Ngày hai – Đảo Bé, cù lao Bờ Bãi
Một trong những điều đặc biệt khi đến đảo Lý Sơn là bạn phải đi ra đảo Bé, người dân địa phương gọi là cù lao Bờ Bãi. Chuyến tàu cao tốc đầu tiên khởi hành lúc 7:30 và khoảng 45 phút lại có một chuyến chạy từ đảo Lớn ra đảo Bé và ngược lại. Giá vé là 40k một chiều, lúc rời đảo Lớn thì phải mua vé ở kios, nhưng chiều về có thể xuống tàu và trả tiền cho lái tàu trực tiếp. Tàu chạy khoảng 10-15 phút, rất nhanh và đủ chỗ, đủ áo phao cho mọi người.
Đến đảo Bé, bạn có hai sự lựa chọn, nếu muốn tắm biển trên bờ cát (cát san hô không mịn như các bãi biển khác), thì bạn có thể xuống tàu và rẽ trái, hoặc phải sang bãi biển hai bên của cầu cảng.
Nếu bạn muốn đến một nơi khác với những bãi biển bình thường, bạn phải đi bộ hoặc đi xe ôm (có rất nhiều xe ôm sẵn sàng chở bạn với giá 20k một người/ một xe, nếu hai người một xe thì bạn sẽ trả 30k), đi cắt ngang hòn đảo nhỏ này. Khi đến chúng tôi đi bộ, vì muốn chụp ảnh và còn đang “dư sức”.
Ở đây bạn sẽ nhìn thấy những “ruộng bậc thang”, không phải để trồng lúa, mà để trồng hành và tỏi. Những “thửa ruộng bậc thang” này không bao giờ có mùa “nước đổ”, vì chỉ có cát quanh năm. Người ta phải xếp đá để giữ cát không trôi khỏi ruộng.
Chúng tôi đi qua những mảnh sân nhỏ phơi đầy hành tím đỏ. Đang mùa thu hoạch hành trên đảo Lý Sơn. Tôi không nghe nhiều “tin đồn” về hành Lý Sơn quý… nhưng để trồng được những củ hành này thì công sức bỏ ra cũng không kém để có được củ tỏi, mà chất đất trồng cũng giống nhau, đều là cát san hô trên nền nhanh thạch núi lửa.
Bên này đảo Bé là khu nhan thạch núi lửa phun trào, tạo nên những vùng đá đen rất đặc biệt. Giữa những khoảng nhan thạch đen bóng, len lỏi có những dải cát san hô trắng, làm nổi bật màu nước biển xanh ngắt.
Chúng tôi len lỏi giữa những vách nhan thạch để tìm nơi “hạ trại”. Đây thật sự là một nơi lý tưởng để tắm biển. Bạn có thể tìm được một bãi tắm nhỏ cho riêng mình, chỉ cần chịu khó đi xa một chút.
Sẽ rất khó để mô tả cảm giác thích thú như thế nào khi được sống trong thế giới riêng, giữa trời và biển…
Khách du lịch có thể đi thuyền thúng ra xa để ngắm nhìn những giải san hô nhiều vô kể xung quanh đảo. Đảo Lý Sơn Lớn và Bé đều được hình thành từ nhan thạch núi lửa phun trào, nên tạo ra nhiều hang động cả trên mặt đất và dưới biển, chính vì vậy mà san hô có cơ hội phát triển rất tốt, vì ngoài sự giàu có khoáng chất của nhan thạch, thì chính nhan thạch đã tạo ra những hàng rào, ngăn tàu, thuyền neo đậu và tiến sâu vào dải san hô…
Chúng tôi mang theo bánh mỳ, trái cây và nước uống đủ để có thể ở lại trên đảo cả ngày. Đối với du khách muốn tìm kiếm sự thuận tiện, rất nhiều nhà hàng trên đảo phục vụ các loại hải sản và món ăn địa phương. Bạn có thể tắm tráng nước ngọt ở đây và ngồi uống nước dừa ngắm biển.
Chúng tôi rời đảo khoảng 1 giờ chiều. Lúc quay ra bến tàu, chúng tôi đi xe ôm. Một người phụ nữ nhỏ nhất định mời hai vợ chồng tôi đi một xe (hai con voi còi xương!), để chị ấy có thể thu được 30k. Chị ấy kể, ngày cao điểm có thể chạy được 30 chuyến! Như vậy là du lịch cũng mang đến cho người dân địa phương nguồn thu nhập khá tốt, vì theo tôi quan sát, có lẽ đến 50 người chạy xe ôm ở đây. Chị xe ôm chạy thẳng một lèo, không dừng lại ở kios bán vé tàu, chị ấy khẳng định là có thể trả tiền cho lái tàu, nên chở chúng tôi ra tới tận “cầu tàu”. Ra tới nơi, chị ấy bảo lái tàu “có hai khách chưa có vé nè!”, người lái tàu quay lại chỗ chúng tôi và giục: “hai bác xuống tàu lẹ lẹ lên!”
Khi về đến khách sạn, chúng tôi để đồ xong chạy sang cửa hàng ăn đối diện, nhưng đã quá bữa trưa nên nhà hàng hết món. Lúc đó gia đình chủ nhà hàng đang ăn cơm, thấy chúng tôi bước vào liên đon đả: “hết món ăn rồi, anh chị vào ăn cơm với gia đình cho vui”. Thế là chúng tôi vào ngồi ăn cơm cùng mọi người, như đến nhà họ hàng lâu ngày không gặp vậy. Mọi người “líu lô” kể chuyện, tôi nghe hiểu khoảng 40%, sau khi kết thúc chuyện, cô gái ngồi bên tôi quay sang hỏi: “chị nghe có được không”, tôi thật thà đáp lại: “khoảng non nửa”, thế là cô gái chậm rãi kể lại câu chuyện cho tôi nghe, và tôi đã hiểu được khoảng 80% câu chuyện… Mọi người rất chân thành, coi chúng tôi như người nhà. Sáng hôm sau, khi chúng tôi sang ăn sáng, cô bé đon đả: “anh chị vẫn còn ở Lý Sơn à”. Đây là nhà hàng đã mời chúng tôi ăn cơm như người nhà.
Sau bữa ăn trưa “cơm khách không mời”, chúng tôi mượn luôn xe máy của nhà hàng và tiếp tục hành trình khám phá một phần khác của đảo Lớn (cù lao Ré), đó là cổng Tò Vò.
Cũng là một vùng nhan thạch phun trào, có lẽ gặp lạnh (nước hay khí lạnh đột ngột) mà ngưng lại thành một vòm đá. Nhưng nếu so sánh với những núi nhan thạch quanh đảo thì đây đúng là “tổ tò vò”, vì nó quá nhỏ!
Chúng tôi đi lang thang trên những tảng nhan thạch dọc bờ biển. Phía trên bờ là những tảng san hô gãy và lớp cát san hô chủ yếu là mảng vụ san hô. Ở đây cũng có thể tắm được, nhưng vì không có núi hay cây cối để có chút bóng râm, nên không thấy ai ra tắm biển.
Tôi đi dọc bờ biển, đến gần Chùa Đục, nơi có bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đá trắng, đứng trên cao nhìn ra biển.
Sau đó chúng tôi chạy xe trên con đường vòng ngoài biển, ngắm nhìn làng chài bên bờ biển và những con thuyền đang chờ thủy triều lên để ra khơi.
Rồi chúng tôi đi thăm một số di tích tôn giáo bên trong đảo Lý Sơn. Chúng tôi gặp một chiếc xe đám ma, khác với nghi thức của người miền Bắc…
Nhà thờ dòng họ, đền Thánh Cao Đài, đền thờ Mẫu… không có khác biệt nhiều với những nơi tôi đã đi qua trên cả nước. Với trên 20 nghìn dân cư sống trên đảo Lý Sơn, nơi đây có đủ cả chùa Phật giáo, đền thờ tôn giáo bản địa, đạo Cao Đài và cả Công giáo. Đền thờ Phật Mẫu Lý Sơn mới hoàn thành năm 2013, có kiến trúc kết hợp giữa kiến trúc Phật giáo và Cao Đài. Khi chúng tôi đến, đền Mẫu đang mở rộng thêm một khu điện mới, nên vật tư xây dựng ngổn ngang và chúng tôi không vào bên trong.
Chùa Đục có tên chữ là Đỉnh Liêm Tự, nằm trong hang trên sườn núi Giếng Tiền được khánh thành năm 2010 và phải trèo lên 139 bậc thang mới đến được chùa. Trời nắng quá, chỉ nhìn lên đỉnh núi đã thấy sợ rồi, nên chúng tôi đành đứng dưới vái vọng. Phía trước có tượng Phật Bà Quan Âm (Tôi đã chụp ảnh khi đi dưới bãi biển cổng Tò Vò).
Trên đảo thỉnh thoảng cũng có một bãi cát san hô khá dài, có thể tắm được dễ dàng, nhưng có vẻ như không nhiều người hứng thú với loại bãi biển này, nó có vẻ giống như bãi biển trên đất liền, nhưng thực tế rất khác đấy, vì cát trắng ở đây là cát san hô, không mịn màng như nơi khác, nhưng chính vì vậy mà nước rất trong, kể cả khí có sóng lớn đánh vào. Không ai tắm biển thì chúng tôi tắm vậy, nếu không thì phí lắm!
Chúng tôi đến nhà thờ Lý Sơn lúc 6 giờ chiều, chưa đến giờ lễ, nhưng nhà thờ đã mở cửa.
