Vì bạn tôi có một ước mơ xây dựng một khu du lịch thật sự gần gũi với thiên nhiên ở Việt Nam, nên khi đến Copenhagen người bạn ấy đã đưa tôi đi xem những gì mà người Đan Mạch đang có ở đây, để học hỏi cách làm của họ. Vậy là chúng tôi đến một khu vườn “tình nguyện”, nơi những người làm việc là những nhà sinh vật trẻ, họ tham gia công việc tình nguyện này để vừa thực hành nghiên cứu, vừa trông giữ một ngôi nhà “trưng bày” bằng gỗ lợp lá, bên trong có các tiêu bản của các loại lá cây, các loại côn trùng, bướm… cho trẻ em có thể đến học tập. Tôi rất tiếc là những bức ảnh chụp trong nhà bị thiếu sáng và rung, nên không có gì cho mọi người xem. Ngoài ra là một khu vườn, khi mới đến tôi có cảm giác nó bị bỏ hoang, vì cây cỏ mọc rất “tự nhiên” không được cắt tỉa, chăm sóc và còn “ngổn ngang” các cây gỗ nữa. Nhưng rồi tôi đã hiểu, tự nhiên là như vậy và đó là cách tốt nhất để cho các em bé có thể hiểu đúng về tự nhiên.
Có một đoàn các em bé mẫu giáo, khoảng hơn hai mươi bé, được ba bốn cô bảo mẫu dắt vào vườn chơi. Tôi rất tò mò, muốn xem cách giáo dục của họ như thế nào. Tất cả các em ngồi xuống xung quanh khu vực được dùng để đốt lửa, nấu bếp và nghe cô giáo giới thiệu, giảng giải và phân công.
Có mấy bé nhỏ tuổi nhất chắc khoảng 3 tuổi, được cô giáo dẫn đi chơi trong vườn và chỉ cho xem các loại quả cây, hoa nở và cả các loại côn trùng nữa.
Một nhóm khoảng 5-6 bé độ tuổi chắc hơn 4, được cô giao cho mỗi bé một cái xô nhỏ (to hơn cốc nước nhựa một chút) và một cái xẻng bé như cái thìa nhựa của ly sinh tố. Sau đó cô giáo đưa ra một con gián đất và giải thích (bằng tiếng Đan Mạch nên tôi không hiểu), nhưng tôi thấy các bé xách xô đi và tìm bới dưới các lớp lá mục. Vậy là cô giáo đã giải thích cho các bé về con gián đất, nó thường sống nơi ẩm và lá mục… và giờ nhiệm vụ của các bé là đi bắt gián đất!
Nhóm các bé lớn hơn có lẽ trên 5 tuổi được cô giao cho một cái xô có miệng to như cái chậu nhỏ và hướng dẫn các bé đi hái quả cây trong vườn. Lúc này chạy theo các bé, tôi mới nhận ra trong khu vườn tưởng như hoang này có nhiều cây quả ăn được. Giờ nhìn thấy trái lê chín vàng, mận, dâu đất… tôi cũng muốn hái ăn, nhưng không nỡ tranh với các bé.
Còn vài bạn có vẻ lớn nhất, tôi thấy cô giáo giữ lại và hướng dẫn vò giấy, xếp củi và châm lửa đốt…Thật tuyệt vời! Một giờ học quá hay mà tôi ao ước các con, cháu mình có thể được học theo cách này.
Các cô đã chuẩn bị sẵn ít trái cây và mứt hoa quả rồi, nhưng khi các bé “lớp nhỡ” mang được mấy quả hái được về, các cô vẫn hướng dẫn các bé rửa sạch và cho vào nồi, rồi bắc lên “bếp” là mấy viên đá, bên dưới đã có củi cháy để đun lên…
Trong khi “chờ” mứt hoa quả chín, các bé chạy chơi trong vườn, và tôi hiểu rằng mấy khúc gỗ nằm ngổn ngang kia chính là ‘đồ chơi” của các bé. Thứ đồ chơi mà một vài lần tôi đã nhìn thấy trong bản dân tộc xa xôi và thầm thương xót bọn trẻ lúc đó. Nhưng giờ thì tôi lại có cái nhìn khác. Chính những thứ “đồ chơi” tự nhiên này đã gắn kết những đứa trẻ với tự nhiên từ khi chúng còn bé. Chúng gần gũi với thiên nhiên, yêu thiên nhiên từ bé thì lớn lên chắc chắn chúng sẽ bảo vệ thiên nhiên.
Trong vườn ngoài mấy cây gỗ ra còn có một vài “bức tượng” được đẽo gọt một cách đơn sơn và mấy ngôi nhà nhỏ xíu, trong đó tôi biết chắc có ngôi nhà được dựng theo cách truyền thống, bằng những cây gỗ lớn ghép lại.
Sau đó các cô cho các bé ăn bánh mỳ với mứt hoa quả được các bé tự hái về và nấu. Thật ngon.
Tôi đã dành cả buổi sáng để đi theo lớp mẫu giáo này và học được rất nhiều điều bổ ích. Ước mong một ngày, chắt chút chít của mình được hưởng nền giáo dục như ở Copenhagen này!