Vì đã đi khá nhiều chùa và di tích Phật giáo cổ của Myanmar tại Bagan và Mandalay, nên khi đến Yagon chúng tôi không lên kế hoạch đi thăm nhiều chùa nữa, mà dành thời gian đi thăm những nơi khác. Nhưng chùa Shwedagon thì nhất định phải đến.
Chùa Shwedagon hay Chùa Vàng ở Yangon được coi là ngôi chùa linh thiêng nhất Myanma. Tại đây có lưu giữ báu vật thiêng liêng đối với các tín đồ Phật giáo, đó là tám sợi tóc của Phật Thích Ca Mâu Ni. Theo truyền thuyết và theo ghi chép của các nhà sư, ngôi chùa có từ trước khi Phật qua đời, nghĩa là có cách đây 2.500 năm. Tuy nhiên các nhà khảo cổ học cho rằng nó được xây lần đầu vào khoảng thời gian từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 10.
Chúng tôi đi bộ từ khách sạn, dọc theo con đường mang tên chùa khoảng gần 2km. Khu vực này khác so với trung tâm, đường phố vắng người. Ở đây có nhiều ngôi nhà kiến trúc truyền thống, một số nhà được sửa chữa trông đẹp, nhưng nhiều nhà đã xuống cấp.
Ngôi chùa nằm ở chính giữa phía cuối con đường. Chùa rất lớn nên không có vị trí nào có thể chụp được ảnh khung cảnh chùa.
Đây là cổng phía nam của chùa Shwedagon.
Có bốn cửa để vào chùa, mỗi cửa đều có một đô sư tử thần gác lối. Chúng tôi vào cửa phía nam. Sau khi gửi giầy dép xong, chúng tôi bước vào một cầu thang và là hành lang rất rộng lớn, hai bên là những cửa hàng lưu niệm.
Tôi rất ngỡ ngàng, không hiểu tại sao lại có nhiều cửa hàng bên trong chùa như vậy. Nhưng thật sự, đó mới chỉ là cầu thang và hành lang dẫn vào chùa thôi, tuy cũng thuộc phạm vi của chùa.
Cuối hành lang là trạm an ninh. Ở đây họ soi hành lý như lên máy bay, rất cẩn thận.
Sau đó tiếp tục hành lanh và cầu thang lớn đó một đoạn dài nữa, trước khi đến quầy bán vé vào cửa. Người nước ngoài phải trả 10.000 kyat (khoảng 135k VNĐ), còn người Myanmar thì miễn phí, vì người Myanmar đóng công đức rất nhiều khi đến chùa. Bước vào không gian của chùa, thật sự là choáng ngợp, vì quá lớn, có quá nhiều ngôi chùa nhỏ và tượng Phật ở khắp nơi.
Có bốn gian điện lớn hướng ra bốn phương, nghĩa là khách thập phương bước vào chùa qua bất cứ cổng nào cũng sẽ gặp gian điện thờ lớn. Ở giữa mỗi gian điện có bức tượng Phật bằng vàng ròng.
Chúng tôi phải đọc kỹ hướng dẫn và xem bản đồ để có thể nhận biết những bức tượng cổ có giá trị. Chùa có nhiều tượng Phật bằng vàng ròng, được khảm vô vàn đá quý. Myanmar là đất của rubi và ngọc mà.
Ở giữa chùa có bảo tháp dát vàng cao tới 98 mét, trên đỉnh nạm 5448 viên kim cương và 2317 viên hồng ngọc, trên cùng là búp kim cương gắn một viên kim cương 76 carat (15 g). Đương nhiên là không thể nhìn bằng mắt thấy được, nên chúng tôi đã chụp lại ảnh trong gian bảo tàng của chùa. Điều đặc biệt là trên đỉnh có treo rất nhiều chiếc nhẫn vàng là vật cúng lễ và dâng của người dân.
Nghe nói, bảo tháp này đầu tiên chỉ cao 8m, sau bị hư hại nên được sửa chữa và nâng lên 20m, đến năm 1472 thì được nâng cao đến 40m. Đến năm 1768 do bị ảnh hưởng của động đất, đỉnh tháp bị rơi, sau đó nhà vua cho sửa chữa và nâng lên đến độ cao như hiện tại. Đế tháp bằng gạch, dát bên ngoài là những tấm vàng. Trên đế tháp là sân hiên mà chỉ có các nhà sư và nam giới được phép đi vào.
Người Myanma thường đi vòng quanh tháp theo chiều quay của kim đồng hồ. Trong chùa có 7 bồn nước tương ứng với 7 hành tinh và với 7 ngày trong tuần. Đấy là nơi những người có sinh nhật trùng vào ngày đó tới tưới nước tắm cho tượng Phật. Đây là bồn nước Thứ Năm (trong tuần), ai sinh vào thứ đó sẽ đến đây làm lễ.
Đây là chuông Singu Min (ảnh bên trái), được đúc năm 1779. Năm 1824 quân Anh xâm chiếm Myanmar, lấy quả chuông định mang về Calcuta nhưng thuyền bị chìm. Người dân Myanmar đề nghị được trục vớt. Quân Anh không tin là người Myanmar có thể vớt chuông lên được nên đồng ý. Các thợ lặn Myanma đã lặn xuống và buộc quanh quả chuông hàng trăm cây tre, nhờ đó quả chuông được kéo nổi lên.
Quả chuông ảnh bên phải này do Vua Tharrawaddy sai đúc vào năm 1841 nặng 42 tấn bằng đồng và dát vàng (khoảng 20 kg vàng), đặt tên là chuông Maha Tissada (“ba âm thanh”). Chuông này treo trong lầu chuông ở phía đông bắc tòa tháp.
Đạo Phật ở Myanmar theo dòng Phật giáo nguyên thủy từ Ấn Độ qua Sri Lanka, nên có nhiều điểm khác so với Phật giáo Tiểu thừa ở Thái Lan và Lào. Nếu như các bức tượng Phật ở chùa Thái Lan đều là Phật Thích Ca Mô Ni, thì mỗi bức tượng Phật trong chùa Myanmar lại tượng trưng cho một vị Phật. Các vị Phật trong quá khứ và hiện tại đều có tên và lịch sử đầy đủ. Nhưng vì chúng tôi không có đủ thời gian nên chỉ đi lướt qua.
Ảnh dưới là dấu chân Phật.
Các chùa và tháp bên trong chùa Shwedagon có màu sắc và kiến trúc khác nhau. Chúng tôi chưa có thời gian để tìm hiểu từng loại.
Ở góc sân chùa có những cây bồ đề lớn, dưới tán cây có đặt tượng Phật.
Có lẽ, mọi sự mô tả về chùa Shwedagon đều không thành công, vì thực tế vẻ đẹp và sự rộng lớn của nó không bút nào tả được.
Chúng tôi dành tới gần 4 tiếng (bao gồm cả thời gian ngồi nghỉ ăn trưa bằng thức ăn mang theo) chỉ đủ để lướt đi qua phần lớn các điểm trong chùa. Chắc chắn có những điểm chúng tôi bỏ sót.
Có quá nhiều tượng, gian thờ… nên không thể kể hết được. Chỉ đưa ra một số bức ảnh để mọi người cùng chiêm ngưỡng thôi.