Bắc kinh – Thượng Hải- Quảng Châu -Thâm Quyến  

Rời Hà Nội từ 6 giờ sáng mà tới tận gần 6 giờ tối (giờ Trung Quốc) đoàn chúng tôi mới bước ra khỏi sân bay Bắc Kinh.

Bắc Kinh đón chúng tôi bằng một trận mưa cuối mùa. Người Trung Quốc cho rằng đi đâu mà gặp mưa thì may mắn, và chúng tôi cũng hy vọng là vậy.

Con đường từ sân bay về thành phố dài chừng 18 cây số, thật đẹp và hiện đại. Hai bên con đường cao tốc dài tưởng như vô tận là những cánh rừng bạch dương, rừng thông xanh ngút ngàn. Cậu hướng dẫn viên tên là Hùng còn rất trẻ, người tỉnh Quảng Tây nói tiếng Việt thạo tới mức chúng tôi không hề nhận ra cậu ta là người Trung Quốc. Hùng kể, trước kia vào thời gian này Bắc Kinh thường có những trận bão cát lớn thổi từ sa mạc tới. Chính phủ Trung Quốc đã cho trồng rừng xung quanh Bắc Kinh, nên ngày nay đã đỡ hơn nhiều. Ra là vậy, những cánh rừng mà cơn mưa đã tăng thêm sức sống hai bên đường kia là công sức của bao thế hệ người dân Bắc Kinh, quyết tâm bắt thiên nhiên phải cúi đầu.

Tôi cảm thấy hết sức ngỡ ngàng. Bắc Kinh mà tôi vẫn mong muốn được ngắm nhìn lại đem đến cho tôi một vẻ đẹp của sự hiện đại chứ không phải là sự cổ kính mà người ta vẫn nghĩ về nó.

BK1

Vào đến thành phố rồi mà tôi vẫn không hết ngạc nhiên. Bắc Kinh là đây ư? Trên những đường phố rộng lớn, xe to, xe con nối đuôi nhau đi. Trời bắt đầu tối, đường phố đã lên đèn, nhìn những chiếc xe lướt nhanh hai bên tôi không sao nghĩ được mình đang đứng trên thủ đô của hàng trăm năm phong kiến. Những toà nhà hộp mọc san sát, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp những chiếc xe buýt chạy điện, những chiếc xe buýt 2 khoang được nối với nhau bằng đệm cao su kiến tôi nhớ lại những ngày còn sống ở Liên Xô (cũ). Dưới ánh đèn đường, những người phụ nữ mặc váy đi xe đạp không nhận rõ là người Âu hay á thì quả thực Bắc Kinh mà tôi đang nhìn thấy ngày hôm nay không khác gì cái thành phố mà tôi đã học ở một tỉnh nhỏ miền nam Ucraina cách đây hơn 10 năm. Điều đó khiến tôi phần nào cảm thấy thất vọng.

Bữa ăn đầu tiên tại Bắc Kinh kết thúc chóng vánh với những món ăn không mấy hợp khẩu vị đối với người Việt.

Con đường từ nhà hàng về đến khách sạn không có gì hấp dẫn hơn. Mới hơn 7 giờ tối mà phố xá đã vắng vẻ và buồn tẻ. Không có nhiều cửa hàng ở các mặt tiền những toà nhà trên phố. Bắc Kinh là thủ đô chính trị vì vậy các hoạt động văn hoá của mọi tầng lớp nhân dân cũng phải trong khuôn khổ.

Khách sạn Kim Tử nằm trong khu phố có vẻ sầm uất hơn đôi chút, nhưng quang cảnh xung quanh cũng không đủ hấp dẫn du khách rời khỏi phòng điều hoà để đi dạo vào buổi tối.

Sáng sớm ngắm nhìn Bắc Kinh từ cửa sổ khách sạn mới thấy rõ sự khác biệt nổi tiếng của thành phố này. Bắc Kinh là bộ mặt của một cường quốc, nơi mà quyền lực được thể hiện dưới sự ngăn nắp, sạch sẽ và tôn ti đến “kinh người”. Nhìn từ trên cao không hề thấy một ngôi nhà hay ngõ nào nhỏ hẹp, cũ hay bẩn. Bầu không khí sạch sẽ bao trùm toàn bộ thành phố Bắc Kinh. Ngay bên dưới khách sạn là một khu nhà mới được xây dựng theo lối cổ, lợp mái ngói cong, màu xám viền đỏ, có lẽ là một nhà hàng ăn hay cửa hiệu gì đó.

Bữa sáng ăn tự chọn được tổ chức tại phòng ăn quá bé, khiến khách trong đoàn chỉ vài người nhanh chân là có chỗ ngồi khiêm tốn tại một góc bàn nhỏ, mà mỗi lần muốn đứng lên lấy thêm thức ăn lại phải hóp bụng nghiêng người duyên dáng lách qua những hàng ghế chật ních. Số còn lại mỗi người một góc, tay cầm đĩa mặt cúi gằm xuống đĩa hì hụi ăn (chắc sợ ăn nhiều sẽ phải đứng lâu, mỏi chân), trông xa giống như đang ăn vụng.

Cũng may khách trong đoàn đều dễ tính, vả lại điều quan trọng nhất là cái bụng rỗng bằng cách này hay cách khác cũng đã được lấp đầy.

Chúng tôi khởi hành đi Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh. Ngày thứ hai mới có dịp chiêm ngưỡng Bắc Kinh kỹ hơn. Thú thật Bắc Kinh vẫn không làm tôi hết thất vọng. Những khối nhà hộp đơn điệu nối đuôi nhau lướt qua trước mắt tôi, không có toà nhà nào có kiến trúc độc đáo cả. Bắc Kinh cổ kính, Bắc Kinh của hàng trăm năm phong kiến, một thủ đô điển hình của châu á mà không hề có chút bóng dáng nào cổ kính cả. “Những khu phố cũ sẽ được giải toả hoàn toàn trước năm 2005” đó là lời giải thích của hướng dẫn, khi thấy chúng tôi thắc mắc về những khu nhà chung cư mọc lên san sát. Trên đường phố tôi vẫn bắt gặp những chiếc xe buýt hai toa, ôtô điện từ những thập kỷ cuối thiên niên kỷ trước.

Đi chừng nửa đường xe rẽ vào một con đường nhỏ, một người khách bỗng hỏi tôi về con đường, tôi lúng túng, nói bừa rằng rẽ vào đường địa phương “bụng bảo dạ”, chắc đường tới Vạn lý Trường Thành, nằm trên những đỉnh núi cao nên chất lượng giảm sút??? Đó là cái lý của người…không biết! Con đường nhỏ dẫn tới một cửa hàng bán đồ lưu niệm chế tác từ ngọc và đá quý. Sau khoảng một giờ loanh quanh ngó nghiêng, xem là chính (vì những sản phẩm cao cấp quá, được chiêm ngưỡng đã là một diễm phúc rồi!!!) xe đưa chúng tôi trở lại con đường cao tốc hiện đại, chạy tới tận… chân Trường Thành.

Lần đầu tiên chiêm ngưỡng một kỳ quan vĩ đại của nhân loại mà tôi không cảm thấy ngỡ ngàng. Cũng có thể vì đã xem quá nhiều tranh ảnh về nó, cũng có thể vì thiên nhiên hùng vĩ khiến con người trở nên nhỏ bé.

BK2

Tuỳ thuộc vào sức khoẻ, chúng tôi tuỳ nghi “chinh phục” Trường Thành. Riêng tôi, tự hài lòng với danh hiệu “Hảo hán cấp I”, tôi chỉ leo lên một đoạn thành, chọn được chỗ để bấm một kiểu ảnh làm bằng chứng cho sự “hảo hán” của mình, sau đó đi loanh quanh ngắm nhìn phong cảnh. Nhưng theo cách của kẻ lười biếng này, Trường Thành mới thực sự đẹp và vĩ đại. Thử hình dung xem, những dòng người đông nghịt, chen chúc dưới ánh nắng gay gắt hì hụi trèo, lưng còng xuống, mặt cúi gầm, mồm thở hồng hộc, mắt hoa lên thì làm sao nhìn ngắm được gì nữa. Đấy là chưa kể đến những bắp chân đau nhức trong những ngày tiếp theo.

Thong dong dạo mát ngắm cảnh, tôi chợt nghe có tiếng ve rất gần. Không ngờ, ngồi trên Trường Thành lộng gió vào đầu thu rồi mà vẫn con nghe được tiếng ve ngân… Sừng sững trên đỉnh những ngọn núi cao ngất, các dãy tường thành như những cái gai trên lưng con khủng long, kéo dài vô tận.

Hai giờ lang thang nơi đây trôi đi khá nhanh, lên xe chỉ thấy mọi người bàn tán xôn xao về mấy chàng “Hảo hán” leo tới trạm gác tầng 4 và được gắn mề đay. Nhiều người tỏ vẻ luyến tiếc đã để tuột mất tấm huân chương và càng tiếc hơn khi thấy chỉ với 40 tệ đã có người được gắn tấm mề đay đó ngay dưới chân Trường Thành.

Con đường tới Thập Tam Lăng thật hấp dẫn. Hai bên đường là những khu vườn trồng đào, táo, lê giờ đang mùa thu hoạch. Những người nông dân bày bán trái cây dọc hai bên đường, khiến những du khách tham ăn thấy cồn cào…

Định Lăng đẹp, rộng rãi đúng là nơi an nghỉ tuyệt vời. Theo lời hướng dẫn viên thì từ rất lâu rồi, người ta đã biết về sự tồn tại của khu hầm mộ ở vùng này, nhưng nằm chính xác tại đâu thì không ai rõ. Một lần, khi lúc dạo chơi trên bức tường thành bao quanh khu mộ, nhà khảo cổ (không nhớ rõ tên) ngồi nghỉ dưới gốc một cây thông già. Trong tiếng thông reo, chợt ông nghe có tiếng gạch đá gì đó rơi dưới chân mình. Với kinh nghiệm của một người chuyên nghiên cứu về hầm mộ, ông hiểu rằng dưới chân ông là những khoảng đất trống. Ông cho người tiến hành khai quật và đã phát hiện ra đường hầm đầu tiên, tuy không phải là con đường dẫn tới khu hầm mộ, nhưng lại là nơi rất quan trọng đã cất dấu lời chỉ dẫn để khám phá các phần khác của khu mộ.

Từng viên gạch xây lăng được làm rất cẩn thận, đóng dấu tên người làm ra viên gạch đó. Chất lượng viên gạch nào kém thì chủ nhân của nó sẽ lãnh trách nhiệm vô cùng nặng nề.

Tại đầu cầu thang dẫn xuống khu mộ sâu 58 mét, người hướng dẫn viên đã cảnh báo do du khách biết về sự thay đổi nhiệt độ do hầm mộ nằm sâu trong lòng đất. (Nhân viên bảo vệ làm việc suốt ngày dưới đó phải mặc áo khoác dầy.)

Khu hầm mộ không có vẻ đẹp lộng lẫy của hoàng cung, không có sự xa xỉ của các vị vua chúa, chỉ có sự lạnh lùng của đá, sự huyền bí của âm giới và sự vĩ đại của công sức con người. Bức tường kim cương nằm ngoài cùng dày 32 cm là sự dựa dẫm của tâm linh, hy vọng bảo vệ âm giới. Cánh cửa đá nặng nề ngăn cách sự tò mò của nhân gian đã bị dỡ bỏ, đặt lại sát tường như dấu tích sự thất bại của sức mạnh trước tính hiếu kỳ. Người hướng dẫn ngăn du khách không quăng thêm những đồng tiền cầu lộc vào khu mộ và quan tài của vị hoàng đế cùng vương phi. “Người ta cứ nhầm tưởng rằng ném tiền vào đây thì sẽ được hưởng lộc của vua chúa, nhưng mồ chôn là nơi âm giới, ném tiền vào không những không xin được lộc mà còn mất phúc.”

Con đường hầm dẫn từ nơi chôn cất đến nơi đặt quan tài, qua những ngai vàng được trạm trổ từ những khối đá trắng. Trong khu hầm mộ, kiến trúc không cầu kỳ, nhưng tràn đầy uy lực.

Khuôn viên của khu Định Lăng có nhiều cây tùng, bách hàng trăm tuổi. Cả Bắc Kinh có 5 cây tùng già hơn 300 năm, gốc trẽ ra nhiều nhánh như sừng hươu, thì ở đây đã có tới 4 cây.

Những cổ vật quý giá tìm được trong hầm mộ đã được chuyển tới viện bảo tàng trong khuôn viên.

Lên xe, khách trong đoàn ngạc nhiên khi trông thấy những túi đào, lê chín đỏ. Thế mới hay hình thức quảng cáo của nông dân tại đây thật hữu hiệu. Cả đoàn thi nhau mua khiến người bán phải chạy đi chạy lại không biết bao nhiêu lần. Giá rẻ, mà những quả đào lại đẹp và hấp dẫn như đào tiên trên bàn tiệc nơi tiên giới thì làm sao từ chối được. Mỗi người đều mua 1 túi lớn, một vài cá nhân bị lây tính của lão Trư đã xách tới 2 túi. Và đó cũng là mối “họa” mà chúng tôi phải hứng chịu trong những ngày sau đấy.

Sau bữa tối, đoàn được đưa đi xem xiếc “đặc sắc Trung Hoa”. Chương trình thì không đáng phàn nàn, nhưng nếu là “đặc sắc Trung Hoa” thì là chưa được. Một rạp xiếc như vậy mà đại diện cho Bắc Kinh thì có phần làm giảm danh tiếng của thủ đô.

Ngày thứ ba ở Bắc Kinh chúng tôi mới được chiêm ngưỡng trung tâm, linh hồn của Trung Hoa: Quảng trường Thiên An Môn, Tử Cấm Thành, Cố Cung.

Trung Quốc vĩ đại, quảng trường Thiên An Môn thực sự xứng đáng là trái tim của đất nước. Đứng giữa quảng trường rộng mênh mông, có sức chứa cả triệu con người, ngắm nhìn những toà nhà đồ sộ của Đảng Cộng sản, chính phủ, Quốc hội, xây dựng xung quanh cảm thấy chúng thật nhỏ bé. Bầu trời trong xanh với những cánh diều nhiều màu bay phấp phới, thấp thoáng những đàn bồ câu bay lượn thanh bình, ai có thể tưởng tượng nổi mảnh đất này đã từng chứng kiến những cảnh tàn sát đẫm máu…

BK3

Quảng trường Thiên An Môn cách Đại Nội bằng một con đường, xe cộ đi lại tấp nập, khách bộ hành phải vượt qua phố bằng đường ngầm. Phía trước cổng thành có hai cột đá cao bên trên có hai con nghê, mặt quay về phía trước. Theo lời giải thích của hướng dẫn viên thì con nghê quay về phía trước là để nhắc nhở nhà vua, hãy từ bỏ những thú vui đời thường, đừng quên chuyện triều chính, quay về cung để điều hành việc quốc gia đại sự. Vào tới điện Thái Hoà sẽ gặp lại hai chú nghê đó, quay lưng lại, hướng mặt về hậu cung, đó là lời thỉnh cầu đối với nhà Vua, không nên quá mải mê chuyện phòng thê mà quên việc nước. Thế mới thấy sự thâm thuý của người Trung Hoa quả là đáng kính nể.

Vượt qua con hào bao quanh thành cổ là 5 cây cầu đá dẫn thẳng vào các cổng của toà thành. Cổng chính và cây cầu ở giữa chỉ dành riêng cho nhà Vua, đến hôm nay vẫn cấm không cho du khách, thành ra muốn có được cảm giác oai hùng xưa kia không phải là chuyện dễ.

Qua cổng thành chúng tôi tiến vào một khu rộng, tường thành bao bọc xung quanh, tự đặt mình trong khung cảnh xưa, cố lắng nghe âm thanh bên ngoài thành, mới hiểu được tâm trạng của những người trong cung cấm.

Đến Trung Hoa mà không nói và đọc được tiếng Trung thì mất đi một nửa ý nghĩa. Từng nét chữ đã nói lên phong cách, ẩm ý của người xây dựng. Vì không biết chữ, đoàn lại đông, người đi cuối đoàn cách hướng dẫn quá xa nên chẳng nghe được lời giới thiệu, qua cổng thành tiếp theo khách hỏi, tôi không biết phải trả lời sao. Nghe nói tới cổng Ngọ Môn đã lâu mà đi qua tới 3 cổng rồi vẫn chẳng biết cái nào mang tên như thế. Thật hổ thẹn…

Mô tả về Hoàng cung, Cố cung, Tử Cấm thành thì đã quá nhiều bút mực làm chuyện đó, có nên chăng đi làm một việc thừa… Nhưng thực ra, thâm tâm tôi không cảm thấy xúc động khi đứng giữa chốn hoàng cung danh tiếng. Không biết có phải vì đã quá nhiều bộ phim dựng lại khung cảnh Tử Cấm Thành đầy sống động mà tôi cảm thấy đứng đây như giữa cõi âm, cảnh vật đã chết, vô hồn…Sự vĩ đại của triều đình phong kiến chỉ còn lại là những di tích to lớn, nhưng không còn sức mạnh…

Ra khỏi bức tường thành, tôi muốn chụp một bức ảnh bên ngoài, cạnh dòng kênh, bên hàng liễu xanh trong tiếng xe cộ chạy tấp nập. Cuộc sống trong Tử Cấm Thành phải chăng bao giờ cũng ngột ngạt như thế?

Cuộc dạo chơi tại Di Hoà viên cũng không mấy ấn tượng. Công viên này chỉ thật sự đẹp trong cảnh thanh vắng, chứ không phải trong cảnh ồn ào, chen chúc. Trên con đường nhỏ mô phỏng theo cảnh đẹp Tô Châu, khách tham quan phải nghiêng mình lách qua một đôi trai gái đứng ôm nhau chắn ngang lối đi hẹp.

BK4

Hành lang dài nhất thế giới với 800 bức họa của các danh họa nổi tiếng Trung Hoa cũng không đủ chỗ cho người đi, nói gì đến sự chiêm ngưỡng…Chỉ có con đường bên ngoài sát bờ Tây hồ còn có chút bóng dáng của nơi thư giãn. Đường ra bến xe đi qua một khu dân cư có rất nhiều cửa hàng bán lưu niệm, chủ yếu là những con nghê đá, những cái triện, khắc tên khách hàng…giá cả chẳng biết đâu là lần, không có chuẩn mực.

Ăn tối vội vàng, xe đưa chúng tôi ra nhà ga Bắc Kinh. Xe đỗ khá xa nên ai nấy è lưng ra xách đồ. Đến lúc này những người tham lam mới “sáng mắt” ra. Hành lý đã nhiều mà tay lại phải xách mấy cân đào (cho vào vali thì sợ bẹp mất) thì quả là bằng “tra tấn”. Bước vào sảnh nhà ga, tôi cảm thấy chóng mặt khi nhìn thấy những dòng người ùn ùn đi lại như những bầy kiến rừng. Mới nghĩ tới việc phải “chen vai thích cánh” với đám người đó cùng với chỗ hành lý này tôi đã cảm thấy “sởn gai ốc”. May sao, mắt tôi chợt thấy bắt gặp biển chỉ dẫn “phòng dành cho khách nước ngoài”. Ôi, Vị cứu tinh đây rồi! Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Chúng tôi không có nhiều thời gian trong phòng chờ, chỉ đủ để giải thích chỗ của mỗi người trên tàu là đã đến giờ. Cũng không có gì đặc biệt trên tàu. Dọn dẹp xong xuôi, ai về giường người ấy, ngủ thôi còn biết làm gì nữa. Tôi thuộc diện dễ ngủ nên không cảm thấy phiền bởi những tiếng ồn ào giữa đêm khi tàu dừng lại ở các ga đón khách.

Sáng dậy, nhanh chóng thực hiện những việc cần thiết tối thiểu, chúng tôi chia nhau mỗi người một bát mỳ ăn liền. Mỗi phòng chỉ có một phích nước sôi, mấy anh đàn ông đã cho chè vào phích nên không còn nước sôi cho vào mỳ. Thực ra chỉ vì thiếu kinh nghiệm, chúng tôi không biết rằng cuối mỗi toa tàu đều có nước sôi cung cấp “miễn phí”, nên đành chia nhau chỗ nước ít ỏi chỉ “nóng già”. Nhưng như thế tôi mới có dịp thưởng thức hương vị món mỳ ăn liền… sống.

Bữa sáng được kéo dài bởi những trái đào mà ai cũng cố ra sức quảng cáo để mong được mọi người chiếu cố… ăn hộ. Những người không giải quyết được số hoa quả ế thừa cảm thấy đôi vai như oằn xuống, vứt đi thì lại tiếc của “giời”.

Phong cảnh hai bên đường không để lại ấn tượng nào cả. Tàu đến ga Thượng Hải đúng 9 giờ. Hướng dẫn Thượng Hải đã ôm hoa đứng chờ đoàn dưới sân ga. Con đường đi ra tới bến đỗ xe cũng khá dài, nhất là dưới cái nóng gay gắt và sức nặng của đống hành lý.

Chiếc xe 33 chỗ làm tôi quá thất vọng. Không có gầm để hành lý, tất cả được nhét lên xe, nên kết quả là khi mọi người yên vị, tôi mới phát hiện ra, mình là người thừa. Thôi đành phải đứng vậy, hy vọng Thượng Hải không quá rộng lớn.

Phong cảnh bên ngoài cửa kính khác hẳn những gì chúng tôi vừa thấy hôm qua. Nếu như  ở Bắc Kinh không bao giờ tôi nhìn thấy một món đồ nào được phơi ngoài cửa sổ, thì phố phường Thượng Hải được trang trí sinh động bởi đủ các loại quần áo, trong có, ngoài có thuộc mọi thế hệ, mọi giai cấp. Dãy phố cổ gần ga tàu có nhiều nét giống nhà mình quá. Cũng quán ăn nhỏ bên đường, những dây điện chạy ngoằn nghèo, buông thõng thượi trước cửa nhà. Một vài gia đình lợi dụng làm dây phơi, vài đoạn khác chẳng được ai sờ tới thì những sợ giây, cành cây khô thản nhiên bám vào, đung đưa theo những cơn gió thổi.

Tôi chưa nhìn thấy bóng dáng Trung Quốc hiện đại trên suốt con đường tới điểm thăm quan đầu tiên là Chùa Phật Ngọc. Cửa chính của chùa không mở, du khách thăm quan và đi lễ vào chùa bằng cổng bên tay trái, tới sân chùa. Gian điện thờ ở cổng có bức tượng Phật Di Lặc cao trên 3 mét, bốn góc là tượng của Tứ Trụ Thiên Vương phụ trách việc mây, mưa, sấm, chớp ở trần gian.

Trông ra sân là điện thờ  chính có bức tượng Phật Thích Ca Mô Ni cao 3 mét đặt ở chính giữa gian, xung quanh có tượng của 18 vị la hán, 50 bức tượng các vị Chư Thiên Bồ Tát, đằng sau là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, đang khổ độ chúng sinh.

TH2

Sân sau gian điện thờ nối với khu nhà 2 tầng, dọc hành lang dẫn tới cầu thang có trưng bày các bức tranh điêu khắc gồ dựa theo những câu truyện lịch sử nổi tiếng của Trung Hoa. Đó là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, khiến du khách ngỡ ngàng tưởng như đang đứng trong bảo tàng nghệ thuật chứ không phải tại một ngôi chùa. Cầu thang gỗ cổ kính đưa du khách tới phòng thờ tầng hai nơi lưu giữ bức tượng Phật Bà Quan Thế Âm tạc từ một khối ngọc trắng. Bức tượng này đã được các nghệ nhân Trung Hoa tạo ra từ Miến Điện và trải qua bao khó khăn nhọc nhằn mới mang được về Trung Hoa.

 Tầng dưới còn một gian điện thờ có bức tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn làm từ đá trắng.

Chùa Phật Ngọc nằm trên một phố cổ hẹp, yên tĩnh, hai bên là những cửa hàng bán đồ thờ cúng bằng đồng và các loạI đá quý khác nhau.

Miếu đại Hoàng Tiên và Dự viên nằm trong một khu phố cổ có phong cách rất Trung Hoa. Khu phố như  nằm trong khuôn viên của một dinh thự lớn với con đường lát gạch nằm giữa những ngôi nhà cổ kính, cột gỗ sơn đỏ, mái ngói màu xám, uốn cong truyền thống. Nhưng bên trong các ngôi nhà đó lại là những cửa hàng bán quần áo đồ hiệu, những hàng hoá cao cấp đa dạng…

TH1

Phía trước miếu là một hồ nước nhỏ có những cây cầu uốn lượn giữa những đài phun nước theo nhạc, khiến du khách ngẩm ngơ như lạc vào chốn bồng lai…nếu không có sự ồn ào nhiều khi hơi quá của những đám đông khách thập phương.

Miếu đại Hoàng Tiên mang tính chất như một nhà tưởng niệm hơn là miếu thờ. Nơi đây lưu giữ những kỷ niệm về một viên quan họ Phan dưới triều nhà Minh, người giàu có hơn cả Hoàng đế. Tương truyền mẹ ông Phan đã được hưởng mọi thứ quý giá trên đời, duy chỉ có vườn thượng uyển của vua là chưa từng đặt chân tới. Là một người con có hiếu, ông Phan quyết tâm xây dựng cho mẹ một khu vườn mô phỏng kiến trúc của vườn thượng uyển, thậm trí con dùng cả rồng, biểu tượng riêng của Thiên tử, để trang trí trên bức tường quanh vườn. Khi nhà vua biết chuyện, ngài đã nổi trận lôi đình, hạ lệnh chém đầu ông quan họ Phan tới 2 lần. Nhưng khi ông Phan đến gặp nhà vua, ông đã thuyết phục được ngài. Ông giải thích rằng vì lòng tôn kính đối với nhà vua mà ở quá xa ông không thể hiện được, nên ông đã cho xây tượng rồng để được ngắm nhìn vua hàng ngày. Bên dưới hai con rồng chầu ông có đặt bức tượng một con cóc đang mở miệng nhìn lên, đó là lòng tôn kính và luôn phụng thờ Thiên tử của ông. Nhà vua nghe xong đã huỷ bỏ lệnh chém đầu.

