“Vua Mèo”… những điều chưa nhiều người biết

Cũng như mọi người khi đến với Hà Giang, cả hai lần tôi đều tranh thủ đến thăm dinh thự của “Vua Mèo” Vương Chính Đức và một lần may mắn được nói chuyện với cô cháu gái Vương Thị Chở là chắt nội của vị “Vua” nổi tiếng này. Cái tên “Vua Mèo” được nghe đến nhiều, nhưng chắc có nhiều người nghĩ đó chỉ là “hư danh” hay đúng hơn là “cái vương quốc của Vua Mèo” chỉ là lời đồn đại. Ảnh dưới là cụ Vương Chính Đức, mặc sắc phục quan triều đình.

IMG_1048

Trước tiên tên “Vua Mèo” là do người dưới xuôi gọi ông Vương Chí Sình (hay Vương Chí Thành) – con trai thứ hai của cụ Vương Chính Đức, người được dân Mông gọi là thủ lĩnh, chính thức cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn – nghĩa là cụ Đức cũng có “giang sơn” riêng. Có thể bạn cũng đã nghe nói đến “Vua Mèo” Hoàng A Tưởng ở Bắc Hà, Lào Cai và dinh thự nổi tiếng của ông, nhưng ông lại là người Tày, vì ông là thổ ty cai quản vùng đất có tới 80% dân là người Mông nên dân gian cũng gọi ông là “Vua Mèo”. Ảnh dưới chụp gia đình cụ Vương Chính Đức, hai bà vợ và các con cái.

IMG_1033

Dinh thự “Vua Mèo” là do cụ Vương Chính Đức xây dựng trong 9 năm (1919-1928) và cũng là nơi ông đã sống 44 năm cho đến khi qua đời năm 1947, còn người con trai Vương Chí Sình (tên thật là Vàng Seo Lử) được mọi người biết đến nhiều hơn và gọi là “Vua Mèo” vì ông đi theo Việt Minh, chống Pháp, chống Nhật và ủng hộ tiền bạc cho cách mạng và ông cũng sống ở dinh thự này và được chôn ở đây. Ngôi mộ của ông trong khu đất của dinh thự.

IMG_0997

Với tư cách là thủ lĩnh của người Mông, cụ Vương Chính Đức đã ký bản hòa ước đầu tiên với Pháp năm 1913, do vậy người Mông ở Đồng Văn được sống bình yên trong chế độ tự trị kéo dài từ năm 1924 đến 1936. Từ 1936 Pháp chuẩn bị cho cuộc chiến tranh với Việt Minh đã tăng cường quân thường trực ở Đồng Văn, vì thế cụ Vương Chính Đức đã lãnh đạo người Mông công khai chống Pháp, nên chính quyền Pháp rất căm hận ông, đã sắp đặt một âm mưu thâm độc, tổ chức cuộc đấu xảo ở Hà Nội và mời tất cả thủ lĩnh người Mông, trong đó có cụ Vương Chính Đức đến dự và bắt giam tất cả. Sau khi các thủ lĩnh bị bắt giam, chế độ tự trị của người Mông ở Đồng Văn bị xóa bỏ, việc cai trị do các đồn lính Pháp trực tiếp quản lý. Chính ông Vương Chí Sình (hay còn gọi là Vương Chí Thành) đã cứu cha. Ảnh dưới là ông Vương Chí Sình (hay Vương Chí Thành) – “Vua Mèo”.

IMG_1037

Ông Vương Chí Sình khi còn nhỏ đi cắt cỏ ngựa cho gia đình người lính Pháp giải ngũ ở lại Đồng Văn lấy vợ người Mông, để học tiếng Pháp. Lớn lên, ông được bố cho sang Trung Quốc học tiếng Hán, vì vậy ông thông thạo hai ngoại ngữ là tiếng Pháp và tiếng Hán, tiếng Việt không phải tiếng mẹ đẻ, nên như vậy ông nói được 4 ngôn ngữ. Ông mở cửa hàng buôn bán tạp hóa, dầu hỏa, vải vóc, thuốc phiện ở Phó Bảng (Hà Giang) và mua thêm chức lý trưởng của Pháp để gây thanh thế, rồi từ Đồng Văn, ông đem thuốc phiện và các loại lâm thổ sản về Hà Nội, Hải Phòng để bán rồi mua vải vóc, dầu hỏa, đá lửa, đồ dùng sinh hoạt đem về Hà Giang. Ông mua ngôi nhà ở trên phố Hàng Đường (Hà Nội) làm nơi trung chuyển hàng hóa. Khi cha bị bắt, ông đã bí mật về Hà Nội tìm thuê luật sư cứu cha và các thủ lĩnh người Mèo, chạy vạy khắp nơi, tiêu hết tiền, ông đành tìm đến trường đua Quần Ngựa đánh cược đua ngựa và may mắn trúng 1.000 đồng Đông Dương. Với số tiền này ông làm quen và nhờ cậy nhà quý tộc Pháp Andre de Laborde de Monpezat, đồng thời là Trưởng phòng nhì Bộ Tổng tham mưu Pháp giúp đỡ. Cuối năm 1938, ông Vương Chính Đức và các thủ lĩnh người Mông đã được thả tự do. Những bức ảnh chụp ông Vương Chí Sình trong bộ đồ Tây, có lẽ ông còn “hiện đại” hơn nhiều so với người “dưới xuôi” thời đó và những gì ông đã làm trong việc buôn bán và quan hệ với người Pháp, chứng tỏ ông là một người Mông “thiên tài”!

IMG_1035

Trở về Đồng Văn, cụ Vương Chính Đức cùng các con và người Mông tiếp tục chiến đấu bảo vệ quê hương. Khi quân Nhật tiến công vào Phó Bảng, đội quân người Mông do Vương Chí Sình trực tiếp chỉ huy đã tiêu diệt quân Nhật, buộc Nhật phải ký hòa ước với người Mông. Ông Vương Chí Sình thay mặt cha ký vào bản hòa ước với Nhật. Đây là bản hòa ước thứ hai của người Mông, sau khi buộc Pháp phải ký hòa ước 32 năm trước. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946, ngân khố quốc gia cạn kiệt, Vương Chí Sình đã ủng hộ Chính phủ 2,2 triệu đồng bạc hoa xòe và 7 kg vàng.

Ảnh dưới chụp cụ Vương Chính Đức cùng các con trai và họ hàng.

IMG_1034

Khu dinh thự sang năm 2019 sẽ tròn 100 năm ngày đặt móng, vẫn giữ được gần như nguyên vẹn. Hiện tại những người trong gia tộc “Vua Mèo” đã chuyển ra ngoài sống, chỉ có cô cháu gái làm thuyết minh viên và một vài người họ hàng thỉnh thoảng qua lau dọn. Nghe nói để chuẩn bị xây dựng dinh thự đồ sộ này, cụ Vương Chính Đức sang Trung Quốc nhờ thầy phong thủy đi hết 4 huyện ông cai quản để xem địa thế đất và đã chọn khu đất nổi như hình con rùa có diện tích gần 3.000 m2, nằm giữa thung lũng Sà Phìn, cách trung tâm huyện lỵ Đồng Văn 15 km. Sau đó cụ giao cho cụ Hoàng, là người Kinh, gốc Nam Định vốn là mưu sĩ và ông Cử Chúng Lù, là người H’Mông là người phụ trách nghiên cứu, phác hoạ một toà nhà trên mảnh đất này, rồi thuê thợ giỏi và nhiều nhân công xây dựng trong suốt 9 năm, tốn đến15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương.

IMG_1075

Khu dinh thự được xây kiểu pháo đài phòng thủ với lớp tường đá dày 60-70 cm, cao 2 m, có nhiều lỗ châu mai bao bọc xung quanh, phía sau nhà có 2 lô cốt kiên cố. Dinh thực có kiến trúc pha trộn như nhà của người Hán nhưng lại có lò sưởi kiểu Pháp… Hãy hình dung vào thời điểm xây dựng dinh thự, nơi đây chỉ có rừng núi, đường sá vô cùng hiểm trở, nên mọi việc đều làm bằng tay và sức lực của người Mông. Tất cả các vật liệu đá của dinh thự do chính người dân nơi đây đục đẽo thủ công rồi vận chuyển những tảng đá cách thôn Sà Phìn 7 km để xây nhà. Bao quanh khu dinh thự là một dải núi cao, tạo nên địa thế hình vòng cung ôm lấy toàn bộ ngôi nhà. Một địa thế phòng thủ rất tuyệt vời.

IMG_1072

Dinh thự được chia làm ba phần: Tiền dinh, Trung dinh, Hậu dinh với 64 phòng đủ chỗ cho 100 người ở. Tại phần tiền dinh, trước cửa có hai câu đối, bên trái là “Gia tích thiện nhân hiền xuất nhập”, bên phải là “Môn trong người hào kiệt vãng lai” (riêng câu bên phải này, năm 1938 Pháp xoá bỏ chế độ người H’Mông tự quản và yêu cầu ông Vương Chính Đức sửa lại thành “Môn phong lưu quý khách vãng lai” nhằm không cho ông Vương Chính Đức chiêu hiền nạp sĩ. Vừa nghe kể và vừa chụp vội hình, lại không biết chữ, nên không dám chắc, có phải hai câu đối này không?

IMG_1003

Vào bên trong Giếng trời của tiền dinh sẽ thấy tấm biển sơn son thếp vàng với dòng chữ Hán “Biên chính khả phong”, tạm dịch là “Chính quyền biên cương vững mạnh”, được Nhà Nguyễn mang từ Huế ra gắn cho dinh thự của ông Vương Chính Đức vào năm Khải Định thứ 13 cùng Thẻ bài Ngà voi và mũ áo Tấn phong cho ông Vương Chính Đức làm quan của triều đình. Cũng lại phải xin lỗi vì không chắc có phải tấm biển này không (?)

IMG_1008

Tại nhà chính tiền dinh, tầng một có 3 gian, là nơi sinh sống và sinh hoạt của vợ chồng cùng con cái. Tầng hai của tiền dinh là nơi tiếp khách của cụ Vương Chính Đức, sau đó là ông Vương Chí Sình – “Vua Mèo”. Khu nhà tiền dinh được trang trí công phu từ các cánh cửa đến các xà nhà.

IMG_1015

Toàn bộ gỗ của ngôi nhà trước đây đều được làm từ gỗ thông đá. Kể từ khi dinh thực được công nhận là di sản quốc gia và trở thành tài sản của nhà nước, tất cả các vật liệu gỗ của ngôi nhà đã bị thay đổi khoảng 60% bằng gỗ lim và gỗ nghiến, , nên có thể những chạm khắc không còn được nguyên bản.

IMG_1050

Từ trên tầng hai nhìn xuống sân, có cái gì đó giống như các dinh thự của người Hán, với kiến trúc nhà xung quanh một mảnh sân vuông và mái ngói màu xám.

IMG_1058

Phần trung dinh dành cho họ hành khi đến chơi, khu bên phải tầng một là của đàn bà, tầng hai là của đàn ông, khu bên trái tầng một là bếp ăn phục vụ khách họ hàng. Tầng hai là nơi để lương thực, thực phẩm.

IMG_1025

Tại nhà chính của khu trung dinh, gian giữa là nơi để bàn thờ tổ tiên kiêm phòng ăn của cụ Vương Chính Đức khi tiếp người thân trong họ hàng. Bàn thờ gia tiên không cầu kỳ phức tạp như người Kinh, do phong tục người Mông chuyên sống du canh, du cư, nên cách thờ cũng trong nhà cụ Đức cũng đã “lai” của người Kinh rồi.

IMG_1031

Phần hậu dinh là nơi ăn, ở sinh hoạt của cụ Vương Chính Đức, bên phải tầng một là phòng ngủ của vợ và các con chưa lập gia đình, còn tầng hai là phòng ngủ của cụ. Tầng một là khu bếp nấu ăn cho cụ Đức, bên trong là nhà khách của vợ con cụ.

IMG_1026

Cụ Vương Chính Đức có 3 bà vợ, nhưng vì ba vợ hai không có con trai nên trong những bức ảnh gia đình chỉ có bà cả và bà ba. Cụ có 3 con trai và ông Vương Chính Sình là con trai thứ hai của bà vợ cả.

IMG_1036

Hai kho ở dưới tầng dưới của hậu dinh là nơi cất giữ tài sản gồm thuốc phiện, vàng bạc. Ông Vương Chính Sình giao cho bà cả trông giữ kho thuốc phiện, bà hai trông giữ kho tiền, bà ba quản lý chi tiêu cũng như xuất kho bán ra nước ngoài do bà ba quản lý. Chỉ riêng việc phân công công việc và trách nhiệm của “Vua Mèo” đối với các bà vợ đã thấy ông thật xứng đáng với vị trí đứng đầu. Trong gia đình mọi việc nề nếp thì ra xã hội mới có thể giữ kỷ cương được.

IMG_1056

Trong dinh thự có hai lô cốt và kho chứa vũ khí, đảm bảo dinh thự có sự chuẩn bị để có thể tự phòng thủ tốt trong mọi tình huống.

IMG_1052

Bộ bàn ghế và một số dụng cụ trong gia đình còn lưu giữ được.

IMG_1051

 

IMG_1012

Đúng ta tôi không nền sờ vào hiện vật.

IMG_1062

Có thể những bức ảnh mô tả về dinh thự của tôi không được đầy đủ, khiến các bạn có đôi chút bối rối, nhưng hãy yên tâm vì ngay ở cửa đã có sơ đồ chỉ dẫn và giới thiệu rất cụ thể, do vậy các bạn sẽ hiểu tường tận mọi việc khi đến đây.

IMG_1020

Một chi tiết cuối cùng trước khi rời dinh thực tôi muốn nán lại để nói đó là những chân cột bằng đá mà như lời kể của cô cháu gái thì hai viên đá ở khu tiền dinh có độ bóng rất đặc biệt, đó là do đồng bạc trắng Đông Dương mài vào đá mà thành. Để đánh được một chân cột đá như thế, cụ Vương Chính Đức đã phải bỏ ra 900 đồng bạc trắng Đông Dương, đó chỉ mới là tiền đánh bóng, chưa kể tiền đục đẽo, vận chuyển hai chân cột đá từ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) về Đồng Văn.

IMG_1022

Những chân cột đá khác cũng được chạm khắc tinh xảo, tuy không được bằng hai cột kia.

IMG_1066

Chi tiết cuối cùng là “Vua Mèo” Vương Chính Sình có 5 vợ, người nào cũng giỏi giang, trong đó có bà ba là con gái của gia đình có bố là người Quảng Đông (Trung Quốc), mẹ là người Hà Đông (Hà Nội) bà kiêm thư ký cho “Vua Mèo” và làm thông dịch viên tiếng Trung, tiếng Pháp (hai ngôn ngữ mà “Vua” cũng rất thông thạo.

Dinh thự “Vua Mèo” là một dấu ấn rất đặc biệt, giữa cái văn hóa của một dân tộc chuyên du canh, du cư, có cách sống khá lạc hậu cho tới bây giờ, đã có một vị vua rất giỏi và hiện đại cách đây gần một thế kỷ!

 

 

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *