Dinh thự “vua Mèo” Hoàng A Tưởng ở Bắc Hà

Tôi đã có bài chia sẻ với mọi người về dinh thự của “vua Mèo” Vương Chí Sình ở Đồng Văn, Hà Giang và cũng có nhắc đến Hoàng A Tưởng, một người cũng được gọi là “Vua Mèo” ở Bắc Hà. Nhưng hai ông “Vua Mèo” này hoàn toàn khác nhau, Vương Chí Sình là người H’Mong, cùng cha lãnh đạo người H’Mong chống Pháp và ủng hộ cách mạng, ông được người dưới xuôi gọi là “Vua Mèo” còn người H’Mong gọi ông là thủ lĩnh. Nhưng Hoàng A Tưởng lại là người Tày, cùng cha là Hoàng Yến Chao làm thổ ty, theo Pháp cai trị vùng Bắc Hà có tới 70% là người dân tộc H’Mong và thật sự khét tiếng, nên người dân khiếp sợ gọi là “vua”.

Chúng tôi đến thăm dinh thự Hoàng A Tưởng khi tòa nhà đã được sửa chữa và sơn lại màu vàng sáng, nhưng đã xuống cấp, những ít nhiều cũng làm mất đi vẻ cổ kính của một di tích gần 100 năm. Có lẽ vì lý lịch tàn ác của cha con Hoàng A Tưởng, nên dinh thực này sau khi giải phóng chỉ còn lại xác nhà, không còn hiện vật gì nữa. Đã có thời gian UBND huyện Bắc Hà sử dụng tòa nhà làm nơi làm việc và nhà khách, và cũng không thấy con cháu, họ hàng gì của gia tộc này quan tâm, chăm sóc tòa nhà. Giờ nó thuộc quyền quản lý của Sở du lịch Lào Cai. Đó là điều khác biệt lớn đối với dinh “Vua Mèo” Vương Chí Sình, Hà Giang.

Tòa dinh thư của Hoàng A Tưởng rất bề thế, so với dinh thự của quan chức Pháp ở Hà Nội cũng không kém gì. Đó là tòa nhà có sự kết hợp giữa kiến trúc cổ của Pháp và kiến trúc nhà sàn của người Tày. Người ta kể rằng, cha con họ Hoàng đã mời thầy địa lý từ Trung Quốc sang để đi tìm chọn thế đất. Phải mất tới 2 năm tìm kiếm, thầy địa lý này mới tìm ra được khu đất nơi hội tụ được tất cả các yếu tố quan trọng. Nhưng thế đất cũng không giữ được cho dòng họ “vua Mèo” trường tồn, ngoài cái xác nhà trống rỗng.

Tòa nhà được xây dựng trong 7 năm (1914-1921) bằng vật liệu chở từ dưới xuôi lên bằng máy bay (tôi nghe kể thế, không biết máy bay loại nào?) như xi măng, sắt thép, còn gạch ngói được sản xuất tại chỗ, từ đất sét lấy trong lòng các dãy núi. Xung quanh nhà có tường bảo vệ dày với ba cổng vào, một chính, hai phụ, bốn phía có lỗ châu mai, thường xuyên có lính canh gác và còn có cả đường hầm thoát hiểm ra ngoài phía sau nhà. Sau khi xây dựng xong dinh thự, nghe nói những người thợ xây đều “biến mất”, bởi họ Hoàng có rất nhiều bí mật trong tòa nhà này. Chúng tôi không thấy có thuyết minh viên nên không biết thêm về những “bí mật”, nhưng có lẽ không biết lại hơn vì tôi cảm thấy tòa nhà này âm khí đã quá nặng nề.

Tòa nhà nằm trên một quả đồi bằng phẳng có diện tích hơn 10.000 m2 và toàn bộ công trình hai tầng có tổng diện tích tới 4.000 m2. Ngôi nhà lớn ở giữa có sàn làm bằng gỗ, gian chính giữa là phòng làm việc, tiếp khách, các gian bên cạnh là nơi ở của vợ chồng, con cái Hoàng A Tưởng. Phía trên mái mặt tiền trang trí hai cành nguyệt quế, ôm lấy mặt trời (đấy là tôi nghĩ thế!) và hàng lan can dùng cho tất cả các tầng, kể cả mái cũng là một cách trang trí khá độc đáo, nghe nói cả kiến trúc sư người Pháp và Trung Quốc cùng tham gia thiết kế ngôi nhà này, chả trách nó có cái gì đó vừa giống “tây” mà lại không phải “tây”.

Hai dãy nhà ngang bên phải và trái cũng là hai tầng nhưng thấp hơn, là nơi ở của binh lính, người làm công và nơi làm việc, giao dịch buôn bán. Các cửa đều quay ra cái sân rộng, nơi ông “Vua Mèo” thường tổ chức múa xòe khi tiếp các quan Pháp, hoặc những nhà buôn. Mà đương nhiên rồi, tất cả các phòng đều phải có cửa ra sân để còn quản lý được chứ.

Hai ngôi nhà ngang được nối với ngôi nhà chính bằng một hành lang hẹp.

Dãy nhà một tầng phía sau là nơi ở của những kẻ hầu hạ và nhà kho, cũng từng là nhà khách khi UBND huyện Bắc Hà sử dụng sau giải phóng.

Người ta đồn rằng, nhiều người hầu trong gia đình Hoàng A Tưởng bị chết do đối sử tàn nhẫn, nên lĩnh hồn oan ức của họ vẫn “lởn vởn” quanh quất ở đây. Khi dãy nhà này còn được dùng làm nhà khách của Huyện Bắc Hà, nhiều cán bộ ngủ đêm ở đây bị “bóng đè” hay có người “đòi giường”…chẳng biết thật hư thế nào, nhưng đi qua đây cũng thấy rờn rợn.

Nhà thờ họ Hoàng. Có lẽ bàn thờ này mới được dựng lại sau này, chứ không phải nguyên gốc của gia tộc họ Hoàng, vì với một gia đình giàu có như vậy thì không thể có bàn thờ đơn sơ như thế này.

Đằng sau là khu bếp, giờ được giữ lại thành nơi nấu rượu và bán sản phẩm rượu đặc biệt của Bắc Hà.

Hoàng A Tưởng giàu có bởi vì ông ta là một thổ ty khét tiếng vùng cao nguyên Bắc Hà, một địa điểm quan trọng trong đường dây buôn bán thuốc phiện từ Trung Á qua Đông Dương xuống khu vực Nam Á và ngược lại. Ông ta bắt người dân đóng thuế bằng thóc gạo, lợn gà, trâu bò và thuốc phiện. Theo sử sách thì mỗi năm ông ta lấy không của dân 500 kg thuốc phiện và ép dân bán rẻ 500 kg, một con số khổng lồ!

Đó chưa kể những điều lệ ông ta đặt ra bắt người dân phải tuân theo như khi đi săn bắn được thú rừng, tìm được tổ ong hay lâm thổ sản quý đều phải chia cho nhà ông ta, như nộp da gấu, da hổ, sừng nai. Hoàng A Tưởng còn độc quyền buôn bán các loại hàng hóa quý hiếm lúc bấy giờ là muối và dầu hỏa. Đó là lý do ông ta giàu có và uy lực mạnh ở vùng Bắc Hà này.

Con người có rất nhiều bạc trắng, tiền giấy nhét vào các bao tải, đến nỗi mỗi khi trời nắng phải mang tiền ra sân phơi vì khí hậu ẩm thấp vùng Bắc Hà sẽ khiến tiền để lâu mục nát, nhưng rồi cũng không có kết cục ra gì. Tòa nhà bề thế ngày xưa, giờ chỉ là một minh chứng câm lặng cho một quá khứ đã từng vàng son trên mồ hôi và nước mắt của người dân vùng Bắc Hà.

You Might Also Like

One Reply to “Dinh thự “vua Mèo” Hoàng A Tưởng ở Bắc Hà”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *