Khu Phố Cổ Praha (Old Town of Prague)

Đã có rất nhiều sách vở, tranh vẽ và ảnh ca ngợi Praha, một trong những thành phố đẹp nhất châu Âu. Những gì tôi đã trải qua chỉ là một phần nhỏ của Praha và tôi đơn giản chỉ muốn chia sẻ với mọi người những nơi tôi đã được đặt chân đến cùng với những cảm xúc tuyệt vời.
1.jpg
Praha có ba khu vực quan trọng, ghi lại dấu ấn của sự hình thành và phát triển của Praha, đó là Old Town (hay là Stare Mesto) – Khu Phố Cổ Praha, được thành lập từ TK IX;  thứ hai là Mala Strana – Khu Phố Nhỏ Praha, được thành lập từ năm 1257 và thứ ba là New Town – Khu Phố Mới Praha,  được thành lập từ năm 1348. Chúng tôi chụp bức ảnh đài phun nước Kranner nằm gần khu phố cổ khi đang đi dọc bờ sông Vltava để đến khu Phố Cổ. Đài phun nước này được xây dựng lần đầu năm 1845 và lắp đặt tượng đài Franz Joseph I, nhưng đã dỡ bỏ sau thế chiến I, hiện đang cất giữ vào Bảo tàng Quốc gia.
67
Nếu vào Khu Phố Cổ Praha từ phía bờ sông, đầu tiên bạn sẽ gặp là nhà thờ St. Salvator – một phần của quần thể Klementinum, khu phức hợp tòa nhà lớn nhất và lịch sử lâu đời nhất ở khu Phố Cổ. Nhà thờ St. Salvator là một điểm mốc của khu Phố Cổ, nằm ở đầu cầu Charles ngay cổng lối vào Phố Cổ. Ảnh chụp từ cầu Charles, dưới vòng tháp cầu. Đây là nơi luôn luôn đông người nhất, bởi đó là cửa vào quan trọng của cả hai phía, khu Phố Cổ và khu Phố Nhỏ Praha, bên kia cầu.
97
Các tu sĩ Dòng Tên đã xây dựng nhà thờ St. Salvator theo phong cách Gothic từ năm 1578 đến năm 1601, sau đó kiến trúc Baroque quan trọng được thêm vào năm 1649-1654. Các kiến ​​trúc sư nổi tiếng Lurago, Caratti và Kanka đều tham gia xây dựng nhà thờ.
98
Ngày nay, nhà thờ St. Salvator Praha được coi là một trong những di sản quý báu nhất của kiến ​​trúc thời Baroque ở Prague. Mặt tiền của nhà thờ được trang trí bằng những tác phẩm điêu khắc của Jan Jirí Bendl bằng đá cát, là tượng của các vị thánh, phía trên trong hốc tường là bức tượng Đức Trinh Nữ Maria. Bên trong nhà thờ St. Salvator có mái vòm cao được trang trí bằng những bức tranh tôn giáo. Những bức tường được trang trí bằng các loại đá quý. Có rất nhiều tượng Thánh bằng đá được đặt bên trong nhà thờ. Đặc biệt là những chiếc bàn gỗ nơi các con chiên quỳ lễ đều được trạm khắc tinh xảo phía đầu bàn.
Tượng đài vua  Charles IV tại quảng trường nhỏ trong quần thể phức hợp này, phía trước cầu Charles, nối sang khu Phố Nhỏ Praha bên kia sông Vltava.
72
Khu Phố Cổ Praha là nơi định cư của người dân Praha từ thời Trung Cổ, khoảng TK IX và quảng trường Con Gà là trái tim của Phố Cổ. Xung quanh khu Phố Cổ có tường thành và hào nước bao bọc, cho tới TK XIV khi vua Charles thành lập khu Phố Mới, ông đã cho tháo dỡ hết tường thành và hào nước. Vì quyền lực của Giáo hội rất lớn, nên trung tâm của một thành phố bao giờ cũng bắt đầu từ việc xây dựng nhà thờ. Quảng trường khu Phố Cổ bắt đầu từ nhà thờ Đức Bà (Our Lady before Týn) sẽ được kể phía dưới. Ảnh dưới chụp nhà thờ Đức Bà ở giữa, bên tay trái là tháp Đồng hồ Con Gà và tòa Thị chính cổ Praha.
63
Năm 1338 các ủy viên hội đồng của Phố Cổ được Vua Bohemia cho phép đã mua lại tòa nhà Patrician từ gia đình quý tộc Volflin để làm tòa thị chính và di tích của kiến trúc ban đầu đến nay còn lại là cổng Gothic bằng đá ở phía tây của tòa nhà. Vào giữa TK XIV tầm quan trọng của Phố Cổ Praha đã tăng lên nhanh chóng và trở nên thịnh vượng nhờ sự phát triển thương mại và nghề thủ công. Nó đã trở thành một trong những khu vực quan trọng nhất của Trung Âu, vì thế mở rộng tòa thị chính là nhu cầu thiết yếu của Praha.
64
Năm 1355 khi vua Bohemian – Charles IV trở thành Hoàng đế La Mã, Praha đã thu hút sự chú ý của toàn Châu Âu. Tòa thị chính ban đầu đã được mở rộng bằng một tháp đá hình vuông mạnh mẽ, biểu tượng của quyền lực và niềm tự hào của hội đồng thành phố đầu tiên của Vương quốc và Đế quốc. Năm 1364 khi hoàn thành, tháp cao nhất trong thành phố Praha.
62
Tòa nhà “Minute” được bán cho hội đồng thị trấn để mở rộng Tòa thị chính vào năm 1896. Đây là một ví dụ điển hình về kiến trúc nhà phố của Czech với mặt tiền được điêu khắc tranh, miêu tả những cảnh thần thánh và huyền thoại hiện đại của thời Phục hưng. Franz Kafka (nhà văn gốc Do Thái, viết truyện bằng tiếng Đức) và cha mẹ ông sống ở đây từ năm 1889 đến năm 1896.
70
Nhà Mikes House có mặt tiền theo phong cách Phục hưng mới đã trở thành tòa nhà thứ ba của tòa thị chính vào năm 1458. Trong hầm rượu của tòa nhà có một phòng La Mã từ TK XII.
68
Tòa thị chính hơi “bất thường” bởi sự kết hợp của các tòa nhà nhỏ và tháp đá, được mua lại và xây dựng vào các thời điểm khác nhau với những phong cách rất khác nhau. Nhưng chính sự bất thường này lại mang đến sự độc đáo của tòa thị chính có một không hai này. Ảnh được chụp đứng từ phía nhà thờ Đức Bà Praha.
127
Trong tòa tháp đồng hồ “Con Gà”, gian phòng thời La Mã được bảo tồn từ đầu TK XIII. Ở tầng một và tầng hai có những gian phòng phong cách Gothic với trần nhà thời Phục Hưng. Mặt tiền đã được cải tạo vào nửa đầu của TK XIX theo phong cách Empire. Tháp Đồng hồ “Con Gà” là địa điểm mà du khách thường háo hức chờ đợi đến giờ chẵn để được nhìn thấy Con Gà bằng vàng hiện ra cũng với 12 vị Thánh lần lượt xuất hiện. Mọi người cho rằng được nhìn thấy các vị Thánh cùng con Gà Vàng là điều may mắn!
65
Đây không chỉ là một chiếc đồng hồ bình thường, đó là đồng hồ thiên văn được Kadaň cùng với nhà thiên văn học Jan Šindel thiết kế lần đầu năm 1410, sau đó người thợ đồng hồ Hanuš đã thực hiện việc sản xuất vào năm 1490. Sau khi hoàn thành chiếc đồng hồ, Nghị viện Praha đã làm hỏng đôi mắt của Hanus để không ai có thể làm được chiếc khác giống như vậy. Chiếc đồng hồ đã được sửa chữa và làm lại một vài lần.
66
Đài tưởng niệm Jan Hus (nhà thần học, linh mục Công giáo, nhà cải cách Giáo hội đầu tiên, hiệu trưởng trường ĐH Charles…) nằm ở cuối Quảng trường là bức tượng khổng lồ mô tả những chiến binh Hussite chiến thắng và những người Tin Lành bị buộc phải lưu vong 200 năm. Tượng Jan Hus và một người mẹ trẻ tượng trưng cho sự tái sinh của dân tộc. Bức tượng lớn do nhà điêu khắc Ladislav Šaloun đã thiết kế và xây dựng tại biệt thự riêng của mình và được công bố vào năm 1915, kỷ niệm 500 năm ngày mất của Jan Hus.
69
Nằm đối diện với tòa thị chính, trên quảng trường Con Gà Praha là nhà thờ Đức Bà (Our Lady before Týn) với phong cách Gothic gồm ba tòa tháp được xây dựng sau năm 1350. Một bức tượng mạ vàng Madonna năm 1626 được đặt trên đỉnh tháp Gotich ở giữa hai tháp. Bên trong nhà thờ được xây dựng lại theo phong cách Baroque sau khi xảy ra đám cháy vào năm 1679. Ngôi mộ của Tycho de Brahe, nhà thiên văn Đan Mạch được chôn trong nhà thờ. Bên tay trái của nhà thờ là tòa nhà “Chuông Đá” được xây dựng vào TK XIII, là nơi mà vua Charles IV – hoàng đế La Mã vĩ đại của Bohemia đã ra đời.
73.jpg
Tòa nhà Gothic được xây dựng lại theo phong cách thời Phục hưng để làm một trường giáo xứ. Nhà thờ Đức Mẹ là nhà thờ chính của khu Phố Cổ Praha. Nhà thờ hiện là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật vô cùng giá trị và mở cửa cho công chúng chiêm ngưỡng. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được đặt chân tới những nơi linh thiêng và lưu giữ tinh hoa của nhân loại như thế này.
74
Nằm ở phía tay trái của tòa thị chính, gần quảng trường Con Gà, nhà thờ St. Nicholas do Kilian Ignaz Dientzenhofer thiết kế và xây dựng năm 1732, nằm trên địa điểm của một nhà thờ giáo xứ cổ xưa trước được xây vào năm 1273. Bên ngoài nhà thờ là nơi khởi đầu của các chuyến xe ngựa kéo tham quan khu Phố Cổ, phía trước nhà thờ là một vườn cây, khiến cho sự ồn ào từ quảng trường như tan biến mất trước khi bước vào bên trong nhà thờ.
76
Tuy nhà thờ này nhỏ hơn nhà thờ St. Nicholas ở khu Phố Nhỏ, nhưng nó được mọi người ngưỡng mộ vì đã trải qua tám thế kỷ, kể từ khi nhà thờ cổ xưa được xây dựng. Nhà thờ được trang trí như nhà hát với những ban công mái vòm mở vào bên trong.
77
Nhà thờ đã đóng cửa trong thời của vua Josef II và các đồ trang trí nội thất đắt tiền đã bị bán. Cho đến năm 1871, khi Nhà thờ Chính thống Nga sử dụng, nhà thờ đã trở lại mục đích ban đầu của nó. Vật “lưu niệm” đáng chú ý duy nhất trong thời kỳ Chính thống là chùm đèn pha lê lộng lẫy được làm ở Harrachov phía bắc Bohemia.
78
Từ TK XX nhà thờ đã được trang trí mới với những bức tranh, bức tượng theo phong cách Neo-Baroque và một tác phẩm điêu khắc phong cách sống của Thánh Nicholas đặt trong hốc nhà thờ. Những cột đá đỏ vừa là vật trang trí, vừa tạo ra sức mạnh của tòa nhà.
79
Cung điện Kinský là một cung điện cổ, hiện nay là một bảo tàng nghệ thuật Praha, nằm trên quảng trường Phố Cổ mang tên gia đình quý tộc Kinský, chủ sở hữu trước đây của nó. Tôi chưa vào bên trong Bảo tàng, chắc chắn nó rất tuyệt vời, bởi một điều đơn gian là tôi đã bị “bội thực” nghệ thuật khi đi thăm bên trong các nhà thờ và tòa nhà cổ.
80
Tòa thị chính mới hiện nay được xây dựng trên nền cũ của nhà thờ La Mã, tồn tại đến năm 1798, do kiến trúc sư Osvald Polívka thiết kế và được hoàn thành năm 1911. Tòa nhà được trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc của Stanislav Sucharda, Josef Mařatka và Ladislav Šaloun. Những bức tượng của nhà điêu khắc địa phương Saloun được đặt ở các góc của tòa nhà.
130
Năm 1348, Vua Charles IV thành lập trường Đại học Praha, là trường đại học đầu tiên ở Trung Âu và hoạt động liên tục, hiên được xếp hạng trong số những trường tốt nhất thế giới.
71
Tòa nhà tổ hợp thành phố, nơi có nhà hát Smetana, một địa điểm tổ chức các buổi hòa nhạc tại Praha, bên cạnh Cổng Quyền lực trung tâm thành phố Praha.
81
Tòa nhà này trước đây đã từng là Cung điện Hoàng gia, nơi Vua Bohemia sống từ năm 1383 cho đến năm 1485. Sau năm 1485, nó bị bỏ không và bị phá hủy vào đầu TK XX. Việc xây dựng lại tòa nhà hiện nay bắt đầu vào năm 1905 và được mở cửa năm 1912, do kiến trúc sư Osvald Polívka và Antonín Balšánek thiết kế. Tòa nhà Thành phố là địa điểm tuyên bố độc lập của Liêng bang Tiệp Khắc.
82
Tòa nhà theo phong cách kiến trúc nghệ thuật mới. Phía trên lối vào chính có một bức tranh khảm do họa sĩ Karel Špillar vẽ với tên gọi “Sự kính trọng đối với Praha”. Phòng Smetana là phòng hòa nhạc và phòng khiêu vũ, có một mái vòm thủy tinh là tác phẩm nghệ thuật của Alfons Mucha, Jan Preisler và Max Švabinský.
83
Tháp Quyền lực là một trong 13 cổng thành phố gốc của Phố Cổ Praha, được xây dựng bắt đầu vào năm 1475. Tháp là một cổng vào đẹp hơn là tháp phòng thủ. Vua Vladislav II đã đặt tảng đá đầu tiên để làm móng cho tòa tháp. Hội đồng thành phố đã tặng cho vua Vladislav II tòa tháp này làm quà tặng nhân dịp lễ đăng quang. Do bị hưu hỏng, các tác phẩm điêu khắc trên tháp đã được thay thế vào năm 1876.
84
Giáo đường Do Thái Old New hoạt động lâu đời nhất ở Châu Âu. Đây cũng là giáo đường duy nhất còn tồn tại của Do Thái thời trung cổ với thiết kế hai bên cánh gà.
85Hoàn thành vào năm 1270 theo phong cách Gothic, nó là một trong những tòa nhà kiểu Gothic đầu tiên của Praha, ban đầu được gọi là Giáo đường Mới. Bên trong Giáo đường có chỗ dành riêng cho nam và nữ cầu nguyện. Đây cũng là điểm tham quan luôn đông khách ở Praha. Có một dãy kios bán hàng lưu niệm ở khu vực này.
86
Trong khu Do Thái cổ còn có Bảo tàng Do Thái, nơi lưu giữ bộ sưu tập văn hoá khổng lồ, bên cạnh còn một khu nghĩa trang Do Thái cổ.
87
Nhà thờ St. Martin được xây dựng năm 1178 đến năm 1187 và vì bức tường phía nam của nhà thờ được xây dựng gần các bức tường của Phố Cổ, nên tên đầy đủ của nhà thờ “trong bức tường” (on the wall)
100
Nhà thờ này có một truyền thuyết ra lạ, kể rằng trước đây có một góa phụ sống gần nhà thờ, một lần đi làm về bà thấy đám đông đang túm tụm nhìn lên mái nhà thờ. Bà nhìn theo và nhận ra đứa con trai mình đang chạy trên mái đó. Bà giận dữ nguyền rủa: “Hãy biến thành đá vì tội lỗi của con” và cậu bé đã biến thành đá khi lưỡi cậu còn đang thè ra.
101
Nhà thờ St. Peter ban đầu được xây dựng như một nhà thờ La Mã vào nửa sau TK XII, qua nhiều thế kỷ nó đã được xây dựng lại một số lần.
102
Chuông nhà thờ nằm trong một tháp chuông riêng biệt. Sau năm 1989, nhà thờ được các Hiệp sĩ Chữ thập đỏ kết hợp với Sao đỏ phục chế.
103
Những con đường trong khu Phố Cổ Praha đều được lát đá, thuận lợi cho cả khách bộ hành, xe ngựa kéo và bây giờ là ôtô.
128
Trong khu Phố Cổ Praha có rất nhiều tòa nhà có kiến trúc đẹp và tôi không biết được tên cũng như lịch sử của chúng. Đây là những tòa nhà nằm cạnh khu Do Thái cổ.
90
Mỗi tòa nhà đều có vẻ đẹp riêng.
91
Và những con phố với tất cả những tòa nhà đều là di sản!
88
Đây mới là một phần của thành phố Praha xinh đẹp, còn khu khu Phố Nhỏ và khu Phố Mới Praha tôi sẽ tiếp tục chia sẻ cùng mọi người trong những bài sau.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *