Có lẽ không có cung điện nào lại có cấu trúc phức tạp như cung điện Hofburg, bởi vì nó không nằm trong một khuôn viên, có tường thành bao quanh và ra vào qua những cổng thành, mà lại nằm trên một diện tích rộng, không vuông vắn và tất các các hướng của cung điện đều mở ra phía trước một quảng trường. Quần thể cung điện được xây dựng và mở rộng qua ba giai đoạn, chính vì vậy mặc dù đã đi thăm “quần thể” cung điện Hofburg hai lần, nhưng tôi cũng không biết mình đã đi được những nơi nào, dù chỉ là bên ngoài các công trình trong quần thể cung điện này.
Cung điện Hofburg Vienna đã từng là cung điện hoàng gia mùa đông, nơi vua và gia tộc sống phần lớn thời gian, còn cung điện Schonbrunn là nơi ở mùa hè của các triều đại Habsburg. Ngày nay Cung điện Hofburg Vienna là nơi ở chính thức và nơi làm việc của Tổng thống Áo. Vì tòa nhà phức tạp và chúng tôi lại đi du lịch tự do, nên có lẽ tôi sẽ chia sẻ với mọi người những nơi tôi đã đến thăm, có thể còn thiếu nhiều điểm và không đúng với trình tự tham quan có lẽ logich hơn.
Chúng tôi bắt đầu từ quảng trường Heldenplatz (quảng trường lâu đài cũ), hay còn có tên là quảng trường Anh hùng. Quảng trường này rộng có một con đường chạy qua chia đôi quảng trường. Lâu đài Neue Burg nằm trên quảng trường này.
Lâu đài Neue Burg được xây xong vào năm 1913, có lẽ là tòa nhà mới nhất trong quần thể cung điện Hofburg Vienna. Hiện nay trong tòa nhà này có một số bảo tàng, như bảo tàng Ephesos (trưng bày bộ sưu tập vũ khí và áo giáp), bảo tàng Nhạc cụ cổ đại, bảo tàng Dân tộc học và các phòng đọc của thư viện quốc gia. Ở đây cũng có trụ sở thường trực của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE).
Phía đối diện với lâu đài Neue Burg, bên kia quảng trường có bức tượng Hoàng đế Francis Joseph I, được khánh thành vào năm 1860, với ý nghĩa tôn vinh triều đại Habsburg là những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại của Áo.
Còn ngay trước mặt lâu đài Neue Burg là bức tượng Hoàng tử Eugene xứ Savoy được khánh thành vào năm 1865. Cả hai bức tượng đều được nhà điêu khắc Anton Dominik cùng với Eduard Null thiết kế.
Các cung điện và lâu đài của Vienna thường đường trang trí bằng nhiều bức tượng, nên chỉ cần chiêm ngưỡng những bức tượng bên ngoài đã phải mất rất nhiều thời gian rồi, chưa nói đến tham quan bên trong các cung điện này. Đây là tầng trên của mặt tiền lâu đài Neue Burg với rất nhiều bức tượng và trang trí tinh xảo.
Chúng tôi đi qua cổng Cổ của pháo đài để vào bên trong cung điện Hofburg Vienna. Đây là phần còn giữ lại khi các bức tường thành được tháo dỡ, được xây dựng vào năm 1824 do Hoàng đế Francis I khánh thành để vinh danh các cựu chiến binh trong Chiến tranh Napoléon, ở phía dưới nằm phía tay phải của lâu đài Neue Burg.
Cổng Cổ đi phía dưới tòa lâu đài Leopoldine, tòa nhà được xây dựng lần đầu tiên vào những năm 1660 dưới thời Hoàng đế Leopold I và do đó được đặt theo tên ông, nhưng sau cuộc bao vây năm 1683 của người Thổ Nhĩ Kỳ, lâu đài này được xây dựng lại, hiện nay là văn phòng của Tổng thống Liên bang Áo.
Quảng trường bên trong là phần cổ nhất của cung điện Hofburg Vienna, nơi có Amalienburg – một cung điện thời Phục hưng, phía trên mái có tháp đồng hồ và bên dưới là đồng hồ thiên văn. Tòa lâu đài Leopoldinischer bên tay phải, đối diện với Amalienburg. Ảnh dưới là cung điện Amalienburg nằm phía sau tượng đài.
Việc xây dựng tổ hợp cung điện được tiến hành từ năm 1533, khi vua Ferdinand I quyết định chuyển nơi ở chính đến Vienna, biến nó thành thủ đô của Đế chế La Mã thần thánh. Khu vực Alte Hofburg này được hoàn thành vào năm 1552.
Hoàng tử Rudolf muốn xây dựng cung điện riêng cho mình nên đã cho xây dựng Amalienburg tách ra khỏi cấu trúc sẵn có. Một khoảng sân đã phân cách hai tòa lâu đài. Giữa sân đặt tượng đài lớn tôn vinh Hoàng đế Francis, Hoàng đế La Mã thần thánh. Tượng đài được nhà điêu khắc người Ý Pompeo Marchesi tạo ra vào năm 1824-1846, mô tả hoàng đế trong trang phục La Mã cổ điển trên đỉnh cao, phía dưới có bốn bức tượng khác.
Cung điện hoàng gia Chancellery là một phần của cung điện cổ, đã từng là nơi ở của Hoàng đế Francis Joseph I, nằm bên tay trái của tượng đài.
Lâu đài Thụy sĩ, cung điện Chancellery, lâu đài Amalienburg và lâu đài Leopoldine tạo thành một quần thể kiến trúc, xung quanh sân bên trong cung điện. Đây là cổng vào lâu đài Thụy Sĩ, có hai con sư tử đứng chầu, dẫn vào sân cổ nhất trong cung điện, nơi bao quanh bởi một Kho bạc (hiện tại là bảo tàng) và một nhà thờ nhỏ.
Đây là bức tượng vua Joseph II, được tạo ra năm 1807.
Và những bức tượng trang trí trên tường của cung điện cổ.
Khi ra đến quảng trường, chúng tôi mới biết thông thường người ta vào thăm cung điện Hofburg từ quảng trường Thánh Michaeler, một cổng ra vào có phong cách Baroque và được trang trí rất cầu kỳ với bốn bức tượng của Hercules đầy sống động và biểu cảm.
Lâu đài Thánh Michaeler được xây dựng năm 1889 – 1893, là công trình thuộc giai đoạn mở rộng cung điện lần cuối cùng, nằm áp lưng với cung điện Chancellery.
Đây là mặt bên trong của tòa nhà, hai bên cổng cũng được trang trí bằng hai bức tượng theo thần thoại Hy Lạp.
Đây là một mái vòm trong con đường đi từ quảng trường Thánh Michaeler vào sân trong của cung điện, nơi có nhiều người để xe đạp của họ để đi bộ vào tham quan bên trong. Cũng như nhiều nơi khác trong cung điện Hofburg Vienna, mỗi mái vòm đều có bốn bức tượng điêu khắc rất sống động các nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, mà nếu ai đó nhớ thì sẽ hiểu được câu chuyện xuyên suốt qua những bức tượng này. Tôi rất tiếc là mặc dù đã đọc, nhưng tôi không nhớ được các nhân vật trong thần thoại Hy Lạp.
Từ tháng 9/1958, một phần của cung điện Hofburg Vienna đã được mở cho công chúng, nơi tổ chức các hội nghị, triển lãm, sự kiện. Mỗi năm tại đây tổ chức khoảng 300 đến 350 sự kiện, với khoảng 300.000 đến 320.000 khách. Trong số các sự kiện có các hội nghị và hội họp cũng như tiệc chiêu đãi, hội chợ, buổi hòa nhạc, biểu diễn nghệ thuật và khiêu vũ. Ảnh dưới là cổng ra vào khác của cung điện Hofburg Vienna.
Cung điện Hofburg Vienna còn có mấy tòa lâu đài nữa và cả nhà thờ, nhưng tôi hoặc có thể đã đi qua mà không nhớ hoặc chưa đặt chân đến, nên không thể chia sẻ thêm gì được nữa. Có lẽ tôi phải quay lại Vienna lần nữa, nếu có điều kiện, để xem lại những gì đã xem và xem nốt những gì còn bỏ sót.