Quảng trường các Anh hùng, Budapest

Chúng tôi đến quảng trưởng vào buổi sáng mùa đông nên bầu trời lúc đó còn hơi u ám. Sau khi đi tham quan lâu đài Vajdahunyad xong quay ra thì trời đã đẹp hơn, nhưng lúc đó không kịp chụp lại ảnh, nên phần lớn hình ảnh tại quảng trường các Anh hùng có phần ảm đạm.

Đây là một trong những quảng trường chính tại Budapest, nơi có rất nhiều các bức tượng về lịch sử của Hungary, như tượng của Bảy thủ lĩnh Magyar, các vị vua và  một số nhân vật quốc gia quan trọng khác của Hungary, ngoài ra còn có đài tưởng niện Các Liệt sĩ vô danh. Các bức tượng tại quảng trường được nhà điêu khắc Zala Gyorgy xứ Lendava thực hiện.

Trung tâm của Quảng trường là Đài tưởng niệm Thiên niên kỷ được xây dựng vào năm 1896, kỷ niệm 1000 năm “Cuộc chinh phục Hungary”, nền tảng của đất nước Hungary ngày nay.

Vào thời điểm xây dựng đài tưởng niệm, Hungary còn đang là một phần của Đế quốc Áo-Hung, do đó 5 khoảng không gian cuối cùng giữa các hàng cột bên trái dành riêng cho các thành viên của triều đình Habsburg. Tượng đài đã bị hư hại trong Thế Chiến II và khi được xây dựng lại thì tượng của các vị vua Habsburg đã được thay thế bằng những tác phẩm điêu khắc hiện nay, đó là tượng của các nhân vật vĩ đại trong lịch sử Hungary.

Ở đây có một “Ngôi mộ của người lính vô danh”, nhưng chỉ là đài tượng niệm, còn sự thực là không có ngôi mộ nào hết, mà dưới tấm bia là một giếng nước khoan. Đằng sau tấm bia có một tấm đồng phẳng, đánh dấu vị trí của một giếng nước khoan được hoàn thành vào năm 1878. Giếng này cung cấp nước cho nhà tắm Szechenyi phía sau tượng đài và nhà tắm Dagaly ở Nepfurdo. Giếng khoan có độ sâu 971 mét và tạo ra 831 lít nước nóng mỗi phút ở 74 độ C.

Tảng đá tưởng niệm các anh hùng ban đầu được dựng lên vào năm 1929, để tưởng nhớ đến những người đã chết vì bảo vệ biên giới 1000 năm tuổi của Hungary, nhưng đã bị dỡ vào năm 1951, vì thông điệp của nó không phù hợp với chế độ Cộng sản. Tảng đá hiện tại đã được xây dựng tại cùng vị trí cũ vào năm 1956. Đài tưởng niệm có một hàng rào bảo vệ, không cho du khách vào sát bên trong. Bộ Quốc phòng chỉ mở cổng cho các quan chức nước ngoài và các nghi lễ chính thức của nhà nước.

Trên đỉnh cột là tượng của Thiên thần Gabriel, tay phải nắm giữ Thánh vương của vị vua đầu tiên của Hungary – Thánh Stephen và tay trái cầm thánh giá kép tông đồ, biểu tượng được Đức Giáo hoàng trao tặng cho Thánh Stephen, để ghi nhận những nỗ lực của ông cải biến Hungary thành vương quốc Kitô giáo.

Bên dưới cột là tượng bảy thủ lĩnh Magyar. Phía trước là Arpad – thủ lĩnh của liên minh các bộ tộc Hungary (thế kỷ IX-X), được coi là người sáng lập vương quốc Hungary, đằng sau là các thủ lĩnh Elod, Ond, Kond, Tas, Huba và Tohotom. Tuy nhiên những nhân vật này và cả trang phục, ngựa của họ được coi là huyền thoại hơn là chính xác trong lịch sử.

Trên đỉnh cột một bên là bức tượng “Người đàn ông với con rắn” tượng trưng cho “Chiến tranh”, bên kia là bức tượng nữ thần Hòa bình.

Trên đỉnh cuối dãy cột bên trái là bức tượng “Cặp vợ chồng” tượng trưng cho  “Lao động và Giàu có”. Còn cuối dãy bên phải là tượng “Cặp vợ chồng” tượng trưng cho “Tri thức và vinh quang”.

Bên cạnh quảng trường có Bảo tàng Mỹ thuật được xây dựng theo phong cách tân cổ điển, giữa năm 1900 và 1906. Bộ sưu tập của bảo tàng là những tác phẩm nghệ thuật quốc tế thuộc tất cả các thời kỳ nghệ thuật của châu Âu với hơn 100.000 hiện vật. Phần lớn các tác phẩm nghệ thuật ở đây được thu thập từ các cung điện Buda, Esterházy, Zichy và các bộ sưu tập cá nhân.

Tôi rất thích kiến trúc của bảo tàng này nên đi vòng quanh bên ngoài tòa nhà. Chưa được vào bên trong xem ngắm, nhưng chỉ bên ngoài thôi cũng đã hấp dẫn lắm rồi.

Bên kia đường, trong một khuôn viên nhỏ phía trước mấy tòa nhà có kiến trúc trông cổ kính, có một bức tượng, tôi không biết là ai, nhưng đứng ở trung tâm Budapest chắc chắn phải là nhân vật có tên tuổi trong lịch sử Hungary.

Chúng tôi không có nhiều thời gian, nên thật sự đã bỏ qua rất nhiều thứ đáng xem ngay ở khu vực quảng trường này. Nếu có dịp quay trở lại Budapest, chắc chắn tôi sẽ dành thời gian nhiều hơn để đi thăm lại quảng trường các Anh hùng.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *