Vương cung Thánh đường Phú Nhai

Mặc dù đã được đi thăm khá nhiều nhà thờ Công giáo, nhưng đến khi thăm Vương cung Thánh đường Phú Nhai, tôi mới hiểu kỹ hơn về nhà thờ Công giáo.

Nam Định và đặc biệt là vùng Bùi Chu đối với tôi có một sức hấp dẫn vô cùng lớn, với những nhà thờ cổ kính, to lớn và rất đẹp. Cùng với nhà thờ cổ Bùi Chu, nhà thờ Phú Nhai nổi tiếng vì đã từng là nhà thờ lớn nhất Đông Nam Á vào năm 1933 và mặc dù chỉ cách Hà Nội khoảng 100km, nhưng mãi đến giờ tôi mới có cơ hội được chiêm ngưỡng những kiến trúc tôn giáo đầy nghệ thuật này.

Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu một chút về Vương cung thánh đường – tiếng anh là Basilica (theo gốc Hy lạp có nghĩa là nhà vua). Khi Công giáo trở thành quốc giáo của La Mã thì “Basilica” là nơi giáo hội cử hành những nghi lễ lớn khi có Giáo hoàng chủ sự. Vương cung thánh đường có hai loại: đại và tiểu Vương cung thánh đường. Toàn thế giới có 4 đại Vương cung thánh đường (đều nằm ở Italia ) và 1.575 tiểu Vương cung thánh đường. Các tiểu Vương cung thánh đường nằm rải rác khắp các quốc gia, nhiều nhất là Italia có tới 539 ngôi và Việt Nam có 4 ngôi (Nhà thờ Đức Bà Saigon, nhà thờ Sở Kiện Hà Nam, nhà thờ La Vang Quảng Trị và nhà thờ Phú Nha). Khi một nhà thờ được nâng lên hàng tiểu Vương cung thánh đường sẽ được Toà thánh trao cho 2 biểu trưng của Giáo hoàng: một là cái chuông tintinnabulum dùng để báo tin Giáo hoàng hay người thay mặt Giáo hoàng đến; hai là cái dù bằng lụa có hai màu vàng, đỏ dùng để che cho Giáo hoàng.

Phần lớn vương cung thánh đường là nhà thờ chính tòa, nhưng không phải nhà thờ chính tòa nào cũng là vương cung thánh đường, như nhà thờ Bùi Chu tuy là nhà thờ chính tòa nhưng lại không được nâng thành Vương cung thánh đường. Để trở thành tiểu Vương cung thánh đường, nhà thờ đó phải là nhà thờ cổ kính được xây dựng theo các kiến trúc cổ điển, to đẹp, chỉ dành riêng cho việc thờ phượng, là nơi lưu giữ di hài các thánh nhân hay những tác phẩm hội họa, điêu khắc có giá trị nghệ thuật. Ngoài ra nhà thờ cũng phải có một ban lễ tân đủ sức đảm nhiệm phục vụ các lễ lớn.

Đền Thánh Phú Nhai được nâng thành Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội Phú Nhai (Minor Basilica ) vào năm 2008, hiện vẫn là một trong những ngôi nhà thờ có diện tích rộng lớn nhất Việt Nam.

Từ cổng chính của Vương cung thánh đường Phú Nhai vào, bên phải có tượng đài Thánh Đa Minh cao 17m, riêng phần tượng cao 2,3m. Thánh Đa Minh (tên là Santo Domingo thế kỷ XI) là người sáng lập ra Dòng Anh Em giảng thuyết hay còn gọi là Dòng Đa Minh. Ông là vị thánh quan thầy của các nhà thiên văn học. Đây là dòng truyền giáo đầu tiên đến Việt Nam trong thế kỷ XVI, do đó thánh Đa Minh rất được tôn sùng và được lập tượng thờ ở nhiều nơi.

Tượng đài bằng đá cao 15m ở bên trái là Lăng lưu trữ hài cốt của 83 người tử đạo thuộc họ đạo xứ Phú Nhai.Theo lịch sử Công giáo thì cuối thế kỷ XVIII, Phú Nhai bắt đầu có một họ đạo lẻ, các giáo xứ cho xây dựng một nhà nguyện nhỏ ở trại xóm Nam. Từ năm 1773-1785, nhà nguyện này đã bị triệt phá, các giáo sĩ và nhiều giáo dân bị bắt, bị kết tội, bị xử tự. Đây chính là khu mộ tập hợp hài cốt của 83 giáo sĩ và giáo dân chết trong thời kỳ này.

Vương cung thánh đường Phú Nhai có diện tích hơn 200 mét vuông, với chiều dài 80 mét, chiều rộng 27 mét, cao 30 mét. Hai tháp chuông cao 44 mét, bên trên đặt 4 quả chuông có kích thước và trọng lượng khác nhau, được đúc từ Pháp mang về VN. Có hai quả chuông lớn nặng tới 2 tấn và 1,2 tấn, hai quả nhỏ nặng 600 kg và 100 kg. Mỗi tháp chuông lại có nhiều cột trụ tạo thành những cây nến khổng lồ vươn lên trời xanh, phần giữa thấp hơn được kết thúc bởi một đỉnh tường tam giác với cây Thánh giá như một điểm nhấn.

Nhà thờ Phú Nhai đầu tiên có phong cách kiến trúc Gothic mang đậm dấu ấn Tây Ban Nha, còn Vương cung thánh đường Phú Nhai hiện nay được xây lại theo phong cách kiến trúc Gothic Pháp. Mặt chính diện ngôi nhà thờ được tạo thành ba tầng.

Các mặt đứng nhà thờ sử dụng nhiều đường nét kiến trúc Gothic, cửa sổ hoa hồng trên mặt chính, các cửa đi và cửa sổ đều có dạng cuốn nhọn và được cấu trúc với số lượng lớn.

Có ba cổng vào bên trong thánh đường, dẫn vào ba gian, gian giữa và hai gian bên. Các cánh cửa được làm bằng gỗ lim, có trạm khắc các vị Thánh (tôi nghĩ vậy!).

Đây là những bức tường hai bên nhà thờ chạy dài 80 mét.

Và cánh cửa bên hông của nhà thờ cũng được trang trí bằng những bức phù điêu về các vị Thánh.

Đây là phía sau lưng của nhà thờ.

Chúng tôi đi vòng quanh bên ngoài Vương cung thánh đường Phú Nhai để ngắm nhìn các bức tượng và nhà thờ đồ sộ này. Bên tay trái là tu viện Thánh Đa Minh

Xung quanh nhà thờ có các phù điêu thể hiện 14 Đàng Thánh Giá, mô tả quá trình từ khi Chúa Jesu bị kết án đến khi bị đóng đinh trên thập giá và cuối cùng là an táng trong hầm mộ. Đây là bức phù điêu mô tả cảnh Chúa Jesu giao giảng về nước Trời và kêu gọi xám hối và Đức Chúa Jesu biến hình trên núi.

Đây là bức phù điêu mô tả cảnh Đức Chúa JeSu chịu đánh đòn, phải đội mũ có gai và vác thánh giá.

Đàng Thánh Giá là cách các Kito hữa thể hiện sự sùng bái bằng cách di chuyển đến từng bức phù điêu, theo thứ tự rồi đọc kinh nguyện và suy tư tương ứng với sự kiện tại chặng đó. Cử hành Đàng Thánh Giá thường là vào ngày Thứ Sáu trong tuần, vì Kitô hữu tin rằng đó là ngày Chúa Jesu bị hành hình. Hình ảnh Đức Chúa Jesu vác thánh giá nhưng vẫn dừng lại an ủi giáo dân và khi Ngài ngã xuống, bị những tên lính La Mã dùng roi vụt…

Và Ngài bị đóng đinh trên cây thánh giá.

Nhưng rồi Ngài đã hiển linh… Tất cả những bức phù điêu trong khuôn viên của Vương cung thánh đường Phú Nhai đã kể cho những người ngoại đạo như tôi câu chuyện cảm động về Chúa Jesu bằng cách dễ hiểu và ấn tượng nhất.

Chúng tôi được giới thiệu về khu đất và công trình xây dựng nhà Xứ đang được tiến hành để mở rộng phạm vi của Vương cung thánh đường. Có lẽ diện tích sẽ tăng lên gấp ba và sẽ có nhiều nhà thờ nữa đẹp và lớn sắp xuất hiện ở đây.

Cuối thế kỷ XIX, trong thời kỳ đen tối nhất của lịch sử Công Giáo Việt Nam nói chung, nhất là của địa phận Bùi Chu nói riêng, năm 1858,  Đức Cha Valentinô Berrio-Ochoa Vinh, Giám Mục Bùi Chu đã tha thiết khấn cùng Đức Mẹ Vô Nhiễm rằng: Nếu Đức Mẹ ban sự bình an cho giáo phận, thì giáo phận sẽ nhận Đức Mẹ làm quan Thầy và sẽ xây một Đền Thờ xứng đáng để dâng kính Người. Lời khấn đã được Đức Mẹ chấp nhận, tuy chưa có bằng an ngay, nhưng tinh thần giáo dân và giáo sĩ mạnh dạn hơn. Những người quá yếu đuối đã bỏ đạo thì tiếp tục ăn năn trở lại, dần lắng dịu.

Năm 1866, Cha chính Hoà giữ lời khấn hứa, đã xây Đền Thánh bằng gỗ lợp bổi, vì trong hoàn cảnh khó khăn, tài chính eo hẹp. Năm 1881, ngài cùng với Cha chính Ninh xây dựng lại nhà thờ kính Mẹ Vô Nhiễm tại Phú Nhai, tuyên bố nhận Đức Mẹ làm Quan Thầy Địa Phận. Nhà thờ mới có cột xà bằng gỗ lim theo kiểu kiến trúc Phương Đông, gồm chín gian lợp ngói. Nhà thờ được xây dựng theo một dãy dọc, cửa ra vào ở về hai bên theo chiều mái chảy, một đầu dốc là bàn thờ thánh, đầu kia là cửa ra vào chính. Việc xây dựng xoay dọc lại kiến trúc đã tạo nên độ sâu cho ngôi nhà thờ. Năm 1917 giáo dân khởi công xây nhà Thờ lớn hơn và khánh thành vào năm 1923, có thể nói là nhà thờ lớn nhất Đông Dương.

Cơn bão 30/9/1929 làm đổ nhà thờ Phú Nhai cùng 48 nhà thờ khác trong vùng. Nhà thờ đổ vì trần nhà thờ bị mưa, chứa quá nhiều nước, bị gió lớn làm sập trần và kéo theo đổ cả nhà thờ. Thiệt hại về nhân mạng là 16 người chết, trong đó có ông từ đang đốt đèn. Dân làng lúc đó ai cũng vội vàng thu dọn nhà cửa để vào trú ẩn trong nhà thờ, may mà chưa kịp vào thì nhà thờ đã bị sập. Sau 4 năm cố gắng, giáo phận Bùi Chu lại hoàn thành một Đền Thánh đồ sộ, nguy nga hơn để kính dâng Đức Mẹ Vô Nhiễm vào năm 1933.

Cuối năm 1949, một bộ phận quân viễn chinh Pháp chiếm đóng Phú Nhai, họ đã sử dụng nhà thờ Phú Nhai làm nơi đóng quân, lấy hai dãy hành lang làm trụ sở làm việc và dãy hướng Nam là nơi giam giữ, tra tấn tù binh làm cách mạng. Vì nhà thờ có hai ngọn tháp cao, quân Pháp đã dùng làm điểm uy hiếp các vùng, Quân Pháp cũng từ đây xây dựng công sự đào hầm hào, đắp đường để tiện việc hành quân. Sau thời gian chiến tranh bị hư hại, Nhà thờ được Giám mục Đa Minh Nguyễn Chu Trinh trùng tu tôn tạo năm 2003 đến cuối tháng 9 năm 2004 thì hoàn thành với diện mạo hiện nay.

Nhà thờ được cấu trúc theo kiểu Basilica truyền thống mang hình cây thập giá (tượng trưng cho Chúa Jesu) tạo thành ba gian chính: gian hành lang hai bên, gian giáo dân và gian Cung thánh.

Tượng Chúa Giesu ngự trị ở ngôi vị cao nhất, bên dưới có tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được điêu khắc tỉ mỉ.

Trong thánh đường còn có nơi thờ thánh Đaminh – Tổ phụ Dòng Anh Em giảng thuyết và thánh Vinh Sơn (Saint Vincent de Paul thế kỷ XVI) là thánh bổn mạng (quan thầy) của hội Nữ tu sĩ Bác ái và Nam tu sĩ Bác ái. Một trong những điều tôi cảm thấy gần gũi hơn khi đi thăm nhà thờ Công giáo là tất cả các chữ viết đều bằng tiếng Việt, nên những gì chưa biết, có thể tìm đọc để biết, để hiểu, không như nhà chùa, đền, đình chủ yếu viết bằng chữ Nho (mà một người Việt như tôi không thể hiểu được).

Các nhà thờ theo kiểu phương Tây thường có 6 cột mỗi bên, tổng cộng 12 cột tượng trưng cho 12 Thánh tông đồ. Lòng nhà thờ cao vút uy nghi. Bên dưới là những hàng ghế, một bên cho nam, một bên cho nữ trong những buổi cầu nguyện, dâng lễ.

Khi chúng tôi đến, bên trong Vương cung Thánh đường Phú Nhai mọi người đang trang hoàng để chuẩn bị cho lễ dâng hoa cho Đức Mẹ.

Mặc dù bên trong thánh đường không bật đèn, nhưng ánh sáng ban ngày qua các cửa hoa bên tường trên cao vẫn khiến cho thánh đường khá sáng sủa.

Có rất nhiều bàn thờ nhỏ trong gian hành lang, thờ các vị Thánh mà tôi không biết tên.

Tôi thật sự ấn tượng khi đi thăm Vương cung Thánh đường Phú Nhai. Không cần phải đi sang tận các nước châu Âu, mà ở ngay Nam Định, có lẽ tôi cần dành nhiều thời gian nữa để có thể chiêm ngưỡng được nhiều kiệt tác ở mảnh đất này.

You Might Also Like

One Reply to “Vương cung Thánh đường Phú Nhai”

  1. Nhà thờ này khiến Việt Nam trông cổ kính không kém gì Châu âu. Những bức ảnh chụp rất đẹp và miêu tả rất chi tiết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *