Ngày thứ ba ở Paris, chúng tôi đi tàu điện ngầm tới ga Charles de Gaulle-Etoile để đên thăm Khải Hoàn Môn trước tiên. Dự kiến hôm nay chúng tôi sẽ đi dọc đại lộ Elysées, rồi lại đến sông Seine, nhưng hôm nay chúng tôi sẽ đi bên này sông để đến Louvre.
Công trình Khải Hoàn Môn có tính biểu tượng của Paris do Napoléon cho khởi xướng xây dựng vào năm 1806 để vinh danh quân đội Đệ Nhất Đế chế Pháp, nhưng do đế chế bị sụp đổ, nên công việc bị đình lại và được vua Louis-Philippe khánh thành vào năm 1836. Năm 1840, thi hài của Napoléon – người quyết định xậy dựng công trình – được đưa qua Khải Hoàn Môn trước khi về điện Invalides.
Đầu thế kỷ XVII vị trí của Khải Hoàn Môn thuộc ngoại ô của Paris. Năm 1616, hoàng hậu Marie de Médicis quyết định mở một con đường dài trồng cây hai bên để đi dạo, đó chính là đại lộ Champs-Elysées ngày nay. Trong thế kỷ 17, khu vực Champs-Elysées dần được đô thị hóa và quảng trường Étoile được lập nên vào năm 1670, nhưng vẫn nằm bên ngoài bức tường thành do vua Louis XIII xây từ 1633 đến 1636. Năm 1787, bức tường Thuế quan được xây dựng để kiểm soát hàng hóa vào Paris và đi qua quảng trường Étoile, là giao lộ của năm con đường lớn.
Khải Hoàn Môn có kích thước mặt đứng gần hình vuông, chiều rộng 45 mét, cao 50 mét, là công trình tổng thể điêu khắc lớn nhất của Pháp trong thế kỷ XIX. Các mặt của công trình được trang trí bằng nhiều bức phù điêu, tượng và khắc tên các nhân vật nổi tiếng trong giai đoạn Cách mạng và Đế chế.
Chúng tôi đi một vòng quanh Khải Hoàn Môn rồi bắt đầu vào đại lộ Champs-Elysées. Cái tên Champs-Elysées có nghĩa là Cánh đồng Elysées được bắt đầu là con đường trồng cây để đi dạo của hoàng hậu Marie de Médicis vào năm 1616.
Cuối thế kỷ XIX nơi này bắt đầu mọc lên nhiều nhà hàng, rạp xiếc, quán cà phê… và trở thành địa điểm thu hút giới giàu có. Năm 1900, nhân dịp Triển lãm thế giới, hai công trình là Cung điện Lớn Grand Palais và cung điện Nhỏ Petit Palais được xây dựng bên đại lộ Winston-Churchill, gần đoạn đầu đại lộ Champs-Elysées và sau đó năm 1902 đường tàu điện ngầm số 1 được khánh thành đã khiến các khách sạn lớn, các ngôi nhà sang trọng xuất hiện kéo theo những phát triển thương mại bùng nổ trên đại lộ này. Từ những năm 1930, các văn phòng kinh doanh giao dịch bắt đầu tập trung về đây. Đại lộ cũng dần trở thành nơi tổ chức các lễ hội, sự kiện lớn của Pháp.
Tới năm 1994, đại lộ Champs-Elysées được cải tạo một lần nữa, phần đường dành cho xe hơi được bố trí lại và bãi đậu xe được chuyển xuống xây dưới lòng đất, nền được lát bằng đá granit xám và đại lộ trở lại hình dáng ban đầu, với vỉa hè đi bộ rộng lớn và hàng cây xanh.
Trên đại lộ Champs-Elysées chủ yếu là các cửa hàng sang trọng của các hãng nổi tiếng trên thế giới.
Chúng tôi đi dọc đại lộ, giữa những tòa nhà và những hàng cây. Thỉnh thoảng cũng có một quán café nhỏ bên đường, nhưng có lẽ rất đắt tiền, vì ở giữa con phố sang trọng nhất Paris cơ mà.
Cuối đại lộ đang tổ chức hội chợ Giáng Sinh rất nhộn nhịp.
Kết thúc đại lộ Champs-Elysées là nơi có Cung điện Lớn Grand Palais, cung điện Nhỏ Petit Palais và cầu Alexandre-III, được xây dưng nhân dịp Triển lãm thế giới năm 1900, do kiến trúc sư Charles-Louis Girault thiết kế.
Năm 1902, cung điện Nhỏ trở thành Cung điện mỹ thuật của Paris và đón nhận một bộ sưu tập lớn các tác phẩm từ Cổ đại đến cuối thế kỷ XIX. Sau đó, bộ sưu tập này tiếp tục được phong phú thêm nhờ các tặng phẩm.
Mặt tiền của cung điện Nhỏ dài gần 150 mét, ở chính giữa là cửa lớn có hình vòm. Cung điện Nhỏ được xây dựng tạo thành một khu vườn hình bán nguyệt ở giữa. Tầng một với tổng diện tích 22 000 m² mở thêm những không gian triển lãm. Các tác phẩm cất trữ được để dưới tầng hầm.
Bộ sưu tập chính trưng bày thường xuyên được bố trí ở khu vực bên trái lối vào. Còn bên phải là không gian dành cho triển lãm. Phía cuối vườn, một hàng cà phê phục vụ khách tham quan.
Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ I Cung điện Lớn được sử dụng làm doanh trại quân đội thuộc địa của Pháp trước khi họ ra mặt trận đồng thời cũng được sử dụng làm bệnh viện để giải tỏa lượng thương binh quá lớn tập trung ở các bệnh viện Paris khi đó.
Trong chiến tranh thế giới thứ II Paris bị quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng, sảnh lớn của Cung điện Lớn bị trưng dụng làm kho phương tiện quân sự. Tháng 8/ 1944 gian giữa của tòa nhà bị đánh bom gây cháy, tuy nhiên thiệt hại không lớn và Cung điện Lớn được bảo vệ gần như toàn ven cho đến hết chiến tranh.
Tòa nhà chính của Cung điện Lớn dài 240 m được che phủ bằng một mái cực lớn cấu tạo bởi 9.000 tấn thép, sắt và kính với chiều cao tối đa 45 m. Riêng khối lượng kim loại được sử dụng là vào khoảng 6.000 tấn, tương đương với khối lượng kim loại dùng cho tháp Eiffel. Phía mặt ngoài của cung điện có hàng cột lấy cảm hứng từ hàng cột của cung điện Louvre do Claude Perrault thiết kế.
Đi qua cung điện chúng tôi đến Quảng trường Concorde hay còn gọi là quảng trường Cộng Hòa nằm tại đầu phía đông của đại lộ Champs-Élysées, ngay bên bờ sông Seine. là quảng trường rộng nhất Paris, đứng thứ hai tại Pháp và thứ 11 trên thế giới.
Năm 1748 Paris quyết định xây dựng một quảng trường để đặt bức tượng vua Louis XV cưỡi ngựa, chúc mừng nhà vua khỏi bệnh và đặt tên là Quảng trường Louis XV. Năm 1770, một thảm kịch đã diễn ra tại quảng trường, đã có 133 người đã chết do ngạt thở và do bị giẫm đạp khi một quả pháo hoa rơi xuống và gây nên hoảng loạn khi đi xem bắn pháo hoa chào mừng đám cưới của hoàng tử Pháp Louis XVI và công chúa nước Áo Marie Antoinette. Trong thời kỳ diễn ra Cách mạng Pháp, quảng trường trở thành một nơi đẫm máu khi máy chém được đặt tại đây. Cũng chính nơi đây, vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette cùng nhiều người khác đã bị xử tử năm 1793.
Ngày 12/7/1789, đám đông biểu tình đã đụng độ với quân lính của hoàng tử Lambesc tại vườn Tuileries và ngày hôm sau đã tổ chức cướp phá kho bảo quản đồ đạc của hoàng gia để lấy khí giới đến cướp ngục Bastille. Năm 1792, tượng đài vua Louis XV bị kéo đổ, đập tan và quảng trường Louis XV được đặt tên lại thành Quảng trường Cách mạng.
Năm 1831, vị phó vương Ai Cập – Muhammad Ali – đã biếu tặng cho nước Pháp hai cây cột đá Obélisque dưới thời vua Ramesses II của đền Luxortại Thebes, Ai Cập. Sau 2 năm rưỡi vận chuyển năm 1833, một cây cột đã được chở về đến Paris theo lệnh của vua Louis-Philippe I và ngày 25/10/1836, nó đã được làm lễ dựng lên giữa quảng trường. Cây cột hơn 3.300 năm tuổi này (từ thế kỷ XIII trước Công nguyên) có chiều cao 22,86 mét, nặng 227 tấn, được tạc nguyên khối từ đá syenite hồng, bốn mặt được tạc chìm các chữ tượng hình Ai cập cổ thể hiện các vinh quang của Pharaon Ramesses II. Nó được đặt chính giữa quảng trường trên một bệ đỡ cao 9 mét, và riêng chóp nhọn mạ vàng trên đỉnh cũng có chiều cao lên tới 3,5 mét. Chóp nhọn này đã được mạ vàng vào đợt trùng tu năm 1998 dưới sự tài trợ của Pierre Bergé và Yves Saint-Laurent.
Hai đài phun nước của “Các đại dương” và “Các dòng sông” được xây dựng năm 1840 để tôn vinh thành tựu đạt được trong việc phát triển của giao thông đường thủy. Các tác phẩm được mô phỏng theo các đài phun của Quảng trường Saint-Pierre, thành phố Roma. Đài phun nước của “Các dòng sông” nằm ở phía bắc tượng trưng cho hai con sông lớn Rhin và Rhône và còn là biểu tượng cho sự bội thu lúa mì và nho. Đài phun nước “Các đại dương” tại phía nam của quảng trường tượng trưng cho biển Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và nghề đánh bắt cá biển. Bồn nước được làm bằng đá cẩm thạch mài bóng, phần đài phun, các bức tượng và họa tiết trang trí thì được làm từ gang đúc sẵn và được sơn theo phương pháp sơn mạ đồng mới.
Ở phía bắc, hai tòa nhà lớn được xây bằng đá trắng giống hệt nhau, tiêu biểu cho kiến trúc thế kỷ XVIII. Mặt tiền của công trình được Gabriel thiết kế và xây dựng trong khoảng từ năm 1766 đến 1775 với hàng cột được phỏng theo những nét chính của hàng cột bảo tàng Louvre với các đế và mũ cột to, chi tiết vòng hoa trang trí hình oval… Tường được trang trí bằng những điển tích văn học, họa tiết thuộc nông nghiệp, thương mại hay họa tiết thể hiện sự phồn vinh, hạnh phúc…
Quảng trường nằm ngay cạnh vườn Tuileries, và con đường xuyên qua khu vườn này sẽ dẫn đến cung điện Louve.
Vườn Tuileries nằm trong cung điện hoàng gia Tuileries trước đây, nhưng cuối thế kỷ XIX, cung điện bị đốt cháy và phá hủy nên giờ chỉ còn vườn Tuileries. Được vua Louis XIV tạo ra từ thế kỷ XVI và được mở cho công chúng, trở thành khu vườn công cộng đầu tiên của Paris.
Trong vườn có hai hồ nước một lớn một nhỏ hình bát giác, giờ trên mặt nước đã có một lớp băng nhỏ.Vua Henri IV và Hoàng hậu Margot đã tổ chức đám cưới tại khu vườn này.
Đến thời Louis XIII, vườn Tuileries được mở cho công chúng nhưng chỉ tầng lớp thượng lưu. Tới thời Louis XIV, cung điện Tuileries được xây dựng mở rộng và cải tạo từ một khu vườn Trung Cổ thành khu vườn phong cách Pháp và thời kỳ này triều đình Pháp chuyển về lâu đài Versailles nên Vua Louis XIV cho phép tất cả mọi người dân được vào thăm vườn, với điều kiện phải ăn mặc chỉnh tề. Tuileries trở thành vườn công cộng đầu tiên của Paris.
Khi Louis XIV qua đời, Louis XV mới năm tuổi và được nhiếp chính đưa trở lại cung điện Tuileries. Năm 1719, nhiều tác phẩm điêu khắc được chuyển từ công viên Marly về Tuileries trang trí trong lối đi của vườn. Đã bắt đầu mùa đông, những chiếc lá xanh cuối cùng, chuyển vàng rồi lần lượt rơi xuống. Khu vườn xinh đẹp mùa hè đã mất đi vẻ đẹp quyến rũ của nó.
Ở đây cũng có rất nhiều người da đen bán đồ lưu niệm, giống như ở khu vực tháp Eiffel, cũng trong “quầy hàng di động” là những chiếc khăn vuông trải ra trên đất và mặt hàng khá đa dạng, từ đồ lưu niệm đến mũ len và găng tay.
Còn đây là một người giữ trật tự ở khu vực này. Có lẽ vì quá rộng nên anh ấy phải đi bằng xe đạp. Anh ấy cũng là người da đen, có thể anh ấy sẽ thông cảm cho đồng hương của mình.
Tiếp tục đi chúng tôi đã nhìn thấy Louvre phía trước. Nhưng có lẽ tôi sẽ dừng lại ở đây, để kể về Louvre trong một bài khác.