Ngay sau phút giao thừa, mọi nhà đều thắp hương bên ngoài trời, nghênh đón vị tân quan của năm mới từ Thiên đình xuống Hạ giới. Vì vị Tân Quan rất vội, không có thời gian ghé vào nhà, nên các gia đình bày sẵn cỗ ngoài sân cho ngài tiện dùng.
Sau khi hoàn tất nhiệm vụ đón vị tân quan, mọi người lũ lượt kéo nhau ra Đình làng hay miếu Thành hoàng hoặc chùa làng để cầu khấn. Có lẽ những giây phút đầu tiên của năm mới, lời cầu khấn đến tai các vị thần thánh nhanh hơn.
Sáng sớm, mọi người diện bộ đẹp nhất để đi lễ.
Đình làng là nơi tất cả người dân trong làng đều chọn làm nơi đến lễ đầu tiên. Nằm ở trung tâm thành phố, làng Giảng Võ, Hà Nội tự hào có ngôi đình làng có đủ “cây đa, giếng nước, sân đình”.
Các bà trong ban lễ hội đã đến Đình làng làm lễ từ rất sớm.
Đình làng Giảng Võ thờ bà công chúa Lý Thị Châu Nương và các nữ tướng theo hầu Bà.
Và miếu thờ các liệt sỹ trong làng cũng được thắp hương dâng lễ ngay sau giao thừa
Chùa Trấn Quốc, Hà Nội là một trong những chùa nổi tiếng, được không chỉ người dân Hà Nội, mà từ các tỉnh, thành lân cận chọn đi lễ đầu năm.
Không chỉ là nơi để mọi người đến cầu Phật mà còn là nơi du khách tham quan.
Đình làng Liễu Giai đã nghi ngút hương khói từ sáng sớm.
Chùa Láng, nơi thờ pháp sư Từ Đạo Hạnh được nhiều đại gia lựa chọn để lễ đầu năm. Có lẽ pháp sư, người có khả năng “hô phong hoán vũ” mới phù trợ để làm những đại việc “dời non lấp bể” của họ.
Gọi là chùa nhưng vì nơi đây lại thờ pháp sư Từ Đạo Hạnh nên chùa Láng có kiến trúc hơi khác chùa bình thường ở miền bắc.
“Đầu năm mua muối” cho đậm đà cả năm. Phong tục này đã được phát triển ngày một rộng, nhất là ở cổng đền chùa đầu năm.
Những thầy đồ viết sớ chữ Nho sẵn sàng trợ giúp cho tất cả những người đi lễ co nhu cầu.
Không chỉ có người lớn, mà cả trẻ con chưa biết chữ cũng đến nhờ thầy đồ viết sớ cầu xin để … biết chữ
Thầy đồ chỉ quan tâm đến công việc phục vụ người đi lễ, không bận tâm đến cái bàn quảng cáo cho hãng Coca Cola hay những đồ lễ chất đầy xung quanh.
Dâng lễ cho cõi âm hay cõi tiên đều giống nhau, dùng hoa giả cho được lâu bền
Trong khi chờ nhận sớ, quý khách có thể tranh thủ thưởng thức đặc sản địa phương hay mua làm đồ lễ
Tất cả đã sẵn sàng, khách thập phương không mất thời gian chuẩn bị.
Cổng Phủ Tây hồ, Hà Nội các nam thanh nữ tú đang khởi nghiệp từ những túi muối đầu năm.
Người lễ ngang, kẻ lễ dọc, chật cứng trong sân trước gian chính điện của Phủ Tây Hồ
Không thể chen chân vào bên trong gian điện, nhưng cũng không dễ gì có được chỗ để bày lễ bên ngoài
Đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ đều một lòng thành kính
Có lẽ việc đi lễ cũng mất nhiều sức lực, khiến khách thập phương đi lễ cần phải nạp thêm, nên dọc đường ra từ Phủ Tây hồ là các cửa hàng ăn san sát, đầy ắp món bánh Tôm hồ tây.
Vừa khấn trực tiếp, lại vừa gửi sớ, nhắc cho các vị thần thánh không quên phù hộ cho mình. Năm mới đầy lộc, phải cất đâu đây?
Quế Nga, sáng mùng một Tết Bính Thân 2016