Hỷ Châu cổ trấn, Đại Lý

Ngày hôm sau, chúng tôi đi thăm một trấn cổ nhỏ Hỷ Châu cổ trấn (Xi Zhou) nằm không xa thành cổ Đại Lý. Vì đã đi thành cổ Đại Lý rộng, đặc sắc để lại quá nhiều ấn tượng, nên một số người không muốn vào thăm Hỷ Châu cổ trấn nữa, một phần cũng vì trời vẫn mưa.

Cổng vào Hỷ Châu Cổ trấn

Hỷ Châu cổ trấn gồm 13 ngôi làng nhỏ với khoảng 55 nghìn người đang sinh sống, chủ yếu là người dân tộc Bách (Bai), ngoài ra còn có người dân tộc Hui và người Hán.

Một dãy cửa hàng nằm xung quanh quảng trường trung tâm của Hỷ Châu cổ trấn

Hỷ Châu cổ trấn được thành lập vào thời Vương quốc Nam Chiếu (737 – 902), là giai đoạn hình thành của con đường Trà Mã cổ đạo vào những năm 700 sau Công nguyên. Nhờ vị trí thuận lợi nằm trên con đường giao thương quan trọng, Hỷ Châu đã trở thành một trung tâm thương mại phát triển và là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa dân tộc khác nhau.

Mặc dù trời mưa, nhưng vẫn đông khách du lịch tại quảng trường trung tâm
Một ngôi nhà có kiến trúc truyền thống, qua cổng vào sân chung, các dãy nhà xây thành hình vuông hoặc chữ nhật đều hướng ra sân.

Hỷ Châu cổ trấn vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ kính và độc đáo hơn 1.000 năm qua, từ những ngôi nhà gỗ, mái ngói âm dương đến các con đường lát đá cuội.

Những ngôi nhà cổ lợp mái âm dương và khung nhà gỗ tại Hỷ Châu cổ trấn

Hướng dẫn nói với chúng tôi là đến Hỷ Châu cổ trấn nhất định phải ăn bánh Hỷ Châu (Xizhou baba), một loại bánh bột hấp với nhiều loại nhân khác nhau. Tôi ăn thử thì thấy không ấn tượng lắm, nên không biết quảng cáo thế nào. Có lẽ mọi người vẫn nên ăn thử cho biết, khi đến đây.

Một quán bánh Hỷ Châu

Quảng trường thị trấn là nơi người dân địa phương và du khách có thể tụ tập ăn uống, mua sắm và tham quan. Nhưng vì trời mưa, nên du khách như chúng tôi chỉ ghé thăm chớp nhoáng, không thể vào ăn uống hay mua sắm.

Cổng đá cẩm thạch ở giữa quảng trường Hỷ Châu cổ trấn

Quảng trường cũng có một cánh cổng lớn bằng đá cẩm thạch được trang trí theo văn hóa của người dân Tây Châu. Tại Hỷ Châu cổ trấn có ngôi đền Daci được xây dựng vào thế kỷ 13, dưới thời nhà Nguyên, thờ cúng các vị thần từ nhiều tôn giáo khác nhau, bao gồm Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và Benzhu của người Bai. Từ năm 1986, đền được công nhận là di sản văn hóa và được bảo tồn. Chúng tôi chỉ đi qua, cũng không vào bên trong ngôi đền.

Đây là đền Daci. Ảnh này tôi lấy từ Internet, không phải do tôi chụp

Rất tiếc là trời mưa, nên chúng tôi đã không tham quan kỹ Hỷ Châu cổ trấn. Đây là một trấn cổ tuy nhỏ nhưng kiến trúc truyền thống và văn hóa của dân tộc Bạch được giữ gìn khá tốt. Nếu mọi người có dịp đến đây mà thời tiết tốt thì cố gắng dành nhiều thời gian hơn nhé.

Trời mưa nên ít khách qua lại
Cửa hàng bán quà lưu niện tại Hỷ Châu cổ trấn
Đây là cổng vào Hỷ Châu cổ trấn, nhìn từ trong cổ trấn đi ra.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *