Những ngôi chùa tháp vượt qua thời gian và những trận động đất ở Bagan – Myanmar

Mặc dù đã tìm hiểu khá kỹ về Bagan trước chuyến đi, để xác định những ngôi chùa tháp cần đến tham quan và thời gian cần có, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi kinh ngạc khi tận mắt nhìn thấy vô vàn những ngôi chùa tháp lớn nhỏ nằm ẩn hiện giữa cánh đồng, hay khu rừng thưa và không thể lột tả được cảm xúc “bái phục” khi bước chân vào một số ngôi chùa tháp lớn.

Bagan từng là kinh đô của vương triều Pagan nằm ở miền trung Myanmar từ TK 9 đến TK13 và phần lớn những ngôi chùa tháp hiện nay còn tồn tại đã được xây dựng từ TK 11 đến TK 13, thời kỳ hoàng kim của vương quốc Pagan, bắt đầu khi vua Anawrahta mang nhiều thánh tích, kinh Phật và cả những nhà điêu khắc, họa sĩ từ Thaton về Pagan. Trong suốt 200 năm hưng thịnh của vương triều Pagan đã có gần 1.000 bảo tháp, 10.000 ngôi chùa nhỏ và 3.000 tu viện đã được xây dựng và khoảng một phần ba trong số đó còn tồn tại đến ngày nay.

Từ tầng trên cùng của khách sạn Sky View, nơi chúng tôi ăn sáng (khoảng 7:30), chúng tôi có thể nhìn thấy những tinh khí cầu đầy màu sắc đang hạ dần độ cao, mà ít phút sau chỉ còn nhìn thấy đỉnh. Vậy là chúng tôi đã dậy quá muộn! Sáng hôm trước, trên đường từ bến xe về khách sạn (khoảng 7 giờ sáng) tôi đã nhìn thấp thoáng thấy tinh khí cầu, nhưng vì ở dưới thấp, nên bị cây cối che khuất tầm nhìn. Còn hôm nay ở trên cao thì lại chỉ thấy mỗi đỉnh. Có thể vì chỉ lát nữa thôi, trời sẽ nắng gắt không còn thích hợp để bay trên cao.

Chúng tôi ở trong khu “bảo tồn”, thị trấn Nyaung U, nên khá vắng vẻ. Ngay cả thị trấn cổ (Old town) cũng chỉ có mấy con phố nhỏ, một vài nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch, còn người dân thì sống rải rác. Chúng tôi thuê xe máy điện của khách sạn (10.000kyat/ngày) và khởi hành ngay sau bữa sáng khá chóng vánh. Dọc theo con đường chính, mang tên nhà vua có công xây dựng Bagan thời kỳ rực rỡ nhất – Anawrahta, chúng tôi đặt chân vào “mê cung” của những ngôi chùa tháp.

Nửa ngày đầu, tôi bấm máy liên tục, vì phía trước, bên cạnh, đằng sau…đâu đâu tôi cũng thấy chùa tháp. Cái lớn, cái nhỏ cứ ẩn hiện khắp xung quanh, khiến tôi hoang mang, không biết nên chụp ảnh thế nào. Dần dần, mọi thứ cũng trở nên bão hòa, thậm trí tôi còn băn khoăn không biết mình đã chụp cái này hay chưa, mỗi khi đi ngang qua một nhóm tháp nào đó.

Gần một nghìn năm trôi qua, kể từ khi những ngôi chùa đầu tiên được xây dựng, tồn tại sau hàng trăm trận động đất (từ năm 1904 đến 1975 đã có hơn 400 trận động đất được ghi lại ở Bagan, trận động đất 8/7/1975 có rung chấn 8 độ richte), hiện nay Bagan còn 2.229 ngôi chùa, trong đó chủ yếu được xây dựng giai đoạn TK11-13 và khoảng 200 chùa xây dựng từ TK15-20.

Sau khi đã thăm lần lượt những chùa lớn nhất, chùa Shewzigone, Ananda, Dhamagyi, Thabyitnya, Sulamani, Shwesandaw, Manula, Pathtothamya… mất khoảng ngày rưỡi (theo danh sách lựa chọn từ ở nhà, tôi sẽ kể kỹ hơn về từng chùa một trong các bài sau), chúng tôi mới thong thả đi khám phá rộng hơn. 

Hiện nay, để bảo tồn các di sản quý giá này, chính quyền địa phương đã cấm du khách và người dân, không được leo lên những tầng cao của chùa tháp, nên chúng tôi không có cơ hội ngắm Bagan từ trên cao, để có thể thấy hết được tài sản vô giá và vô cùng lớn ở đây. Chính quyền địa phương đã cho xây dựng một tháp quan sát dành cho khách du lịch, nhưng kiến trúc của nó thật thô kệch giữa thế giới chùa tháp tinh tế bên dưới, nên chúng tôi không tới đó, mà chỉ đi ngang qua.

Buổi chiều chúng tôi tìm đến đồi Sunset Hill, nơi khách du lịch thường tìm đến để ngắm hoàng hôn. Tuy không có độ cao đủ để ngắm nhìn toàn cảnh Bagan, nhưng ở đây thật sự yên bình, không có âm thanh của xã hội loài người, chỉ có tiếng chim và tiếng gió. Chúng tôi nhìn thấy một vài người khách nước ngoài đã chọn cho mình một chỗ ngồi (có lẽ họ sẽ ngồi đến khi ánh sáng cuối cùng rọi qua ngọn tháp).

Trời đã dần tối, làm cho những bức ảnh của tôi chất lượng kém dần. Tôi cũng muốn ở lại đây để được sống chậm lại, hòa với thế giới đang ngủ bình thản dưới kia hàng mấy trăm năm.  

Nhưng chúng tôi không có nhiều thời gian (hai ngày ở Bagan thật ít ỏi!), còn biết bao nhiều điều kỳ lạ ở đây mà chúng tôi phải rất vội vã (vẫn không thoát khỏi sự vội vã!) nên chúng tôi chỉ dừng ở đó chừng nửa giờ rồi tiếp tục chạy xe trên con đường cát bụi mù.

Khi hoàng hôn buông xuống, chúng tôi cũng kịp chụp bức ảnh tia nắng cuối ngày rọi qua những ngọn tháp và mặt trời đỏ rực chiếu những tia sáng làm tháp vàng của chùa Dhamagyi trở nên vàng rực.

Chúng tôi trở về khách sạn, sau khi có một bữa tối tại nhà hàng bên đường với gần chục các món “mắm” khác nhau và 3 món cari (cá, gà và bò) chỉ với giá 50k/ người. Ở cùng bữa tối với chúng tôi có tới 6 con chó hoang. Tất cả đều có dáng cao và thon rất đẹp. Ở Myanmar chó chạy rông khắp phố, tôi không biết chúng có thuộc về gia đình nào cụ thể hay không, nhưng chắc chắn chúng không bị bỏ đói và được mọi người đối xử tốt.

Trở về trên con đường vắng vẻ, nhiều đoạn không có ánh đèn khi đi qua những cánh rừng thưa và đồng cỏ, nhưng chúng tôi cảm thấy yên tâm, bởi chúng tôi hiểu xung quanh chúng tôi đang có nhiều các vị chư thiên Bồ Tát bảo vệ.

Một chi tiết mọi người lưu ý là vào khu bảo tồn di sản Bagan khách du lịch nước ngoài phải trả 25.000 kyat, và nhân viên bán vé sẽ đến tận xe chụp ảnh khách để đưa vào mã vạch của vé. Bạn phải giữ vé cẩn thận, vì vé có giá trị trong 3 ngày và được đi tham quan tất cả mọi nơi trong khu vực di sản.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *