Khu Trung tâm thủ đô Amsterdam

Chúng tôi đến Amsterdam bằng xe bus từ Brussels. Khi đến bến Central bus station chúng tôi có phần lúng túng để tìm cách về khách sạn. Thường mọi người sẽ đi tàu hỏa chạy điện đến City Central, rồi từ đó có thể đi tàu điện hoặc xe bus công cộng để về khách sạn (tất nhiên taxi sẽ đưa bạn về tận nơi, nhưng bạn phải trả tiền cao!).

Ba ngày tham quan ở Amsterdam chúng tôi hoàn toàn đi bộ, chỉ sử dụng tàu điện để trở lại bến xe Cetral để rời đi Berlin. Một việc các bạn cần lưu ý khi xử dụng vé tàu điện hay xe bus một ngày là bạn phải kiểm tra vé khi lên xe và cả lúc xuống xe, nếu không vé sẽ hết giá trị. Chúng tôi đã bị như vậy, vì nghĩ chỉ cần lên xe quẹt vé là xong, nên lúc lên tàu điện quẹt vé không còn giá trị nữa. May mà người lái tàu điện hỏi, chúng tôi giải thích là mua vé 1 ngày, mới đi 1 chuyến tàu giờ lên đây vé báo lỗi. Ông ấy hiểu chúng tôi là du khách lớ ngớ lần đầu đến Amsterdam nên đồng ý cho chúng tôi đi tiếp ra bến xe mà không phải mua vé mới.

Chúng tôi thuê khách sạn ngay gần trung tâm thành phố nên quyết định sẽ đi bộ hoàn toàn, vì như vậy có thể chụp ảnh và dừng lại bao lâu tùy ý. Mọi thứ trên đường đi đối với chúng tôi đều rất hấp dẫn. Trong bài này, có lẽ tôi chỉ giới thiệu về khu vực trung tâm của Amsterdam.

Những ngôi nhà kiến trúc lạ mắt và đẹp nằm bên bờ những con kênh, chỗ nào tôi cũng thấy đẹp và muốn dừng lại chụp ảnh. Nhưng buổi sáng không dễ có bức hình đẹp vì một bên dòng kênh các cánh cửa kính bị ánh sáng làm lóa, phía đối diện lại vị sấp bóng, ảnh tối om.

Dọc đường từ khách sạn ra đến trung tâm thành phố, chúng tôi bị hấp dẫn bởi từng mét đường. Kể cả những chiếc xe đạp kỳ lạ bị khóa trên cầu. Chúng tôi đi ra chợ hoa nổi, nơi bạn có thể lựa chọn cho mình nhiều loại quà lưu niệm rất “Hà Lan” và các loại cây hoa được trồng từ hạt và củ. Ảnh dưới chụp phía lưng các quầy hàng ở chợ hoa, hướng ra kênh.

Bạn có thể thấy những cửa hàng bán pho mát được sản xuất thủ công, rất đặc biệt của Amsterdam được bán trong các cửa hàng rất “truyền thống”.

Phố Chợ hoa và các cửa hàng quay mặt ra phố, lưng hướng ra kênh.

Cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm sứ Hoàng gia của Hà Lan rất nổi tiếng.

Chúng tôi đi đến quảng trường Dam, nơi rất đông khách du lịch đang tụ tập. Trước mắt tôi là hàng nghìn chú chim bồ câu đang bay và đậu ở quảng trường. Thật là một quang cảnh đẹp, mà ở nhà không bao giờ được thấy.

Cung điện Hoàng gia vẫn đang được chế độ quân chủ sử dụng cho các hoạt động phục vụ quốc gia, nơi tổ chức các nghi lễ và các buổi tiếp tân nguyên thủ nước ngoài, vì vậy bạn có thể trải nghiệm không chỉ lịch sử mà cả sự kiện hiện đại ở đây và bây giờ. Mặc dù được gọi là cung điện Hoàng gia, nhưng nó không thuộc sở hữu của Hoàng gia Hà Lan. Tòa nhà ban đầu được ủy ban thành phố xây dựng trong thời kỳ hoàng kim của Hà Lan, khi Amsterdam là một trong những thành phố hùng mạnh nhất thế giới. Cung điện được thiết kế để tượng trưng cho tầm ảnh hưởng quốc tế của Amsterdam và giống với kiến trúc văn minh La Mã cổ đại. Cung điện mở cửa hàng ngày từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, trừ ngày có sự kiện, giá vé là 10 Euro.

Đài tưởng niệm quốc gia nằm ở phía bên kia của quảng trường, là nơi tưởng niệm các nạn nhân của Thế chiến II, cũng là biểu tượng của sự giải phóng và hòa bình.

Từ đây, chỉ đi bộ gần 1km nữa là ra tới nhà ga trung tâm (Central station), là đầu mối của các loại phương tiện vận chuyển như xe lửa, xe điện, taxi, xe buýt, phà và metro.

Tòa nhà của Ga trung tâm, được Pierre Cuypers và A. L. van Gendt thiết kế và mở cửa từ năm 1889. Nhà ga nằm trên ba hòn đảo nhân tạo. Người ta đã đóng rất nhiều cọc gỗ để hỗ trợ kết cấu móng vì nền là đất cát. Ga Central là một điểm thu hút nổi bật, nó kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai của Amsterdam.

Đối diện với nhà Ga Central là Westerkerk là nhà thờ Tin lành lớn nhất ở Hà Lan và được xây dựng sau cuộc Cải cách để phù hợp với dân số Calvinist mới chuyển đổi ở Amsterdam. Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1631 và là một trong những kiến trúc Phục hưng Hà Lan nổi tiếng. Khi chúng tôi đến Amstredam vào buổi tối, vừa ra khỏi bến tàu chúng tôi đã vô cùng sửng sốt trước vẻ đẹp của nhà thờ này, nhưng rất tiếc là không chụp được ảnh, còn buổi sáng thì lại ngược sáng, nên đã làm giảm giá trị của vẻ đẹp thật sự.

Nóc nhà thờ Westerkerk nhìn từ phía kênh đào.

Từ khu Ga trung tâm chúng tôi đến Vương cung thánh đường Saint Nicholas nằm trong khu phố Cổ của Amsterdam, gần Ga Central. Đây là nhà thờ Công giáo La Mã chính của thành phố, được xây dựng năm 1842-1912, có kiến trúc Baroque mới và thời kỳ Phục hưng.

Bưu điện trung tâm cổ được xây dựng từ 1895-1899 giờ là trung tâm mua sắm lớn nhất Amsterdam.

Tòa nhà thị trường chứng khoán cổ Amsterdam được xây dựng từ 1896-1903, giờ là nơi tổ chức triển lãm và hòa nhạc.

Trên đường đi chúng tôi qua nhà thờ Moses và Aaron, trong khu phố Waterlooplein của Amsterdam. Đó là Nhà thờ Công giáo La Mã của Thánh Anthony của Padua. Ban đầu đây là một nhà thờ bí mật, do các linh mục người Franciscan điều hành trên phố Do Thái Jewish Broad Street, trong một ngôi nhà, có treo những bức tranh của Moses và Aaron trên tường.

Dọc đường lang thang trên các con phố bên bờ kênh, chúng tôi nhìn thấy một số nhà thờ, nhưng không vào. Đây là Nhà thờ Công giáo La Mã De Krijtberg, xây dựng năm 1883 trên kênh Singel, Amsterdam.

Oudekerkstoren, một trong ba tòa tháp nhà thờ cổ xưa, được xây dựng năm 1565, có kiến trúc rất đẹp, mà tôi chụp qua một con hẻm nhỏ.

Nhà thờ này chúng tôi đã quên không ghi lại tên và thời gian xây dựng, mặc dù nó có kiến trúc khá lạ mắt.

Vì chúng tôi có ba ngày lang thang ở Amsterdam, nên một số nơi chúng tôi đi qua lại đến hai ba lần. Như phố Đèn Đỏ chẳng hạn. Bạn sẽ có thông tin chi tiết hơn nếu đọc bài “Phố đèn đỏ ở Amsterdam”.

Ở Amsterdam bạn có thể ăn tại các quán ăn nhỏ trên phố, nhưng giá khá đắt. Chúng tôi chỉ ăn một bát súp nóng với bánh mỳ đã 7 Euro/ bát, nên chủ yếu chúng tôi ăn bánh mỳ kẹp thịt nguội và súc sích mua ở siêu thị.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *