Đọc chương trình tham quan Nội Mông lần đầu tôi đã giật mình khi thấy có điểm tham quan là “Khu Công nghiệp Văn hoá Ordos” (The Ordos Cultural Industria). Tôi lập tức lên Google tìm kiếm thông tin, nhưng rất ít, chủ yếu là một đoạn ngắn như trong chương trình đã ghi của các công ty du lịch khác nhau. Tôi thầm nghĩ, Ordos là một thành phố mới, mà nền tảng để phát triển là khai thác mỏ, cho nên có lẽ “công nghiệp”cũng là cái gì đó đáng để khoe!
Điểm tham quan đầu tiên của chúng tôi khi đến khu tự trị Nội Mông chính là Khu Công nghiệp Văn hoá Ordos! Và với suy nghĩ tự biên tự diễn của mình, tôi nghĩ rằng chúng tôi sắp sửa đi thăm những cơ sở công nghiệp mới xây dựng của Ordos. Xe từ khách sạn trong trung tâm Ordos chạy khoảng gần 1 giờ thì bắt đầu rẽ vào một khu vực rộng lớn. Đầu tiên, tôi nhìn thấy những bức tượng bằng đồng khá lớn dọc hai bên đường, đó là những đàn ngựa, những chiếc xe chiến mã, những người dân du mục…
Rồi xa xa bắt đầu xuất hiện những tòa kiến trúc đặc trưng của cung điện Trung Hoa…Không phải là trung tâm công nghiệp rồi, tôi đã bỏ qua chữ văn hóa. Người ta sử dụng chữ “công nghiệp” để nói đến sự to lớn đồ sộ như một khu công nghiệp chăng?
Bãi đỗ xe rất rộng. Chúng tôi xuống xe, được nhắc nhở là phải mang theo mũ, ô che nắng, kem chống nắng, nước…vì đi chơi khoảng 2-3 giờ tại đây. Sau đó chúng tôi lên xe điện của khu văn hóa, đi sâu vào bên trong.
Khu công nghiệp văn hóa Ordos, từ giờ tôi sẽ dùng tên khác để gọi cho phù hợp: Công viên văn hóa Nội Mông nhé.
Công viên văn hóa Nội Mông rất rộng, có diện tích 8km². Công viên này là một bảo tàng sống động tái hiện lại thời kỳ vẻ vang 700 năm trước của triều đại nhà Nguyên Mông với rất nhiều công trình được xây dựng lại theo tỷ lệ 1/1 của các di tích lịch sử cũ như Tây Cung, Sùng Thiên Môn, quảng trường Tengger, cổng Chongtian lều vàng Alateng Oerduo và nhiều biểu tượng văn hóa Nguyên Mông khác.
Vì công viên rộng lớn, mới được xây dựng nên chưa có nhiều cây xanh cao vì là vùng đất hoang mạc nên cây to sẽ rất lâu mới trưởng thành, trời lại rất nắng, không thể đi tham quan và trải nghiệm hết tất cả được, do vậy xe điện đã đưa chúng tôi đến một số điểm đặc sắc nhất. Trên đường đi, tôi nhìn thấy có khu trò chơi mạo hiểm, đi trên dây nối giữa các cây, trượt cáp…nhưng không thấy có người chơi (có thể còn hơi sớm!).
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là một khu đồi đất đỏ nhân tạo! Thật ra loại địa hình đất đỏ ở Nội Mông có rất nhiều, có thể nói là một điểm đặc trưng, nhưng không có ở đây, do vậy, họ phải tạo ra nó để mọi người hình dung. Chụp ảnh check-in cũng đẹp…nhưng nhìn thì thấy giả quá!
Xe điện tiếp tục chở chúng tôi đến điểm dừng thứ hai. Nơi này có một hồ nước khá đẹp. Nhưng dịch vụ chính là cưỡi ngựa, chụp ảnh. Rất nhiều xe đưa khách du lịch dừng lại tại đây, nhưng tôi không thấy ai sử dụng dịch vụ này. Những con ngựa kiên nhẫn chờ đợi được làm việc…
Tôi đi ra hồ nước, chỉ là để tiêu thời gian đang có thôi. Không có gì đặc biệt ở đây. Có thể sau này, công viên còn đang tiếp tục xây dựng, hồ nước sẽ có các hoạt động vui chơi giải trí khác.
Điểm dừng chân thứ ba và cũng là điểm dừng chân cuối, chính là Sùng Thiên Môn và Hoàng cung Tây cung.
Sùng Thiên Môn là một bức tường thành lớn có chiều dài 399 m theo hướng Đông – Tây, có một tháp lớn có chiều cao 33 m và 8 tháp canh nhỏ. Dọc theo bức tường thành, 9 mái lều bằng đồng trên những tháp canh được chế tác tỉ mỉ công phu, cùng với 5 cổng vòm tượng trưng cho uy quyền của hoàng đế Nguyên Mông. Bức tường thành được sơn màu trắng bạc, chân tường thành và trêntường thành là viền nâu rất đặc biệt. Màu trắng bạc được người Mông Cổ coi là biểu tượng tượng trưng cho địa vị hoàng gia trong triều đại Nguyên. Sùng Thiên Môn là một công trình kiến trúc được khôi phục lại, đại diện cho sức mạnh và văn hóa của triều đại Nguyên Mông, một triều đại phong kiếm hùng mạnh nhất của thế giới vào thế kỷ thứ 13.
Sùng Thiên Môn và Hoàng cung là công trình kiến trúc được khôi phục với tỷ lệ 1/1 của Tây Cung trước đây, cho thấy triều đại Nguyên Mông cách đây hơn 700 năm đã phát triển như thế nào.
Hoàng cung có Cung Đại Minh là trung tâm, xung quanh có nhiều cung điện nhỏ khác và một dãy tường cao bao bọc.
Cung Đại Minh từng là trung tâm của những sự kiện trọng đại của triều đình nhà Nguyên, bao gồm các tòa cung điện lớn với mái cung điện làm từ đá xanh trông rất đẹp, đứng vững trên 3 tầng bệ đá, mỗi tầng đều được trang hoàng bởi lan can đá trắng điêu khắc tinh xảo rồng và phượng hoàng tung bay giữa mây, dưới chân mỗi cột đều trang trí bằng đầu rùa. Hội trường Đại Minh được xây dựng xong năm 2014.
Mỗi ngày trong Cung Đại Minh đều có các buổi biểu diễn văn nghệ tái hiện lại văn hóa cung đình Nguyên Mông và một số văn hóa của người Mông Cổ.
Từ trên trường thành nhìn ra thảo nguyên có thể thấy những lều vải truyền thống của người Mông Cổ và những con ngựa đang gặm cỏ gần đấy.
Chúng tôi bước vào quần thể Sùng Thiên Môn và hoàng cung bằng cửa bên hông và đi ra bằng cổng chính vào Sùng Thiên Môn. Trước cổng Thiên Môn có những cây cầu bắc qua con hào bảo vệ tường thành.
Quảng trường Tengger giờ đã là buổi trưa nên rất nắng. Chúng tôi chỉ chụp ảnh và đứng ngó xem một lúc rồi đi. Nghe nói, tại quảng trường thỉnh thoảng có tổ chức buổi nghi lễ hiến lửa trang trọng được tổ chức bởi người Mông Cổ, với hy vọng mang lại mưa thuận gió hòa, thịnh vượng và trường thọ cho mọi loài sinh vật, cũng như bình an và phồn thịnh cho đất nước, hạnh phúc và sức khỏe cho mọi người.
Đây là một quảng trưởng lớn, có không gian mở rộng lớn lên đến 300 m. Trung tâm của quảng trường là một con đường nhựa dài 99 m, tạo nên một trục đường chính hướng thẳng. Đặc biệt, tại trung tâm của con đường này là một cột lửa cao 6 m với đường kính 9 m, đứng sừng sững như một biểu tượng của sức mạnh và lòng dũng cảm. Cột lửa này không chỉ là cột lửa lớn nhất ở châu Á mà còn là nơi hiến tế thiêng liêng, được chạm khắc tỉ mỉ từ đồng đỏ, với hình ảnh sáu con rùa biển tung cánh bay lượn và tám con Zhula huyền thoại.
Trong khu vườn phong cách Mông Cổ, có trưng bày những khu lều vải đặc trưng văn hóa đặc sắc của Nội Mông và những di sản văn hóa đặc sắc của 6 bộ tộc lớn của người Mông Cổ như Ordos, Khalkha, Chahar, Urad, Turhut ….
Bộ tộc Ordos trưng bày những bộ trang phục truyền thống rất đặc biệt như váy, áo và các đồ trang sức, còn bộ tộc Barhu lại giới thiệu nền y học cổ truyền của họ rất được người Mông Cổ coi trọng… phản ánh chân thực và sống động văn hóa du mục và cuộc sống hàng ngày của người Mông Cổ.
Video này có thêm hình ảnh cho bạn.