Trong miếu còn lưu lại bộ bàn ghế làm từ gốc những cây si cổ thụ đã trôi dạt dưới lòng suối nhiều năm, mà ông đã dùng trong thư viện khi sinh thời…

Thượng Hải mở một cánh cửa khác hẳn sau bữa ăn trưa. Trung tâm thành phố, đường Nam Kinh là một thế giới hoàn toàn xa lạ với những gì chúng tôi đã gặp từ sáng. Tại đây các toà nhà cao ốc với những kiến trúc đặc sắc xen lẫn những toà nhà cổ kính mang đậm nét châu Âu. Thượng Hải đã từng là bến cảng quốc tế sầm uất và thịnh vượng từ thế kỷ trước. Mỗi quốc gia đều xây dựng cho mình những khu phố riêng…

TH3

Thời gian không cho phép tôi xem kỹ những cửa hàng trên phố Nam Kinh, “thành phố không ngủ” này, nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận được sự giàu có và thịnh vượng của thành phố.

Cơm chiều xong, chúng tôi ra bến tầu. Đêm nay chúng tôi quyết định phải dành thời gian để khám phá Thượng Hải. Con tầu đi dọc sông Hoàng Phố làm tôi hơi thất vọng. Quá đông người, chắc là vì ai cũng muốn được tận hưởng đêm Thượng Hải. Tàu có 4 tầng, có quán ăn, quầy bar dành cho khách giàu có…và một sân trời tầng trên cùng dành cho khách bình dân. Thời tiết có vẻ oi, không có gió nên đứng trên tầng thượng chật ních người ai cũng cảm thấy khó chịu. Hai hàng ghế dọc boong tàu không đủ chỗ cho quá nhiều du khách khiến không khí nơi đây có vẻ lộn xộn giống như ở nhà ga. Một ban nhạc gồm cây kèn Saxo, một đàn Oóc, một Viôlôngsen bắt đầu công việc, cố gắng xoa dịu sự nôn nóng của khách hàng.

Hơn 8 giờ tàu mới xuất phát, đám đông di chuyển theo hướng tàu chạy, ghế ngồi không còn nhìn thấy nữa vì mọi người đứng xô cả lên, ngắm nhìn Thượng Hải rực rỡ trong ánh đèn…

Chuyến đi 1 giờ chỉ hấp dẫn mấy phút đầu, sau đó hai bên sông trở lại thanh bình trong bóng tối, khiến du khách ngán ngẩm. Nhiều người quay lại sàn diễn, lúc này đã có thêm một cô ca sỹ trẻ…Một vài cặp ôm nhau nhảy theo điệu nhạc của bài hát. Nhóm khách Việt Nam chẳng biét góp vui kiểu gì…chỉ loanh quanh bàn tán về dáng người hơi gầy của cô ca sĩ…

Tàu chưa cập bến nhưng nhiều người đã nôn nóng muốn xuống nên cửa ra vào chật ních người. Xe đưa chúng tôi vượt qua cầu Nam Phố, cây cầu hiện đại vào bậc nhất Trung Quốc, sang bờ đông sông Hoàng Phố để lên tháp Truyền Hình Minh Châu Phương Đông. Thật tuyệt vời, Thượng Hải được ngắm nhìn từ độ cao 263 mét như một tấm thảm dát đầy kim cương và đá quý. Mọi người ngây ngất không muốn ra về. Tôi tranh thủ mua vội một cái đĩa nhỏ có hình ảnh ngọn tháp này làm kỷ niệm.

Quay về, hướng dẫn cho chúng tôi có dịp thưởng thức phương tiện giao thông hiện đại nhất, đó là tàu điện ngầm. Vẫn là những cái ngớ ngẩm phải có đối với những người đi lần đầu. Đút vé tay trái, thế là không vào được, người nọ chờ người kia, cuối cùng đành phải nhờ nhân viên. Một vé mấy người cõng nhau qua, thật khốn khổ! Lúc vào đã vậy, lúc ra cũng chẳng khá hơn. Cho vé vào rồi cứ đứng chờ vé ra, mãi chẳng thấy, thế là ùn lại cả đống và nếu không có sự giúp đỡ của nhân viên, thì đêm duy nhất tại Thượng Hải sẽ có người được ngả lưng ở nhà ga này thôi. Đêm Thượng Hải thật tuyệt vời. Có lẽ với tôi, đây là ngày ấn tượng nhất trong chuyến đi.

Còn muốn tranh thủ ghé qua cửa hàng bán ấm trà Tử xa nên đoàn rời khách sạn khá sớm. Nhưng có lẽ cũng chính vì vậy mà khi xe đã lăn bánh vào sân cửa hàng rồi mà chẳng thấy bóng dáng nhân viên đâu cả (điều này chưa từng có đối với truyền thống tiếp thị vào bậc nhất thiên hạ của các cửa hàng Trung Quốc). Tôi thấy cậu hướng dẫn chạy ngược xuôi tìm người để liên hệ, sau một hồi mới thấy nói chuyện được với một bộ mặt ngơ ngác, chắc là nhân viên bảo vệ. Quay lại xe, để an ủi đoàn, cậu hướng dẫn thông báo còn một cửa hàng khác và chúng tôi lập tức lên đường.

Giờ tầm, xe cộ đông quá khiến chúng tôi chỉ nhích được từng phân. Vậy là không kịp rồi, nếu cứ đi thì có thể tới được nhưng quay về mà trễ thì nguy to, thế là xe phải quay đầu, đưa chúng tôi ra thẳng sân bay sớm hơn thường lệ 1 giờ. Cũng may là sân bay Thượng Hải rất linh hoạt, họ không bắt đoàn phải chờ tới giờ làm thủ tục mà dành cho chúng tôi cửa riêng. Chia tay với hướng dẫn địa phương, tôi trở về với trách nhiệm của mình, làm đầu tầu… Thủ tục an ninh chặng bay nội địa quá chặt chẽ. Trước bàn kiểm tra người ta đặt một chiếc bảng to, ghi rõ “Đề nghị tháo giầy” và một chồng rổ nhựa để mọi người có thể đặt giầy vào đó khi qua máy soi. Sân bay Quảng Châu thì chỉ bắt nam bỏ giầy thôi chứ đây thì nam nữ bình đẳng.

Chúng tôi không chỉ phải chờ 2 giờ trong sân bay mà là gấp đôi vì hệ thống điều hoà của máy bay có vấn đề.

Hướng dẫn đón chúng tôi tại Quảng Châu là một người thấp bé, gương mặt không được dễ coi cho lắm, tự giới thiệu là Nha. Cái nóng hầm hập của Quảng Châu thúc chúng tôi nhanh chân hơn ra xe. Tôi cảm thấy có phần yên tâm khi nhìn thấy chiếc xe 45 chỗ mới.

Nha là người nói được tiếng Việt, nhưng không thể là một hướng dẫn viên. Cậu ta bắt đầu công việc bằng câu giới thiệu về một điểm mát xa chân. Lúc đầu tôi chưa hiểu lắm, cứ nghĩ là cậu ta muốn nói về việc sẽ phải đi bộ thăm quan sau mấy giờ ngồi chờ và trên máy bay, bởi vì mặc dù đã tới Quảng Châu vài lần nhưng tôi chưa từng được thưởng thức “món” ấy.

Cái ý tưởng xây một nhà thuốc dân tộc trên đỉnh một quả đồi nhỏ, với con đường đi ngoằn nghèo dốc ngược, quả là độc đáo. Khách trên xe tóc tai dựng ngược, nín thở lầm rầm “cầu nguyện” khi lái xe bẻ tay lái ở những khúc cua. Xe bỗng dừng khựng vì vẫn chưa phải là điểm đỗ lý tưởng, mọi người chưa hết bàng hoàng, run rẩy xuống xe, và phải thán phục trước “pha” biểu diễn cuối cùng, đỗ xe trên gần đỉnh dốc của tài xế.

Tôi không vào nghe giới thiệu vì bị hướng dẫn túm lại để hỏi thăm tình hình, nhưng cũng biết được những gì đang xảy ra trong đó khi nhìn thấy một chú gà bị xách nách đem qua.

Màn thú vị nhất bắt đầu khi những chậu nước lá ấm được mang ra. Mọi người thi nhau, tháo giầy, cởi tất…ngâm chân và chờ tới lượt được xoa bóp. Tôi cảm thấy mình không nên sử dụng loại dịch vụ xa xỉ này, và cũng biết trước “hậu quả” nên truồn trước. Khi lên xe, anh trưởng đoàn tâm sự: “Xấu hổ quá,  họ xoa chân cho mình miễn phí là để mời mình mua thuốc bắc, nhưng đắt quá không có tiền mua, nên đành sử dụng dịch vụ rồi “Mécxi xuông” ra về.”

Sự vô duyên của hướng dẫn Nha được tiếp tục bằng một câu chuyện cười tục tĩu chẳng được ai hưởng ứng cả. Thế mới thấm: làm hướng dẫn thật khó!

Hoàng Hoa Cương trong buổi chiều tà thật buồn. Chúng tôi mua vội 5 tệ (tức là 10.000 ĐVN) một bó hương rồi đến thẳng mộ liệt sỹ Phạm Hồng Thái. Ánh sáng đã yếu, lại bị những lùm cây rậm rạp che khuất khiến cho không khí nóng nực quyện mùa hương hăng hắc nơi đây làm nhiều người sởn gai ốc. Bình thường đã mấy ai tìm đến thắp hương ở mộ vào lúc này.

Trước kia tôi vẫn luôn cho rằng Hoàng Hoa Cương giống một công viên hơn là đài liệt sỹ, nhưng hôm nay tôi mới thấy nơi đây thực sự là một nghĩa trang…

Bữa ăn ở Quảng Châu mọi người có vẻ thích thú vì có nhiều món ăn ngon. Mặc dù chương trình thăm quan thì không đạt yêu cầu, nhưng xem ra không khí có vẻ phấn khởi. Đúng là “có thực mới vực được đạo”, các cụ nói quả không sai cả nghĩa bóng lẫn nghĩa “đen xì”.

Khách sạn Furama tốt lại nằm gần sông Châu Giang, nên chẳng đợi cho tóc kịp khô, tôi lao ngay xuống phố. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được ngắm đêm Quảng Châu bên bờ sông nổi tiếng này (những lần trước tôi còn mải “dệt vải” trên đường Bắc Kinh để mua sắm). Thực ra Quảng Châu cũng thơ mộng lắm, chứ không chỉ có tắc xe và ô nhiễm đâu.

Trở về khách sạn gần nửa đêm, tôi không chỉ được ngắm nhìn vẻ đẹp của “người nông dân” ngủ, mà cũng xách được về đủ cơ số quà.

Chúng tôi lên đường đi Thâm Quyến không có hướng dẫn tiếng Việt đi cùng, nên tôi phải làm công việc bất đắc dĩ: hướng dẫn viên trên đường. Cũng may là có nhiều người muốn thể hiện mình nên chỉ sau vài phút tôi yên tâm xuống cuối xe ngồi ngồi, thả hồn về tự do…

Cái nóng và nắng của Thâm Quyến chẳng mến khách tý nào cả. Trung Hoa Cẩm Tú đẹp như thế mà ai cũng chỉ muốn mau chóng rời nó để lên xe. Hướng dẫn mới tên là Trần Thắng, quá bận rộn với chiếc điện thoại di động, dường như muốn nhường phần giới thiệu lại cho tôi thì phải, khiến cho mớ kiến thức ít ỏi của tôi về Trung Quốc có dịp đem ra khoe hết trơn…

Ăn trưa xong, chẳng ai hứng thú đi Cửa Sổ Thế Giới, mặc dù được nghe kể là hay lắm đấy. Một vài người đề nghị về khách sạn tắm vì không thể chịu nổi cái nóng, nhưng phải mất 70 km vừa đi về thì quá xa xỉ, nên đành phải “nhắm mắt đưa chân” vậy. Để đỡ khổ, tôi gợi ý mọi người đi tàu điện trên cao để ngắm nhìn toàn bộ phong cảnh một lần, và nhiều người hưởng ứng, mặc dù phải bỏ ra 20 tệ (khoảng 40.000đ). Tôi tin là tôi đã không nghe lầm khi thấy hướng dẫn tuyên bố miễn phí, và có thể đi 1 hoặc 2 vòng tuỳ ý. Thật sự tôi cũng không trông thấy anh ta mua vé, ấy thế mà, trên đường ra sân bay về nước, khi những đồng tiền cuối cùng đã được mời ra khỏi túi, anh ta mới thu tiền vé, khiến mọi người dở mếu dở cười.

Không còn hứng thú lắm với nơi này nên tôi chọn một chỗ râm mát ngồi nghỉ. Nhưng sự an nhàn của tôi bị kết thúc nhanh chóng bởi sự tấn công nhanh gọn, bất ngờ của những con “dĩn” (tôi nghĩ thế). Chỉ mấy phút mà tôi đã ngứa hết cả chân tay. Thôi, bóng mát ơi, chào nhé! Tôi tìm đường ra cổng và gặp ngay cậu hướng dẫn lười biếng đang ngôi đung đưa chân trên một bậc thềm cao. Thấy tôi, cậu ta nhảy vội xuống, rất “ga lăng”, đi mua ngay một chai nước, và phân trần. Thì ra ngày hôm nay cậu ta đã phải đưa 2 đoàn vào những điểm tham quan này rồi nên ớn quá. Tuy tôi cũng muốn thông cảm với cậu ta, nhưng thâm tâm tôi không hài lòng.

Lần đầu tiên tôi được xem biểu diễn ở đây (sáng 10 giờ, chiều 4 giờ). Du khách chắc sẽ rất thích, nhất là trẻ em khi được gặp lại những nhân vật nổi tiếng trong thế giới cổ tích của các nước trên thế giới.

Sắp tới giờ, chúng tôi ra điểm hẹn. Ngồi một lúc, tôi thấy lái xe ra hiệu mời vào xe cho mát, tôi thấy anh ta thật tốt, và cảm thấy thượng xót cho anh khi xe phải nổ máy chạy điều hoà hơn một giờ để chờ cho đủ những du khách không bao giờ đúng hẹn.

Chia tay với Thâm Quyến không mấy vui vẻ. Chúng tôi gặp trục trặc với những đồ tắm trong khách sạn. Tối hôm trước, khi vào trong phòng tắm tôi đã phát hiện ra những món đồ phải trả tiền khi dùng. Vì chưa có danh sách đoàn trong tay nên tôi ra hành lang gào to để những ai hiểu tiếng Việt đều có thể nghe thấy “thông báo khẩn” đó. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều cái đầu quen thuộc ló ra và yên tâm rằng mọi người đã biết được chuyện hệ trọng đó. Rất cẩn thận tôi còn dặn lại anh Việt trưởng đoàn thông báo các tầng khác. ấy thế mà khi trả phòng vẫn có 4 phòng bị “dính”. Có người thì vì không biết mà “chết”, có người thì vì chút máu “tham”, còn một bác thì vì sỹ diện với …vợ, lôi tất cả ra để giới thiệu và bà vợ muốn kiểm chứng nên bóc hết. Kết quả là hơn trăm Tệ phải trả oan, mà trong lòng một vài người còn có điều oán trách.

Trước khi ra sân bay chúng tôi còn khoảng 2 giờ lang thang trên đường Bắc Kinh để làm nốt nghĩa vụ quà cáp cho người thân.

Chuyến máy bay cuối cùng trong hành trình cũng cất cánh muộn. Một chuyến đi nhiều kỷ niệm và cũng có nhiều điều không được hài lòng.

Quế Nga – Trung Quốc, tháng 8/ 2002

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *