Trước khi đi Luang Phrabang tôi đã đọc nhiều về thành phố này và địa điểm tôn giáo gợi ý đến đầu tiên chính là chùa Xieng Thong. Nhưng vì tôi đi dọc theo con phố chính đông – tây, nên trước khi đến chùa Xieng Thông, tôi đã vào Wat Mai – một ngôi chùa lớn lộng lẫy, và hai ngôi chùa nhỏ là Wat Sirymoungkoun và Wat Sibounhouan, nên thật sự tôi không háo hức lắm khi bước chân qua cái cổng nhỏ màu trắng có hình bảo tháp, hay chiếc mũ đội đầu của các vũ công Khmer. Lối vào nhỏ này là một ngõ rẽ từ đường chính đông – tây.
Còn lối vào chính của chùa là từ phía bờ sông Mekong gần ngã ba sông Nam Khan. Vào đến sân chùa là có người nhắc bạn mua vé (20.000 kíp), đó là một ấn tượng không thoải mát khi bước vào nơi thực hành tôn giáo. Người Việt mình vẫn có thói quen công đức khi đi chùa, đền, đình, miếu…số tiền ít hay nhiều tùy thuộc vào khả năng, nhưng tôi thấy cũng không ít. Có thể ở đây họ dùng chính sách mua vé để hạn chế số người vào không rõ mục đích chăng?
Chùa (Wat) Xieng Thong có nghĩa là “Chùa cây vàng” cũng là chùa có “vị trí cao” ở Luang Phrabang vì được Vua Setthathilat xây dựng từ năm 1560. Cho đến năm 1975, khi chế độ quân chủ chấm dứt, chùa Xieng Thong nằm dưới sự bảo trợ của hoàng gia, nhà vua và các thành viên trong hoàng gia đã xây dựng, tôn tạo và duy trì những công trình kiến trúc của chùa. Do vậy, cũng như Wat Mai, chùa Xieng Thong là nơi thực hành tôn giáo cho tầng lớn thượng lưu, cũng là chùa được xây dựng và trùng tu tốn kém và là nơi lưu giữ những bức tượng quý.
Khác với chùa Mai, chùa Xieng Thong có mái ba lớp và ba tầng, lợp ngói màu nâu, mái hiên rộng ra có thể bảo vệ những bức phù điêu trang trí ngoài tường của gian điện. Gian điện rộng và mái không cao nhọn như chùa Mai. Nhưng cũng giống chùa Mai, ở đây hầu như không có vườn và cây, chỉ có vài bụi cây nhỏ, có lẽ chùa cần sân rộng để cử hành các nghi lễ đông người.
Đúng với vị trí cao quý, chùa Xieng Thong là nơi nhà vua đã ở lại đêm trước khi đăng quang, sau ba ngày nhà vua đến cầu nguyện và thiền định tại Wat Long Khun. Đây là nơi đăng quang của các vị vua Lào và cũng là trung tâm của nhiều lễ hội hàng năm để tôn vinh Đức Phật và các vị thần khác nhau trong dân gian.
Trong chùa còn lưu giữ rất nhiều các bức tượng Phật cổ trong các tư thế hai tay chỉ xuống đất để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và hai tay đưa ra phía trước để ngăn chặn chiến tranh, giải quyết mọi mâu thuẫn bằng cách ôn hòa, giống như trong chùa Visounarat.
Trong thế kỷ XX, chùa đã nhiều lần được trùng tu và đặc biệt là năm 1928, khi Toàn quyền Pháp đến thăm Luang Phrabang, Quốc vương Sisavangvong đã yêu cầu được phía Pháp chia sẻ chi phí trùng tu, tôn tạo chùa.
Có hơn hai mươi công trình lớn nhỏ như điện thờ, nhà ở cho các sư tăng, bảo tháp…ở trong khuôn viên của chùa và cũng vì đây là nơi đông du khách đến tham quan nên có nhiều hàng quán bán đồ lưu niệm và đồ uống, làm mất đi sự uy nghiêm nơi tôn giáo hàng đầu ở Luang Phrabang.