Chúng tôi được chào đón khá thân thiện khi dừng xe máy và dắt vào bãi gửi. Vì đã bị lừa vài lần, nên giờ tôi nghi ngờ tất cả mọi người (rất tiếc là như vậy!). Tôi để ý thấy trong số những người ở bãi gửi xe, có một người mặc đồng phục ghi Police, dấu hiệu khiến tôi tạm cảm thấy yên lòng. Không có vé xe, họ chỉ dặn chúng tôi khóa xe cẩn thận. Ảnh dưới là cây đa trước cửa đền.
Vì chúng tôi đã phải thuê váy quấn mất 50 Rp cho 2 người ở đền Tuluk Batur, nên thấy mọi người vào quầy lấy sarong chúng tôi lấy sẵn tiền ra để trả. Nhưng ở đền Suối thiêng, sarong được mượn miễn phí. Chúng tôi chọn 2 cái sẫm màu… tự trang trí cho nhau để đi vào đền.
Những bức tượng và điêu khắc trong các ngôi đền của Bali với tôi chỗ nào cũng đẹp, cũng đáng để check-in, nhưng một số cổng đặc biệt thì khá đông người chụp ảnh, nên không dễ để có một tấm hình ở đó.
Ngôi đền này được xây dựng từ năm 962, có nguồn nước từ dưới đất trào lên rất lạ. Người ta đã cho xây đền để thực hành nghi lễ tắm tẩy rửa.
Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy có nhiều người da trắng trẻ tuổi đến tắm ở đây. Đa phần họ tắm để có “trải nghiệm”, nhưng một số người thực hiện nghi lễ rất thành tâm, trước khi xuống tắm.
Đây là nơi người ta dâng đồ lễ, chỉ là các loại hoa nhỏ, có thể thêm gạo, được đặt trong một chiếc khay chủ yếu là hình vuông, đôi cái hình thoi làm từ lá dừa hoặc bằng bìa.
Có 30 vòi nước chảy ra từ một bể nước bên cạnh, chứa nước lọc từ hồ nước “đùn lên”, tôi phải dùng từ “đùn lên” để mô tả, có thể hơi thô và làm mất đi sự linh thiêng…
Mọi người tắm lần lượt từ vòi nước bên trái sang phải.
Có điều lạ là rất nhiều người tắm, nhưng trong bể tôi vẫn nhìn thấy cá bơi lội, chứng tỏ nước rất sạch.
Tôi đưa tay xuống thử, nước mát lạnh. Thật tuyệt vời nếu tắm vào mùa hè! Mà Bali thì quanh năm là mùa hè!
Những người muốn tắm sẽ được cho mượn váy tắm riêng (cũng miễn phí). Tôi có thời gian và tôi cũng rất muốn “thử”. Nhưng suy nghĩ lại, những nghi lễ tôn giáo không nên “thử”, nên tôi đành thôi.
Đây là nơi mạnh nước từ dưới đất “đùn lên” tạo thành các xoáy nước lẫn cát và lắng lại, Sau đó được dẫn sang bể tắm. Nước rất trong và cả một thế giới rong rêu mọc xanh dưới đáy bể.
Phía sau nơi thực hành nghi lễ tắm rửa nước thiêng là những ngôi đền, nơi các tín đồ làm lễ. Chỉ có tín đồ mới được vào, còn khách du lịch chỉ đứng bên ngoài chụp hình thôi.
Đền Tirta Empul – Suối thiêng thờ Vishnu, một trong số vị thần tối cao của đạo Hindu Bali.
Trên ngọn đồi bên cạnh là một khu nghỉ dưỡng cao cấp, dành cho khách tín ngưỡng từ xa tới và cảnh khách du lịch.
Trong khuôn viên khá rộng của đền, có nhiều chỗ để khách nghỉ chân. Và con đường đi ra dẫn du khách tới những cửa hàng lưu niệm vô cùng phong phú.
Thật sự tôi rất ấn tượng với những đồ lưu niệm ở đây, bởi đa phần hàng hóa đều rất đặc trưng Bali và được sản xuất tại Bali hoặc Indonesia, chứng không phải là hàng Trung Quốc như nhiều điểm tham quan ở nhà mình.
Chúng tôi còn có một câu chuyện khá thú vị ở đền này. Đó là chuyện khi tôi mua một nải chuối nhỏ (giống chuối ngự). Người bán đòi 30Rp (khoảng 45k), tôi đang định mặc cả thì có một thanh niên lao vào, nói với tôi là để anh ta mặc cả, và hỏi tôi muốn mua “half or full”? Tôi chưa kịp hiểu ý anh ta là gì, thì anh ta đã mặc cả bằng ngôn ngữ tôi không hiểu. Sau một hồi giằng co, cuối cùng bà bán hàng đồng ý bán giá 10Rp, nhưng đặt nải chuối đó xuống và đưa cho tôi nải nhỏ hơn và chín quá mức, tôi không đồng ý đòi nải cũ. Tôi lấy 10 Rp ra trả, thì thấy người thanh niên lấy ra 5 Rp đưa trả lại cho tôi và lấy dao cắt nải chuối làm 2, rồi lấy một nửa. Hóa ra anh ta mặc cả vì muốn mua nửa nải chuối (half). Ảnh dưới là sân phía trước đền.