Tôi đã có duyên nhiều lần được đến Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên và đã hai lần được ăn trưa cùng với các sư và các tập sự ở Thiền viện.
Cũng như hai Thiền viện ở Đà Lạt và Yên Tử, Thiền viện Tây Thiên tọa trên một ngọn núi nhỏ, giữa rừng thông vi vu, nhìn ra phía đồng bằng trải rộng phía bên dưới.
Ở đây vừa yên tĩnh, vừa thoáng đãng, trong lành, thật sự là nơi tu học tốt. Hiện nay có rất nhiều người không phải xuất gia đi tu, mà chỉ muốn nghiên cứu Đạo Phật và nghe những điều giảng dạy về Phật giáo cũng có thể tham gia các khóa học ở đây. Hàng năm rất nhiều thanh thiếu niên đến tu tập trong các khoá tu, nhiều gia đình ở Hà Nội gửi con lên đây để các nhà sư dạy đạo làm người, nhất là trong dịp hè.
hiền viện Tây Thiên là nơi đào tạo về Phật giáo có hệ thống, bài bản giúp cho những tín đồ Phật giáo Việt Nam có thể hiểu biết sâu rộng về Phật giáo và giao lưu được với Phật tử các nước khác có Phật giáo. Thiền Viện Tây Thiên được xây dựng xong năm 2005 sau 15 tháng thi công, nằm cách Hà Nội khoảng 85km, trên đường đi lên khu nghỉ mát Tam Đảo.
Tòa nhà Chính điện – Đại hùng bửu điện nằm chính giữa Thiền Viện, có chiều cao 17m, diện tích 675m2, có 4 trụ đỡ, có đủ chỗ cho 600 phật tử, du khách ngồi thiền hoặc ngồi nghe giảng phật pháp.
Trong chính điện thờ tượng Phật Tổ cùng với hai câu đối: Phước đức sâu dày do gieo nhân đạt quả, Tuệ giác tròn đầy bởi bát nhã gội nhuần và Phật giáo chỉ đường lìa mê về bến giác, Thiền tông không lối trực ngộ đến chân như.
OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Tượng Phật Tổ trong Đại Hùng Bửu Điện
OLYMPUS DIGITAL CAMERA
OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Bên trái tòa chính điện là gác Chuông, bên phải là Lầu Trống.
Trống được làm từ gỗ mít rừng Gia Lai, có đường kính lên đến 1,5m, dài 2m; Chuông có trọng lượng 2 tấn.
Phía sau chính điện là Nhà Tổ thờ tượng Trúc Lâm tam tổ.
Một phiến đá ghi lời răn trong khuôn viên của Thiền Viện.
Trong khu Thiền viện còn có nhà ăn phục vụ cơm chay cho các phật tử và du khách và tôi cũng đã được tham gia hai lần và trải nghiệm nghi lễ trong bữa ăn rất ấn tượng. Đến giờ ăn, các nhà sư xếp hàng theo thứ tự lần lượt đi đến nhà ăn.
Sau đó là những học viên cũng xếp hàng như vậy.
Mỗi người đều có một bát ăn bằng innox và một cái thìa. Vào nhà ăn, moi người xếp hàng lần lượt đi lấy đồ ăn chay và để vào bát của mình rồi tìm một chỗ trong các dãy bàn ăn. Phía bên trên là chỗ dành cho các vị sư, rồi đến các học viên, còn khách vãng lai thì ngoài xa bên dưới. Trước khi ăn, vị sư trụ trì căn dặn vài điều, sau đó mọi người ăn trong im lặng. Tôi rất ngạc nhiên khi bát và thìa đều bằng innox mà không một ai gây ra tiếng động nào và tôi đã phải rất cố gắng để có thể không làm phiền mọi người. Ăn xong, mỗi người tự mang bát của mình ra bếp phía sau và tự rửa sạch, rồi úp lên rổ đặt ở đó.
Trong Thiền viên có Nhà sách bán kinh phật và đồ lưu niệm và Thư Viện, nơi có rất nhiều sách Kinh Phật và các tài liệu khác về đạo Phật.
Thiền viện có Khu nội viện gồm tăng đường, thiền đường và trai đường. Thiền viện có khoảng 40 phòng để khách tăng và khách ni ở xa đến có thể nghỉ lại chùa tham quan và nghiên cứu phật pháp trong khoảng thời gian từ 1 – 2 tuần và tất cả việc ăn ở tại thiền viện đều miễn phí. Bạn có thể công đức cho Thiền Viện tùy tâm.
Nếu có điều kiện, bạn có thể dành kỳ nghỉ cuối tuần để trải nghiệm một cuộc sống khác hẳn ở Thiền viện Tây Thiên Tam Đảo.
OLYMPUS DIGITAL CAMERA