Bên trong gian điện khá đơn giản và cũng không rộng lắm, phù hợp với giáo dân ít ỏi trên đảo. Công giáo đã được truyền đến đảo Lý Sơn từ năm 1959 và năm 1963 nhà thờ đã được khởi công xây dựng. Trải qua nhiều thăng trầm, có lúc nhà thờ đã được trưng dụng làm trại định cư, nơi đóng quân, kho chứa lương thực…thậm trí là nơi chiếu phim! Cho đến năm 1993 nhà thờ mới được trả lại cho Giáo dân. Hiện nay Giáo xứ Lý Sơn có 456 giáo dân.
Bức tượng Đức Mẹ trong khuôn viên của nhà thờ.
Chợ đêm Lý Sơn khá khiêm tốn, chủ yếu vẫn là những đặc sản bán ban ngày như hành khô, tỏi, các loại rong biển, cá khô và hải sản tươi sống. Ở đảo Lý Sơn đặc biệt có cua huỳnh đế, cua dẹt, nhum biển, ốc cừ…Tuy nhiên cũng có nhiều hải sản được mang từ đất liền ra đảo, có thể vì nhu cầu của khách du lịch lớn hơn so với khả năng cung cấp của đảo.
Buổi tối, có lẽ nơi nên đến nhất đó là cầu cảng. Ban ngày tàu thuyền vào ra bến tấp nập, nhưng tối đến, cầu cảng trở thành nơi yên tĩnh, bạn có thể ăn tối ở quán trên cầu cảng, hay đơn giản chỉ ngồi hóng gió biển trên những mố cầu tàu.
Ngày thứ ba trên đảo Lý Sơn.
Buổi sáng ở đảo nước thủy triều lên, không giống như ở đất liền là sáng ra nước rút mãi xa. Vì vậy chúng tôi dành buổi sáng đi lội nước ở những bãi nhan thạch.
Chúng tôi tìm được một quán cà phê, với một ly cà phê nhỏ giọt 12k (thật ra là chỗ ngồi hóng mát của một nhà nghỉ có vườn) và ngồi ngắm biển đến tận trưa.
Mặc dù bị ngăn cách bởi một dãy tường chắn sóng, ngồi dưới bóng cây, mặc dù ngoài trời rất nắng, nhưng gió biển thổi vào thật sảng khoái.
Và sau bữa trưa, chúng tôi đã dành trọn vẹn một buổi chiều ở Hang Câu để bơi và ngắm san hô.
Hang Câu không chỉ là nơi lý tưởng để ngắm biển, mà từ phía biển, nhìn về hang Câu cũng thật tuyệt.
Vách đá cao sát biển là cảnh hiếm thấy ở các bãi biển nước mình và những dải san hô lấp ló dưới làn nước là điều mơ ước với những người không biết lặn biển.
Chúng tôi đã có ba ngày trọn vẹn trên đảo Lý Sơn, và khi phải trở về đất liền, tôi đã nghĩ đến cơ hội trở lại đảo lần nữa.
Bạn có thể đến Quảng Ngãi bằng chuyến bay từ Hà Nội đến sân bay Chu Lai hay sân bay Đà Nẵng, rồi đi xe ô tô ra cảng Sa Huỳnh, hoặc đi xe giường nằm từ bến xe nước ngầm Hà Nội đến Quảng Ngãi (giá vé 350k/ chiều có ăn tối), nếu đi xe Chín Nghĩa sẽ có xe trung chuyển ra cảng Sa Huỳnh miễn phí. Từ cảng này cứ khoảng 30 – 45 phút sẽ có một chuyến tàu cao tốc ra đảo Lý Sơn. Giá vé chiều đi là 178k và chiều về là 160k. Tàu Chín Nghĩa là tàu lớn nhất có 168 chỗ ngồi.
Ở đảo Lý Sơn có khách sạn Mường Thanh là sang trọng nhất, nằm cách bến cảng tàu khoảng 2-3km, hiện nay gần đó đang xây dựng bến cảng, có thể sau này chuyển lại gần đó. Chủ yếu trên đảo Lý Sơn là các nhà khách, nhà trọ gia đình (loại nhà mấy tầng gác, có khoảng 6-10 phòng cho thuê khép kín, chất lượng dịch vụ 1-2 sao). Giá cả từ 250k-400k/ phòng/ đêm (không có ăn sáng). Thuê xe máy 120k một ngày, có sẵn xăng để chạy xe. Ăn uống trên đảo Lý Sơn khá rẻ (theo tôi nghĩ, vì thực phẩm nhiều thứ phải mua từ đất liền mang ra), bán bún chả cá có 25k (rất đầy đặn); cơm trưa, tối bình thường khoảng 70k-80K/ người (canh cá chua, cá kho tộ hoặc thịt dim…). Còn hải sản như tôm hùm, cua huỳnh đế thì đâu cũng đắt như nhau cả: Tôm mũ ni đỏ – một những đặc sản biển nổi tiếng vùng biển Quảng Ngãi có giá từ 1,5-1,7 triệu/ kg, tôm hùm 1,5-1,6 triệu/ kg…