Khu Phố Nhỏ Praha – Mala Strana
Tôi đã chia sẻ với mọi người về khu Phố Cổ của Praha, giờ thì tôi muốn đưa bạn đến với khu Phố Nhỏ. Praha nằm trong thung lũng rộng của sông Vltava, đoạn chảy qua thành phố dài 30 km, tạo thành một vòng lớn ở phía bắc. Khu Phố Nhỏ Praha nằm bên kia bờ sông Vltava, còn Khu Phố Cổ và khu Phố Mới Praha nằm phía bên này bờ sông.
Trong 500 năm đầu công nguyên, khu vực này đã có người Đức sinh sống và sang TK VI người Slav bắt đầu đến đây định cư. Vào TK IX lâu đài Praha đã được xây dựng trong Mala Strana – Khu Phố Nhỏ Praha và vào TK X lâu đài thứ hai ở Vysehrad được dòng họ Přemyslid xây dựng. Được hai tòa lâu đài – như hai pháo đài vững chãi bảo vệ, khu định cư ở hai bên bờ sông Vltava dần phát triển thành nơi cư trú của các nghệ nhân địa phương và các thương gia Đức và Do Thái. Từ bên này sông Vltava, Lâu đài Praha nổi bật trên nền trời xanh, cùng với màu đỏ mái ngói của những cung điện và tòa nhà của Mala Strana – khu Phố Nhỏ.
Chúng tôi đi dọc bờ sông Vltava và lên Cầu Karl – người Việt Nam mình gọi là cầu “Tình” để đi thăm khu Phố Nhỏ. Cầu Karl còn gọi là Cầu Charles được bắt đầu xây vào năm 1357 dưới sự bảo trợ của hoàng đế Karl IV và hoàn thành vào đầu TK XV, ban đầu được gọi là cầu đá, nhưng đã được đổi tên “Cầu Karl” vào năm 1870. Đây là cây cầu cổ nhất bắc qua sông Vltava và là một trong những cây cầu đá cổ nhất của châu Âu. Đây là cổng dẫn lên cầu từ phía khu Phố Cổ Praha.
Cầu Karl là kết nối quan trọng nhất giữa Lâu đài Praha và khu Phố Cổ cùng các khu vực lân cận, đây cũng là tuyến đường đăng quang của các vị vua Bohemia. Ảnh chụp từ trên cầu về phía Phố Cổ Praha.
Cây cầu dài 621 mét, rộng gần 10 mét, nằm trên 16 vòm cầu được bảo vệ bằng những phần ngăn băng và tuyết đóng tụ thành mảng lớn. Cầu có ba tòa tháp ở hai đầu cầu và trên cầu được trang trí bằng 30 bức tượng, hầu hết theo phong cách baroque, ban đầu được dựng lên vào khoảng năm 1700, nhưng bây giờ tất cả được thay thế bằng những bản sao.
Trên cây cầu là thế giới của nghệ thuật hội họa và âm nhạc. Ba mươi bức tượng với chủ đề tôn giáo đã là câu chuyện dài, bên cạnh đó là những nhạc công và các họa sĩ đường phố đang ngày đêm làm sống dậy một thế giới khác biệt trên cây cầu kỳ diệu này.
Cây cầu chỉ dài hơn 600 mét, nhưng tôi đã ở trên đó cả giờ đồng hồ và tôi đã quay trở lại cây cầu này nhiều lần. Những con thiên nga bơi lội dưới sông Vltava suốt cả mùa đông giá rét, cũng là điều hấp dẫn tôi mỗi lần đứng trên cầu này.
Ở đầu bên này cầu có hai cổng tháp cầu, đưa bạn vào khu Phố Nhỏ và Lâu đài Praha.
Bạn sẽ được ngắm cầu “Tình” từ bên bờ sông, nơi những con thiên nga thường “tụ tập”…
Qua hai tháp cổng của Cầu Charles, bước chân vào khu Phố Nhỏ Praha bạn sẽ phải “leo dốc” chút đỉnh, vì quần thể tòa Lâu đài và cả khu Phố Nhỏ nằm trền ngọn đồi thoai thoải từ bờ sông đi lên. Lâu đài Praha là một quần thể phức hợp và vô cùng rộng lớn, có diện tích gần 750.000 feet vuông và là lâu đài cổ đại lớn nhất trên thế giới. Đây là văn phòng chính thức của Tổng thống Cộng hòa Czech. Cổng bước vào Lâu đài luôn có lính canh gác và lúc nào cũng đông khách du lịch.
Lâu đài là vị trí quyền lực của các vị vua của Bohemia, các vị hoàng đế La mã và tổng thống Czech. Vương miện đá quý được lưu giữ trong một gian phòng bên trong lâu đài. Để vào tham quan Lâu đài, bạn sẽ đi qua một khu vực kiểm tra vũ khí, nhưng rất nhanh thôi, không hề phiền hà chút nào.
Trong thời kỳ Trung cổ, Giáo hội đóng vai trò quan trọng và có quyền lực rất cao, nhiều khi “lấn áp” cả triều đình, do vậy trong các tòa lâu đài hay trung tâm mỗi thị trấn, bên cạnh tòa nhà của người đứng đầu bao giờ cũng có nhà thờ. Lịch sử của tòa Lâu đài bắt đầu vào năm 870 khi nhà thờ Virgin Maria, do Hoàng tử Borivoj I xây dựng đầu tiên ở đây, nhưng nhà thờ đã bị phá hủy vào TK XIII và chỉ được biết tới nhờ các cuộc khai quật trực tiếp dưới các tòa nhà hành chính hiện tại. Sau đó nhà thờ St. George Praha được xây dựng dưới triều vua Vratislaus I, Công tước của xứ Bohemia và con trai ông là St. Wenceslas, trong nửa đầu của TK X.
Nhà thờ St. George được mở rộng đáng kể vào năm 973 với việc xây dựng thêm tu viện St. George và được xây dựng lại sau một trận hỏa hoạn vào năm 1142. Mặt tiền của Baroque bắt đầu từ cuối TK XVII. Nhà nguyện kiểu Gothic dành riêng cho St. Ludmila và lưu giữ ngôi mộ của vị thánh. Các thánh đường Wroclaw và Boleslaus II của Bohemia cũng ở trong nhà thờ. Với kiến trúc không giống bình thường, bạn sẽ khó nhận ra nhà thờ này giữa các tòa nhà cổ.
Trong TK XIV, dưới triều đại của Charles IV, cung điện hoàng gia được xây dựng lại theo phong cách Gothic và thánh đường của St. Vitus đã bắt đầu xây dựng rộng lớn và được hoàn thành sau gần sáu thế kỷ. Với tất cả tiền của và tâm huyết cũng như tài năng của các kiến trúc sư, điêu khắc, họa sĩ…phần lớn nhà thờ trong thời gian này đều được trang trí sa hoa hơn cả cung điện.
Thánh Wenceslas, người bảo trợ của Bohemia, là một Công tước của triều đại Premyslid, bị Boleslav giết chết vào TK X. Có nhiều truyền thuyết về các phép lạ mà ông đã thực hiện trong cuộc đời và ông đã trở thành một biểu tượng của Kitô giáo, vì đời sống luân lý và cái chết tử vì đạo của ông. Để tỏ lòng kính trọng đối với ông, Hoàng đế Charles IV đã xây dựng nhà nguyện trên mộ ông vào TK XIV. Đây là nhà thờ St. Wenceslas trong quần thể Lâu đài, so với các cung điện và nhà thờ ở đây thì nó khá nhỏ.
Đây là nơi Vua Charles IV đã xây dựng nơi lưu giữ thánh tích của St. Wenceslas cùng với vương miện đá quý và các bức tường của nhà nguyện được trang trí bằng những bức tranh miêu tả cảnh từ cuộc đời của Chúa Giêsu và những truyền thuyết về Thánh Wenceslas. Nếu có thời gian, bạn có thể chiêm ngưỡng và tìm hiểu về St. Wenceslas cũng như nghệ thuật, hội họa trong nhà thờ, bởi nó thật sự là một bảo tàng.
Năm 1485, vua Ladislaus II Jagello bắt đầu xây dựng lại lâu đài, trong đó có tòa nhà Vladislav khổng lồ, do Benedikt Rejt xây dựng, được bổ sung vào quần thể Cung điện Hoàng gia. Các tháp phòng thủ mới cũng được xây dựng ở phía bắc của lâu đài. Đây là bên trong gian phòng Vladislav, nơi bạn sẽ băn khoăn cho những người đứng cuối gian phòng, trong thời kỳ chưa có micro và màn hình để theo dõi, họ sẽ chẳng thể nhìn thấy hay nghe được lời nói nào của Đức Vua.
Sự kiện “Praha thất thủ lần thứ hai” vào năm 1618 đã diễn ra tại lâu đài với cuộc nổi dậy của người Bohemian. Trong cuộc chiến tranh tiếp theo, Lâu đài bị hư hỏng và đổ nát, nhiều tác phẩm từ bộ sưu tập của Rudolph II đã bị người Thụy Điển cướp phá năm 1648. Việc xây dựng lại lâu đài cuối cùng được Nữ hoàng Maria Theresa thực hiện vào nửa sau của TK XVIII. Sau đó Lâu đài trở thành nơi ở của vua Ferdinand I và người kế vị là cháu trai Franz Joseph.
