Chùa Ananda ở Bagan, Myanmar

Đây không phải là ngôi chùa chúng tôi đến thăm đầu tiên ở Bagan, nhưng là một trong những ngôi chùa ấn tượng nhất tại Bagan.

Phía trước chùa có rất nhiều các phương tiện vận chuyển từ xe 45 chỗ hiện đại, đến xe túc túc, xe ngựa và thêm cả chiếc xe máy điện của chúng tôi. Đây là một trong số ít chùa có số lượng khách đến đông nhất. Nhiều chùa ở Bagan khi đến thăm chỉ thấy mỗi mình mình.

Khách đến chùa chủ yếu là người Myanmar. Họ rất thành kính và cảm thấy mãn nguyện, hạnh phúc khi được đến đây. Có lẽ họ từ những thành phố khác tới.

Ngôi chùa Phật giáo này được vua Kyanzittha của triều đại Pagan xây dựng vào năm 1105 là sự kết hợp giữa kiến ​​trúc Mon có nguồn gốc Miến Điện và kiến trúc của Ấn Độ (do người Ấn Độ xây dựng). Chùa được đặt theo tên của Hòa thượng Anannda, đệ tự chính của Đức Phật Thích Ca. Chùa nguyên bản được xây bằng gạch nung như tất cả các chùa khác. Màu sơn trắng hiện nay là mới được đưa vào như một biện pháp bảo vệ. Toàn bộ chùa tháp có chiều dài 88m, trên bốn phía có 4 tầng thượng có độ cao 51m dẫn tới một ngôi đền nhỏ hình tháp chuông được mạ vàng và trên cùng là một chiếc lọng.

Ngôi chùa này đã được xây dựng cùng với một truyền thuyết đau buồn. Có 8 tu sĩ đã kể chuyện cho vua  Kyanzittha nghe về một hang động tuyệt đẹp tại Hymalaya, nơi họ đã thiền định. Bằng những khả năng ngoại cảm của mình, họ đã cho nhà vua nhìn thấy vẻ đẹp thiên thần của hang động đó, khiến nhà vua quyết định cho xây dựng một ngôi chùa có kiến trúc giống như vậy. Các nhà sư đã thực hiện ý nguyện của nhà vua, xây dựng cho ông một ngôi chùa ở vùng đất bằng phẳng, giữa những rừng cây mát mẻ. Tuy nhiên, sau khi xây xong, nhà vua đã hạ lệnh giết chết các nhà sư, để đảm bảo kiến trúc của ngôi chùa sẽ là duy nhất.  

Phía trước cổng chùa có rất đông khách thập phương, ai cũng muốn chụp một bức hình kỷ niệm, nên khó có được tấm ảnh nghiêm túc.

Qua cổng chùa là hai bên sân rộng. Đây là bên tay trái.

Và để vào chùa, mọi người đi qua một cổng dài 17 mét có mái che. Đây là cổng phía nam.

Đây là hình ảnh cổng dài, khi nhìn từ bên ngoài vào.

Cuối cổng dài có một cô gái bán những cành lá xanh và bó hoa (rất nhỏ thôi) để mọi người đem vào cắm lên bàn thờ. Không ai mang theo lễ vật để cúng và không thắp hương.

Có một bảo thấp hình vương miện ở mỗi lối vào của 4 hướng.

Hai bức tượng cúi chào hai bên gian điện hướng nam.

Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy chùa tháp vô cùng lớn, nhưng gian điện lại rất rất hẹp, chỉ có một khoảng không gian vài mét vuông, phía trước là bức tượng Phật đứng cao, có ban thờ nhỏ.

Sau khi quỳ làm lễ, mọi người sẽ đi vào gần phía tượng Phật và thấy có hành lang hẹp, chạy dọc theo các cạnh của hình vuông. Trên bức tường dọc hành lang có rất nhiều tượng Phật mạ vàng được đặt trong các hốc tường. Hành lang có trần rất cao, vòm của trần được xây dựng bằng gạch nhưng theo mái vòm, giống như nhiều chùa tháp khác ở Bagan.

Kiến trúc tổng thể của ngôi chùa có hình chữ thập, với phần tâm của ngôi đền có hình dạng một khối lập phương, có đặt bốn bức tượng Phật khổng lồ hướng ra bốn phương, đại diện cho các vị Phật hiện tại. Mỗi bức tượng Đức Phật đứng có chiều cao 9,5m, được đặt trên bệ có chiều cao 2,5m. Vị Phật ở phương bắc tên là Kakusandha, là vị Phật đầu tiên trong năm vị Phật của kalpa hiện tại, vị Phật hướng về phương nam tên là Kassapa, là vị Phật thứ ba trong năm vị Phật của kalpa hiện tại. Hai bức tượng hướng bắc và nam là tượng gốc, nguyên bản bằng gỗ tếch phủ vàng lá, với vị trí bàn tay tượng trưng cho bài giảng đầu tiên của Đức Phật.

Phật Konagamana nhìn về hướng đông và Phật Gautama nhìn về hướng về phía tây. Hai bức tượng này được phục chế lại sau trận hỏa hoạn. Bức tượng phía tây với hai bàn tay vươn ra, thể hiện sự không sợ hãi. Bức tượng phía đông giữa ngón tay cái và ngón giữa giữ một quả cầu nhỏ như hạt – một loại thảo mộc, tượng trưng cho triết học Phật giáo như một phương thuốc cho sự khốn khổ và đau khổ.

Bức tượng Phật phía nam có kiến trúc rất lạ, nếu nhìn gần thì thấy Ngài rất buồn, nhưng nhìn xa lại thấy Ngài đang mỉm cười.

Ngôi chùa Ananda cũng chung số phận với nhiều chùa khác ở Bagan, bị hư hại trong trận động đất mạnh 8 richte năm 1975. Tuy nhiên, chùa đã được khôi phục hoàn toàn và được duy trì tốt bằng cách thường xuyên sơn và quét vôi các bức tường. Vào năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 900 năm các ngọn tháp của ngôi chùa đã được mạ vàng.

Xung quanh chùa có khuôn viên sân rộng. Cây bồ đề tỏa bóng mát trong sân bên tay phải chùa khi bước vào.

Bên ngoài cổng chùa, cũng giống như ở nhà mình, có rất nhiều quầy bán hàng lưu niệm và có cả đồ ăn cùng một số đặc sản địa phương, khiến cho du khách cảm thấy rất đời thường…

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *