Quê nội tôi ở Phù Lưu, bên cạnh làng Đình Bảng nên tôi có dịp đến đền Đô nhiều lần, mỗi khi về thăm quê. Ảnh chụp cổng đền Đô nhìn từ trong ra phía ngoài.
Đền Đô có nhiều thay đổi trong những năm gần đây. Ngôi đền Đô mỗi lần tôi đến thăm lại thấy khang trang hơn trước. Và lần này tôi cảm thấy rất phấn trấn khi bước vào khuôn viên rợp bóng mát của những cây đa được các nguyên thủ và lãnh đạo nhà nước trồng, thấp thoáng mái ngói nâu với những đường cong họa tiết của ngôi đền.
Mặc dù Đền Đô đã được tu sửa nhiều, nhưng vẫn giữ được sự giản dị của kiến trúc đền chùa miền Bắc. Toàn bộ khu di tích Đền đô được chia làm hai khu vực nội thành và ngoại thành. Nghe thì có vẻ rắc rối, nhưng bạn đừng lo, đã có sơ đồ chỉ dẫn chi tiết bên tay trái, ngay khi bạn bước vào cổng Đền Đô bạn sẽ nhìn thấy. Cổng vào nội thành đền Đô vẫn theo truyền thống “Tam quan” cổng lớn ở giữa, hai cổng nhỏ hai bên, còn được gọi là Ngũ Long Môn vì hai cánh cổng có trạm khắc hình năm con rồng.
Bên tay trái của cổng là bức cuốn thư “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn có chiều cao 3,5 mét, rộng hơn 8 mét, được ghép lại từ 214 chữ Hán làm bằng gốm Bát Tràng.
Qua cổng Tam quan là bước vào bên trong Nội thành đền Đô, bao gồm có Ngoại cung và Nội thất.
Ngoại cung là diện tích khuôn viên sân bên trong không rộng lắm, gồm có Phương Đình, nhà Tiền tế, điện thờ Mẫu, nhà kiệu và nhà khách. Còn Nội thất là hậu cung nơi thờ tám vị vua nhà Lý.
Phương Đình có hình vuông, kiến trúc chồng diêm tám mái hai tầng, các đầu đao uốn cong mềm mại, nơi đặt bàn thờ công đồng và có đặt chiếc trống và chiêng. Tiếp sau đó đến nhà Tiền tế 7 gian. Phía bên trái điện thờ có treo tấm bảng ghi lại “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ với đúng 214 chữ, ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý.
Bên trong cùng là nội thất Đền Đô là Cổ Pháp điện gồm 7 gian, nơi đặt bàn thờ tám vị vua nhà Lý có tượng và bài vị của từng Vua.
Phía trước Phương Đình có đôi voi đá quỳ phục.
Hai bên là nhà thờ Mẫu, nơi đặt bàn thờ các vị hoàng hậu đã có công giúp vua Lý cai quản đất nước.
Nhà chủ kho và nhà khách.
Ngoại thành hai bên là đền thờ quan Võ
Bên trong đền thờ quan võ chỉ có bàn thờ chung cho các quan võ phụng sự nhà Lý, trong đó có Tô Hiến Thành và Lý Đạo Thành.
Và đền thờ quan văn.
Đền thờ quan văn có ba bàn thờ ba vị quan văn là Lý Thường Kiệt và Lê Phụng Hiểu, Đào Cam Mộc.
Xung quanh hồ nước là hàng cột bảo vệ bằng đá được trạm khắc công phu. Ở giữa hồ nổi bật ngôi thủy đình mái hai tầng rất đẹp.
Đây là nơi để các chức sắc ngày trước ngồi xem biểu diễn rối nước. Thủy đình đền Đô xưa đã được Ngân hàng Đông Dương thời Pháp thuộc chọn làm hình ảnh tiêu biểu in trên tờ giấy bạc 5 đồng.
Đền Đô được xây dựng vào thế kỷ XI trên khu đất mà theo Thiền sư Lý Vạn Hạnh cho rằng nơi hội tụ của thiên khí, nơi có thế 8 đầu rồng chầu về. Khi vua Lý Công Uẩn băng hà (1028), Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, Ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha và cũng từ đó đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý.
Năm 1952, đền Đô bị giặc Pháp chiếm và phá huỷ hoàn toàn. Sau đó từ năm 1989 đền được xây dựng lại và từng bước nâng cấp, sửa sang như ngày nay. Ảnh dưới là bố tôi, dịch giả Thúy Toàn, người con của đất Phù Lưu.
…Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…
Nhà thơ Hoàng Cầm đã viết về vùng kinh bắc, cũng là quê ông, như thế, một vùng đất đẹp, trữ tình mang hồn Việt cố, là một nơi nhất định phải đến nếu bạn muốn hiểu thêm về Việt nam.
A must-see for everyone!