Lễ khất thực tại Luang Phrabang

Đi đến Luang Phrabang ai cũng cố gắng dậy sớm để có được trải nghiệm về lễ khất thực của các nhà sư đạo Phật Tiểu Thừa. Tại Viên Chăn tôi cũng đã được thấy đoàn sư đi khất thực vào sáng sớm, nhưng vì Luang Phrabang có rất nhiều chùa Phật ngay trong trung tâm thành phố, nên lễ khất thực có rất đông nhà sư tham gia.

Đạo Phật được những tu sĩ truyền bá từ Sri Lanka vào Lào từ thế kỷ VIII theo phái Tiểu Thừa (Đạo Phật Nguyên Thủy) và phát triển rộng rãi khắp đất nước. Tuy rằng đạo Phật theo phái Đại Thừa cũng được truyền bá vào Lào từ thế kỷ VIII-XIII nhưng ít có ảnh hưởng, phần lớn người dân Lào theo Tiểu Thừa. Miền Bắc VN theo phái Đại Thừa nên rất hiếm khi thấy sư đi khất thực.

Văn hóa Phật giáo mang đến những dấu ấn rõ nét đối với đời sống của người dân Lào, không chỉ ở những nét đặc trưng của các chùa Phật cổ kính, những bóng cà sa vàng của các sư tăng mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân. Theo phong tục của người theo đạo Phật Tiểu Thừa ở Lào, các nam thanh niên được coi là chính chắn sau khi họ trải qua thời gian ở chùa, còn người không đi tu thì dù sống đến già vẫn bị coi là người chưa chín chắn. Trong cuộc sống khi cha mẹ bị ốm hoặc qua đời hay khi gia đình gặp phải những điều không may mắn, con trai trong gia đình thường xin vào chùa tu một thời gian để tích thêm phúc đức cho người thân, cho gia đình tai qua, nạn khỏi. Nếu trong thời gian tu ở chùa mà người thanh niên cảm thấy con đường tu hành là lý tưởng cao đẹp thì có thể đi tu luôn trọn đời và đó là một vinh dự cho bản thân và gia đình người xuất gia.

Khi ông bà, cha mẹ qua đời thì con trai, cháu trai từ bảy tuổi trở lên sẽ cắt tóc đi tu, thời gian có thể một tháng, một tuần, thậm chí chỉ vài giờ cho đến khi hỏa thiêu xong. Đối với người Lào, đi tu là cách tốt nhất để bày tỏ lòng biết ơn cha mẹ và đó cũng là cách để tang phổ biến nhất của nam giới.

Theo phái Tiểu Thừa, các sư tăng hàng ngày họ phải dậy rất sớm và bắt đầu ra khỏi chùa đi khất thực từ 5 – 6 giờ sáng. Ở Luang Phrabang có nhiều chùa nên tôi thấy họ phải đi khá xa, đến khoảng 7 giờ mới quay về chùa. Tất cả các sư tăng đều đi chân đất, chỉ khoác mảnh vải cà sa vàng và xếp thành hàng dài, lặng lẽ tỏa đi dọc các con phố để nhận đồ khất thực và cầu nguyện ban phước cho người dân.

Tôi thấy các nhà sư không chỉ nhận thức ăn cúng dường mà họ còn chia lại cho người nghèo ở bên đường.

Sau khi đi khất thực về đến cửa chùa, tất cả các sư tăng đứng tụng kinh và cảm ơn những người đã cung cấp thức ăn cho họ, sau đó mới trở về chùa.

Thức ăn khất thực được dùng cho bữa ăn duy nhất trong ngày được chia đều cho các nhà sư và một phần để nuôi các con vật trong chùa.

Thật sự do tính hiếu kỳ mà số đông khách du lịch đứng xem và chụp hình, trong đó có cả tôi, cũng phần nào làm ảnh hưởng đến nghi lễ của các nhà sư. Một số người đứng rất gần, chĩa máy ảnh vào mặt họ rất bất lịch sự.

Nhiều khách du lịch cũng tham gia cung cấp đồ ăn cho các nhà sư, nhưng có lẽ vì thích trải nghiệm hơn là lòng thành. Khi dâng thực phẩm cho các nhà sư, phụ nữ phải cởi giày dép, quỳ gối hoặc ngồi trên ghế thấp, đàn ông có thể đứng cúi đầu thành kính, tránh nhìn thẳng vào mắt các nhà sư. Thực phẩm phải là đồ nấu chín, sạch sẽ nên khách du lịch muốn cũng thức ăn thường nhờ khách sạn nấu giúp, không nên mua đồ nấu sẵn ngoài chợ, thức ăn được đựng trong giỏ đan bằng tre hoặc bát sứ, không đựng trong túi nilon. Nhưng hiện giờ khách du lịch nhiều người dùng túi nilon nên tôi thấy các nhà sư buộc phải nhận.

Sau khi đi khất thực về, các sư tăng trẻ đi quét sân vườn, lau chùa, một số người sẽ tham gia chia thức ăn và họ sẽ ăn trước 12 giờ trưa và hoàn toàn nhịn cho tới ngày hôm sau.

Vì những gia đình theo đạo Phật Tiểu Thừa thường gửi con vào chùa để các sư dạy giáo lý, kinh kệ, dạy đạo đức làm người, dạy cách ăn nói, đi đứng… khi đứa trẻ đến tuổi đến trường, nên đối với bọn trẻ chùa là nơi sinh hoạt của chúng và các nhà sư luôn gần gũi, hướng dẫn chỉ bảo. Những đứa trẻ có thể ở một thời gian dài hoặc chỉ ít tháng tùy từng gia đình, nhưng khi trưởng thành thì vị sư vẫn là người thầy, người bạn, là nơi nương tựa mỗi khi gặp khó khăn, trắc trở trong cuộc sống. Trong thời gian đứa trẻ được gửi lên chùa, cha mẹ phải thường xuyên dâng cúng phẩm vật cho các sư trong chùa để tỏ rõ trách nhiệm và lòng thành kính.

Tôi trông thấy một sư tăng nhỏ tuổi đang ngồi buồn trong một góc vườn ở Wat Thap Luong.

Và một cái nhìn vừa buồn, vừa nghiêm nghị của một sư tăng khác ở chùa That Chomsi trên núi Phousi.

Tôi nghĩ mình cần tìm hiểu sâu hơn về tôn giáo này, để có thể hiểu được hạnh phúc của những người luôn thấy trong lòng thanh thản!

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *