Bữa trưa tại hội chợ Thượng Hải, Trung Quốc tôi vô tình ngồi ăn chung bàn với một người Singapore gốc Trung Quốc. Chúng tôi làm quen và câu chuyện xoay quanh công việc du lịch của các nước có phần khá rôm rả, khiến bữa ăn kéo dài từ 1 giờ chiều mà tới gần 3 giờ vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi nói với nhau mọi chuyện của nước mình và cả về vẫn đề ngôn ngữ khác biệt nữa. Người bạn mới hỏi xem tôi có thể nói tiếng Trung Quốc không, thì tôi đành cười trừ đáp lại bằng thứ tiếng Trung Quốc bồi “tôi không thể nói được tiếng Trung Quốc”…
Đang mải mê nói chuyện, tôi bỗng thấy một người phục vụ bàn đến bên cạnh, nói một câu gì đó rất dài bằng tiếng Trung Quốc và đương nhiên là tôi không thể hiểu được. Liếc nhìn đồng hồ tôi chợt nhận thấy đã 3 giờ và nhớ rằng bữa ăn được phục vụ từ 1 đến 3 giờ, nên nghĩ ngay là người phục vụ kia nhắc nhở hết giờ và chắc là đang tế nhị mời chúng tôi ra khỏi nhà hàng. Thấy tôi sửa soạn đồ đạc và túi sách, người bạn hỏi xem có phải tôi bận việc gì đó cần đi không, thì tôi rất vô tư trả lời rằng đến giờ mình phải ra khỏi đây rồi, chẳng nhẽ anh không thấy người ta đang đuổi khéo đó sao. Đáp lại vẻ mặt ngạc nhiên của tôi là một chuỗi cười sảng khoái của người ngồi cùng bàn, anh ta bảo: “Bây giờ thì cô đã thấy sự bất tiện thế nào khi tới Trung Quốc mà lại không biết tiếng Trung Quốc chưa? Vừa rồi người phục vụ đến hỏi xem chúng ta còn muốn ăn gì nữa không, đó là lời mời cuối cùng trong bữa trưa nay, còn ai muốn ngồi ở đây thì nhà hàng này sẵn sàng mời khách ngồi đến tối và thậm trí còn mời dùng một đồ uống miễn phí vào buổi chiều.”
Đây không phải là bài học đầu tiên của tôi về sự bất đồng ngôn ngữ, nhưng cũng là điều khiến tôi nghĩ, mình phải có quyết tâm hơn nữa trong việc học tiếng Trung Quốc, nếu muốn làm ăn với thị trường này.
Quế Nga – Thượng Hải, Trung Quốc tháng 10/2002