Chương I
Tôi phải cảm ơn số phận đã mỉm cười với tôi, đáp lại những nỗ lực làm giàu không biết mệt mỏi của tôi bằng những trái ngọt. Ở tuổi gần năm mươi, tôi đã có một cơ ngơi đàng hoàng, một công ty làm ăn phát đạt. Nhưng nếu sự giàu có khiến tôi có thể ngẩng cao đầu, thì mâu thuẫn trong việc chi tiêu những đồng tiền lại vít đầu tôi xuống.
Tôi lập gia đình khi đã hơn 35 tuổi và là một người đàn ông có tiền của. Người vợ của tôi được sinh ra trong gia đình khá giả, nên đã quen với cuộc sống tiện nghi, không bao giờ tò mò về những gì xảy ra với tầng lớp xã hội bên dưới, nên khi mới gặp nhau, bị nỗi sợ hãi mơ hồ ngăn cấm, tôi không muốn kể cho cô ấy nghe về quá khứ của mình. Rồi công việc ngập đầu, tâm niệm rằng sự giàu có sẽ đảm bảo những gì tốt nhất cho gia đình hiện tại và tương lai, tôi say mê kiếm tiền và tin rằng quá khứ không thật sự quan trọng.
Tôi đã thực hiện tất cả những yêu cầu của vợ, để các con được chăm sóc cẩn thận khi còn bé và đi học ở trường quốc tế khi chúng bước vào cấp II. Chúng được học bằng tiếng Anh và tham gia tất cả các môn học ngoại khóa để có thể trở thành những công dân hoàn hảo trong tương lai. Về việc học tập, tôi không lo lắng gì nhiều, vì ba đứa con tôi đều đứng top 10 của lớp về điểm số, không ngại học và không cảm thấy bị áp lực vì học. Chỉ có điều thời gian gần đây tôi bắt đầu thấy sự thay đổi khi con tôi luôn so sánh mình với bạn bè nước ngoài học cùng lớp.
- Bố ơi, Anna vừa đổi chiếc điện thoại thông minh mới – Cô con gái thứ hai vừa kể với tôi vừa kỳ kèo – Con muốn một cái giống bạn ấy.
Còn cậu út thì vừa thấy tôi đã xị mặt mách.
- Oleg đi nghỉ lễ Phục Sinh về mang đến lớp Siêu người máy Taisen, con chỉ mượn chơi được ở lớp, bạn ấy không cho con mượn về nhà. Con sẽ không them mượn bạn ấy nữa, bố mua cho con một Siêu người máy như thế nhé.
Hai đứa nhỏ thì thế, còn cậu cả thì muốn sinh nhật năm nay phải được tổ chức ở nhà hàng sang trọng:
- Bố ơi, mình phải chọn món đặc biệt, khác những món đã ăn trong tiệc sinh nhật gần đây của các bạn con nhé. Nhưng ăn uống chỉ là phụ thôi bố ạ, con muốn phải tổ chức các trò chơi giải trí nữa.
Nhiều lần, khi ngồi bên các con xem vô tuyến hay lúc giảng bài cho chúng, tôi đã muốn nói với các con về những “cuộc chạy đua” vô nghĩa ấy, muốn chúng hiểu về những điều quan trọng hơn trong cuộc sống, những điều mà chúng phải phấn đấu để đạt được, nhưng rồi tôi lại chần chừ. Sau khi hoãn binh mấy lần, cuối cùng tôi quyết định tâm sự với vợ về chuyện này, nhưng thay bằng sự đồng cảm, tôi nhận được câu hỏi đầy vẻ giận dỗi:
- Em không bao giờ muốn ai đó nhìn mình thấp hơn họ. Nhà mình đâu có thiếu tiền mà sao anh lại tiếc, không muốn đáp ứng được những yêu cầu nhỏ nhoi của lũ trẻ?
Tôi ấp úng không biết trả lời thế nào, vì tôi chưa bao giờ từ chối bất cứ nhu cầu nào của lũ trẻ.
Mặc dù hiện tại tôi có nhiều tiền, nhưng những năm tháng sống trong thời bao cấp và ký ức tuổi thơ đã để lại trong tính cách của tôi một vết hằn sâu, không bao giờ xóa đi được. Mỗi lần tiêu tiền tôi lại tính toán, cân nhắc trước sau, kể cả với số tiền không lớn. Ngay với bản thân mình, tôi cũng không muốn chi tiêu, khi thật sự không bắt buộc. Nếu không vì vợ, thì tôi đã không thay các bộ comple còn dùng được của mình, hay mua thêm áo sơ mi khi trong tủ chật kín… Và tôi cảm thấy “buốt ruột” khi vung tiền để thỏa mãn tất cả những yêu cầu chưa thật sự cần thiết của vợ con. Nhưng bên cạnh việc tiếc tiền đã trở thành căn bệnh không thuốc chữa của tôi, còn là sự dằn vặt không lối thoát, khi tôi bắt đầu nhận ra sự chiều chuộng vô điều kiện của vợ chồng tôi đối với con cái có thể hình thành nên một thế hệ ích kỷ, vô tâm. Ngày xưa các cụ bảo: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, bởi vì sự giàu có của bố mẹ sẽ khiến những đứa con không biết quý trọng đồng tiền, tiêu sài vung phí dẫn đến hư hỏng, còn những gia đình nghèo khó lại tạo động lực cho con cái vươn lên. Nếu tôi không làm gì đó để thay đổi suy nghĩ của con mình, sợ rằng chẳng cần đến ba đời.
Khi cậu con trai xin tiền để thuê phòng xem phim riêng cùng mấy đứa bạn, tôi thật sự bực tức, cố kiềm chế, tôi lấy lý do vội đi công chuyện gấp, ra khỏi nhà. Tôi đã rủ vợ đi ăn trưa để có thể dễ dàng nói chuyện, nhưng khi tôi tỏ ý không hài lòng về việc xin tiền của con trai, vợ tôi nhìn tôi ngạc nhiên hỏi:
- Em thấy dạo này anh có vẻ hơi khác, hay là chuyện làm ăn có vấn đề gì? Em không muốn bọn trẻ phải suy nghĩ về chuyện tiền nong, trách nhiệm kiếm tiền là của cha mẹ.
Tôi cuống quít thanh minh, quên cả mục đích ban đầu của mình. Tại sao chưa bao giờ tôi dám nói với vợ những suy nghĩ thật của mình, chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc sẽ kể cho các con tôi nghe về tuổi thơ và những ngày vất vả khó khăn trước đây. Giá như tôi không dùng tấm lụa xa hoa che dấu quá khứ từ ngày đầu, thì có lẽ vợ con tôi đã có thể hiểu giá trị của sức lao động và biết trân trọng những đồng tiền họ chi tiêu hôm nay. Tôi tự trách mình hèn, nhưng có lẽ vẫn chưa muộn để có thể thay đổi. Nhiều đêm tôi không sao ngủ được, đi đi lại lại trong căn phòng làm việc tiện nghi mà cảm thấy bế tắc…Tôi phải làm gì đó.
Cuối cùng thì tôi cũng đã nhìn thấy le lói một tia sáng. Cuối buổi họp phụ huynh, tôi quyết định ở lại gặp cô Jinge, cô giáo phụ trách lớp con trai lớn của tôi, một cô giáo người Singapore rất nhiệt tình và cởi mở. Tôi đã kể cho cô giáo nghe về những trăn trở của mình và xin cô lời khuyên. Cô Jinge nói với tôi:
- Vì Singapore là đất nước bé nhỏ lại không có tài nguyên, khoáng sản gì hết, đến nước ngọt chúng tôi cũng phải đi mua của Malaysia, nên ngay từ những bài học đầu tiên, chúng tôi đã dạy cho học sinh của chúng tôi biết về những khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt và chỉ cho các em hiểu rằng, chỉ có lao động cần cù, học hành chăm chỉ và trân trọng những thành quả của cha ông để lại thì mới có thể đưa Singapore phát triển, sánh vai với các nước trên thế giới.
Cô còn khuyên thêm:
- Anh cần phải chia sẻ với các con anh những khó khăn vất vả của chính anh, những nỗ lực lao động để có được như ngày hôm nay, để các con anh hiểu và biết quý những gì anh đem lại cho chúng.
Theo đề nghị của tôi, cô Jinge đồng ý sẽ giao cho con trai tôi dịch sang tiếng Anh cho cô một câu chuyện về tuổi thơ của một cậu bé nông thôn Việt Nam những năm 80 của thế kỷ trước.
Chương II
Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nghề nông và nhưng không đông con như nhiều gia đình khác trong làng. Quê tôi tuy không phải là vùng nông thôn trù phú, đất đai không được màu mỡ như đồng bằng, nhưng rất may là ít bị thiên tai lụt lội. Mấy chục nóc nhà trong làng, nằm quầy quần dưới chân những ngọn đồi thoai thoải, chạy dài cạnh những cánh đồng lúa được chia thành các thửa nhỏ. Trong làng chỉ có duy nhất con đường từ sân kho hợp tác xã tới trụ sở xã được lát gạch đỏ, còn tất cả đường làng ngõ xóm khác đều là đường đất, bên trên trải lớp lá tre khô, năm này qua năm khác, đã tạo thành lớp thảm rất êm chân.
Trong làng có hai cái giếng khơi, một ở giữa làng, một ở gần cuối làng, được đào đã từ lâu, đến những người già nhất làng cũng không nhớ được. Nước giếng rất trong và luôn đầy, là nguồn cung cấp nước ăn và sinh hoạt cho cả làng. Mỗi nhà đều có một vài cái chum sành đựng nước mưa, nhưng đến mùa khô nước mưa trữ được đã hết, mọi người đều chuyển sang dùng nước giếng để ăn. Phụ nữ trong làng thường mang quần áo ra giếng để giặt và gánh nước về nhà nấu nướng, nên giếng từ lâu đã trở thành trung tâm buôn chuyện của làng, cũng là nơi sinh ra những mẫu thuẫn từ những chuyện cỏn con. Để tránh thời gian nhạy cảm đó, tôi thường ra giếng gánh nước vào cuối giờ chiều, trước khi lũ con trai lộc ngộc rủ nhau ra giếng tắm, tranh nhau dội ào ào, làm bắn tung tóe cả nước bẩn vào giếng, mặc các cụ già thường xuyên mắng nhiếc.
Vì ở vùng trung du nên nhiều làng không có được may mắn như chúng tôi, nước giếng ít, chỉ đủ dùng làm nước ăn, nên việc tắm giặt phải ra ao làng hay ra sông. Cái cảnh ở một góc ao làng, người này giũ quần áo, người khác rửa rau đã quá quen thuộc. Có nơi trong một góc ao khuất lại có một cái chòi nhỏ không mái, một loại nhà vệ sinh phổ biến ở vùng chiêm trũng, nhưng cũng không phải là hiếm thấy ở quê tôi. Thế mới có câu chuyện “cười ra nước mắt” rằng, có người buổi tối đi rửa khoai lang, lúc về lại thấy rổ khoai của mình nhiều hơn, vì đã vớt thêm cả …”khoai đầu ra” của người khác.
Chúng tôi ở trong ngôi nhà của ông bà để lại, đã khá cũ nhưng vẫn còn vững vàng, chỉ có vài viên ngói bị vỡ, mặc dù đã được vá víu bằng cả vôi vữa và ni lông chèn bên dưới, nhưng vẫn có những giọt nước cố len lỏi chui qua, để nhảy xuống đầu chúng tôi trong những ngày mưa lớn. Bố tôi đã muốn lợp lại mái ngói từ lâu, nhưng mấy năm rồi chưa tích lũy được gì, để có thể thực hiện được mong muốn ấy. Tuy vậy, so với nhiều nhà trong làng, ngôi nhà mái ngói này vẫn thuộc loại khang trang mà nhiều người mơ ước.
Chúng tôi nấu ăn trong một trái bếp nhỏ cạnh nhà, còn củi khô dùng để đun được cất ở đằng sau nhà, trong chuồng trâu. Trước khi vào hợp tác xã, nhà tôi đã có hai con trâu đực to khỏe, nên lúc ấy nhà tôi đã đóng một chuồng trâu lớn. Nhưng sau khi nhập trâu vào hợp tác xã rồi, chúng tôi lại chỉ được giao chăn nuôi có một con, vì công điểm cho việc chăn nuôi trâu rất cao, hơn cả đi làm ruộng, nên nhà nào cũng muốn nhận nuôi trâu. Cái chuồng trâu vì thế trở nên quá rộng, nên mặc dù chúng tôi đã đóng thêm một cái chuồng gà, vẫn còn nhiều chỗ trống để cất củi khô. Tôi vẫn có thói quen, trên đường về nhà tạt qua đồi, tiện thể nhặt ít củi. Khi có thời gian, anh em tôi đi xa hơn lên tận chân núi, chặt cả gánh củi, cành còn tươi chúng tôi phơi khô rồi mới cất. Nhà tôi có một mảnh vườn mở rộng lên đồi, ngoài mấy cây mít và ổi ra chúng tôi còn trồng thêm cả khoai, sắn.
Sau khi vào hợp tác xã được vài năm, sức khỏe của mẹ tôi giảm sút, chỉ quanh quẩn ở nhà, công việc đồng áng chủ yếu chỉ có bố tôi làm, nên công điểm của gia đình thuộc loại thấp trong làng. Số thóc nhận được từ hợp tác xã không đủ nuôi “những toa tàu há mồm”, nên các bữa cơm chúng tôi thường phải ăn độn thêm khoai, sắn thu hoạch được từ khu vườn trên đồi. Là con trai đầu nên tôi đã bắt đầu theo các anh trong làng, đi chăn trâu cắt cỏ từ rất nhỏ. Có người lo lắng nói với bố tôi:
- Nó bé quá không chăn nổi trâu đâu, ngộ nhỡ nó để trâu ăn lúa hay không biết chăn để gầy ốm thì hợp tác xã phạt đấy.
Bố tôi chỉ biết gật đầu im lặng. Phần vì hoàn cảnh gia đình, phần vì bố tôi tin tôi, nên ông vẫn để tôi tiếp tục chăn trâu. Tám tuổi tôi đã theo bố đi làm đồng vào những buổi chiều không đi học. Có lúc thấy tôi hăng hái gánh lúa, bố thương tôi nhắc:
- Con đừng gánh nặng quá, không lớn được đâu.
Mọi gia đình trong hợp tác xã đều cùng nhau làm việc đồng áng. Sáng ra nghe tiếng kẻng, người lớn lũ lượt kéo nhau ra đồng. Buổi trưa tôi mang cơm ra đồng cho bố và ở lại làm đến chiều. Những ngày đi cày bừa, làm đất chuẩn bị cấy, thì chiều đến nghe tiếng kẻng là bọn trẻ biết đến giờ chúng phải ra đồng đón trâu cày đưa đi ăn cỏ, tôi lại cùng chúng dắt trâu ra sườn đồi. Khi em trai tôi có thể đi chăn trâu được, nó thay tôi công việc này, tôi tập trung làm ruộng và trồng thêm hoa màu ở mảnh vườn nhà. Tất cả mọi công việc làm cho hợp tác xã đều được tính công, từ gieo mạ, cấy lúa, làm đất nhổ cỏ, tát nước, chăn trâu, đến công việc đào mương, đắp đường. Khi bọn trẻ chúng tôi tham gia công việc đồng áng chúng tôi cũng được tính công điểm, nhưng thấp hơn người lớn. Bọn con trai chỉ thích đi chăn trâu, cắt cỏ ngoài đồng, vì sẽ được chạy đuổi, chơi trò trận giả hay xem trâu chọi nhau. Bọn con gái thường giúp bố mẹ nhổ cỏ, phơi lúa hay vun thóc trong sân phơi hợp tác xã. Tất cả những công điểm trong gia đình cộng lại đều được quy ra số cân thóc được nhận sau mùa gặt. Sau này câu “quy ra thóc” được sử dụng rộng rãi trong việc trao đổi bất cứ hàng hóa gì.
Ở nông thôn, chúng tôi không được mua thực phẩm bằng tem phiếu như thành phố, nên để có thêm thức ăn trong bữa cơm hàng ngày, chúng tôi thường tranh thủ lúc thả trâu ăn cỏ, ra ruộng mò cua, bắt ốc, hoặc thỉnh thoảng cùng nhau đắp bờ, tát nước ở một nhánh con mương để bắt cá. Khi lúa lên đòng và mùa lúa chín, bữa ăn của chúng tôi còn được cải thiện bằng những con châu chấu, muồm muỗm béo tròn, thơm phức. Sau khi thu hoạch lúa và hoa mầu, tôi và em trai thường đi mót lúa, mót khoai. Có hôm chúng tôi mang về cả nửa thúng lúa, còn thông thường thì cũng được nồi khoai hay rổ lạc.
Những ngày bình thường chúng tôi hầu như không bao giờ được ăn thịt. Gà và trứng gà nhà nuôi chỉ để bán, lấy tiền mua sắm những vật dụng cần thiết và quần áo, vì chúng tôi không có tiêu chuẩn mấy mét vải hàng năm hay mấy lít dầu hỏa hàng tháng như người ở thành phố. Chính vì vậy, khi nhìn thấy có con gà mào bị thâm, trông ủ rũ, chúng tôi lập tức thì thầm báo tin cho bố mẹ, giọng có vẻ buồn rầu, nhưng trong bụng thì sung sướng:
- Gà bị rù rồi, bố mẹ phải thịt thôi không lây bệnh ra cả đàn thì chết.
Chưa cần bố mẹ đồng ý, chúng tôi đã bắt đầu tự chia nhau, đứa phần cổ, đứa phần chân, còn phần thịt chắc chắn sẽ được thái nhỏ, kho mặm ăn dần trong nhiều ngày. Mỗi năm trong làng cũng có vài vụ mổ lợn “chui”. Nói là “chui” vì giết thịt lợn nhà mình nuôi cũng phải báo cáo chính quyền và thông thường phải bán cho chính quyền con lợn đó với giá “quy ra thóc”, nên thường mấy gia đình âm thầm chung nhau mổ một con. Tất cả mọi việc giết mổ đều được thực hiện rất bí mật, ngay cả bọn trẻ con cũng được dặn dò không đi khoe khoang nhà ăn thịt lợn. Chỗ thịt lợn đó được chia giữa các nhà thế nào, bản thân tôi cũng không được biết rõ. Bố tôi vẫn thường phân công chúng tôi đi vớt bèo với trẻ con nhà bác Ba bên cạnh và mang phần cám gạo sau khi xát gạo xong sang bếp nhà bác ấy, nên cũng đôi lần được ăn thịt lợn, mỗi khi nhà bác ấy mất đi một con. Đến Tết bác ấy bán hết mấy con lợn cho hợp tác xã và cũng nhận phần thịt được chia như các gia đình khác.
Tôi hơn em trai hai tuổi, còn hai đứa nhỏ sau thì cách nhau mấy năm. Là anh nhưng tôi lại có chiều cao khiêm tốn, chỉ đến cấp 2 tôi đã để em mình vượt qua. Tiền bán hoa màu và một số nông sản khác của gia đình tôi cũng chỉ đủ để mua vài bộ quần áo mỗi năm, nên tôi nhường cho các em và mặc thừa quần áo của em trai, khi nó không còn xỏ vừa nữa. Để những bộ quần áo cũ đến lượt tôi còn dùng được, mẹ tôi thường phải vá víu lại nhiều lần.
Chúng tôi đi học ở trường cách làng không xa lắm. Sáng ra lũ trẻ trong làng í ới gọi nhau đi học, rồi kéo nhau rồng rắn đi trên con đường đất bụi mù, vì mấy đứa con trai nghịch ngợm vừa chạy vừa đá tung lớp lá khô lẫn đất, có lúc còn bay cả chiếc dép đã mòn vẹt nửa bàn chân, rơi xuống mương cạnh đường. Ngồi trong lớp học thì chỉ có vài đứa chăm chú nghe thầy cô giảng bài, còn phần lớn thì chỉ ngóng tới giờ ra chơi để đánh khăng, đánh đáo. Lũ con gái thường đem theo quả bưởi non hay quả cà pháo to với nắm que tre để giờ ra chơi tụ tập lại chơi chuyền. Sân trường khá rộng và trống không, đủ chỗ cho nhiều trò chơi như nhảy dây thừng hay đuổi bắt. Thường thì bọn trẻ trong làng chỉ học hết mấy lớp ở trường này, không học lên cao nữa.
Nhà chúng tôi không có điều kiện mua sắm sách giáo khoa mới, mà nhà trường cũng không đủ sách cho mượn, nên tôi phải dùng chung sách với anh Hòa cạnh nhà. Những quyển sách xin được của các anh chị năm trên trong làng, tôi lấy giấy báo bọc lại dùng rất cẩn thận, giữ gìn để cho các em sau này còn dùng tiếp. Nhưng mấy đứa em tôi không thích học, lại rất cẩu thả, về đến nhà sách vở vứt quăng quật khắp nơi, nhiều lần mải chơi còn để quên cả cặp sách ở trường. Dường như sinh ra để sống mãi trong ngôi làng này, nên chúng dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi chạy nhảy khắp nơi, chui rúc vào tất cả các ngóc ngách trong làng và thuộc lòng vị trí từng cây ăn quả. Em trai tôi là một trong những kẻ cầm đầu lũ trẻ trong những trò nghịch ngợm ở trường, không ít lần tôi phải thay mặt bố mẹ đến gặp các thầy cô giáo để xin lỗi về những vi phạm của nó. Tôi đã cố gắng giảng giải, khuyên nhủ nó phải học hành, nhưng nó nói:
- Những bài toán học trên lớp không thể đem con cá từ ngoài đồng về mâm cơm nhà mình được, còn thơ văn chỉ để bọn con gái ngâm nga khi đi xem lũ con trai thả diều trên đồi, khi rỗi việc.
Có lẽ trong làng chỉ có anh Hòa và tôi là có suy nghĩ trăn trở và tin rằng con đường học hành sẽ giúp chúng tôi thoát khỏi cái vất vả của nghề nông, với hy vọng sau này có thể tìm được một công việc gì đó nhiều tiền hơn, đỡ dần cha mẹ và nuôi các em. Sau những công việc đồng áng, anh ấy hay sang nhà tôi cùng học bài. Nhà chật mà mấy đứa em nghịch ngợm chạy nhảy ầm ầm, nên chúng tôi đã ra vườn làm một cái lán nhỏ để học. Mùa hè, trong vườn rất mát, ban ngày thì không sao, nhưng tối đến thì rất nhiều muỗi, nên chúng tôi phải đốt củi, dùng khói để đuổi chúng. Mùa đông gió lạnh thổi về, chúng tôi phải lấy lá chuối khô quây mấy lớp, không có nhiều muỗi mùa này, nhưng tôi phải đốt củi để sưởi.
Một năm, nhà tôi được mùa vụ hoa màu. Lần ấy chúng tôi thu hoạch được nửa nhà khoai. Những tưởng với số lương thực vừa để dự trữ, vừa để đổi các nhu yếu phẩm khác, chúng tôi sẽ không phải lo lắng trong mấy tháng nữa, thế nhưng không hiểu bố tôi đã suy nghĩ gì mà bán hết chỗ khoai của gia đình để lấy tiền mua một chiếc xe đạp Đức. Nhà chúng tôi nằm khá xa đường huyện lộ, muốn ra tới đường cái, chúng tôi phải vượt qua một con đường sống trâu, nằm giữa các ruộng lúa. Những ngày mưa lầy lội, lũ trâu bò qua lại nhiều, tạo thành các vũng nước nông sâu. Khi trời nắng lên, nước bốc hơi để lại những vết sẹo lồi lõm trên bề mặt con đường. Chiếc xe đạp mới tinh còn thơm mùi sơn được ngồi trên vai bố tôi từ cửa hàng tận thị xã, vượt qua cả đường cái quan lẫn đường làng để về nhà. Chúng tôi xúm xung quanh, ngắm chiếc xe đạp như một vật quý hiếm, chỉ dám chạm tay vào… Nó được treo lên trên xà bên trái nhà để ai đi qua cũng có thể nhìn thấy, nhưng cũng để tránh những giọt nước mưa có thể làm mờ lớp sơn hay gây hư hỏng cho nó. Mỗi lần nhìn chiếc xe, chúng tôi lại thầm nghĩ, giá như bố chỉ mua cái khung thôi, không cần thêm 2 cái bánh, thì ít nhất chúng tôi cũng có rổ khoai luộc mỗi buổi tối…
Chương III
Cô Jinge đã giữ đúng lời hứa. Chiều tối hôm sau tôi thấy con trai cặm cụi học bài, phải gọi mấy lần mới đứng dậy đi ăn cơm. Tôi coi như không để ý thấy điều bất thường này, không hỏi han gì.
Trong ngày mấy ngày tiếp theo, thỉnh thoảng cậu con trai tôi lại hỏi:
- Bố ở, công điểm là gì hả bố? Có giống như điểm thi không ạ? Đi mò cua bắt ốc như thế nào hả bố? Bố đã bao giờ nhìn thấy con muồm muỗm chưa?…
Thấy con có vẻ thích thú với những chuyện “ngày xưa” ấy, tôi giải thích cho con từng chuyện một. Con trai tôi tâm sự:
- Mấy hôm trước cô Jinge giao cho con dịch sang tiếng Anh một mẩu chuyện ngắn về cuộc sống của một bạn cùng tuổi con nhưng từ ngày xưa rồi, nên có nhiều chuyện con không hiểu và không biết dịch thế nào.
- Thế con có thích câu chuyện đó không? – Tôi hỏi nó
- Có rất nhiều điều khác lạ, nên con thấy tò mò. – Nó thú nhận
Khởi đầu như vậy là tốt rồi. Tôi muốn tranh thủ để có thể đi thêm bước nữa.
- Đúng là mỗi giai đoạn lịch sử lại có những bức tranh về cuộc sống khác nhau. Các con sinh ra trong những năm tháng không có chiến tranh, điều kiện sống đầy đủ nên sẽ khó hiểu được các hoàn cảnh khó khăn trước đây. Con có thích nghe chuyện ngày xưa không.
Con trai tôi ngẫm nghĩ rồi nói:
- Vâng, đọc câu chuyện này con cũng băn khoăn, không biết ngày xưa khó khăn thế thì trẻ con có niềm vui không bố.
- Trẻ con thời nào cũng có nguồn vui con ạ. – Tôi bắt đầu. – Bây giờ các con có trò chơi điện tử, phim ảnh, sách truyện rất nhiều, nhưng các con lại chưa bao giờ được cưỡi trâu đuổi nhau trên đồng cỏ, thả diều vào những buổi chiều hè. Các con được ăn quả đóng trong các bao nilong sạch sẽ, nhưng lại chưa bao giờ được trèo cây, tự hái quả ăn ngay trên cành. Vì con luôn mặc quần áo đẹp, nên con sẽ không bao giờ có được niềm vui khi được mặc bộ quần áo mới còn thơm mùi vải, chạy ra đường đứng để chờ người đi qua, đi lại hỏi và khen mấy câu. Con sẽ không có được niềm vui khi bu quanh sân kho xem người lớn chia thịt lợn ngày tết, háo hức chờ đợi, tay cầm lá chuối khô liên tiếp giáng xuống lũ ruồi xanh thính mũi, luôn sấn sổ, lao vào những miếng thịt còn nóng hổi…
- Sao bố lại biết những chuyện này ạ? – Cậu con trai ngạc nhiên nhìn tôi.
- Khi bố còn nhỏ, tất cả trẻ con đều như nhau mà. – Tôi trả lời
Và thế là từ hôm đó, tôi cứ dần dần mỗi ngày một ít, kể lại cho con trai nghe những gì đã trải qua trong quá khứ, cả những ngày học đại học nội trú thiếu thốn đủ đường, phấn đấu đạt được cái bằng giỏi để rồi bỏ lại tấm bằng để đăng ký đi quản lý lao động ở nước ngoài, những ngày lội tuyết đi bán hàng, những đồng tiền đầu tiên gửi về mua thuốc cho mẹ…
Tôi biết rằng tôi cần thời gian để các con tôi hiểu và thực sự chia xẻ, nhưng tôi đã nhìn thấy những thay đổi trong cách ứng xử của chúng. Những việc chi tiền vô lý đã giảm dần và tôi thật sự vui mừng khi thấy chúng rất hào hứng khi đi chơi các vùng nông thôn.
Cô Jinge chăm chú nghe tôi vui mừng kể chuyện về cậu con trai và hai đứa em, sau khi được cô giúp đỡ. Cô bảo:
- Tôi nghĩ không chỉ có những đứa trẻ trong gia đình khá giả, mà gần như thế hệ trẻ hôm nay đang bị quá sức trong đại dương thông tin, nếu không có sự hướng dẫn của cha mẹ, thầy cô, chúng sẽ chỉ đến được với những thông tin trên bề mặt, hấp dẫn bởi sự hào nhoáng của màu sắc và âm thanh, mà không có cơ hội tiếp cận đến những câu chuyện mang lại giá trị thực sự cho cuộc sống.
Cô Jinge đề nghị tôi tiếp tục viết thêm nhiều những câu chuyện “ngày xưa” và nếu được, thì chia sẻ cả những câu chuyện của bạn bè tôi nữa, những nhân vật có thật kể lại câu chuyện của chính mình.
- Tôi muốn đem đến cho các em học sinh của mình, thế hệ trẻ hôm nay, những câu chuyện hết sức chân thực, giản dị trong quá khứ, vì “hiện tại phải được bắt đầu từ quá khứ”. Chính những câu chuyện này sẽ giúp các em hiểu được giá trị và trân trọng những gì các em đang có được ngày hôm nay.
Quế Nga