Phong tục truyền thống Việt!

Mùng Một Tết mỗi gia đình người Việt đều có những sinh hoạt khác nhau, nhưng nhiều người thường chọn đi lễ ở Chùa, Đình làng, Đền, Phủ…để cầu mong điều an lành cho gia đình.
3
Tôi đã đến sống ở làng Giảng Võ đến Tết này là năm thứ 20, sáng mùng Một năm nào gia đình tôi cũng xuất hành đến thắp hương ở Đình làng Giảng Võ, nơi thờ bà Lý Châu Nương, một nữ tướng phụ trách kho lương của quân đội thời nhà Trần, do đó dân quen gọi là Bà chúa Kho.
0
Giảng Võ là vùng đất từng có kho trại quân đội và trường võ bị thời xưa. Đình Giảng Võ được xây dựng từ thế kỷ 15 với diện tích khá rộng, khi đó nghe nói hơn 1ha, nhưng hiện nay đã bị thu hẹp nhiều, chỉ còn khoảng 1.500 m2. Trước đình làng có một hồ nước nhỏ, xung quanh có mấy gốc đa lớn rất đẹp.
1
Từ ngày Mùng Một Tết đầu tiên ra Đình làng thắp hướng cách đây 20 năm, chúng tôi đã thấy các cụ già trong làng cúng lễ từ sáng sớm và việc cúng lễ ngày càng được tổ chức một cách trang trọng hơn, “bài bản” hơn, theo “truyền thống” hơn.
4
Năm nay chúng tôi ra đền đúng lúc các cụ làm lễ cúng tế. Thông thường, trong lễ hội người ta thường diễn lại sự tích hoặc lịch sử về vị Thành Hoàng. Vì đình làng Giảng Võ thờ bà nữ tướng Lý Thị Châu Nương, nên lễ tế được cử hành giống như buổi chầu trong triều đình phong kiến (như xem trên phim ảnh).
5
Nhưng một điều tôi thấy tiếc, là chỉ có các cụ già tham dự, không có bất cứ một thanh niên nào…không biết khi các cụ “quy tiên” thì còn ai duy trì “phong tục” này nữa không.
6
Sau khi thắp hương ở Đình làng, nhà tôi bao giờ cũng đến Chùa Hà và Đình Bối Hà – Dịch Vọng, không phải “truyền thống” hay “phong tục” gì, chỉ là một thói quen đã làm vậy đến nay 20 năm rồi.
7
Chùa Hà và đình Bối Hà ngày càng đông người đến lễ sáng Mùng Một. Người Việt mình giờ “tín” lắm. Già có, thanh niên có và người ta mang cả trẻ con đi lễ. Đình Bối Hà thờ Thành hoàng làng Triệu Chí Thành, được xây dựng từ TK 6 và đã có rất nhiều lần xây lại, trùng tu…
10
Chùa Hà là một trong hai ngôi chùa cầu duyên ở miền bắc, có lịch sử rất lâu đời với hai truyền thuyết, một gắn với việc cầu tự của vua Lý Thánh Tông từ TK11, truyền thuyết thứ hai gắn với việc vua Lê Thánh Tông ghi ơn các vị quan trung thần thế kỷ XV…
8
Có lẽ rất ít người đi lễ Chùa Hà và đình Bối Hà biết hay quan tâm đến lịch sử, cũng như ý nghĩa các ban thờ, từng bức tượng trong Chùa. Mọi người đi lễ vì nhiều người đã làm thế… Phần lớn chỉ cầu xin sức khỏe, tài lộc và có nhiều người đơn giản chỉ là vãn cảnh Chùa. Điều này lâu nay đã dần trở thành “phong tục”.
9
Hai ba năm gần đây, ở trước cửa Chùa Hà (và ở các đình, chùa khác) có rất nhiều năm thanh nữ tú đứng bán những túi “muối lộc” đầu năm…Có lẽ dần dần sẽ hình thành một “phong tục truyền thống” mới.
11
Phủ Tây Hồ cũng là nơi rất nhiều người cúng lễ trong ngày đầu năm và việc cúng lễ này không thể thiếu sớ – bức thư gửi lên Trời. Chính vì vậy mà nhiều năm gần đây dọc đường vào Phủ có cả một đội ngũ phục vụ cho những người không biết chữ. Trong suốt ba tháng đầu năm, người Việt miền bắc sẽ dành thời gian đi lễ bái nhiều lắm.
22
Phải có được sớ trong tay mới yên tâm bước vào cửa Phủ, nếu không lại “công cốc”!
24
Và không quên kèm theo tiền vàng, hay cành vàng lá ngọc để những “bức thư” có trọng lượng đủ nặng.
25
Cúng lễ nơi đông người cũng là một nghệ thuật, bởi ai cũng muốn Thần Thánh nghe được lời cầu xin của mình, để nói sao cho đủ những điều mong mỏi, mà không nhầm với người bên cạnh…
26
Công đoạn cuối cùng của chuyến hành hương đi lễ cửa Phủ đầu năm được kết thúc bằng đĩa bánh tôm Hồ Tây hay bát bún ốc đầy quyến rũ có lẽ đã trở thành “phong tục, tập quán” truyền đời và đầy tính..đời thực!
27
Ở Hà Nội nhiều năm gần đây ngày Tết ngoài viết sớ chữ Nho, mọi người thường đi xin chữ nên đã hình thành những góc phố ông Đồ. Đây cũng là sự “hồi sinh” của một nét văn hóa cũ rất hay, đầu năm xin chữ để con cái ham học.
21
Nhìn những em bé chăm chú ngắm thầy đồ vẽ chữ, tôi thấy rất vui. Duy trì được phong tục này là điều rất tốt.
18
Và tôi tin rằng sự mong mỏi của các bậc cha mẹ đối với sự trưởng thành của con mình là điều cao quý.
17
Nhưng cũng có nhiều người nhìn thấy ở khung cảnh này những nét đẹp để đưa vào trong ảnh và việc đến với ông đồ là để có những bức ảnh lạ…cũng là một “phong tục” mới. Tôi đã đứng rất lâu để quan sát mấy cô bé này làm dáng chụp hình, trước sự kiên nhẫn của người chụp ảnh. Cái chữ sẽ làm nền cho bức ảnh.
19
Ngày Mùng Năm Tết làng tôi mở hội Đền. Làng tôi có tên là Phù Lưu, có người gọi là Chợ Giàu, là nơi có truyền thống buôn bán và văn hóa lâu đời, quê hương của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng thời kỳ cận hiện đai.
12
Đền làng thờ Đức Thánh Tam Giang, là truyền thống thờ thủy thần của rất nhiều làng quê Kinh Bắc. Đền làng có diện tích khá khiêm tốn, nên vào ngày lễ mở đền, sân đền chật ních người và lễ.
20
Vào ngày này, những gia đình có các cụ cao tuổi vào năm chẵn (như 70, 75, 80, 85, 90…) sẽ sắm sửa lễ lớn như lợn quay, xôi gà… mặc áo gấm xanh hoặc đỏ (từ 80 tuổi trở lên) cùng toàn bộ con cháu đưa lễ ra trình Đền, cúng lễ và sau đó nhận cờ Thượng thọ. Những gia đình khác chỉ đơn giản ra đền cầu một năm mới bình an, thịnh vượng!
16
Vì lễ và người cúng lễ quá đông, nên việc đặt lễ đã có một ban tổ chức đứng ra sắp xếp, người làng chỉ việc mang lễ đến, lấy số, đưa vào cửa bên tay trái và sau khi lễ thì đến cửa bên tay phải nhận lại lễ, nên mặc dù đền đông người nhưng không hề có hiện tượng chen lấn, xô đẩy hay mất lễ.
15
Tuy việc cúng lễ tại đền đơn giản và rất nhanh, nhưng tất cả mọi thành viên của các gia đình trong làng đều ra đền vào ngày này, như một dịp để gia đình quây quần bên nhau. Đó thật sự là một truyền thống đẹp của làng.
13
Bạn có thể bắt gặp những đám rước lễ của các gia đình trên đường làng ra đền vào ngày mừng Năm Tết. Những con lớn quay cũng được “diện” trang phục lễ hội!
14
Với tôi nghi lễ này là một phong tục tốt, nên được duy trì, để ít nhất một năm đại gia đình có một ngày sum họp. Có thể chưa hẳn là truyền thống nhưng cũng là một thói quen Việt tốt.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *