Tắm biển ở Phú Quốc không khác tắm biển trong đất liền, nhưng tắm suối Đá Bàn ở Phú Quốc sẽ không thể tìm thấy nơi nào khác giống như vậy, không chỉ trong đất liên mà trên khắp các châu lục.
Từ thị trấn Dương Đông, Phú Quốc đi qua cầu Dương Đông, tới đường Nguyễn Trung Trực thì rẽ phải, đi hơn km sẽ nhìn thấy biển chỉ dẫn, không lạc được đâu, đi thêm chừng 6km nữa trên con đường đất đỏ bụi mù và cả những đoạn đường trên cát khiến bạn muốn xuống xe đi bộ hơn là chòng chành, nghiêng ngả, bạn sẽ đến được suối Đá Bàn. Có chỗ gửi xe và mua đồ uống. Thậm trí bạn có thể đặt ăn trưa, chủ quán sẽ mang đến tận nơi bạn “hạ trại”.
Giống như mọi con suối, Đá Bàn cũng khởi đầu từ những ngọn núi giữa đảo Phú Quốc và chảy dài về đến sông Dương Đông, nên sẽ không có điểm đầu, điểm cuối, nơi bạn đến có lẽ là điểm dễ tiếp cận nhất. Bạn có thể lựa chọn cầu khỉ, nơi mà mấy thanh niên đang làm cầu nhẩy thi thố tài năng, hoặc đi qua mấy tảng đá lớn.
Vào mùa mưa và sau đó vài tháng, từ tháng 8 đến tháng 3 suối Đá Bàn là địa điểm lý tưởng cho đám thanh niên tụ tập. Khu vực suối Đá Bàn rất rộng, có nhiều tảng đá lớn và cũng có nhiều khu vực nước rộng và sâu.
Suối Đá Bàn uốn lượn quanh co, nên để đi sâu lên thượng nguồn con suối, chúng tôi phải đi bộ qua một đoạn rừng, mùa này hoa sim nở thưa thớt, có đoạn chỉ toàn cát trắng.
Nhưng cũng có đoạn đường dốc và chúng tôi phải len lỏi bám vào những bụi cây để khỏi trượt ngã.
Và suối Đá Bàn lại hiện ra trước mặt.
Như những người khó tính, chúng tôi tiếp tục đi lên, lúc thì đi giữa dòng suối, lúc lại trèo lên sườn núi dốc bên cạnh, để có thể tìm hiểu nhiều hơn về con suối.
Những tảng đá lớn, rất lớn, hơn cả mặt bàn…mà vì thế người ta gọi là suối Đá Bàn…bị dòng nước chảy không mệt mỏi năm này qua năm khác, đã khiến cho nó trở nên nhẵn nhụi, tạo thành những chậu tắm khổng lồ rất an toàn.
Chúng tôi cứ thế đi ngược dòng suối lên mãi, chỉ đơn giản là tò mò, muốn nhắm nhìn mọi vẻ đẹp của con suối.
Vì những phiến đá tuy rất rộng nhưng lại không dầy, nên dòng suối rất hiền hòa, chỗ nào bạn cũng có thể dừng lại để tắm.
Cũng có chỗ suối kín đáo khép lại, tạo thành một chỗ tắm riêng tư.
Thậm trí còn có cả “hố sục” nữa. Dòng nước chảy ngầm trong phiến đá tạo nên những hố khá rộng trong lòng đá, bên trên bề mặt chỉ như miệng chậu, nhưng bên dưới rất rộng. Có nhiều hố miệng to, có thể chui vào tắm, tuy nhiên rất nguy hiểm, nhất là mùa mưa nước mạnh, có nhiều hố thông nhau, có thể hút cả người xuống.
Có những chỗ, dòng suối tạo nên một hồ nước nhỏ, xung quanh là những cây su ổi rừng và những thảm rêu xanh…
Rồi địa hình cũng bắt đầu thay đổi. Những tảng đá dầy thêm lên, lớn dần lên và tạo thành những thác nước nhỏ.
Chúng tôi tiếp tục leo lên cao. Đường đi bắt đầu khó khăn vì những tảng đá lớn dần. Con suối cũng vì thế mà nhỏ lại, chảy len lỏi giữa những tảng đá lớn.
Chúng tôi nghĩ đã đến lúc quay lại để “hạ trại”, tìm một nơi đẹp nhất để hưởng thụ. Nơi chúng tôi chọn con suối thật hiền hòa. Chúng tôi có thể vừa tắm và vừa ăn thức ăn đặt trên các tảng đá.
Nơi đây là thiên đường của riêng chúng tôi và ấn tượng tuyệt vời của hôm nay sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí tôi, luôn lôi kéo tôi mong muốn trở lại.
Dọc bờ suối có rất nhiều loài phong lan rừng, nhiều nhất là những cây lan hoa tím nhỏ xíu, mọc khắp nơi, cả trên những phiến đá lẫn trong đám cỏ dại.
Và những bụi cây nắp ấm. Người dân địa phương ở đảo Phú Quốc thường hái những bông hoa của cây nắp ấm này về đun nước uống, nó có mùi thơm thơm tựa lúa nếp lên đòng.
Chúng tôi đã dành cả ngày để khám phá suối Đá Bàn và tận hưởng cảnh đẹp nơi đây. Nếu có thời gian, có sức khỏe và sự dẻo dai bạn có thể nhìn thấy nhiều hơn nữa những điều bất ngờ mà suối Đá Bàn, Phú Quốc đem đến cho bạn.
Chúng tôi trở về chỗ gửi xem bằng cây cầu treo bắc qua suối, nơi buổi sáng khá đông đúc. Cây cầu là lối đi cho những người muốn giữ chân khô ráo trước khi thực sự lội xuống dòng nước mát và là nơi bọn trẻ vui đùa, nhảy từ cầu xuống suối.
Đừng bỏ lỡ suối Đá Bàn, một khi bạn đã đặt chân lên đảo Phú Quốc.
Đừng bỏ qua suối Đá Bàn khi đến Phú Quốc
