm thì “chưa học đến”. Suýt nữa thì tôi để cả đoàn “thiệt’ nếu không chịu khó lân la. Nhưng cũng vì “láu táu” không chịu hỏi kỹ, nên sau khi đi mỏi cẳng tới cuối hành lang mà chả thấy phòng “trễ chuyến bay” đâu, tôi mới tìm được một người để hỏi và vừa ngượng, vừa giận mình vì đã quá hồ đồ, tôi hậm hực quay lại con đường vừa mải miết đi qua. Cái phòng đó nằm ngay đầu hành lang, nhưng biển của nó lại nằm sau lưng tôi, khi tôi đi vào hành lang đó, mà tôi lại chưa học được cách vừa đi vừa quay lại đằng sau để nhìn!!!
Thực ra thức ăn chống đói cũng chẳng ngon lành gì, nhưng đã là tiêu chuẩn thì nhất quyết “không cho chúng nó thoát”, nên sau khi tìm hiểu kỹ thực đơn (gồm một gói bánh quy, một gói lạc và một lon nước) tôi quay về “đại bản doanh” để thu lại thẻ lên máy bay của đồng đội, dẫn theo một đồ đệ đi nhận khẩu phần. Vì vừa nạp chỗ thực phẩm cứu trợ của tôi vài phút trước, nên chỗ thức ăn của hãng hàng không coi như “ế” và khổ nhất là chúng tôi lại không muốn bỏ chúng nên đến lúc vào máy bay, chúng tôi vẫn còn phải khổ sở tìm chỗ để đặt thùng đựng nước uống thừa!
Quế Nga – Thượng Hải, tháng 8/ 2001