Một con đường khác dẫn vào Lâu đài Praha và khung cảnh tòa Lâu đài nhìn từ phía này thật huyền bí vào mùa đông, khi những chiếc lá trên cành đã rụng hết và nhà thờ khoác một màu xám xịt trong ánh sáng ảm đạm như thế này. Gần Noel nên dọc đường đi người ta buộc những vòng lá thông trang trí.
Những người lính gác chuẩn bị đổi ca. Đây là bộ trang phục mùa thu, còn mấy hôm nữa mùa đông đến, bạn sẽ thấy họ không còn được “thanh thoát” như thế này.
Một con đường bao quanh bức tường của nhà thờ St. George Praha sẽ dẫn chúng tôi đến một sân thượng trên mặt thành cổ của Lâu đài Praha. Xung quanh khu vực này còn khá nhiều những tòa tháp, tòa nhà, tường thành cổ.
Đây là sân thượng trên tường thành cổ. Bức tường thành dầy được xây bằng gạch có độ cao tăng lên dần, nên tôi chỉ có thể ngắm nhìn bên dưới ở đoạn đầu tường thành.
Từ đây Praha hiện ra phía bên dưới thật đẹp. Bạn có thể nhìn thấy hai tòa tháp của nhà thờ St. Nicholas với phần chóp màu xanh ở phía xa.
Con đường từ sân thường đi xuống thành phố chạy qua khu vườn nho trĩu quả và chúng tôi đã được uống nước ép nho, một thứ giải khát lên men, nhưng cũng đủ làm cho khuôn mặt những cô gái ửng hồng.
Hình ảnh Praha bên dưới thay đổi theo mỗi bước chân bước xuống phía dưới, dọc theo bức tường thành. Ở cuối những bậc thang có rất nhiều cửa hàng bán quà lưu niệm, bạn nên mua một vật kỷ niệm ở đây, đừng sợ “hớ” vì giá ở Praha tương đối đồng đều ở mọi điểm du lịch.
Trong khu Phố Nhỏ Praha bên này sông còn có rất nhiều nhà thờ đẹp. Nhà thờ St. Nicholas được xây dựng vào TK XVIII, trên nền đất của nhà thờ đầu tiên từ TK XIII. Các tu sĩ Dòng Tên đã chọn thiết kế của Giovanni Domenico Orsi vào năm 1673 và đặt viên đá nền tảng cho nhà nguyện St. Barbara, nhà thờ được xây dựng trong giai đoạn hai từ năm 1703 đến năm 1711.
Sau đó ngài Kolowrat – một người Czech nổi tiếng, là người bảo trợ lớn nhất cho Nhà thờ St. Nicholas, đã quyên góp toàn bộ mảnh đất của mình để xây dựng nhà thờ và các tòa nhà liền kề ở Phố Nhỏ, hình thành nên một khu dân cư sầm uất.
Bên trong nhà thờ như một cung điện với vô số những bức tranh trên trần nhà, dưới mái vòm, trên những bức tường và những bức tượng Thánh tinh xảo. Tôi luôn say mê ngắm nhìn trang trí bên trong tất cả các nhà thờ. Với tôi, mỗi nhà thờ đều là một viện bảo tàng nghệ thuật.
Nhà thờ Đức Bà trong Khu Phố Nhỏ Praha rất đặc biệt với bức tượng và hình ảnh mô tả Chúa Jessus khi là đứa trẻ sơ sinh, TK XVI, với mặt tiền khá khiêm tốn và nằm ngay trên một con phố nhỏ, rất dễ bị bỏ qua.
Bên trong nhà thờ có rất nhiều bức tượng đồng. Mỗi bàn thờ đều được trang trí rất cầu kỳ, thậm trí là quá cầu kỳ, bởi vì không gian bên trong nhà thờ không rộng lắm.
Đặc biệt có một gian chưng bày rất nhiều những bức tượng Thánh nhỏ, có lẽ là độc nhất vô nhị. Bạn phải đi lên tầng trên phía sau sảnh chính, để ngắm nhìn bộ sưu tập tượng này.
Cũng như ở khu Phố Cổ, ở khu Phố Nhỏ Praha cũng có rất nhiều tòa nhà đẹp và cổ kính, phải mất thêm nhiều thời gian nữa để có thể tìm hiểu được về chúng.
Tòa nhà VJ Rott được xây dựng năm 1890, mặt tiền được trang trí bằng bức tranh của họa sĩ Mikuláš Aleš.
Cột Chúa Ba Ngôi được xây dựng tại quảng trường Malostranske ở khu Phố Nhỏ, với rất nhiều bức tượng các vị thánh và thiên thần xung quanh.
Và một vài tòa nhà cổ xung quanh quảng trường Malostranske tạo nên một quang cảnh rất hấp dẫn. Bạn đang thực sự quay về quá khứ.
Vẫn còn nhiều nơi tôi chưa đến được, hy vọng trong chuyến đi lần sau tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa để tìm hiểu khu Phố Nhỏ Praha.