Tuy không phải là “thổ dân” Phú Quốc, nhưng tôi đã có khá nhiều thời gian khám phá hòn đảo này, nên muốn chia sẻ với mọi người một vài điểm nên đến ở Phú Quốc. Lần nay tôi muốn cùng bạn đi dọc sông Cửa Cạn, rồi ra bãi biển Cửa Cạn, vũng Bầu và đến Gành Dầu. Bạn có thể đi một ngày, vừa ngắm cảnh, tắm biển và ăn trưa tại Biên Hải quán Gành Dầu.
Từ thị xã Dương Đông, Trung tâm của đảo Phú Quốc, đến làng chài trên sông Cửa Cạn – dòng sông lớn thứ hai trên đảo, khoảng 10km. Bạn có thể thuê một con thuyền nhỏ (cho khoảng 5-6 người với giá 300-400 nghìn/ thuyền khoảng 1 giờ) hoặc chèo thuyền kayak với giá khoảng 80-100 nghìn/ người. Nhiều nhà dân sống ở hai bên bờ sông có dịch vụ thuyền máy và cho thuê kayak.
Thông thường thì bắt đầu chuyến đi sẽ ngược dòng sông Cửa Cạn lên phía thượng nguồn, nơi những con suối nhỏ đều bắt nguồn từ dãy núi cao giữa đảo Phú Quốc.
Dọc sông là làng chài Cửa Cạn. Cũng giống như tất cả các làng chài khác trên đảo, nhà cửa, hay đúng hơn là những cái lều nằm tạm bợ trên những cây cọc đóng xuống rìa sông, đều sử dụng những tấm tôn quây lại mà thành. Thỉnh thoảng có vài mái nhà ngói xây lui sâu vào bờ, dưới hàng dừa cao ngất.
Dọc bờ sông, xa dần về phía thượng nguồn, nhà cửa thưa thớt dần, bạn sẽ nhìn thấy một ngôi nhà khá đặc biệt, khác hẳn với những cái khác ở đây. Đó là nhà của một người Việt Kiều… đúng là có tý hơi “tây” nên khác. Một số người ra nước ngoài kiếm sống khi trẻ, giờ già rồi họ muốn quay về quê hưởng cuộc sống an nhàn, thanh thản bên dòng sông.
Ngày càng nhiều những cái chòi “du lịch” mọc lên. Ở đó người ta cung cấp dịch vụ giải khát ngắm sông thư giãn và thuê thuyền tham quan sông.
Nhà cửa ít dần nhường chỗ cho những đám dừa nước, cóc vàng, tràm vàng…xanh mướt.
Thỉnh thoảng có vài cây nhum – thứ cây đầy gai nhưng cho gỗ rất đặc biệt, có thể ngâm dưới nước biển cả chục năm mà không hỏng. Giờ đây, những cây nhum to có thể dùng được đều đã bị chặt hết, giờ chỉ còn vài cây nhỏ, chỉ có thể cung cấp… gai thôi.
Bạn có thể đi lên thượng nguồn khoảng hơn 1 giờ, khi con sông chỉ còn là một rạch nhỏ…đã đến lúc quay lại.
Có một cù lao nhỏ nằm giữa sông, tuy nhiên để có thể lên bờ đi dạo hay cắm trại thì có lẽ phải chờ sự đầu tư.
Phải rất may mắn bạn mới có thể đi thuyền xuôi dòng và ra được đến cửa sông đổ ra biển, bởi vì trước cửa sông là một dải cát dài chừng nửa cây số, vào mùa mưa bão, cồn cát bị xáo trộn, nên cửa sông luôn thay đổi diện mạo và kích thước.
Cửa sông hẹp, có nhiều đá ngầm và rất nông, chỉ có ghe nhỏ mới ra vào an toàn được cửa sông này. Cửa sông nằm sát một ngọn núi có tên là Mũi Ông Quới.
Bạn nên trở lại làng chài, lên xe máy để đi ra bờ biển Cửa Cạn, bởi phải may mắn lắm mới có thể đi được bằng thuyền ra biển, nhưng để vào được bờ biển cũng lại không dễ dàng.
Ở đầu bãi Cửa Cạn, bạn có thể dừng chân ở Chez Carol Phú Quốc, một khu resort nhỏ với hơn chục bungalow và một nhà hàng Việt rất đẹp, uống một ly trà đá với giá 25 nghìn, ngồi ngắm cảnh cửa sông Cửa Cạn và đi vệ sinh trong một khu rất đặc biệt (đừng bỏ lỡ!)
Bà Cúc, chủ nhân của khu nghỉ xinh đẹp này với người chồng Pháp đã “đi tắt, đón đầu” xây dựng một cơ ngơi dịch vụ cao cấp cách Dương Đông trung tâm đảo Phú Quốc 15km, trong khi mọi thứ xung quanh chưa có gì. Bạn có thể ở lại đây một đêm với giá 60 USD/ phòng đôi và bữa sáng tại nhà hàng cổ Việt chính hiệu.
Từ Chez Carol Phú Quốc bạn có thể ngắm nhìn những người dân chài đi đánh dậm. Biển ở đây rất nông.
Và cửa sông Cửa Cạn với những cồn cát rất đẹp, có thể đi thuyền ra đó tắm. Chez Carol Phú Quốc cũng có kayak cho khách nghỉ tại resort chèo thuyền ngược vào sông hay đi ra các cồn cát giữa cửa sông. Tuy nhiên, ngày hôm nay tôi có thể chụp được hình cồn cát dưới kia, nhưng bạn đừng tìm kiếm nó khi bạn đến, bởi tôi tin chắc rằng, mỗi ngày nó lại có một hình hài mới.
Vùng ven cửa sông có một bãi đá. Những viên đá nhỏ do bị nước liên tục bào mòn, mài nhẳn nên có hình rất đặc biệt. Nước trong, biển nông, bạn có thể lội nước, tắm biển khá an toàn ở đây.
Bãi biển Cửa Cạn bắt đầu của một dải bờ biển theo hướng đông bắc, dài khoảng gần 10km, được biết tới với cái tên bãi Dài Phú Quốc. Tuy cát ở đây không trắng như bờ biển phía bắc đảo, nhưng dài và rộng. Nghe nói sẽ có nhiều dự án được triển khai ở đây, nên cơ hội có thể tự do tắm biển không còn nhiều trong tương lai.
Chạy xe dọc bãi Dài trên con đường đất đỏ không một bóng người quả là điều thú vị. Bên cạnh mình là biển, bạn có thể dừng lại bất cứ chỗ nào và cởi đồ để xuống biển.
Thỉnh thoảng có một vài người nước ngoài đi xe máy đến đây tắm biển và họ cứ tự nhiên như ngày mẹ mới sinh ra, vì rất lâu mới có người chạy xe qua đây, bãi biển là của riêng ai thích tắm!
Đôi khi bạn sẽ nhìn thấy người ta quay lưới gần bờ một khoảng rộng vài chục mét vuông, đó là “chuồng” nuôi ốc hương đấy. Những khu vực xung quanh “chuồng” ốc hương nước biển có thể không được sạch lắm, vì ốc hương ăn cá cơm và con rạm, con cua biển nhỏ.
Vũng Bầu Phú Quốc là nơi một con rạch dẫn dòng nước ngọt từ trên núi chảy xuống ra đến tận biển, nhưng lại bị những dải cát ngăn lại, tạo thành một vũng nhỏ trong xanh, thật quyến rũ.
Tôi không biết tên con rạch chảy ra vũng Bầu, chỉ thấy một bên là rừng Tràm trắng “bonsai”, còn bên kia là Cóc Đỏ, Đước, Ổi rừng xanh ngắt. Con rạch này cũng như tất cả các con rạch khác đều bắt nguồn từ dãy núi giữa đảo, quanh năm có nước chảy, tất nhiên mùa mưa sẽ nhiều và đục hơn.
Một cây cầu sắt vững chắc bắc qua, có vẻ như không ăn nhập với khung cảnh thiên nhiên trữ tình này, nhưng lại giúp cho người dân địa phương được thuận lợi.
Trên đoạn đường này, bạn sẽ nhìn thấy một vài khu resort tư nhân nhỏ, những quán nước đơn sơ với mấy quán lá và bạn cũng có thể nhìn thấy hòn Móng Tay, nơi có thể ngắm san hô ở phía bắc, tất nhiên ít hơn nhiều so với vùng biển phía nam An Thới, Phú Quốc. Và một vũng nhỏ thanh bình hiện ra, bạn đã đến vũng Gành Dầu.
Gành Dầu, một vịnh nhỏ, gọi là vũng thì hợp hơn, mùa này rất đông thuyền cá neo đậu. Mặt biển lặng sóng, xanh ngắt, những con tàu ngủ gà gật dưới cái nắng chói chang.
Ở đây có một quán ăn nổi tiếng của ông già chơi đàn và hát đờn ca tài tử rất hay, đó là quán Hải Biên. Biên Hải quán cung cấp muối tiêu tự sản xuất, được trộn từ muối biển, hạt tiêu, ớt bột và gì nữa không rõ, nhưng có lẽ sẽ là món quà nhỏ cho bạn bè và gia đình. Bạn có thể ăn trưa hay ngồi uống nước dừa và ngắm biển. Những năm trước ở đây bán rất nhiều vỏ ốc và san hô, giờ không còn nữa. Gành Dầu là nơi gần Campuchia nhất, chỉ cách 7 km. Từ đây mình có thể nhìn rõ con đường chạy dọc bờ biển phía đất Campuchia.
Từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 6 vình nhỏ này rất thanh bình, mặt biển gần như không có sóng, nên bạn sẽ thấy những con thuyền thảnh thơi, dập dình trên mặt nước.
Nhưng nếu đến đây vào tháng 8 tháng 9, bạn sẽ không nhận ra cảnh vật nơi này, bởi sự tan hoang và vắng ngắt, chỉ có tiếng sóng liên túc đập vào bờ cát và những cành dừa tả tơi theo gió. Không một bóng người.
Nhưng Gành Dầu đặc biệt còn có những ghềnh đá muôn hình. Bạn có thể men theo bờ đá đi về phía đông bắc để khám phá vẻ đẹp của dải đá đặc biệt này. Từ đây, bạn có thể nhìn thấy Biên Hải Quán khá nổi trên bờ biển.
Có một tảng đá nằm chênh vênh, do gió và nước biển bào mòn tạo thành một cây nấm…
Không còn bờ cát nhưng bãi đá Gành Dầu có thể trở thành bãi tắm vô cùng đặc biệt, với những cảnh quan có một không hai.
Tiếp tục đi về phía bắc, chúng tôi qua đền thờ và thắp nén hương cho ông Nguyễn Trung Trực, rồi đi vào con đường xuyên rừng để trở về. Trên đường, thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp những người địa phương chở rất nhiều hàng hóa. Họ là những nhà cung cấp hàng di động, mang tới tận làng chài đủ thứ thực phẩm thiết yếu, nhất là rau quả.
Đường ít người qua lại, nên cuối ngày bạn sẽ thấy những đàn bò, được dẫn về nhà sau một ngày chăn thả.
Trên đoạn đường xuyên rừng, thông thường khách du lịch hay rẽ vào một khu có những cây rất đặc biệt, mà tôi không biết tên. Thân cây sần sùi, như bị bệnh, trông không được thiện cảm lắm, nhưng chính cái dị dạng ấy lại khiến người ta tò mò đến xem. Đi sâu vào trong rừng có một vài hộ dân sinh sống, nghe nói vườn Quốc gia Phú Quốc đã yêu cầu họ di chuyển ra khỏi rừng nhưng chưa được. Bạn sẽ được người dân mời uống rượu sim tự nấu trong nhà họ.
Chặng đường trở về đi giữa rừng khoảng gần chục km, chúng tôi gặp lại con đường bắc – nam hiện đại để trở về Dương Đông. Không có nhiều người qua lại trên con đường hiện đại này, nên chú chó vẫn nghĩ đây là sân nhà nó mở rộng.
Các bạn có thể thực hiện tuyến đi này theo hành trình tôi đã đi hoặc ngược lại. Có thể ăn cơm tại Biên Hải quán với mức khoảng 100.000-150.000 đồng/ người tùy thuộc loại hải sản bạn gọi. Nếu bạn đi vào tháng 7-9 là mùa gió lớn phía tây thì bạn sẽ không nhìn thấy con thuyền nào ở Gành Dầu đâu nhé.
Cửa Cạn – Gành Dầu, những điểm nên đến ở Phú Quốc
