Vì sao khách du lịch thích Luang Phrabang?

Chúng tôi đã gặp rất nhiều gia đình châu Âu cả bố mẹ và mấy người con hoặc các ông bà già đi nghỉ ở Luang Phrabang và khi hỏi chuyện tôi biết họ ở tại thành phố nhỏ bé này hai tuần hay lâu hơn nữa. Tại sao Luang Phrabang lại hấp dẫn khách châu Âu đến vậy?

Khi người lái xe biết chúng tôi sẽ ở lại Luang Phrabang ba ngày, thì anh ấy cười bảo: “Chỉ hai ngày là anh chị sẽ chán thôi, thành phố dài rộng có 3km thôi, đi chốc là hết!”. Tôi thích Luang Phrabang và nếu cho tôi thêm thời gian, tôi cũng muốn ở khoảng một tuần.

Tôi thích những con phố nhỏ, hai bên là những dãy nhà được xây chủ yếu trong thời gian thuộc địa Pháp có kiến trúc pha trộn giữa phong cách cổ truyền của Lào và kiến trúc châu Âu, nhưng được kết hợp một cách hài hòa. Đi dạo trên con phố nhỏ này khiến tôi cảm thấy rất thư thái, nhưng lại phấn chấn vì cái đẹp giản dị của nó.

Rất nhiều tòa nhà kiến trúc cổ truyền Lào được xây dựng phần lớn bằng gỗ nhưng vẫn giữ được qua thế kỷ rưỡi thời gian.

Dọc theo đường phố chính và bên bờ sông Mê Kông là các tòa nhà thời thuộc địa xây bằng gạch, thường có ban công và các các họa tiết trang trí khác bằng gỗ. Phần lớn các tòa nhà này hiện nay đã được cải tạo để trở thành nhà khách, khách sạn mini nhưng rất lịch sự và tao nhã.

Có rất nhiều nhà hàng nhỏ, rất nhỏ nhưng lúc nào cũng có khách châu Âu ngồi kín. Tôi không biết thức ăn và đồ uống của nhà hàng thế nào, nhưng thật sự ngồi trong quán nhỏ ngắm nhìn cuộc sống trôi đi chậm rãi và thanh bình quả thật là điều tuyệt vời!

Đường phố rất sạch sẽ, mặc dù khách du lịch khá đông.

Có rất nhiều người bày hàng ra vỉa hè bán và ở chợ đêm Luang Phrabang bạn có thể dừng lại xem hàng hóa, người bán chỉ mời một câu, khách du lịch không thích là họ thôi ngay, không chèo kéo và đặc biệt không có người ăn xin.

Nhiều ngôi đền xây bằng đá và một số ngôi chùa ở Luang Phrabang là một trong những ngôi chùa Phật giáo có kiến trúc và trang trí tinh xảo nhất ở Đông Nam Á, từ các tác phẩm điêu khắc, chạm khắc, tranh vẽ, mạ vàng và tượng Phật cổ bên trong gian điện. Như Wat Xieng Thong, có từ thế kỷ XVI, có cấu trúc phức tạp nhất trong số các ngôi chùa của Luang Phrabang.

Lịch sử của Luang Phrabang gắn với nhiều truyền thuyết, trong đó có câu chuyện Đức Phật mỉm cười khi ngài dừng chân ở đây trong chuyến du hành của mình và Ngài tiên tri rằng một ngày nào đó nơi này sẽ là một thành phố giàu có và quyền lực. Lúc đầu với cái tên là Muang Sua, sau đó là Xieng Thong, từ thế kỷ XIV -XVI thị trấn nhỏ đã trở thành thủ phủ của vương quốc Lane Xang (Vương quốc triệu voi) hùng mạnh, giàu có và là vị trí chiến lược trên “Con đường Tơ lụa”, đồng thời là trung tâm của Phật giáo trong khu vực. Luông Phabang lấy tên từ một bức tượng Phật – Phaola do Campuchia đưa đến và giờ được lưu giữ trong chùa Hoàng Cung (nơi không cho phép chụp ảnh).

Sau khi trở thành thuộc địa Pháp năm 1893, đất nước Lào bị chia cắt thành ba vương quốc độc lập, Luang Phrabang một lần nữa trở thành thủ đô tôn giáo dưới triều đại của vua Sisavang Vong, cho đến khi Viêng Chăn trở thành thủ đô hành chính vào năm 1946. Ảnh dưới là Hoàng cung nay là Bảo tàng quốc gia, nơi lưu giữ những hiện vật thuộc về hoàng gia triều đại của vua Sisavang Vong. Tuy không phải rất cổ, phần lớn được xây dựng và làm ra đầu thế kỷ XX, nhưng được bảo tồn và giữ gìn tốt.

Các ngôi nhà và chùa Phật của Luang Phrabang được công nhận là di sản thế giới được xây dựng hài hòa một cách hoàn hảo trong môi trường tự nhiên. Núi Phousi linh thiêng nằm ở trung tâm của Luang Phrabang được xây dựng trên một bán đảo, bao quanh là sông Mê Kông và sông Nam Khan, chứa đựng rất nhiều những câu chuyện thần thoại. Tại đây người ta tổ chức các nghi lễ cúng rắn thần naga và cả các linh hồn tội lỗi. Các nhà sư duy trì sự tôn nghiêm và các nghi lễ ở nơi này.

Tôi đã chụp được bức hình một chú tiểu nhỏ, sau khi xin phép sự phụ của chú. Khuôn mặt rất nghiêm nghị, suy tư.

Người dân Lào nói chung và người Luang Phrabang nói riêng rất tin vào đạo Phật. Buổi sáng sớm, khi trời còn tối om chúng tôi đã nhìn thấy những dãy người dân mang thức ăn ra cửa ngồi chờ các nhà sư đi khất thực. Gia đình nào có con trai đều đưa vào chùa đi tu tối thiểu là 6 tháng ở nhiều độ tuổi khác nhau. Về chuyện này tôi sẽ chia sẻ với các bạn trong bài khác. Nên bạn đừng ngạc nhiên nếu thấy rất nhiều chú tiểu bé xíu, hoặc bạn có thể gặp rất nhiều nhà sư đi trên đường phố.

Nằm trên bờ sông Mekong, nên bạn có thể tìm thấy vô số những địa điểm đẹp để ngồi thư giãn, ngắm sông “miễn phí” hoặc trong các quán có view tuyệt vời. Tất cả các quán nước và nhà hàng đều làm bằng vật liệu gỗ và có nhiều cây xanh, phù hợp với du lịch sinh thái.

Leo núi Phousi và ngắm cảnh thành phố bên dưới là một trong những trải nghiệm rất thú vị. Và bạn sẽ thấy,  Luang Phrabang thật sự đẹp và sự quyến rũ của nó sẽ níu chân du khách ở lại đây lâu hơn.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *